Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng. Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Trên thực tế, khó mà nói hết vai trò hết sức sâu sắc của tạp chí Playboy đối với hàng triệu lính và nhân viên dân sự Mỹ có mặt ở Việt Nam trong suốt cuộc chiến: để giải trí, đúng, nhưng quan trọng hơn nó còn là nguồn tin tức, và thông qua mục trao đổi thư từ dày đặc, nó còn là một nơi để tâm sự và xưng tội. Playboy không chỉ có giá trị đối với những người lính nói riêng mà còn với cả quân đội nói chung. Ấn phẩm này đã trở thành một liều thuốc tinh thần hữu ích, đôi khi còn hơn cả những lá thư vốn được mong mỏi từ quê nhà. Playboy ghi dấu ấn lên cuộc chiến bởi nó là sự kết hợp độc đáo giữa phụ nữ, các mục tiện ích, với bình luận xã hội và chính trị, biến nó trở thành một di sản đáng kinh ngạc về sự can dự của Mỹ tại Việt Nam.<!>
Chuyên mục nổi tiếng nhất của tạp chí này là “Playmate,” nằm ở hai trang chính giữa. Tổng biên tập và cha đẻ của Playboy, Hugh Hefner, có sẵn trong tâm trí hình ảnh người phụ nữ mà ông muốn miêu tả. Playmate, ban đầu được giới thiệu với cái tên “Sweetheart of the Month,” là đại diện cho hình mẫu lý tưởng của Playboy. Nàng yêu nghệ thuật, chính trị, và âm nhạc. Nàng tinh tế, vui vẻ, và thông minh. Quan trọng hơn, người phụ nữ lý tưởng này cũng quan tâm đến tình dục nhiều như người đàn ông lý tưởng được mô tả trong tạp chí. Nàng không theo đuổi đàn ông để kết hôn, mà để thỏa mãn cho nhau và bầu bạn.
Người mẫu Playmate khác với những biểu tượng gợi cảm của Thế chiến II, dù đi theo di sản của họ. Hefner muốn tạo ra hình ảnh của những phụ nữ có thực mà độc giả của họ có thể gặp được trong cuộc sống hằng ngày – bạn học cùng lớp, thư ký, hay hàng xóm – thay cho hình ảnh những phụ nữ được cách điệu hoá và thường là người nổi tiếng của thế hệ trước đó. Dâm dục nhưng quen thuộc, hình tượng “cô gái nhà bên” là người bạn hoàn hảo cho những người lính đóng quân tại Việt Nam. Vẻ đẹp và sức hấp dẫn của người Mỹ được thể hiện chủ yếu bởi các cô người mẫu xa lạ đã nhắc nhở những người lính trẻ về những phụ nữ mà họ bỏ lại ở quê nhà, vì ai mà họ chiến đấu – và, nếu sống sót, họ sẽ được trở về với họ.
Playmate và các chuyên mục hình ảnh khác trong tờ tạp chí còn phục vụ một mục đích khác cho quân đội Mỹ tại Việt Nam, dù không chủ ý. Những hình ảnh và bức vẽ thường là thô tục của Playboy đã truyền tải những chuẩn mực xã hội và tình dục đang thay đổi ở Mỹ. Sự xuất hiện của người mẫu da màu, năm 1964 là China Lee, và năm 1965 là Jennifer Jackson, phản ánh thái độ thay đổi về chủng tộc. Nhiều người lính đã viết thư cho tạp chí và các người mẫu Playmate để cảm ơn sự xuất hiện của họ trên Playboy. Đặc biệt, những người lính da đen còn cảm thấy hình ảnh của cô Jackson đã mở rộng hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp mà Hefner dành cho họ. Xem những hình ảnh này buộc tất cả người dân Mỹ phải suy nghĩ lại về định nghĩa cái đẹp của họ.
Theo thời gian, Playmate đã dần thúc đẩy ranh giới của các chuẩn mực xã hội và cả các định nghĩa pháp lý khi họ đăng nhiều ảnh khoả thân hơn. Tờ Washington Post viết rằng các tù nhân chiến tranh người Mỹ đã “rất sốc” khi nhìn thấy ảnh khỏa thân trong một tờ Playboy lậu trên chuyến bay về nhà vào năm 1973. Sự khỏa thân, tính dục và sự đa dạng được thể hiện trong những bức ảnh ấy đại diện cho những thái độ mang tính dễ dãi hơn về tình dục và vẻ đẹp mà những người lính đã bỏ lỡ trong những năm bị giam cầm.
Sự hấp dẫn của Playboy đối với lính Mỹ không chỉ dừng lại ở Playmate. Họ thực sự đã đọc cả tờ tạp chí vì các bài viết. Tạp chí thường xuyên cung cấp các bài viết đặc biệt, xã luận, các bài bình luận và quảng cáo tập trung vào lối sống và giải trí của nam giới, bao gồm thời trang cao cấp, du lịch nước ngoài, kiến trúc hiện đại, công nghệ mới nhất, và xe hơi sang trọng. Playboy tự định hướng mình trở thành kim chỉ nam cho những người đàn ông mong muốn đạt được tầm nhìn về cuộc sống tốt đẹp của Hefner, bất kể họ ở San Diego hay Sài Gòn.
Với các thanh niên đang phục vụ ở Đông Nam Á, có độ tuổi trung bình là 19, thi hành quân dịch thường là công việc đầu tiên cho họ thu nhập khả dụng. Họ đọc tạp chí để được tư vấn về những món đồ nên mua, những chiếc xe tốt nhất và những món đồ thời trang mới nhất – các loại sản phẩm mà họ thường mua được ở một trong những trung tâm trao đổi lớn tại các căn cứ của Việt Nam hay các trung tâm mua sắm đang mọc lên nhanh chóng, chẳng khác gì các món hàng mua được ở nhà.
“The Playboy Advisor,” chuyên mục tư vấn của tạp chí, khuyến khích mọi người đặt câu hỏi về tất cả các loại chủ đề, từ loại rượu tốt nhất đến tình hình cổ phiếu ở nhà, đến tư vấn phòng the, đến cách làm quen với cuộc sống thường dân. Binh lính xem Playboy như một công cụ hữu ích để tìm ra vai trò của mình trong một thị trường định hướng tiêu dùng mà giờ đây họ đã có thể tham gia vì tính cơ động và thu nhập mà nghĩa vụ quân dịch đã cho họ.
Nội dung của tờ tạp chí đã vượt ra ngoài lối sống và giải trí khi sứ mệnh của nó được phát triển. Trong những năm 1960, Playboy đã cho đăng nhiều bài viết thẳng thắn về các vấn đề xã hội, văn hoá và chính trị quan trọng mà nước Mỹ đang phải đối mặt, thường được viết bởi các nhà báo đoạt giải Pulitzer, các nhà lãnh đạo trong chính phủ hoặc quân đội, và các cây bút văn chương hàng đầu. Tạp chí đã đề cập đến các chủ đề như nữ quyền, phá thai, quyền của người đồng tính, chủng tộc, các vấn đề kinh tế, phong trào phản văn hóa, và các vụ bỏ tù hàng loạt – những thứ binh lính không thể thấy trong tờ Stars and Stripes. Tạp chí Playboy còn cung cấp các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với mọi tên tuổi, từ Malcolm X đến lãnh đạo Đảng Nazi Mỹ George Lincoln Rockwell, giúp những người lính trẻ biết đến các lập luận và ý tưởng về chủng tộc và quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi mà có thể họ đã không được giới thiệu ở quê nhà. Nghĩa vụ ở Việt Nam khiến nhiều binh lính được tiếp xúc trực tiếp với các chủng tộc và các nền văn hoá đa dạng, và Playboy đã giới thiệu cho họ những ý tưởng và lập luận mới về các vấn đề xã hội và văn hoá ấy.
Ngay từ năm 1965, Playboy đã bắt đầu cho chạy các bài viết về Chiến tranh Việt Nam, với lập trường biên tập thể hiện sự phản đối leo thang xung đột. Dĩ nhiên, về chuyện này đội ngũ biên tập đã rất thông minh: Quan điểm của họ có thể chỉ trích tổng thống, chính quyền, các nhà lãnh đạo quân sự và chiến lược, nhưng họ cũng đảm bảo rằng những người viết bài sẽ làm hết sức mình để ủng hộ binh lính. Năm 1967, lính Mỹ được đọc lập luận của nhà kinh tế học tự do John Kenneth Galbraith rằng “không phần nào trong lý lẽ ban đầu” giúp biện minh cho cuộc chiến là “còn nguyên vẹn,” khi ông bác bỏ ý tưởng về sự thống nhất thành một khối của chủ nghĩa cộng sản và các biện minh cho cuộc chiến khác liên quan đến Chiến tranh Lạnh. Nhưng điều đó khác với việc công kích quân đội. Năm 1971, nhà báo David Halberstam viết trong một bài báo cho Playboy rằng “chúng ta ngưỡng mộ lòng dũng cảm và chủ nghĩa lý tưởng của họ, sự can đảm và sự cống hiến của họ khi đối mặt với những vấn đề bất tận. Chúng ta tin rằng họ là những đại diện tốt đẹp nhất của xã hội Mỹ.” Binh sĩ ở Việt Nam có thể quay sang Playboy để biết tin tức về cuộc chiến của chính họ mà không sợ mình bị chỉ trích.
Playboy cũng hữu ích trong vai trò là một diễn đàn cho những người đang tham gia cuộc chiến. Ấn phẩm này độc nhất ở số lượng các chuyên mục tương tác. Binh lính có thể gửi bài cho các mục như “Dear Playboy” để được tư vấn hoặc thể hiện phản ứng với các bài báo. Nhưng các thông tín viên ấy cũng được tự do kể lại những kinh nghiệm và mối lo thời chiến của mình. Họ thường mô tả cái mà họ coi là sự đối xử bất công của quân đội, thảo luận về những khó khăn trong việc trở lại cuộc sống dân thường, hoặc cảm ơn tờ tạp chí đã giúp họ vượt qua thời gian ở nước ngoài. Năm 1973, một người lính, R. K. Redini ở Chicago, đã viết cho Playboy về sự trở về của mình. “Một trong những thứ khiến chuyến đi Việt Nam dễ chịu hơn là được đọc Playboy hàng tháng,” ông nói. “Chắc chắn nó đã giúp tất cả chúng tôi quên đi những vấn đề của mình – dù chỉ trong một lúc ngắn ngủi. Tôi cảm ơn quý vị, không chỉ vì bản thân tôi, mà còn vì hàng ngàn người khác đã tìm thấy rất nhiều niềm vui trong tờ tạp chí của quý vị.”
Trong “The Playboy Forum,” một chuyên mục dành cho độc giả khác, nhiều người đã bình luận về những khía cạnh cụ thể trong loạt bài dài “The Playboy Philosophy” của Hefner về ma túy, vấn đề chủng tộc và đồng tính luyến ái trong quân đội. Hình thức diễn đàn cho phép những người đang phục vụ tại Việt Nam tiếp cận không chỉ với những người lính khác, mà còn với cả công chúng, cho họ một không gian an toàn để nói lên ý kiến và phê bình về quân đội. “Trong truyền thống, một người lính muốn phàn nàn thì sẽ được bạn bè khuyên nên thổ lộ với cha tuyên úy, hoặc báo cho tổng thanh tra, hay viết thư cho nghị sĩ của mình,” một người lính chia sẻ. “Bây giờ, có lẽ nhờ những lá thư về sự bất công trong quân đội trong The Playboy Forum, một tòa án thượng thẩm khác đã được thêm vào danh sách.”
Tầm quan trọng của tạp chí Playboy đối với những người lính ở Việt Nam đã vượt khỏi những trang Playmate. Họ thậm chí còn mượn linh vật con thỏ và logo của tạp chí để sơn lên máy bay, trực thăng, và xe tăng. Họ vẽ hình con thỏ trên các mảnh vá quần áo, và dùng từ “playboy” trong các mật hiệu và biệt danh. Đón nhận biểu tượng của Playboy là một cuộc nổi loạn nhỏ đối với quy tắc của đời sống quân đội, đồng thời là một bằng chứng về tác động của tờ tạp chí đối với cuộc sống và tinh thần của những người lính.
Và Playboy đã đáp lại sự ủng hộ này. Rất lâu sau khi cuộc chiến kết thúc, họ vẫn tài trợ cho các phim tài liệu về cuộc chiến, nghiên cứu về thuốc khai hoang và các nghiên cứu về rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (của cựu chiến binh). Đó là một cam kết chứng tỏ mối quan hệ lâu dài giữa ấn phẩm này và những người lính, và cho thấy Playboy là một di sản đáng kinh ngạc đến thế nào của một trong những cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.
Amber Batura là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử tại Đại học Kỹ thuật Texas.
Andy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét