Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Một Chữ Tâm - Sương Lam

thu-phap-chu-tam-6.jpg
Đây là bài số bốn trăm bảy mươi hai (472) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ OregonThời Báo, Portland, Oregon.  Nhân gian thường nói "nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định". Theo thiển ý cùa người viết, có thể hiểu  như sau: "việc uống, việc ăn trong cõi đời này, đều do ý Trời định sẵn" Chúng ta, những người bình thường sống trong cõi nhân gian này thường cho rằng những việc bình thường hằng ngày đều do ý Trời sắp đăt vì có người thì ăn uống cao lương mỹ vị,  lại có người thì đói khát lầm than. Tại sao có kẻ được sinh vào nơi lầu vàng gác tía, có kẻ phải sống không có một mái nhà che mưa che nắng. Ấy có phải là do duyên nghiệp hay chăng?  Và cái gì đã tạo nên duyên nghiệp đó?
<!> 
Nhà Phật thường dạy nguời có Tâm lành thì sẽ yêu thích làm việc lành, tạo nên phước báu.  Người có Tâm ác thì  có thể sẽ làm việc ác, tạo ra nghiệp tội và kết quả cuả việc làm việc lành, việc ác này sẽ được giải quyết và  phán xét với Luật Nhân Quả.
Cái Tâm của con người là quan trọng nhất của kiếp sống con người cho nên chúng ta phải biết "Điều Phục Tâm và An Trú Tâm" để có thể làm được nhiều điều tốt lành khi đang sống trong cõi Ta Bà này.

 Người viết đã có phúc duyên đến tu học đề tài này dưới sự thuyết giảng của Thượng Toạ Thích Tánh Tuệ trong ngày chủ nhật 7 Tháng 7 vừa qua tại Bửu Hưng Tu Viện, Vancouver, WA. 
 Thượng Toạ Thích Tánh Tuệ, trụ trì chùa Vạn Phước, San Diego, đã hứa khả 4 thời pháp trong hai ngày tu học Thứ Bảy 7-6-19 và Chủ Nhật 7-7-19 tại Tu Viện Bửu Hưng Vancouver, WA để hướng dẫn đại chúng hành trì lời Phật dạy, để đời sống tâm linh được thăng hoa trên bước đường giác ngộ và giải thoát.

 Người viết chỉ có phúc duyên tham dự buổi thuyết giảng ngày Chủ Nhật mà thôi với sự giúp đỡ phương tiện chuyên chở của Phật tử Như Từ đã chịu khó đưa đón vợ chồng chúng tôi đến Bưủ Hưng Tu Viện nghe pháp, vì người viết không dám lái xe trên xa lộ đã 14 năm rồi kể từ ngày về hưu và phu quân của người viết cũng thế. Xin tán thán công đức của sư cô Huệ Hương và Phật tử Như Từ trong công việc đưa đón chúng tôi đi nghe giảng pháp

Như quý bạn đã biết, Thượng Tọa Thích Tánh Tuệ cũng là một nhà thơ rất được nhiều  Phật tử quý mến qua những bài thơ, bài văn với văn phong  giản dị, nhẹ nhàng, chuyển đạt những lời khuyên dạy của Phật Gia đến các Phật tử, phải biết  tu tập nững hạnh lành để cho đời sống tâm linh được tốt đẹp hơn.

  Người viết cảm niệm công đức của Thầy đã giúp đỡ tha nhân, đào giếng, tặng quà cho dân nghèo Ấn Độ, là nơi Thượng Toạ đã sống và học tập 12 năm, ban phát tình thương đến những người đáng thương kia. Có nhìn hình ảnh Thầy xăng quần vén áo phụ giúp việc đào giếng và ánh mắt rạng rở niềm vui của dân nghèo Ấn Độ khi thấy giọt nước tươi mát từ cái giếng bơm phun lên mới thấy con người được quý trọng nếu có cái tâm lành, yêu thương mọi người, làm việc thiện lành là đúng.

66308361_839187759801072_7411663120965304320_n.jpg

  Vợ chồng người viết đã từng đi Ấn Đô  năm 2000 và năm 2007 rồi nên hiểu rõ sự nghèo nàn, khốn khổ của dân nghèo Ấn Độ. Họ  phải sống khổ sở trong bầu không khí nóng bức quanh năm trong những làng mạc xa xội thiếu cả những tiện nghi cần thiết cho đời sống: khan hiếm nước uống, môi trường sống dơ bn, buị bặm v..v… Những lầu đài cung đìện nguy nga, tráng lệ chỉ có ở những nơi thành phố sang trọng mà thôi, còn đa số là dân nghèo sống khổ sở còn hơn dân nghéo Việt Nam ngày xưa nữa.

 Vợ chồng người viết chỉ tham dự buổi thuyết giảng ngày Chủ Nhật với đề tài “ Phương Pháp Điều Phục Tâm và An Trú Tâm” rất ích lợi cho việc tu tâm dưỡng tánh của mình.

 Người viết tiếp nhận  những lời thuyét giảng rất giản dị, dễ hiếu về chữ Tâm quyết định tất cả mọi việc làm của ta qua câu “Nhất thiết duy Tâm tạo”.

 Thầy đã  giảng dạy một cách giản dị: “Tâm là sự suy nghĩ, sự hiểu biết về việc đời

Những người già chú tâm về quá khứ, những người trẻ hướng tâm về tương lai. Ít ai định tâm sống trong hiện tại. Người ta thường có tâm vui, tâm buồn, tâm thích, tâm không thích, tâm lo nghĩ, tâm thanh thản, tâm thiện tâm ác, tâm viên ý mã chạy lung tung v..v

 Thầy cũng hướng dẫn từng bước để “Điều Phục Tâm và An Trú Tâm” có thể tóm tắt như sau:

 Có 5 cách:

1-    An trú Tâm : Dùng một cái tâm Thiện thay đổi cái Tâm Bất Thiện với phương  pháp đối trị Tâm

2-    Quán sát sự nguy hiểm của Tâm Bất Thiện, tức là quán sát nhân quả, hậu quả khi làm với cái tâm ác.

    3-  Làm lơ với đối tượng đã làm cho cái Tâm ta không an.

    4-  Đối diện với chính mình để bớt đi dục vọng

 5- Trở về với hơi thở.  Đưa Tâm an trú ở đan điền chứ đừng đưa Tâm trụ ở Trái Tim hay Trí Não chỉ chuốc thêm phiền não mà thôi”

Là một nhà thơ, nên trong phần thuyết giảng, Thầy Tánh Tuệ đã đọc nhiều bài thơ do Thầy sáng tác để buổi tu học thêm phần thiền vị, thanh nhã.

 Sau phần học tập, các Phật tử được nghỉ ngơi ăn trưa trong Chánh Niệm.

 Mỗi người tự lấy phần ăn của mình và ngồi ăn tại chánh điện chùa Bửu Hưng với tâm Chánh Niệm, nhớ ơn người đã tạo ra hạt cơm sau khi  đã phải trải qua nhiều quá trình khổ nhọc từ khi người nông phu gieo hạt, cấy gặt, xàng xẩy thành hạt gạo, chuyên chở, nấu nướng v..v… để trở thành bát cơm chúng ta đang ăn hiện tại.
 Phật tử phải ăn trong im lặng, không được nói chuyện, cười đùa trong bầu không khí thật tĩnh lặng  

Thú thật, người viết chưa quen cách thức ăn trong chánh niệm yên lặng như thế này vì cái tính nghệ sĩ phóng khoáng của tôi, ít chịu gò bó trong khuông mẫu nghiêm khắc của sinh hoạt xã hội, của nhà chùa. Chắc chắn tôi phải được tu tập nhiều lần rồi mới quen dần cách sống chốn thiền môn. Đi tu cũng khó thật đấy vì phải tuân theo nhiều quy luật của nhà chùa.

Nhưng rồi giờ ăn im lặng cũng trôi qua,  Thầy Tánh Tuệ, các ni sư Tánh Không, sư cô Tánh Hải, sư cô Huệ Hương, cùngcác Phật tử đi thiền hành 3 vòng trong chánh điện, vừa đi vừa niệm Phật ”Nam Mô A Di Đà Phật” theo tiếng chuông gõ nhịp của sư cô Tánh Hải, sư cô Huệ Hương.

 Từng bước chân thảnh thơi, nhẹ nhàng rảo quanh chánh điện Bửu Hưng Tu Viện theo nhip chuông này sẽ giúp cho cái Tâm của mình được an trụ theo từng bước chân đưa lên đặt xuống nhẹ nhàng, chậm rãi. Cũng tốt thôi!

IMG_3543.JPG

Ăn cơm xong, chúng tôi xin phép được về nhà vì phu quân tôi bây giờ “tuổi hạc cũng khá cao”, sức khỏe yếu kém nên không thể tiếp tục phần thảo luận tiếp theo vào buổi chiều được. Thế là chúng tôi xin phép Thầy để về nhà nghỉ ngơi.

 Hôm nay chúng tôi được hội ngộ và tu học với Thầy Thích Tánh Tuệ về chủ đề chữ Tâm thật là một phúc duyên tốt đẹp và chúng tôi cũng được học thêm về cách sống bát chánh đao của người Phật tử  nơi chốn thiền môn. Lành thay!

  Người viết có những cảm nghĩ về cái Tâm sau bài học hôm nay:

“Cái Tâm vô tướng vô hình, nhưng lại rât quan trọng trong đời sống con người

Con người đã có sẵn vườn Thiện Tâm Phật Tánh tốt đẹp nhưng vì vô minh che lấp cho nên mảnh vườn Thiện Tâm Phật Tánh đó bị hư hoại, cằn cỗi.  Những chất độc Tham Thân Si, những con sâu dại mang hình thức sắc tướng, ngã mạn, bầu không khí ô nhiểm thanh hương vị xúc pháp thâm nhập tràn đầy trong ngũ căn mắt tai miệng mũi lưỡi của người trần gian đã che mờ cái Chân Như tốt đẹp của mảnh vườn Thiện Tâm đó!  Cho nên muốn cho vườn hoa tươi nở trở lại, chúng ta phải quay về chính tự cái vườn Tâm của chúng ta mà tìm tòi, khám phá ra những chất độc đó, những con sâu bọ phá hoại đó, bầu không khí ô nhiểm đó để diệt trừ.
 Rồi từng ngày một, chúng ta phải săn sóc lại mảnh vườn  Thiện Tâm tốt đẹp đó với các pháp âm trong sáng cao đẹp của  Đức Phật, với lời dạy nhân ái thương yêu của Đức Chúa trên cao, với tư tưởng cao đẹp của các bậc Thánh Hiền đạo đức.
Bạn và tôi cần  vun xới lại mảnh vườn Phật tánh đó với giọt nước cành dương Từ Bi, Hỷ Xả, vun phân bón gốc với  các chất dinh dưỡng của Thập Thiện  Đạo, che mưa tránh gió với những  bình phong lối chắn của Giới Định Huệ,  để mảnh vườn  Thiện Tâm đó phát triển trong Tĩnh Lặng, thanh thoát, đừng để nó thu nhập thêm những chướng khí, gió độc từ bên ngoài đưa đến làm cho những cành hoa  Phật Tâm tốt đẹp kia không thể phát triển nở hoa được.
Tóm lại, chúng ta phải tự “hồi quang phản chiếu”, phải “bản lai diện mục” để nhận thức rằng chúng ta cũng có một vị Phật trong con người của chúng ta, nhưng ta đã bị cái vô minh che lấp  cho nên không phát triển được cái Phật Tánh, cái  Thiện Tâm tốt đẹp đó!
Xin  mượn những vần thơ dưới đây để làm đọan kết cho đôi giòng tản mạn về mảnh vườn Thiện Tâm sẵn có của bạn, của tôi  hôm nay:

66525324_845369822517032_948592812071321600_n.jpg

  Thiện Tâm Của Ta

Hãy tìm lại Tánh Phật Quang đã mất
Trong mê mờ hư ảnh Tham Sân Si
Làm cho ta phải lạc nẻo đường đi
Quanh quẩn mãi trong cõi đời sinh tử

Xin hãy gắng làm việc lành lánh dữ
Dẹp bỏ đi tảng đá của Vô Minh
Quay trở về tìm lại ở chính mình
Để phát triển những tánh linh sẵn có

Tứ Vô Lượng Tâm trổ khai hoa nở
Những hương thơm Nhẫn Nhục với Từ Bi
Giới, Định hương phải quyết chí tu trì
Thì Trí Hụê sẽ hoa khai kiến Phật

Pháp Âm Phật nên lắng nghe thường nhật
Học và Hành để phát triển Thiện Căn
Giọt cành dương sẽ thâm nhập dần dần
Ta sẽ được thoát khỏi vòng sinh tử

Bạn cùng tôi chớ tạo nên nghiệp dữ
Xin gieo vào những hạt thiện mầm lành
Mảnh vườn Tâm sẽ nở đẹp long lanh
Hoa Nhân Ái, Yêu Thương và Hạnh Phúc

  Sương Lam

 Xin mời xem thêm Youtube Chữ Tâm Trong Thư pháp do người viết thực hiện để an trụ Tâm trong một ít phút giây, bạn nhé.

Chữ Tâm Trong Thư Pháp. – YouTube

chu Tam.jpg


Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn - Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 472-ORTB 892-71019)

Không có nhận xét nào: