Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Thiền Có Thể Chữa Bịnh - Sương Lam

61966022_2232003760442944_5925270288093675520_n.jpg
 Đây là bài số bốn trăm bảy mươi  lăm (475) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ OregonThời Báo, Portland, Oregon.Người viết làm kẻ giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn này đã gần 10 năm qua.  Tôi rất lấy làm cảm động và sung sướng khi được nhiều độc giả thương mến và khích lệ.   Tôi vẫn nghĩ:  “những gì phát xuất tự trái tim sẽ đi đến trái tim”. Sự chia sẻ những gì tôi đã đọc, tôi đã biết, đã được những người bạn đồng tâm cảm với tôi đón nhận với niềm vui và quý mến.  Khi tôi nhận được một lời khen, một sự cảm thông về những gì tôi đã trình bày   trên trang báo này tôi có được một niềm vui trong ngày và chắc chắn vị độc giả đó cũng có niềm vui như tôi vì người trao và người nhận đã trao nhau một nụ cười thân mến.

 Theo thiển ý, đó là một phúc duyên. Cũng như việc đến với Thiền cũng là một phúc duyên cho những ai có duyên với Thiền chứ không phải chỉ dành riêng cho Phật Giáo mà thôi vì Thiền đã được áp dụng trong nhiều lảnh vực: y tế, thể thao, văn chương, nghệ thuật v..v…
Người viết xin được chia sẻ với  các bạn một vài điểm chinh được trình bày trong bài viết Thiền: Phương thuốc trị bệnh của tác giả Hồng Quang mà tôi đã đọc được trên internet như sau:
“Con người ai cũng muốn khỏe mạnh không bệnh hoặc ít bệnh, nhưng không ai tránh khỏi hiểm họa nầy. Bác sĩ, y tá được đào luyện, bệnh viện được xây cất, y dược được chế biến cũng nhằm phục vụ sức khoẻ con người. Nhưng bệnh viện không phải là nơi miễn phí mà bệnh nhân luôn luôn được tự do đến đó, và thuốc cũng không phải là thần dược trị được bá bệnh và an toàn không bị phản ứng phụ (side effect). Hơn hai ngàn năm tôn giáo Đông phương có một loại thần dược vô giá không tốn tiền mà nhiều người chưa biết đến, hoặc có biết, có nghe nhưng không chứng minh được lợi ích của loại “thuốc” nầy. Loại thần dược đó là THIỀN.
Khoảng 50 năm qua, nhiều bệnh viện và bác sĩ người Âu không những dùng Thiền để chữa trị bệnh tâm thần mà còn chữa nhiều loại bệnh khác, ngay cả bệnh AIDS (bệnh Sida), bệnh ung thư…Theo tài liệu, có mười thứ bệnh căn bản được điều trị bằng thiền bởi bệnh viện và y giới trên thế giới:  bệnh tim, bệnh viêm gan, bệnh bao tử tiêu hoá, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh AIDS, bệnh ung thư, bệnh đau khớp, bệnh thời mãn kinh, bênh tiểu đường.
Một ví dụ về bệnh tim với DR Dean Ornish như sau:
Nguyên nhân chính do chế độ ăn uống. Thức ăn có quá nhiều mỡ, dầu, muối, quá nhiều thịt và cá nhưng ít rau quả. Về tinh thần thì vì quá lo âu phiền muộn và hay nóng nảy giận hờn. Chế độ ăn uống và tinh thần bất ổn là hai nguyên nhân chính tạo ra nhiều thứ bệnh nhất là bệnh tim. Bác sĩ Dean Ornish viết nhiều tác phẩm trình bày cách chữa bệnh tim như cuốn “Dr. Dean Ornish’s Program for Reversing Heart Disease” (Chương trình phục hồi bệnh tim của Bác sĩ Dean Ornish).
Hơn 10 năm trước đây một bài trên Nhật báo Los Angeles Times cho biết, BS Dean Ornish chữa những bệnh tim hiểm nghèo cần phải mổ, nhưng ông không mổ mà chỉ áp dụng ba phương pháp là cho bệnh nhân ăn chay, tập thể dục và ngồi thiền. Kết quả đạt 85%. Các hãng bảo hiểm sức khỏe (Health Insurance Companies) lớn như Blue Cross, Blue Shield, Mutual of Omaha tài trợ cho mỗi người bệnh 3.500 Mỹ kim để chữa bệnh tim theo phương pháp nầy. 
Bác sĩ Herbert Benson và các đồng nghiệp của ông làm việc trong các phòng thí nghiệm và giảng dạy tại đại học y khoa Harvard (Mỹ), thường khuyến khích thực hành lối Thư Giãn để chữa bệnh. Trong cuốn sách có tựa đề “Kết quả việc thư giãn” (The Relaxation Response) chứng minh rằng một người ngồi thiền từ 10 đến 20 phút mỗi lần, ngày hai lần là có thể chữa trị được các chứng bệnh về tim, cao áp huyết, đau nhức kinh niên, mất ngủ thường trực và nhiều loại tâm và thân bệnh khác. Các bệnh nầy sinh ra do tình trạng căng thẳng nơi những con người quá ham muốn; ham giàu, ham quyền, ham của.”

(Nguồn: Thiền-Phương thuốc trị bịnh- tác giả Hồng Quang- sưu tầm trên Net)
1556896843811blob.jpg

Người viết không chuyên về lảnh vực y khoa nên không dám lạm bàn vấn đề này có đúng hay không?  Người viết chỉ chia sẻ với bạn đọc những gì người viết đã đọc và thấy có ích lợi cho tinh thần và kiến thức của bạn mà thôi nhé!  Riêng thiển ý, khi có bịnh chúng ta  cần phải được bác sĩ điều trị đúng bịnh.  Bên cạnh đó, niềm tin và tinh thần an lạc, thư giãn sẽ làm tăng khả năng chống bệnh tật của bạn và Thiền giúp con người có khả năng đó.  Bạn có đồng ý với tôi chăng?
Xin mời quý bạn đọc mẫu chuyện vui vui về Thiền như sau:
Tất cả đều là Thiền

          Có một du tăng nghe tiếng Thiền phong của sư Vô Tướng cao diệu, muốn tìm đến tranh biện Thiền Pháp. Nhưng gặp khi sư Vô Tướng vắng nhà, chỉ có sa di theo hầu ra tiếp :
– “Sư phụ vắng nhà, có chuyện chi tôi có thể tùy ứng thay người”
Du tăng :”Ngươi hãy còn quá nhỏ, không được”.
Sa di :”Tuổi tuy nhỏ chứ trí tuệ không nhỏ à”
Du tăng nghe vậy, bèn dùng ngón tay vẽ một vòng tròn nhỏ, chỉ về phía trước. Sa di dang hai tay vạch một vòng tròn lớn. Du tăng giơ một ngón tay, Sa di giơ năm ngón tay. Du tăng giơ ba ngón tay ra, Sa di chỉ tay vào mắt.

Du tăng kính sợ quỳ xuống lạy ba lạy, quay đầu bỏ đi. Vừa đi vừa nghĩ:Ta dùng tay vẽ một vòng tròn nhỏ chỉ về phía trước, ý hỏi Sa di kia rằng: Trí lực của người được bao lớn? Sa di dang tay vẽ một vòng lớn, ý trả lời: Rộng lớn như đại dương. Ta lại giơ tay  chỉ tới, ý hỏi tự thân anh ta như thế nào ? Anh ta giơ năm ngón tay, ý trả lời: Thọ trì ngũ giới. Ta lại giơ ba ngón tay, ý hỏi: Tam giới ra sao ? Anh ta chỉ vào mắt, ý trả lời tam giới đều trong mắt. Một Sa di thị giả mà cao minh như vậy, thì không biết hạnh duệ thiền sư Vô Tướng còn uyên thâm đến bậc nào nữa. Nghĩ lại, ta bỏ đi là thượng sách !


Sau đó, sư Vô Tướng trở về. Sa di thuật lại chuyện và nói :
 – “Thưa sư phụ, không biết tại sao vị du tăng ấy lại biết trước đây còn làm nghề bán bánh. Ông ta vẽ một vòng tròn nhỏ, ý hỏi : Bánh nhà ngươi to cỡ nào ? Con dang hai tay, ý trả lời :Có to lớn gì đâu !.. Ông ta chỉ tay, ý hỏi : Một cái giá mấy ngàn? Con giơ năm ngón tay, ý trả lời : Năm ngàn. Ông ta lại giơ ba ngón tay, ý hỏi : Vậy Ba ngàn có được không? Con chỉ tay vào mắt, ý trả lời : Không được, ông không phân biệt được bánh ngon, bánh dở à !. Không ngờ, ông ta lại bỏ đi”.
Sư Vô Tướng nghe rồi, nói : “Tất cả đều là Pháp, Tất cả đều là Thiền ! Này, Sa di, ngươi có hiểu không?”

Sa di ngơ ngẩn, đứng lặng.

Người ta nói: Phật pháp xem trọng cơ duyên. Mà Thiền, chính là cơ duyên. Nếu hiểu được như vậy, thời không lúc nào là không Thiền, không chỗ nào là không Thiền, không người nào là không Thiền, không chuyện gì là không Thiền. Còn nếu không hiểu, thời nói năng huyên thiên không can hệ gì đến Thiền. Trong lịch sử Thiền, có thuyết trà của sư Triệu Châu, thuyết bánh của sư Vân Môn, đó đều là Thiền cả. Tục ngữ có câu “Người nói vô tâm, người nghe hữu ý”, cho nên sư Vô Tướng nói tất cả đều là Pháp, tất cả đều là Thiền vậy. (Theo Chan Gushi)

 Mời quý thân hữu đọc và xem youtube bài thơ Vội đầy thin vị của Thầy Thích Tánh Tuệ, để cho cái "tâm viên ý mã" của mình có đưọc dăm ba phút nghỉ ngơi
Theo thiển ý, đó cũng là một phương thức chữa bịnh nhẹ nhàng cho cái tâm lao xao của chúng ta nơi trần thế.

Vôi Vã đi lại.jpg
VỘI

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp vội chia xa.
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già.


Vội sinh, vội tử, vội một đời 
Vội cười, vội khóc vội buông lơi.
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!
Vội vã tìm nhau, vội rã rời...


Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa.
Ngoài hiên, đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua.


Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra.
''Đáy nước tìm trăng'' mà vẫn lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà...


Vội quên, vội nhớ vội đi, về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!
Có ai Giác lộ bàn chân vội
''Hỏa trạch'' bước ra, dứt não nề...


Như Nhiên Thích Tánh Tu


Và  mời xem

Youtube Bài thơ Vội của anh Ngọ Nguyễn

https://www.youtube.com/watch?v=wvCLvCHHNNk


Motcoithiennhanphatsen.jpg

Xin cảm niệm công đức Thầy Thích Tánh Tuệ và cám ơn anh Ngọ Nguyễn nhé.
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 475-ORTB 73119)
Sương Lam

Không có nhận xét nào: