Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Làng cổ Quảng Nam và những người lính nghĩa quân - THỦY NHƯ

Một người bạn gởi cho tôi một YouTube video về làng cổ Lộc Yên. Tôi thật sự ngây người về vẻ đẹp yên bình của những ngõ đá phủ rêu, những khu vườn trái cây xanh mát, cánh đồng lúa chín vàng và những ngôi nhà cổ với những nét chạm trổ tinh xảo. Làng Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Gần đây nhiều du khách tìm đến thăm ngôi làng độc đáo này. Xem video làm tôi nhớ căn nhà của cậu và dì tôi ở Kỳ Bình, Tam Kỳ, Quảng Nam.<!>

Nhà của cậu tôi là của ông ngoại để lại. Nhà hai dì ở hai làng kế bên. Mỗi lần về quê ngoại, tôi thường ở nhà cậu dì mỗi nhà vài bữa. Cũng như những ngôi nhà cổ ở Lộc yên, nhà cậu dì tôi có những cây ăn trái bao bọc xung quanh. Dẫn lối vào nhà là những ngõ dài với những kè đá phủ rêu và dương xỉ. Đằng sau những bờ đá là những hàng chè tàu được cắt xén vuông vức. Rồi những cây cau cao vút với những cành lá cong duyên dáng. Trước sân nhà có sân gạch để phơi lúa, khoai, đậu, mè và củi.
(Hình: Làng Cổ Lộc Yên-T4 Tiên Cảnh/Tâm Lê Văn/Google Maps)

Phía góc nhà thường có cái quay gió bằng toàn gỗ kể cả những cây đinh. Đó là những cánh quạt hình vuông được lắp lại với nhau. Bao bọc bên ngoài là những miếng gỗ mỏng làm thành khung hình trụ tròn ngắn. Phía bên trên có cái phễu hình vuông để đổ lúa vào. Một miếng gạt nhỏ cũng bằng gỗ bên dưới để điều chỉnh lượng lúa chảy xuống từ cái phễu. Cái quay gió này dùng để giê lúa sau khi phơi khô. Anh chị họ tôi đổ lúa vào trong phễu và cho tôi quay thử. Cánh tay ốm tong của tôi bấy giờ chỉ quay được vài cái là hết sức. Chị họ tôi đứng kế bên một tay quay với tôi, một tay mở cái gạt cho lúa đổ xuống chậm chậm. Lúa lép và rơm bị thổi tung ra ngoài. Những hạt lúa chắc chảy xuống thúng ba ang, hứng bên dưới máy. 

Cối xay lúa làm bằng tre 

Cái quay gió cũng để thổi vỏ lúa sau khi lúa đã xay cho tróc vỏ trong cối làm bằng tre. Xay xong, lúa trở thành gạo lứt. Sau đó gạo lứt được đem giã trong cối đá đạp bằng chân. Đó là một thân cây gỗ nặng, một đầu có gắn cái chày gỗ giã vào cái cối đá bên dưới. Một khung gỗ làm chân đứng, chôn dưới đất gần đuôi cây để đỡ thân cây giống như một cây bập bênh trong các công viên ở Mỹ. Cuối đầu kia là một hục nhỏ. Phía bên trên là một thanh gỗ nhỏ được treo bằng hai sợi dây thòng xuống từ rường của ngôi nhà. Đạp chân vào đuôi cây, cái chày nhấc lên. Thả chân ra, cái chày rớt xuống cối. 

Tôi nhớ anh họ tôi tay cầm cuốn sách đọc, chân đạp giã gạo. Tôi cũng được thử giã gạo vài lần. Lúc đó, tôi còn bé tí chưa với tới thanh ngang để giữ tay phía bên trên. Tôi thường một tay níu lấy áo anh, còn tay kia vịn vào cây cột bên hông để khỏi bị té. Tôi không biết bắt theo nhịp đạp của anh nên thường làm cho chày vồng thốc lên làm gạo văng ra tung toé. Những con gà được dịp chạy lại mổ nhanh những hạt gạo vương vãi. Thế là tôi bị ra lệnh chạy đuổi những con gà lì lợm.

Nhà các cậu dì đều có những ghè lớn để đựng lúa khoai. Mẹ kể ông ngoại mua những ghè đó để chứa lúa và cá. Ông ngoại tôi có những cánh đồng lớn. Mùa mưa cá về đầy ruộng. Ông làm những cái nơm, đó, lờ, lợp, trúm bắt cá và lươn về chứa đầy các ghè và lu. Cá để dành ăn mấy tháng không cần đi chợ. 

Khi tôi lớn lên sau năm 75, ruộng lớn bị nhà nước lấy nên nhà không có nhiều lúa. Ruộng nhỏ không còn cá nữa bởi người ta dùng quá nhiều thuốc trừ sâu trên ruộng đồng. Những cái ghè thường trống rỗng, gõ vào nghe loong coong. Đám con nít chúng tôi thường chui vào những chiếc lu ghè để chơi trốn kiếm. Tôi nhớ có một cái ghè thật lớn. Chị em tôi nhảy vào trốn nhưng không leo ra được. May mắn là cậu tôi vừa ở ngoài đồng về, xốc nách tụi tôi kéo ra.

Ngõ đá làng Lộc Yên (Hình: Làng Cổ Lộc Yên-T4 Tiên Cảnh/Trần Cẩm Huân/Google Maps)

Ngõ đá làng Lộc Yên (Hình: Làng Cổ Lộc Yên-T4 Tiên Cảnh/Nguyên Phạm/Google Maps)

Nhà cậu tôi trên nổng cao, có một ngõ dài được lót đá đi xuống đường làng. Những viên đá đủ hình thù, kích cỡ làm mặt đường gập ghềnh chứ không bằng phẳng. Nhà dì tôi ở Văn Hà, nơi có những người thợ mộc nổi tiếng. Những người thợ mộc này đã làm những ngôi nhà chạm khắc tinh vi ở làng cổ Lộc Yên. Có thể những người thợ này đã học cách làm những ngõ đá bằng phẳng và những kè đá vuông vức ở Lộc Yên đem về Văn Hà. Nhà dì tôi cũng có con ngõ dài như nhà cậu nhưng rộng và thoáng đãng hơn nhiều. Ngõ là đường đất bằng phẳng với những bậc thang rộng. Ở mép mỗi nấc thang có những viên đá được lắp bằng phẳng để cản nước mưa làm trôi đất. Hai bên lối đi là vườn có trồng tiêu, cau, mít và cây làm gỗ. Có cả một ngôi mộ lớn xây bằng đá và vôi. Tôi thường ra đó gỡ những mảng rêu xanh chơi xếp đồ hàng với cô con gái út của dì.

Nhà của cậu và các dì đều được chạm trổ rất công phu. Nhà nào cũng có chạm hình rồng, bông hoa sát trên nóc. Những cây xà ngang lớn đều có khắc nét hoa văn, những đường cong uốn lượn. Những cây cột tròn lên nước bóng láng màu đỏ gụ. Mẹ tôi bảo đó là những cây gỗ trong vườn và mua trên nguồn về. Thời ấy chẳng có phương tiện chuyên chở như bây giờ. Chẳng biết ông ngoại tôi đã trả bao nhiêu tiền cho số gỗ để làm nhà. Mẹ kể ông ngoại còn làm một cái tủ thờ chạm trổ rất đẹp. Tôi nhớ cái tủ với nhiều nét chạm trổ trơn láng trên cửa, hai bên hông, và vòng quanh khung tủ. Mẹ bảo ông ngoại mời ông thợ mộc đến nhà làm một năm mới xong cái tủ đó.

(Hình: Làng Cổ Lộc Yên-T4 Tiên Cảnh/Trong Hung Nguyen/Google Maps)

Những video và các bài viết đều ca tụng về những ngôi nhà hàng trăm tuổi của làng Lộc Yên. Tôi lấy làm lạ vì sao những ngôi nhà đó thoát khỏi bom đạn, khói lửa của chiến tranh mà miền Trung thường là tàn khốc nhất. Tôi có những người bà con vùng Tiên Phước từng chạy trốn cộng sản xuống nhà bà con ở Tam Kỳ. Có một ông bác bị trúng đạn cối khi hai bên đánh nhau làm mất một chân. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm nhưng nhớ bác ngồi trước hiên nhà bà con ở Tam Kỳ, cầm cây củi cháy thành than đỏ hơ qua lại cái chân cụt đang kéo da non cho đỡ ngứa. Bác bảo nhiều nhà trong làng bác bị bom dội tan hoang. Nhưng ngôi nhà cổ làng Lộc Yên dường như chẳng hề biết mùi chiến tranh là gì.

Tôi hỏi những người có gốc gác Tiên Phước tại sao làng Lộc Yên còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Họ bảo rằng đó là nhờ có ông xã trưởng và những người lính nghĩa quân giữ kỹ không cho cộng sản lọt vào. Xã Kỳ Bình quê ngoại tôi cũng vậy. 

Ông Lê Phái là trung đội trưởng nghĩa quân cùng với những người lính địa phương đã giữ sự yên bình cho những xóm thôn của họ. Những người lính nghĩa quân đã sinh ra và lớn lên ở đó. Họ quyết bảo vệ xóm làng không để cho cộng sản xâm nhập. Làng xã của họ là vùng an toàn của quốc gia nên không bị bom tàn phá. Nhờ có họ mà nhà cậu và dì tôi vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Nhờ họ mà những làng như Lộc Yên và Văn Hà có những ngôi nhà được gọi là 300 tuổi. Cái giá để trả cho những người lính nghĩa quân ấy là sự tù đày trong những trại tập trung hay là sự hà hiếp, áp bức của chính quyền sau năm 75.

Họ là những người lính không cấp bậc nhưng bị giam giữ năm, bảy hoặc có người đến mười năm. Chẳng được như những ông uý, tá, tướng, sách sử chẳng hề kê tên và công trạng của họ. Những người lính bình dị vô danh trong sử sách đã giữ yên xóm làng, để bây giờ khách tứ phương đến thăm những ngôi nhà cổ độc đáo, với những đường làng có bờ đá mát lạnh cùng những tán cây xanh rì rào trong nắng gió. Xin được cúi chào với lòng biết ơn sâu xa dành cho những người lính nghĩa quân ngày xưa ở Quảng nam quê tôi cũng như khắp miền Nam dấu yêu. 


(6/2019)
Kính tặng ông Lê Phái, Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân xã Kỳ bình, Tam Kỳ, Quảng Nam và tất cả những người lính nghĩa quân, địa phương quân của miền Nam Việt Nam! (Ông Lê Phái vừa qua đời tại Nam Cali vào giữa tháng 6/19 hưởng thọ 87 tuổi)

Không có nhận xét nào: