Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Sống Mỗi Ngày Một Lần Thôi - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh một buổi cắm trai
Những đêm đầu tiên ngủ lều nhà binh trong trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam, tôi dỗ giấc ngủ bằng cách tự nhủ cuộc ra đi của vợ chồng tôi và bốn đứa em là chuyến đi cắm trại dài ngày trên một hòn đảo ngoài khơi Tuy Hòa tỉnh Phú Yên.  Ở thành phố nhỏ bé hiền hòa và sạch sẽ đó, gia đình tôi đã sống hơn năm năm, và ngày hè như khoảng thời gian này trong năm tôi thường về thăm.  Giống như tháng Năm ở Tuy Hòa, thời tiết Guam ôn hòa, ban ngày nhiều nắng ấm, và trời chỉ mưa về đêm vì mùa mưa mới bắt đầu.  Nửa khuya, những hạt mưa rơi lộp độp trên mái lều đánh thức tôi và nhắc nhở rằng chúng tôi đang bước vào cuộc đời phiêu ngụ trôi giạt nơi đất khách quê người. 
<!> 
Guam cách xa Tuy Hòa gần bốn ngàn cây số và nằm trong cùng vĩ tuyến, có diện tích rộng hơn một phần mười tỉnh Phú Yên, và không nhỏ bé hay gần đất liền như hòn Chùa, hòn Mái Nhà, hòn Yến, và cù lao Xanh hoang sơ và tuyệt đẹp của quê hương.
Trong “Thành phố Lều” này, những thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày được cung cấp miễn phí, và để nhận lãnh phải xếp hàng chờ phiên mình trên căn bản tới trước tiếp trước.  Lần đầu tiên tới văn phòng hội Hồng thập tự nhờ gửi thư, tôi quen thói không nhìn trước ngó sau, xồng xộc sấn tới trước mặt nhân viên phụ trách, và bị một anh lính Mỹ trẻ ngăn lại đưa ngón tay trỏ hướng lên trời và nhã nhặn nhắc, “One line, please (Xin xếp hàng một).”  Tôi thẹn đỏ mặt không nói nên lời và từ đó chừa cái thói quen chen lấn đã ăn sâu trong xương tủy từ . . . bốn ngàn năm văn hiến.
Một lần khác, tôi đứng xếp hàng chờ lấy thức ăn, một anh lính Mỹ trẻ thấy hàng tôi khá dài bèn ngoắt tôi tới gần bằng cách cong ngón tay trỏ hướng lên trời và co duỗi lui tới như (người Việt) gọi chó rồi chỉ sang một hàng mới mở.  Tôi nổi dóa bước tới định xạc “thằng con nít hỗn láo” một mách và “dạy cho nó một bài học.”  May sao Quỳnh Châu đứng cạnh kéo tay tôi giải thích đó là lối gọi tới gần thông thường của người Mỹ.  Lối gọi của người Việt (giơ cánh tay ngang vai, để lòng bàn tay nhìn xuống đất, và vẫy vẫy cả bốn ngón tay) người Mỹ dùng để chào từ giã người đang rời đi.  Tôi quê một cục và từ đó hết đường lấy le (làm cho oai để lên mặt) với vợ rằng ta đây cũng giỏi tiếng Anh không kém gì mấy tay du học ngoại quốc về.
Lúc nhập trại, chúng tôi được chỉ tới căn lều ở Khu 5, khu xa nhất và nằm gần bìa rừng.  Hai ngày sau, Khu 5 chỉ còn lại gia đình tôi, và các lều khác đều trống trơn vì sau khi biết lề lối tổ chức trong trại, người ta kéo nhau dời về các khu gần bộ chỉ huy để ban ngày nghe rõ thông báo và nhắn tin trên hệ thống truyền thanh chỗ đông, ban đêm tiện tụ hợp ở “Ngã Năm Quốc tế,” và nhất là thấy an toàn hơn.
Tôi thích vắng vẻ và ngại chung đụng với người chưa quen nên bằng lòng với căn lều gần bìa rừng cho đến ngày cuối cùng trước khi chuyển sang trại Andersen trong căn cứ Không quân Andersen để lên máy bay vào (lục địa) Hoa kỳ.  Chúng tôi không có gì để sợ mất vì tài sản mỗi đứa vỏn vẹn một chiếc xắc tay nhỏ đựng bộ áo quần và giấy tờ tùy thân.  Những xấp giấy bạc năm trăm và một ngàn đồng mẹ cho nằm trong chiếc cặp da, một tài sản kếch xù ở Sài gòn, nay là mớ giấy lộn vô giá trị.  Dưới hố tiêungoài trời, tôi thấy đầy dẫy hai thứ giấy bạc đó, mới toanh và có lẽ bị sở hữu chủ uất nộ liệng bỏ chứ giấy bạc mới khó có thể dùng làm giấy vệ sinh.
                    
Ngã Năm Quốc tế là tên đặt cho khoảnh đất tráng nhựa nằm tại giao điểm của hai con đường chính của trại là phi đạo cũ thời thế chiến thứ II.  Ngả đường thứ năm là đoạn đường ngắn dẫn vào nhà để máy bay cũ nay làm nơi đặt bộ chỉ huy trại.  Văn phòng hội Hồng thập tự, trạm phát thanh thông báo tin tức, pi-ếch (PX, viết tắt của Post Exchange là quầy hàng Quân Tiếp vụ), v.v. trong các trailer (nhà rơ-moóc, do tiếng Pháp “remorque,” có thể dùng xe kéo đi và đặt ở nơi mong muốn) bằng gỗ mới toanh đều nằm quanh Ngã Năm Quốc tế.  Ban đêm những kẻ vừa lìa quê hương đến đây tìm người quen, trao đổi tin đồn, và cùng nhau đoán già đoán non những gì sẽ xảy ra cho mình.
Một tối tôi đang thèm thuồng nhìn thiên hạ ra vào pi-ếch mua sắm thì bỗng hiện ra trước mặt một hình dáng quen thuộc – anh Hán con bà cụ chủ nhà trọ và là người anh đỡ đầu thời tôi còn là sinh viên trường kỹ sư.  Sau mẹ, anh là người tôi mong ước gặp lại nhất.  Với nụ cười nửa miệng cố hữu, anh đùa,
            “Ô kìa, ai như cậu Ba Hoa?  Tôi biết thế nào cũng gặp cậu ở ngoài này; sức mấy mà cậu bị kẹt lại.”
            “Anh Hán . . .  Làm sao anh ra khỏi Sài gòn?” tôi la lớn và nhảy tới nắm chặt tay anh.
“Tôi có anh bạn làm trung tá Hải quân, anh ta rủ tôi và Dư là chú em rể chồng cô Thảo đem gia đình lên tàu ra Phú Quốc lánh nạn.  Có ngờ đâu tàu chở mình tới vịnh Subic ở Phi Luật Tân rồi chuyển lên tàu Green Wave (Sóng Xanh) sang đây.”
“Em cũng tới Guam bằng tàu Green Wave như anh.  Thế chị Uyên đâu?”  Chị Từ Uyên giáo sư trường trung học Trưng Vương là vị hôn thê của anh.
            “Ngày 28 tháng Tư tôi đến Trưng Vương giục Uyên về nhà thu xếp và đến chỗ hẹn lên tàu Hải quân để cùng đi.  Chờ mòn con mắt không thấy cô ấy đến, tôi đànhđơn thân độc mã ra đi một mình,” ánh mắt của anh buồn tênh.
* * *
Đợt di tản bằng tàu ập tới Guam trong cuối tuần lễ thứ hai và đầu tuần lễ thứ ba của tháng Năm khiến dân số của Thành phố Lều lên tới hơn 50 ngàn người, hơn một nửa cư dân trên đảo.  Trong hai tuần lễ tiếp theo, số phận của những kẻ lưu lạc rất mù mờ vì Quốc hội Hoa kỳ, cơ quan nắm giữ hầu bao của quốc gia, đang ở trong kỳ nghỉ.  Chúng tôi được bộ Quốc phòng nuôi ăn ở trong chiến dịch Đời Mới, nhưng bộ Ngoại giao và bộ Y tế, Giáo dục, và An sinh chưa được chuẩn chi và chưa thể công bố chương trình giúp đỡ dân tỵ nạn.  Thời gian này, tôi gặp bạn là Toàn giảng viên toán dạy hai trường như tôi:  Đại học Cơ bản Thủ Đức ở Phú Thọ và Đại học Kỹ thuật Minh Đức ở Phú Nhuận.  Vợ chồng Toàn và đứa con nhỏ di tản bằng tàu Việt nam Thương tín.  Toàn mừng rỡ mời tôi về lều và xin tiền vợ vào pi-ếch mua một xâu bia Budweiser sáu lon đãi tôi.  Toàn chỉ người bạn ở chung lều, một thanh niên trạc tuổi tôi đang ngồi ủ rũ,
            “Ba Hoa biết Kích em rể Kim dạy bên trường Điện mà.  Kích đi cùng tàu với vợ chồng mình.”  Kim là bạn đồng khóa kỹ sư và dạy Ngành Điện ở Phú Thọ cùng với tôi.
            “Ủa, vậy chớ bà xã Mỹ Diễm đâu?  Hình như hai người có con rồi, phải không?” tôi hỏi Kích.
            “Dạ, tụi em có đứa con trai sáu tháng.  Cả tháng trước, em và Diễm bàn bạc nát nước về chuyện đi hay ở.  Nàng nghe lời anh Kim là một kẻ bài Mỹ, và khư khư ôm con ở lại.  Em đành phải chia tay, nhảy xuống tàu ra đi, và giờ bơ vơ một mình.”
Kích ôm mặt khóc rưng rức,
            “Từ hôm qua đây, đêm nào em cũng trằn trọc nhớ vợ thương con; em nhận ra mình đã mất hết lẽ sống trên đời và quyết định sẽ xin về Việt nam.  Bằng bất cứ cách nào, dù chết cũng về.”
            “Bọn mình khuyên hết lời, về tới nơi chưa được gặp gia đình vợ con đã bị tụi nó tóm cổ bắt giam biệt tích rồi, nhưng không lay chuyển được Kích,” Toàn xen vào rồi đổi đề tài và hãnh diện cho biết, “Vợ chồng mình sẽ đi Gia Nã Đại chứ không thèm ‘chơi’ với anh Mẽo cao bồi dở trò ma giáo bỏ rơi miền Nam khiến mình mất nước.”
            “Làm sao Toàn may mắn như vậy?”
            “Ông già vợ mình dạy học ở Đại học Montréal nói tiếng Pháp ở Montréal thuộc tỉnh Québec; ổng đã làm giấy tờ bảo lãnh bọn mình.”
Vào một tối đi phất phơ ở Ngã Năm Quốc tế, tôi gặp Sử và Trung; hai anh là kỹ sư điện vào trường trước tôi một năm và ra trường làm việc cho công ty điện lực.  Sử là cựu học sinh lycée Yersin Đà Lạt và nổi tiếng bay bướm và nhảy đầm điệu nghệ nhất trường Điện; anh đi một mình.  Trung quen thân với tôi hơn vì hồi đó anh ở trọ cùng với thằng Song bạn tôi trong cư xá Lữ Gia đối diện cổng trường và nằm phía bên kia đường Nguyễn văn Thoại; Trung đi với vợ mới cưới và chưa có con.  Sử chia sẻ tin tức sốt dẻo,
            “Pháp và Gia Nã Đại gửi phái đoàn vào trại tuyển mộ di dân với chủ ý vớt chất xám của trại Orote Point, chỉ nhận bác sĩ và kỹ sư, và chừa lại đám ‘danh ca’ cho Mỹ. “Danh ca” (“đánh cá” không bỏ dấu tiếng Việt) là lối gọi mỉa những ngư dân.
            “Mấy ông thầy mình ở trường kỹ sư đều xin đi Pháp vì ngày trước mấy ổng học và làm việc bên đó,” Trung kể tên một lô giáo sư cũ.
            “Những người lớn tuổi đều xin đi Pháp vì Gia Nã Đại không nhận ứng viên trên 55 tuổi.  Bọn Điên (do âm trong “Canadien” tiếng Pháp) nói thẳng là chúng tôi không muốn nhọc công vô ích vì sau khi huấn luyện để có thể dùng được thì anh đến tuổi về hưu,” Sử gượng cười.
Hôm sau, tôi lên văn phòng phái đoàn Gia Nã Đại đặt trong căn trailer trên mái trương cờ lá phong đỏ để xem thử.  Tôi gặp Sử và Trung đang sửa soạn vào phỏng vấn, hai anh cho biết hôm đó là ngày chót phái đoàn Gia Nã Đại nhận người nên tôi vội vàng xin đơn điền tại chỗ.  Nhân viên phỏng vấn tôi là một thiếu phụ trẻ đẹp và kênh kiệu, cô đọc lướt các chi tiết cá nhân và gia đình và khinh khỉnh hỏi tôi bằng tiếng Anh,
            “Tại sao anh muốn nhập cư Gia Nã Đại?”
            “Tôi là kẻ vô tổ quốc không có chỗ dung thân.  Quốc gia nào đồng ý nhận mà tôi thấy sống được thì đến sinh cơ lập nghiệp.”
            “Nếu được nhận, anh làm được gì cho Gia Nã Đại?” cô nhíu mày hỏi tiếp.
            “Vợ chồng tôi là giáo chức đại học, các em đều có triển vọng thành người học thức và hữu ích, và gia đình tôi sẽ phục vụ xã hội hữu hiệu không thua kém ai,” tôi đã sửa soạn câu trả lời này đêm qua.
            “Anh có thân nhân ở Gia Nã Đại không?” mắt cô không rời khỏi bản khai của tôi.
“Dạ không, nhưng tôi có bạn du học ở Montréal và Ottawa.  Tôi có tên và địa chỉ của họ, nếu cô cần.”
Bấy giờ cô mới ngẩng mặt lên,
            “Không cần.  Tôi đã cứu xét đơn và quyết định nhận vợ chồng anh và ba người em dưới 21 tuổi làm ngoại kiều thường trú tại Gia Nã Đại.”
            “Vậy còn Sang em trai 24 tuổi của tôi?” tôi ngạc nhiên hỏi lại.
            “Chúng tôi không thể nhận anh ta,” mặt cô đanh lại.
            “Tại sao?  Tôi tưởng . . .”
            “Anh ta là cựu quân nhân của chế độ Nam Việt nam.  Và trên 21 tuổi không kể là thành viên của gia đình anh,” cô ngắt lời tôi; lời nói của cô nhắc nhở tôi trong bảy năm qua, ông thủ tướng Gia Nã Đại thường tỏ ra thiên vị phe Cộng.
            “Cám ơn cô và xin lỗi đã làm cô mất thì giờ.  Gia đình tôi không thể bị phân ly,” tôi đứng dậy đi ra.
Sử và Trung đứng bên ngoài nói cười tíu tít.  Trung sung sướng báo tin,
            “Tụi moa được nhận đi định cư ở tỉnh Québec nói tiếng Pháp.  Ngày mai qua quân y viện bên trại Andersen khám sức khỏe và nếu mọi việc suôn sẻ, ngày kia tụimoa rời trại bay sang Montréal bằng chuyến bay đặc biệt của hãng Canadian Air Pacific.  Đó sẽ là chuyến cuối cùng của đợt di cư đi Gia Nã Đại từ đảo Guam.”
Bạn tôi đi Gia Nã Đại; tôi nằm lại Orote Point mà không hề buồn hay thất vọng.  Vui buồn không xảy ra tình cờ, đó là do chúng ta lựa chọn.  Tôi chọn sống mỗi ngày một lần thôi và tận hưởng những thứ hiện có hôm nay:  ngày ba bữa có người nấu cơm cho ăn, đêm ngủ an toàn trong lều, ban ngày ra bãi biển ngắm trời xanh nước biếc, và ban đêm tìm bạn bè tán gẫu.  Hôm qua là quá khứ, không thể thay đổi.  Ngày mai chưa tới, tội gì mà lo lắng cho mệt óc?
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 24 tháng Tư, 2019

Không có nhận xét nào: