Tuần vừa rồi siêu thị gần nhà tôi quảng cáo bán sale trái dâu 95 cents một hộp một pound (0.45 kg). So với giá bình thường $2.50/ một pound ($5.5 dollars/1 kg) thì quá rẻ nên tôi lái xe đi mua Tôi không cầu kỳ khó ăn, ăn gì cũng được, nhưng có một thứ tôi muốn thưởng thức hàng ngày là trái cây. Hoa Kỳ thịt thà quá dư thừa, gần đây tôi thấy tội nghiệp cho các súc vật heo, bò, gà, nên muốn giới hạn ăn thịt chúng, thay vào đó là trái cây. Tôi không muốn khi thăng thiên, đứng trước cửa địa ngục là những con vật mà tôi đã tiêu thụ trong đời xếp hàng gân cổ hát cho tôi nghe bài "Anh còn nhớ hay anh đã quên...?", nhắc tôi lại một phần quãng đời đen tối tôi ăn thịt chúng nó.<!>
Đến lúc ấy có hối hận bao nhiêu thì quá trễ. Với cái vé một chiều hạng Phổ thông tiết kiệm - Basic economy (không được sang hơn một tí, hạng Phổ thông linh hoạt - Basic Plus economy) tôi sẽ trực chỉ địa ngục trên chuyến tầu hỏa Thống Nhất nửa đêm về sáng, cùng với bao nhiêu đấng nam nhi khách hàng của những tiệm ăn thịt chó.
Siêu thị Mỹ không phải là chợ ở Việt Nam nên dâu bán rất sạch sẽ, nằm trong hộp plastic trong veo, khách thấy quả đỏ tía, to nhỏ đủ cỡ. Tôi lấy bốn hộp, hai cho tôi, hai cho anh bạn đánh tennis. Khi lấy đến hộp thứ ba, vì tôi không đứng đối diện trực tiếp với quầy dâu mà đứng xoay lưng 90 độ hướng về bên phải của quầy, tôi nghe tiếng Việt của một người đàn bà sau lưng tôi nói với một người khác: "Khoan đừng lấy, để tôi xem mấy hộp bên dưới trái có ngon hơn không?".
Siêu thị họ xếp dâu cao chừng bốn tầng hộp. Mỗi tầng có rất nhiều hộp, có lẽ 4 x 12, có nghĩa là 48 hộp một tầng. 4 tầng là gần 200 hộp. Dâu trong hộp nào hộp nấy đều đẹp đẽ sạch sẽ giống nhau, và vì ngoài nhãn hiệu ghi một pound, tôi chắc chắn số lượng bên trong cũng giống nhau, không gì khác biệt. Vì thế, tôi ngạc nhiên người nào không lấy ngay những hộp dâu trên cùng mà bỏ thì giờ giở tung những hộp dâu ở tầng dưới để chọn lựa. 95 cents cho 1 pound dâu là giá rẻ thối, còn lựa chọn cái gì nữa? Để cho khách đến sau và siêu thị sống nữa chứ?
Xoay lưng lại, tôi thấy người phụ nữ Việt kế bên tôi lấy những hộp dâu ở tầng trên cùng bỏ sang bên phải phía tôi để bà ta "khám nghiệm" những hộp dâu bên dưới.
Tôi nhanh tay lấy nốt hai hộp rồi ra quầy trả tiền, không ở lại xem bà ta sẽ lựa chọn thế nào. Nhưng tôi chắc chắn bà làm những điều tôi không được mục kích: lựa chọn trong những tầng dưới xem hộp nào có trái to hơn, ngon hơn, hay có lẽ đầy hơn những hộp tầng trên cùng.
Khách hàng đi chợ lựa trái tốt để mua không có gì sai lầm. Nhưng hành động đó chỉ được xem là bình thường nếu trái cây bán từng trái: dưa hấu, dứa, mít... chẳng hạn. Khi trái cây bán từng hộp bên trong chứa sẵn nhiều trái ấn định thí dụ như xoài, lê tầu.., không lấy cả hộp với trái đã để sẵn mà thay đổi trái từ hộp này sang hộp khác, ấy là tham lam.
Mỗi lần đi chợ Việt Nam ở Orange County, tôi mục kích không biết bao nhiêu là phụ nữ Việt so sánh từng ly từng tí trái cây trong nhiều hộp khác nhau. Họ đổi những trái to hơn, tốt hơn từ hộp khác để vào hộp mình sẽ mua.
Trường hợp ở đây không khác gì thay đổi trái trong nhiều hộp khác nhau. Thay vì lấy những hộp trên cùng, bà này sẵn sàng bỏ thì giờ tìm đến tầng thứ nhì, thứ ba để lựa dâu tốt hơn (tôi thấy rõ ràng tất cả dâu trong hộp đều như nhau, không khác gì khác biệt). Phải chi hộp dâu đó thật đắt tiền, $95 dollars, thì bà ta còn có thể trưng dẫn lý do là bà ta cẩn thận khi trả một món tiền to lớn. Đằng này hộp dâu chỉ bán có 95 cents, và bà ta sẽ không cảm thấy một tí mảy may khác biệt khi ăn giữa trái bà bỏ thì giờ chọn lựa và trái đã đóng hộp sẵn, thì bỏ thì giờ lựa chọn làm gì?
Hành động của những người này nhất định bày tỏ một cá tính xấu xa của nhân loại: tham. Họ chỉ muốn phần tốt về mình, không quan tâm đến người khác.
"Tham" là gì? Tự điển Merriam Webster giải nghĩa "tham" là thể hiện lòng ham muốn ích kỷ về sự giầu có và của cải.
Tự điển Macmillan giải nghĩa "tham" là lòng mong muốn mạnh mẽ được thêm tiền bạc, vật chất hay quyền lực.
Người tham muốn sở hữu thêm những gì trong cuộc sống, quyết tâm thực hiện ước mong của mình bằng mọi giá. "Những gì" đó là tiền bạc, danh vọng, thực phẩm, vật chất, quyền năng, chức tước...
Một người tham sẽ bày tỏ những cá tính sau đây:
1. Không bao giờ hài lòng: Người tham chỉ yêu thích những gì họ có trong một thời gian tạm thời. Họ dần dần trở nên nhàm chán những gì họ sở hữu vì có những cái khác tốt hơn, nhiều hơn.
2. Không giới hạn mong muốn: Trong sự chạy đua mang về vật chất của cải, người tham sẵn sàng hy sinh đạo đức và lương tâm để đổi lấy mục tiêu họ mong muốn.
3. Chỉ nghĩ về mình, không nghĩ đến người khác: Người tham đặt mình là ưu tiên số một, mình phải được hưởng trước những gì tốt đẹp nên cho dù hành động của họ có thể tạo khó khăn, bất lợi cho người khác, họ không quan tâm.
4. Không nhận lãnh trách nhiệm: Khách hàng đến sau thấy trái cây còn lại không hấp dẫn: nhỏ, xấu xí, hư thối.., họ sẽ không mua, ảnh hưởng siêu thị buôn bán lỗ lã. Người gây ra tài chính eo hẹp cho siêu thị sẽ không công nhận hành động thay đổi trái cây trong hộp là nguyên nhân mang thất thoát cho siêu thị.
5. Muốn lợi, không cần gắng sức: Người tham nằm cạnh gốc cây chờ sung rụng. Họ không quan tâm đến người khác bỏ công lao vun trồng, chăm sóc để một ngày cây có trái. Họ muốn hưởng thụ miễn phí, không dự phần đóng góp.
6. Lợi dụng khe hở của luật lệ trong đời sống: Hai tuần trước tôi có viết bài đi Costco mua bịch giấy vệ sinh. Mỗi khách hàng chỉ mua được một bịch nhưng tôi gian xảo trở lại tiệm một lần nữa để mua bịch giấy vệ sinh thứ nhì. Cho dù Costco đặt luật mỗi người chỉ được mua một, nhưng vì máy tính tiền của họ không biết khách mua hai lần nên tôi thành công. Tôi lợi dụng khe hở của Costco để mang lợi cho tôi, dư biết rằng hành động của tôi làm cho người khác không còn giấy vệ sinh để mua.
Chúng ta ai cũng nghe thành ngữ: "Lòng tham không đáy". Đừng biện hộ cho hành động tráo đổi trái cây bán sẵn trong hộp là "chuyện nhỏ", là không tham lam. Một khi một người đã có lòng mong muốn mang cái tốt nhất về cho mình mà không cần biết hành động mình ảnh hưởng đến sự thất lợi cho người khác, đó là tham lam. Lòng tham không đáy. Nó sẽ không dừng ở thứ nhỏ nhặt trái cây mà sẽ bùng phát to lớn khi đụng đến tiền bạc, của cải, vật chất, quyền hành, chức tước.
Thuyết Phật giáo nói nhân loại ai cũng có "tam độc" lôi kéo chúng ta về nghiệp ác. Trong "tam độc" đó có tham lam: Tham, Sân, Si.
Công Giáo nêu ra bẩy "mối tội đầu" ngăn chận con người đến với Chúa. Trong bẩy tội đó có tham lam: ngạo mạn, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, tham ăn, ghen ghét (đố kỵ), lười biếng (arrogant, greed, lust, wrath, gluttony, envy, sloth).
Để đối phó với Tham, Sân, Si, Phật Giáo nêu ra ta phải sáng suốt, buông bỏ và từ bi.
Công giáo cũng nêu ra bẩy đức đặc biệt để đối chọi với bẩy mối tội đầu: khiêm nhường, từ thiện, trinh tiết, kiên nhẫn, chừng mực, hảo tâm, siêng năng (humility, charity, chastity, patience, temperance, kindness, diligence).
Đối chọi với tham lam, cả Phật Giáo lẫn Công Giáo khuyến khích chúng ta nên từ bi, từ thiện.
Điều này có thể thực hành rất dễ, bất cứ lúc nào. Bận tới nếu chúng ta đi siêu thị mua trái cây bán sẵn trong hộp, hãy bày tỏ tính từ thiện đó bằng cách lựa hộp có trái xấu nhất, nhỏ nhất, xanh nhất, hư thối nhất mua cho mình. Để hộp có trái tốt nhất, ngon nhất cho người khác.
Lương tâm chúng ta sẽ sảng khoái hơn khi biết chúng ta đặt quyền lợi của người khác trước "cái tôi" của mình. Chúng ta trở thành những phần tử giúp ích cho xã hội chứ không lợi dụng xã hội.
Trong thời buổi COVID19 này, ai mà không kính phục những người tặng thức ăn miễn phí cho người thất thế, mất việc? Ai mà không khinh bỉ những người lợi dụng thời cơ, không cần mà cũng xếp hàng đi lấy những phần thức ăn, gạo, như ở Việt Nam?
Làm việc từ thiện không tham lam cũng lây với tốc độ sao xẹt như con coronavirus. Nó sẽ lây trong cá tính từ việc nhỏ nhặt như mua trái cây đến những chuyện to lớn như tiền tài, quyền lực.
Nó cũng sẽ lây từ người sang người: Người thân, bạn bè, sẽ bắt chước hành động của chúng ta đặt quyền lợi người khác trước quyền lợi của mình.
Nhà tranh đấu cho nhân quyền người da đen Martin Luther King Jr. năm 1963 đọc một bài diễn văn trong đó có một câu nổi tiếng: "I have a dream".
"I still have a dream". Gần 60 năm sau, bây giờ đến lượt tôi ước mong xã hội sẽ không còn một người tham lam nữa.
Nguyễn Tài Ngọc
May 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét