Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

‘Việt Nam nên kiện Trung Quốc giống như Phillippines’ - VOA

Trung Quốc đã từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và đối đầu với lực lượng chấp pháp của Việt Nam hồi năm 2014

Trung Quốc đã từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và đối đầu với lực lượng chấp pháp của Việt Nam hồi năm 2014 Để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục có các hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông về lâu dài, chính phủ Việt Nam nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc như là Philippines từng làm hồi năm 2013, một chuyên gia của Mỹ nhận định với VOA.
Kể từ đầu tháng 7/2019, các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã đối đầu với một tàu thăm dò của Cục Địa chất Trung Quốc với sự hộ tống của lực lượng tuần dương xung quanh Bãi Tư Chính (thuộc quần đảo Trường Sa) vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển).
<!>Mặc dù Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh qua nhiều kênh và yêu cầu Bắc Kinh ‘rút tàu thăm dò ngay lập tức’ nhưng cho đến nay tàu thăm dò Trung Quốc vẫn chưa rời đi mặc dù Bắc Kinh cho đến nay ‘không xác nhận sự hiện diện tàu của họ trong khu vực’, theo AFP.
Hồi năm 2014, một giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc cũng đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xung quanh đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa và chỉ rút đi sau gần ba tháng sau khi Việt Nam có những hình thức phản đối quyết liệt qua các kênh ngoại giao, truyền thông và trên thực địa.
‘Giới hạn đỏ’
Trả lời VOA bên lề Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington D.C. hôm 24/7 về làm sao Việt Nam có thể ngăn ngừa những vụ xâm phạm tương tự như thế trong tương lai, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS, nói bà tin rằng ‘khởi sự kiện Trung Quốc sẽ là một bước đi rất hay’.
“Đó sẽ là một bước đi rất quan trọng và tôi sẽ không đánh giá thấp tác động của nó (đối với Trung Quốc),” bà nói.
Mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS không thể phán quyết về tranh chấp chủ quyền hay phân định ranh giới trên biển, nhưng họ có thể phán quyết liệu hành động của Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển nào đó hay không. Đó là cách mà Manila chọn để nêu vụ kiện hồi năm 2013 và cuối cùng Tòa ra phán quyết có lợi cho họ.
“Bên cạnh đó Việt Nam nên tăng cường xây dựng năng lực trên biển để làm tăng khả năng răn đe Trung Quốc,” bà Glaser nói thêm.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng Việt Nam ‘không thể xây dựng một hạm đội ngang hàng với Trung Quốc’ nên công cụ chủ yếu của Việt Nam là ‘ý chí chính trị để cho Trung Quốc biết rằng Việt Nam sẵn sàng sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình’.
Đó cũng là con đường mà Hà Nội nên làm để giải tỏa thế bế tắc hiện nay xung quanh Bãi Tư Chính, bà Glaser khuyên.
“Việt Nam nên làm rõ với Trung Quốc, cho dù là công khai hay kín đáo, rằng nếu họ không rút tàu thì Việt Nam sẽ nghiêm túc cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa,” bà nói và cho rằng Hà Nội nên nói rõ với Bắc Kinh ‘đâu là giới hạn đỏ’ mà Bắc Kinh không thể vượt qua.
“Bởi vì khu vực này rất rõ ràng là nằm trong vùng đặc quyền Kinh tế của Việt Nam,” bà giải thích. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thắng kiện. Đó là điều mà tôi nghe từ các luật sư về hàng hải.”
Bà nói rằng mặc dù Việt Nam đã phản ứng với Trung Quốc cả về mặt ngoại giao và trên thực địa và dù Mỹ có lên tiếng bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhưng điều đó chưa đủ để khiến Trung Quốc rút tàu đi.
Tuy nhiên, hạn chế của việc kiện ra PCA là tòa án này không có cơ chế thực thi phán quyết và Trung Quốc có quyền từ chối tham gia vào vụ kiện như cách họ đã từng làm với vụ kiện của Philippines. Hơn nữa, sau khi PCA ra phán quyết trao chiến thắng cho Manila hồi năm 2016, Bắc Kinh đã tìm đủ cách lung lạc chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đến nỗi ông Duterte gần như bỏ lơ phán quyết này.
‘Bắc Kinh không thể ngồi yên’
Khi được hỏi về tính toán của Bắc Kinh khi tung tàu thăm dò vào quấy rối tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào lúc này, bà Glaser cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh ‘nghĩ rằng họ không thể ngồi yên không làm gì cả trước dư luận trong nước khi thấy rằng lợi ích của họ bị đe dọa’.
Bà Glaser chỉ ra hành động của Việt Nam hợp tác với công ty dầu khí Rosneft của Nga khoan các giếng dầu mới ở Bãi Tư Chính mà Trung Quốc cũng tuyên bố có ‘chủ quyền lịch sử’ trong đường chín đoạn (quyền này đã bị PCA bác bỏ) ‘đã khiến Trung Quốc tức tối’
“Khi mà COC (Bộ Quy tắc Ứng xử) đang được đàm phán thì không bên nào trong khu vực có những bước đi mới nhất là trong việc khai thác dầu,” bà phân tích. “Do đó tôi nghĩ rằng họ (Bắc Kinh) đang tìm cách tỏ dấu hiệu rằng họ không thể bị lợi dụng’.
Bà Glaser nói rằng những nhân tố đằng sau hành động của Bắc Kinh là ‘Việt Nam không có hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ’ và ‘đánh giá rằng Mỹ cũng không thể làm gì được’.
“Có lẽ họ đánh giá thấp phản ứng của người dân Việt Nam vốn từng bị kích động từ hành động của họ mà lẽ ra họ không nên làm,” bà nói với ý nhắc đến các cuộc bạo loạn của một số người dân Việt Nam hồi năm 2014 để phản đối sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
“Họ cũng có lẽ phần nào cho rằng Mỹ đang bị phân tâm với tình hình Trung Đông với căng thẳng dâng cao giữa Mỹ với Iran,” bà nói thêm.
Theo nhà phân tích này, hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về quân sự là điều Việt Nam nên tính tới nhưng bà không cho rằng Việt Nam nên cân nhắc liên minh quân sự với Mỹ như kiểu của Philippines.
Trả lời câu hỏi có phải Mỹ đang có bước tiến mới về lập trường trên Biển Đông vốn lâu nay vẫn là ‘không chọn phe trong tranh chấp chủ quyền’, chuyên gia cao cấp của CSIS này nói rằng ‘Mỹ không từ bỏ lập trường trung lập trên vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông’.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những lời lẽ mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc ở bãi Tư Chính là ‘bắt nạt’, ‘khiêu khích’ và ‘đe dọa an ninh năng lượng khu vực’.
“Những gì mà tôi nhìn thấy Mỹ đang làm là mở rộng phạm vi tuyên bố về lợi ích của Mỹ trong khu vực,” bà phân tích.
“Dưới chính quyền Barack Obama và trong giai đoạn đầu của chính quyền Donald Trump chúng ta có thể thấy sự nhấn mạnh vào tự do hàng hải,” bà nói thêm và cho rằng đây luôn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Điều mà chính quyền Trump giờ đây đang làm là ‘mở rộng phạm vi định nghĩa về lợi ích của Mỹ để nhấn mạnh việc bảo vệ những quyền hợp pháp của các nước trên Biển Đông bất kể nước lớn hay nước nhỏ’ .
Bà Glaser đánh giá rằng đây là một diễn tiến quan trọng đối với các nước như Việt Nam và Philippines bởi vì họ có lợi ích về năng lượng và nguồn lợi thủy sản trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ và cũng là một sự ‘mở rộng quan trọng trong lợi ích của Mỹ’.
“Đây là một thách thức trực tiếp đối với tuyên bố của Trung Quốc rằng các nước có tranh chấp phải hợp tác cùng khai thác với Trung Quốc trên Biển Đông và bất cứ sự khai thác đơn phương nào cũng cần có sự đồng ý của Trung Quốc. Điều này [sự ép buộc của Trung Quốc] đã diễn ra nhiều năm rồi,” bà Glaser nói.

Không có nhận xét nào: