Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Thiên Thạch - Huy Lâm


Năm 1998, điện ảnh Hollywood cho trình làng một cuốn phim khoa học giả tưởng có tựa đề “Armageddon” (Trận chiến cuối cùng) kể câu chuyện một tảng thiên thạch đang trên đường lao thẳng vào trái đất. Nếu như không kịp thời ngăn lại hay tìm cách cho nó bay chệch hướng thì khi va vào trái đất, tảng thiên thạch này sẽ tạo ra một cơn địa chấn cực mạnh và loài người cùng tất cả các loài muông thú khác sẽ bị tiêu diệt. Lẽ đương nhiên cuốn phim kết thúc có hậu và tảng thiên thạch cuối cùng đã bị bắn nát trước khi nó gây ra thảm hoạ. Tháng 5 vừa qua, một nhóm khoa học gia quốc tế đã gặp nhau trong một cuộc hội thảo khoa học tại College Park, một địa điểm gần thủ đô Washington, để giải quyết một vấn đề cấp bách là làm thế nào để ngăn cản một tảng thiên thạch đang lao vào trái đất.
<!>
Các nhà thiên văn học làm việc tại một đài thiên văn đặt trên đỉnh núi ở Hawaii vừa khám phá một tảng thiên thạch rộng chừng 250 mét, được đặt tên là 2019 PDC, còn đang ở cách trái đất 35 triệu dặm. Về kích cỡ, đây là một tảng thiên thạch tương đối nhỏ nếu so với tảng thiên thạch rộng sáu dặm mà các nhà khoa học tin rằng đã quét sạch các loài khủng long khi tảng đá khổng lồ này va vào trái đất cách nay 65 triệu năm. Tuy nhiên, với một tảng thiên thạch nhỏ đó đang bay với vận tốc 31,000 dặm một giờ, và nếu nó đụng vào trái đất, cú va đó có thể phát ra một sức nổ ngang bằng 500 triệu tấn chất nổ TNT – mạnh hơn khoảng 10 lần so với trái bom nguyên tử lớn nhất hiện nay.
Các khoa học gia tại một phòng thí nghiệm của NASA tính ra rằng tảng thiên thạch đó hướng tới thành phố Denver. Nếu người ta không thể làm cho nó chệch hướng, hai triệu người sẽ phải di tản và cả thành phố sẽ thành bình địa.
Mặc dù bầu trời vẫn chưa sụp đổ ngay, nhưng câu hỏi cơ bản là làm thế nào để giải quyết một vấn đề cấp thiết như thế. Nhiều nhà khoa học cho rằng cách hiệu quả nhất để đối phó với mối đe dọa từ một thiên thạch cỡ nhỏ là phóng lên đó một phi thuyền không người lái có trang bị một đầu đạn nguyên tử để nổ tung thiên thạch kia hoặc là đẩy cho nó đi chệch hướng một chút. Tuy nhiên, việc sử dụng nguyên tử sẽ gặp phải một số rào cản nghiêm trọng trên thế giới hiện nay. Phóng vũ khí nguyên tử lên không trung, thậm chí dù là để cứu nguy cho một thành phố hay một khu vực nào đó, sẽ gây mối hoang mang lo lắng cho nhiều người dân và có thể vi phạm những hiệp ước quốc tế về phi quân sự hoá không gian.
Do đó, sau một số buổi thảo luận gay cấn, các khoa học gia trong cuộc hội thảo đã quyết định phóng một dàn phi thuyền “động lực học” phi nguyên tử và không người lái lên thiên thạch. Loại phi thuyền này chứa một khối lớn kim loại đặc và va thẳng vào thiên thạch, với hy vọng không phải là huỷ diệt thiên thạch nhưng làm giảm vận tốc của nó đi một phần thật nhỏ. Bằng cách này, cho đến khi thiên thạch bay tới cái điểm hẹn đã được đoán trước với trái đất, thì hành tinh của chúng ta đang sống sẽ có đủ thì giờ để di chuyển trên quỹ đạo của nó về phía trước, vượt qua điểm hẹn đó, và tảng thiên thạch sẽ bay ngang qua mà không quẹt vào trái đất.
Ít nhất trên lý thuyết là như vậy. Các cơ quan không gian như NASA, Cơ quan Không gian Âu châu, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đều đồng lượt phóng lên những phi thuyền “động lực học” của họ. Ba trong số đó tông vào thiên thạch. Tảng thiên thạch bị đẩy đi chệch hướng và sẽ không va trúng vào trái đất. Thành phố Denver đã được cứu. Điều không may là một trong những phi thuyền được phóng lên đã vô tình làm vỡ một mảnh vụn có chiều rộng khoảng 50 mét, và mảnh vụn này nay nằm trên đường bay thẳng tới thành phố New York.
Niềm hy vọng duy nhất là phá huỷ mảnh vụn này bằng một đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên, dàn phóng hoả tiễn liên lục địa có gắn đầu đạn nguyên tử đã không được thiết kế để bắn hạ thiên thạch trên không gian, và người ta không còn đủ thời gian cho sửa lại để có thể phóng một phi thuyền nguyên tử đánh chặn mảnh vụn thiên thạch kia. Thành phố New York sẽ phải lãnh chịu cú va đó. Nhiều triệu người sẽ phải di tản, mảnh thiên thạch phát nổ ngay tại công viên Central Park và khu vực Manhattan bị xoá sổ trên bản đồ.
Câu chuyện trên đủ để làm người nghe phải sởn tóc gáy, tuy nhiên, có điều may mắn đây chỉ là câu chuyện tưởng tượng của nhóm khoa học gia giả thử đưa ra để tìm một giải đáp tốt nhất cho bài toán thiên thạch. Thật hú vía! Khu vực Manhattan vẫn còn nguyên vẹn. Thành phố Denver vẫn bình an vô sự. Và mặc dù chỉ là tưởng tượng nhưng về khía cạnh khoa học thì câu chuyện trên có lẽ cũng không xa sự thực bao nhiêu. Cuộc bày trận giả mà các khoa học gia đã làm tại cuộc hội thảo có thể xem như một lời nhắc nhở rằng sự đe doạ của những thiên thạch ngoài không gian không phải là câu chuyện khoa học giả tưởng trong tiểu thuyết hay trong phim ảnh mà là một vấn đề nghiêm trọng cần phải đề phòng trước khi nó thực sự xảy ra.
Trên thực tế, cơ hội để một tảng thiên thạch có khả năng tiêu diệt toàn thể nhân loại là rất nhỏ, ít nhất là trong tương lai gần. Sự kiện một tảng thiên thạch va vào trái đất gây ra tàn phá cho một khu vực và làm biến đổi khí hậu toàn cầu chỉ xảy ra trung bình một lần trong khoảng 100,000 năm hoặc hơn. Ở một mức độ khác, trái đất của chúng ta vẫn thường xuyên bị những tảng thiên thạch nhỏ lao vào, và hầu như luôn bị bốc cháy hay vỡ tan thành nhiều mảnh vụn ngay từ trên tầng cao của bầu khí quyển, tạo ra những vệt sao băng hay hiện tượng quả cầu lửa trên không trung trông thật ngoạn mục nhưng hầu như không gây chút nguy hiểm nào. Một ví dụ là vào Tháng 12 năm 2018, một tảng thiên thạch rộng chừng 10 mét phát nổ trong bầu khí quyển bên trên biển Bering với sức nổ của khoảng hơn một chục trái bom nguyên tử thả ở Hiroshima, nhưng ngoại trừ một vài vệ tinh nhân tạo và hệ thống cảm ứng bị trục trặc đôi chút, hầu như hoàn toàn không nghe ai nói tới.

Mối đe dọa trực tiếp nhất đối với trái đất không phải từ những tảng thiên thạch lớn nhất hay nhỏ nhất mà từ những tảng có kích cỡ ở giữa. Trong hai thập niên qua, những “thợ săn thiên thạch” đã cùng với NASA và các cơ quan không gian quốc tế khác nhận diện và theo dõi khoảng hơn 20,000 tảng thiên thạch đang bay gần với trái đất. Trong số đó, khoảng 2,000 thiên thạch được xếp loại là có tiềm năng gây nguy hại, nghĩa là những thiên thạch có kích cỡ đủ lớn (khoảng hơn 150 mét đường kính) để có thể phá hủy một khu vực nhỏ và bay ở khoảng cách gần vừa đủ với trái đất để một ngày nào đó có thể trở thành mối đe dọa.
Điều đáng mừng là các khoa học gia không nghĩ là có bất cứ tảng thiên thạch nào đã được nhận diện sẽ đụng trái đất trong vòng ít nhất một thế kỷ nữa. Có một vài tảng sẽ đến rất gần, ví dụ, vào một ngày Thứ Sáu 13 Tháng 4 năm 2029, một thiên thạch rộng chừng 300 mét tên Apophis sẽ bay ngang trái đất cách khoảng 19,000 dặm, gần hơn so với một số vệ tinh nhân tạo đang bay ngoài kia.
Tuy nhiên, điều đáng lo là còn hàng trăm ngàn thiên thạch bay gần trái đất, nhỏ có to có, đến nay vẫn chưa được nhận diện. Các khoa học gia vẫn chưa biết chúng ở đâu và đường đi nước bước của chúng ra sao. Vào ngày 15 Tháng 2 năm 2013, một thiên thạch tương đối nhỏ, rộng khoảng 20 mét, bay với vận tốc 43,000 dặm một giờ phát nổ trong tầng khí quyển gần thành phố Chelyabinsk của Nga, và sức nổ của nó đã làm 1,500 người bị thương. Không một ai thấy trước thiên thạch này bay tới.
Do đó, công việc truy tìm và theo dõi những thiên thạch hiện chưa được nhận diện là điều cấp bách và cần phải phát giác càng sớm càng tốt.

Đến nay vẫn chưa có một phương pháp đánh chệch hướng thiên thạch nào đã từng được thử nghiệm trong điều kiện của một không gian thực, và như cuộc trận giả tại buổi hội thảo mà các khoa học gia đã thử cho thấy, sử dụng một kỹ thuật chưa được thử nghiệm luôn luôn đưa đến rủi ro là có thể phạm phải những sai lầm nghiêm trọng khi thực hiện.
Cơ quan NASA dự định đến năm 2021 sẽ cho thử nghiệm phương pháp đẩy chệch hướng với kỹ thuật “động lực học” như nói ở trên, nhắm thẳng vào một thiên thạch có thật nhưng không gây nguy hại có tên là Didymos. Trong tương lai sẽ còn có thêm nhiều cuộc thử nghiệm nữa trước khi người ta có thể đạt được một vài thành tựu về khả năng phòng chống thiên thạch.
Trong suốt chiều dài lịch sử 4.5 tỷ năm, trái đất của chúng ta đã từng bị những tảng thiên thạch lớn mạnh va vào hàng nhiều triệu lần, và chắc chắn là sẽ còn bị va thêm nữa, có thể trong vòng hai thế kỷ tới hoặc cũng có thể là trong một vài ngày tới. Do đó, câu hỏi ở đây không phải là liệu nhân loại có sẽ phải đối đầu với viễn cảnh một thiên thạch có sức tàn phá đang bay về phía trái đất hay không, mà câu hỏi là khi nào thì xảy ra. Và đó mới chính là điều phải lo ngại vì chúng ta vẫn còn đang loay hoay tìm câu trả lời.

Huy Lâm

Không có nhận xét nào: