Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 30/5/2020 - Hoa Tự Do


image.jpeg
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Cựu Thống đốc Hồng Kông, Chris Patten  Cựu thống đốc Hồng Kông nói ông Tập Cận Bình hiện có mối lo lớn Chủ tịch Tập Cận Bình hiện rất lo lắng về số phận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đang mạo hiểm khi xúc tiến một cuộc chiến tranh lạnh mới nhằm tạo ra bất ổn cho Hồng Kông bằng luật an ninh, ông Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông nói với Reuters. Ông Patten đánh giá, hành động “hiếu chiến” của ông Tập đối với Hồng Kông, thể hiện qua việc nhất quyết cho thông qua luật an ninh đối với hòn đảo tự trị, có thể kích hoạt làn sóng các nhà đầu tư không đổ vốn vào vùng lãnh thổ này, nơi đang giữ vai trò là đầu mối thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung Quốc Đại Lục.<!>
Điều đó có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa rằng những dấu hỏi lớn nghiêm trọng [đang đặt ra] không chỉ với tương lai của Hồng Kông, với tư cách là một xã hội tự do mà còn với khả năng [hòn đảo này] có tiếp tục là trung tâm tài chính quốc tế lớn ở châu Á hay không”, ông Patten nói, và cảnh báo rằng sẽ có nhiều người muốn rời bỏ Hồng Kông.

Đài Loan: Nếu có WHO ‘phiên bản mới’, quốc đảo sẽ tích cực tham gia

Bình luận về việc Hoa Kỳ quyết định cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có kế hoạch chuyển nguồn tài chính đang hỗ trợ tổ chức này sang một tổ chức mới, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, Trần Thời Trung, hôm thứ Bảy (30/5) cho biết, Đài Loan sẽ sẵn sàng tham gia bất kỳ tổ chức y tế toàn cầu mới nào, theo Taiwan News.
Trước đó, vào hôm 29/5, Tổng thống Trump, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, đã chỉ trích năng lực yếu kém của WHO trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán và nói rằng tổ chức này đã giúp Trung Quốc hạ thấp nguy cơ của loại virus chết người. Ông Trump nói rằng, Hoa Kỳ sẽ chuyển nguồn tiền tài trợ của WHO sang những tổ chức khác trên thế giới xứng đáng với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe toàn cầu hơn, tuy nhiên không cho biết “những tổ chức khác” là những thực thể đã có hay cần được thành lập mới.
Ông Trần nói rằng, Đài Loan hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với Hoa Kỳ trong tương lai và cho biết nếu một tổ chức phòng chống virus Vũ Hán quốc tế mới ra đời, Đài Loan sẽ tích cực tìm cách tham gia.

Nhân sĩ thạo tin tiết lộ: Bất mãn với canh bạc chính trị của Tập Cận Bình, vợ con ông đều bỏ đi

image.jpeg

Tập Cận Bình và Bành Lệ Viện
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” bên phía Bắc Kinh kiên quyết đưa ra đã được giới truyền thông quốc tế mô tả là canh bạc lớn chính trị của ông Tập Cận Bình. Có nhân sĩ thạo tin trong nội bộ ĐCSTQ tiết lộ rằng vợ con ông Tập vì bất mãn với những việc làm của ông nên đã bỏ ông mà đi. Người nhà của ông Tập cũng đều như vậy.
Bắc Kinh đã nhân lúc đại dịch viêm phổi Vũ Hán tàn phá toàn cầu, thừa cơ các nước đang phải lao đao chống dịch mà vung tay gây hấn khắp nơi, rồi đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” bóp chết chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông, dấy lên làn sóng khiển trách mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Tập Cận Bình với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng bị cộng đồng quốc tế lên án vì chơi canh bạc chính trị bất chấp giá nào cũng trả.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của trang “Secretchina” vào ngày 29/5, khi tình hình ở Hồng Kông ngày càng trở nên căng thẳng, có nhân sĩ thạo tin trong nội bộ ĐCSTQ tiết lộ rằng vợ của ông Tập Cận Bình là bà Bành Lệ Viện và con gái là Tập Minh Trạch vì bất mãn với việc ông Tập Cận Bình và chế độ ĐCSTQ chặt đứt tự do của Hồng Kông, nên cả hai đã lặng lẽ bỏ Tập mà đi.
Báo cáo dẫn lời của ông Đường Bách Kiều – chuyên gia các vấn đề chính trị thời sự Trung Quốc, tiết lộ rằng thư ký của một quan chức cấp cao hàng đầu Trung Quốc đã viết thư nói với ông rằng bà Bành Lệ Viện đã chính thức dọn ra ở riêng khoảng tầm từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái và từ chối xuất hiện cùng ông Tập. Mẹ của ông Tập cũng đồng tình với cách làm của bà Bành Lệ Viện. Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã nhiều lần tìm đến bà Bành Lệ Viện để giải quyết các việc, nhưng không sao tìm được.
Ông Đường phân tích rằng điều này có thể liên quan đến vụ việc ở Hồng Kông. ĐCSTQ tàn bạo trấn áp Hồng Kông khiến cả thế giới phẫn nộ. Tập Minh Trạch đi học tại Harvard, có nhiều bạn học và bạn bè người Hồng Kông. Cô đồng cảm với phong trào kháng nghị của người dân Hồng Kông. Bành Lệ Viện lại cùng chung quan điểm với con gái. Cuối cùng, thỏa thuận nội bộ trong gia đình quyết định rằng bà Bành Lệ Viện không còn xuất hiện với tư cách là Tập phu nhân nữa, mọi chuyện sau này cũng không liên quan gì đến bà nữa.
Theo một cựu quan chức ĐCSTQ sống ở Hồng Kông, có giao thiệp sâu sắc với các quan chức cấp cao của Bắc Kinh, tiết lộ với truyền thông nước ngoài rằng, “Luật An ninh Hồng Kông” ban đầu theo đúng kế hoạch sẽ được thực hiện vào tháng Hai, nhưng bởi dịch bệnh ập đến bất ngờ nên phải tạm gác lại. Bà Bành Lệ Viện và Tập Minh Trạch có thể ngay từ tháng 11 hoặc tháng 12 năm ngoái đã biết rõ vụ việc, nên đã quyết định sống ly thân với ông Tập.
Thư ký của quan chức cấp cao này còn cho biết thêm rằng người nhà của Tập Cận Bình cũng đều như vậy cả, ông cho rằng ngày tàn của ĐCSTQ đã không còn xa nữa.
Trong một bản báo cáo điều tra, tiết lộ rằng bà Bành Lệ Viện xuất hiện công khai cùng ông Tập Cận Bình là vào nửa năm trước, từ ngày 18 đến ngày 20/12/2019, bà Bành cùng ông Tập đến Ma Cao để tham gia lễ kỷ niệm 20 năm Ma Cao được trả về Trung Quốc. Nếu thông tin về “gia biến” của ông Tập là thật, thì đây hẳn sẽ là lần cuối cùng bà Bành Lệ Viện cùng ông Tập tham dự một sự kiện chính thức cùng nhau.

Mỹ hành động khi Nga có động thái quân sự tại Libya

Hoa Kỳ đang tìm phương án sử dụng một trong những đơn vị bảo vệ an ninh ở Tunisia cho một số nhiệm vụ, Lầu Năm Góc cho biết thông tin hôm 29/5, trong bối cảnh Nga đang có những động thái quân sự ở Libya, nước láng giềng của Tunisia.
Quân đội Nga đã điều 14 máy bay chiến đấu MiG 29 và Su-24 tới căn cứ không quân Jufra của Libya, quân đội Hoa Kỳ thông tin hôm 27/5.
“Khi Nga tiếp tục thổi bùng ngọn lửa xung đột ở Libya, thì an ninh ở khu vực Bắc Phi là một mối lo ngại lớn”, Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Đài Loan đang chuẩn bị cho trường hợp bị Trung Quốc tấn công

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan, Nghiêm Đức Phát, hôm 29/5 nói rằng, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ từ bỏ mối đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, nên Bộ Quốc phòng (MND) đang chuẩn bị cho điều xấu nhất, theo Taiwan News.
Vào hôm 29/5, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn kỷ niệm 15 năm ngày phê chuẩn “Luật chống ly khai”. Phát biểu của ông Trần được xem như một phản ứng của Đài Loan với sự kiện này.
Trong diễn đàn hôm 29/5, Lật Chiến Thư, một thành viên của ủy ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và là chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội Nhân dân, đã có một bài phát biểu đề cập đến việc chống ly khai và nhắc lại “nguyên tắc một Trung Quốc”. Ông Lật cũng đề cập tới “sự thống nhất hòa bình với Đài Loan” và “một quốc gia, hai chế độ”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ hủy quy chế đặc biệt của Hồng Kông?

image.jpeg

Cảng Hồng Kông được xem như một cửa ngõ kinh tế của Trung Quốc 
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (29/5), tức sáng sớm ngày 30/5 theo giờ Việt Nam đã thông báo “Hồng Kông không còn đủ độc lập” để được hưởng chế độ đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ. Ông cho biết, ông đang chỉ đạo chính quyền của ông bắt đầu loại bỏ những đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông. Vậy điều này sẽ ảnh hưởng tới Mỹ, Hồng Kông và Trung Quốc như thế nào?
Theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc đại lục về thương mại và nhiều lĩnh vực khác. 
Vào tháng 11/2019, Tổng thống Trump đã ban hành luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, theo đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận đặc khu còn duy trì quyền tự chủ hay không, từ đó ra quyết định đặc khu có nên được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ hay không.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia nói với CNBC rằng, nếu Mỹ đối xử với Hồng Kông giống như cách đối xử với Trung Quốc, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến thuế.

Vị thế đặc biệt của Hồng Kông

Hồng Kông nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới. Với một nền kinh tế tự do và một chế độ thuế cạnh tranh, Hồng Kông đã thu hút nhiều công ty đa quốc gia đến nơi đây.
Hồng Kông cũng là một trung tâm thương mại quan trọng. Nhưng tất cả những điều này sẽ đảo lộn nếu Mỹ thay đổi cách đối xử với Hồng Kông.
Hồng Kông hoạt động như một lãnh thổ hải quan riêng biệt với Trung Quốc đại lục. Đặc khu này độc lập về hải quan với Trung Quốc đại lục, sở hữu một cảng biển tự do, có nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đánh thuế.
Những điều kiện này đã giúp Hồng Kông trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu. Nhưng hiện tại, Hồng Kông đang đứng trước nguy cơ bị đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Điều đó có nghĩa là hàng hóa của Hồng Kông sẽ phải chịu thuế bổ sung, bao gồm cả những khoản thuế trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
“Hồng Kông có quan hệ thương mại đặc biệt với nhiều loại thuế và quy định, cho phép thành phố giao dịch thương mại tự do, đặc biệt trong các thị trường vốn”, BBC dẫn lời tiến sĩ Rebecca Harding, chuyên gia thương mại của Coriolis Technologies cho biết.
Hồng Kông là một trong những khu vực thương mại hàng đầu thế giới. Năm 2018, thành phố có khối lượng giao dịch cao thứ 7 với tổng giá trị gần 1,2 triệu USD. Nhưng phần lớn số giao dịch đó được tạo ra từ hàng hóa đi qua hoặc xuất phát từ Trung Quốc đại lục.
Năm 2018, 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ và 6% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đại lục từ Mỹ đi qua Hồng Kông.
Những điều này khiến Hồng Kông như một cửa ngõ giữa thị trường Trung Quốc và phần còn lại của thế giới nhưng các thay đổi về quy chế thương mại sẽ đe dọa vị thế đó.
Tiến sĩ Tim Summers thuộc tổ chức Chatham House có trụ sở tại Hồng Kông bình luận: “Nếu quy chế thương mại mới được áp đặt, các công ty sẽ buộc phải tính toán lại”.
Doanh nghiệp có thể chọn chuyển hàng hóa của họ trực tiếp qua các cảng ở Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, mức thuế tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng.
“Các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ Summers nói.

Liệu Trung Quốc có lo lắng nếu Hồng Kông bị tước quy chế đặc biệt?

BBC bình luận, có lẽ Bắc Kinh không lo lắng như thời điểm Hồng Kông được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc. Trở lại năm 1997, Hồng Kông đã đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc.
“Nhưng trong 25 năm qua, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng”, tiến sĩ Summers nói. Hồng Kông hiện chỉ đóng góp 2-3% GDP của Trung Quốc.
“Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại với Hồng Kông, đặc khu này sẽ lao đao, nhưng đó không phải là đòn chí mạng với Trung Quốc”, tiến sĩ Summers nhận định.
Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn duy trì vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đại lục chọn niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vì khả năng tiếp cận vốn toàn cầu. Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ lĩnh vực dịch vụ tài chính lớn của Hồng Kông.
“Thượng Hải và Thâm Quyến đã có một ngành dịch vụ tài chính phát triển phục vụ người đại lục”, David Webb, cựu giám đốc ngân hàng nói. Tuy nhiên, theo ông, vì chính quyền Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn đầu tư ra và vào Trung Quốc, do đó Thượng Hải và Thâm Quyến không thể cạnh tranh với Hồng Kông về nguồn vốn quốc tế.

Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Mỗi năm, hàng hóa và dịch vụ trị giá hàng tỷ đô la được giao dịch giữa Hồng Kông và Mỹ. Theo số liệu từ Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, năm 2018, tổng giá trị giao dịch Mỹ – Hồng Kông đạt gần 67 tỷ USD, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Nếu Hồng Kông phải đối mặt với các điều khoản giao dịch giống như Trung Quốc đại lục, người tiêu dùng Mỹ sẽ trả nhiều tiền hơn cho những hàng hóa đó.
Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hồng Kông, cho rằng những thay đổi sâu rộng với trạng thái đặc biệt của Hồng Kông trong các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp Hồng Kông và Mỹ.
Tiến sĩ Summers nhận định, điều này sẽ đặt Washington vào một vị trí khó khăn và mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ bị ảnh hưởng.

Hãy tin tưởng TT. Trump bởi cách tiếp cận thực tế của ông đối với một Trung Quốc xảo trá

image.jpeg
Steve Yates
Tác giả bài viết, Steve Yates là cựu Phó cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó Tổng thống Dick Cheney và hiện là Giám đốc điều hành tại DC International Advisory. Sau đây là bài viết của ông trên Fox Business ngày 29/5.
Thông báo của Tổng thống Trump hôm thứ Sáu là tiến bộ thực sự trong việc nhận thức thực tế đang diễn ra và khôi phục chủ nghĩa hiện thực trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Thứ Sáu, ngày 29/5, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cải cách và định hướng lại chính sách lâu dài của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Mở đầu thông báo tại Vườn hồng, Tổng thống Trump đã tóm tắt các chính sách chiến lược, mà ông đã đề ra trong chiến dịch tranh cử và sau đó hiện thực hóa nó bằng chính quyền của mình: đối xử công bằng và tương xứng đối với Trung Quốc.
Những gì tiếp theo là các bước chiến thuật cần thiết để thực hiện tầm nhìn đó. Chúng là những bước thể hiện sự tiến bộ thực sự trong việc công nhận thực tế đang diễn ra và khôi phục chủ nghĩa hiện thực trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Các hành động được đưa ra vào ngày thứ Sáu bao gồm: – Chấm dứt mối quan hệ của Hoa Kỳ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); – Khởi động cơ chế bảo vệ những nghiên cứu đại học nhạy cảm; – Dự án bảo vệ thị trường tài chính Hoa Kỳ, và – Chấm dứt chính sách ưu đãi của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông.
Mỗi động thái trừng phạt này đều liên quan trực tiếp đến sự thất bại liên tiếp của chính phủ Trung Quốc trong việc tôn trọng các cam kết của nó, và cũng liên quan tới các lĩnh vực mà Hoa Kỳ không được đối xử công bằng, có đi có lại.
Liên quan đến WHO, Trung Quốc đã dối trá, che đậy dịch dẫn đến hậu quả hàng trăm ngàn người dân thế giới đã chết (cùng với nhiều việc làm bị mất). Hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho một tổ chức y tế (WHO) bị Trung Quốc lũng đoạn đã dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và hàng triệu việc làm ở Hoa Kỳ.
Về giáo dục và nghiên cứu, từ rất lâu, các sinh viên cộng sản Trung Quốc đã được phép truy cập đặc quyền vào nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất tại các trường đại học và công ty Hoa Kỳ, cùng với sự tiếp cận tương tự đối với các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ ở Trung Quốc, dẫn đến hậu quả là tất cả những gì liên quan đến bí mật thương mại và công nghệ nhạy cảm, liên hệ với an ninh quốc gia thường xuyên bị coi nhẹ.
Trong nhiều thập kỷ, các cá nhân và thực thể Trung Quốc đã tiếp cận thị trường Hoa Kỳ mà không phải đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch mà người Mỹ và những nước khác bắt buộc phải đáp ứng.
Tổng thống Trump đã chính xác khi khôi phục sự công bằng và có đi có lại trong các thị trường này, bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ.
Cuối cùng, tại Hồng Kông, Trung Quốc đã đá bay nền tảng của một mối quan hệ vô cùng có lợi với người dân Hồng Kông và thế giới rộng lớn hơn. Bắc Kinh có vẻ như đã quyết định vặt cổ con ngỗng đẻ trứng vàng, cỗ máy thúc đẩy và tài trợ cho Trung Quốc mở rộng kinh tế trong những thập kỷ gần đây.
Lớp lót bạc duy nhất ở Hồng Kông là khả năng tự điều chỉnh đáng kể và mong muốn được thể hiện bởi phần lớn cư dân Hồng Kông trong việc sẽ đứng lên bảo vệ quyền lợi và tương lai của họ.
ác lệnh trừng phạt được công bố hôm thứ Sáu, cùng với các điều chỉnh chính sách khác, chỉ là một sự khởi đầu khi áp đặt trừng phạt lên những kẻ phải chịu trách nhiệm.
Mong đợi nhiều động thái hơn đến từ, không chỉ Hoa Kỳ, mà từ các đồng minh của chúng ta, những nước bây giờ cũng nhìn thấy Trung Quốc rõ ràng hơn nhiều.
Tổng thống Trump xứng đáng nhận được rất nhiều sự tin cậy trong việc lãnh đạo Hoa Kỳ theo hướng tiếp cận thực tế hơn nhiều đối với Trung Quốc. Nó đã không – và sẽ không hề – dễ dàng.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn rằng ‘thông báo hôm Thứ Sáu’ là không cần thiết nếu nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình không hung hăng đẩy Trung Quốc theo hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Sự lãnh đạo của ông ta đang chứng minh rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể chung sống hòa bình với các xã hội tự do. Đó là mối nguy hiểm hiện thực rõ ràng nhất đối với cách sống của chúng ta và của bạn bè và đồng minh trên khắp thế giới.
Đảng cộng sản Trung Quốc đã chuẩn bị cho thách thức này trong nhiều thập kỷ – rất tiếc là với sự giúp đỡ từ chính chúng ta. Vẫn còn nhiều việc phải làm đối với thế hệ những con người tự do chúng ta để vượt qua thử thách này.
Triều Tiên đưa tin muộn về cái chết của một tướng quân đội
Một tướng lĩnh cao cấp của Triều Tiên đã chết cách đây 2 năm nhưng vào thứ Bảy (30/5), truyền thông Bắc Hàn mới đưa tin về sự kiện này, theo Yonhap.
Tờ Lao Động Tân Văn, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao Động Triều Tiên, thông báo lãnh đạo Quân đoàn 4, tướng Ri Song-guk, người từng phụ trách bảo vệ đường biên giới với Hàn Quốc ở phía Biển Tây, đã chết vào tháng 10/2018, thọ 52 tuổi.
Theo tờ báo của chính quyền Triều Tiên, tướng Ri đã được điều trị bệnh nan y tại Bình Nhưỡng và nước ngoài nhưng không qua khỏi.
Tướng Ri có liên quan tới việc chỉ đạo Quân đoàn 4 của Triều Tiên tấn công đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc vào tháng 11/2010, giết chết 4 người Hàn Quốc, trong đó có 2 thường dân.
image

Tổng thống Donald Trump cùng Đệ nhất phu nhân Melania rời chiếc Không Lực Một tại Cơ sở hạ cánh tàu con thoi của NASA hôm 27/5/2020 

Tổng thống Trump tuyên bố cắt quan hệ với WHO
Trong cuộc họp báo mạnh mẽ hôm thứ Sáu (29/5), Tổng thống Trump tuyên bố Hoa Kỳ “chấm dứt” mối quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì tổ chức này yếu kém trong cách phản ứng với đại dịch COVID-19, có mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc, và không cho thấy khả năng cải tổ để tiến bộ.
“Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với WHO và chuyển khoản tiền hỗ trợ [của Hoa Kỳ] cho các tổ chức khác và cho những việc cần thiết để chăm lo cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu bức thiết”, ông Trump nói với các phóng viên có mặt ở Vườn Hồng, Nhà Trắng.
“Các quan chức Trung Quốc đã phớt lờ nghĩa vụ báo cáo [tình hình dịch bệnh] lên WHO và gây áp lực buộc WHO đánh lừa thế giới khi virus này được chính quyền Trung Quốc phát hiện lần đầu tiên”, ông Trump nói, và cho biết thêm. “Vô số người đã mất đi mạng sống và thế giới đã và đang chịu thiệt hại kinh tế nặng nề [vì đại dịch]”.
Hoa Kỳ là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho WHO với 450 triệu đô la mỗi năm, trong khi đó Trung Quốc chỉ ủng hộ tổ chức này mỗi năm 40 triệu đô. Mặc dù vậy, WHO bị cho là có biểu hiện thiên vị Bắc Kinh khi trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán họ hỗ trợ chính quyền Trung Quốc che giấu hoặc phát tán thông tin coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của loại virus chết người.
Ngoài câu chuyện về WHO, ông Trump đã đề cập tới một loạt biện pháp mà chính quyền của ông đang cân nhắc để trừng phạt các hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và gần nhất là luật an ninh Hồng Kông.
“Thế giới hiện đang phải hứng chịu hậu quả từ những hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc”, ông Trump nói.
Ông Trump cũng nói rằng chính quyền của ông sẽ đưa ra tuyên bố về hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và đình chỉ tiếp nhận một số du học sinh người Trung Quốc “vì chúng tôi thấy những người này tiềm ẩn nguy cơ an ninh”.
Về vấn đề Hồng Kông, Tổng thống Trump đánh giá chính quyền Trung Quốc đã “bôi bẩn” môi trường tự do của người dân đảo bằng luật an ninh quốc gia mà họ mới cho quốc hội thông qua.
Ông Trump nói quyết định áp luật an ninh cho Hồng Kông của Bắc Kinh là “vi phạm rõ ràng” các nghĩa vụ theo hiệp ước Trung-Anh mà họ đã ký khi tiếp quản Hồng Kông vào năm 1997. “Trung Quốc đã thay thế nguyên tắc ‘một nhà nước, hai chế độ’ như đã hứa bằng nguyên tắc ‘một quốc gia, một chế độ'”.
Tổng thống Mỹ cũng thông báo rằng, sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, Hoa Kỳ sẽ dừng áp dụng các chính sách ưu đãi cho hòn đảo này, cũng như triển khai các biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Theo đó, các tư vấn du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được sửa đổi để phù hợp với mức độ giám sát ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đối với Hồng Kông. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ thực hiện các bước để trừng phạt các quan chức Trung Quốc làm xói mòn quyền tự trị của người dân Hồng Kông.

Tổng thống Đài Loan đến thăm nhà sách của người bán sách trốn khỏi Hồng Kông

Theo tờ Taiwan News, Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn hôm 29/5 đã đến thăm nhà sách của ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee) mở tại Đài Bắc, Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ của bà đối với sự theo đuổi dân chủ của người Hồng Kông.
Tại nhà sách, bà Thái đã viết một thông điệp mang nội dung: “Đài Loan ủng hộ tự do cho Hồng Kông”.
Bà Thái sau đó viết trên Twitter: “Tôi đã đến thăm Causeway Bay Books ở Đài Bắc để thay mặt cho người dân Đài Loan chào đón ông Lâm Vinh Cơ, và cảm ơn người dân Hồng Kông vì cam kết của họ đối với tự do và dân chủ”.
Ông Lâm Vinh Cơ đã tìm nơi ẩn náu ở Đài Loan vào năm 2019 sau khi ông bị giam giữ bởi các đặc vụ Trung Quốc trong 8 tháng vào năm 2015, do ông đã làm việc tại một cửa hàng sách ở Hồng Kông mang tên Causeway Bay Books, chuyên bán sách phê phán giới lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Trump gõ ‘Trung Quốc!’, hơn nửa triệu người like

image
Vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc họp báo về Trung Quốc hôm 29/5(tức sáng sớm 30/5 theo giờ Việt Nam), ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố khó có thể ngắn gọn hơn trên mạng xã hội Twitter.
“Trung Quốc!”, Tổng thống Trump viết duy nhất từ “China” và dấu chấm than trên trang Twitter cá nhân của ông với hơn 80 triệu người theo dõi.
Nhanh chóng thu hút hơn 600.000 lượt thích và gần 200.000 lượt đăng lại, dòng tweet thể hiện thông điệp ngắn gọn và mạnh mẽ mà ông Trump gửi tới Bắc Kinh, sau đó được nêu rõ trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng của Nhà Trắng. Tại đây, ông đã công bố những quyết sách nhằm trừng phạt chính quyền Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ việc thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cố tình gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19 bằng việc để mặc cho virus corona lây lan,… đến các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Trong những bình luận ngay trước đó, Tổng thống Trump chỉ trích mạng xã hội Twitter đã kiểm duyệt và làm ẩn một dòng tweet của ông, trong khi làm ngơ trước những thông tin tuyên truyền và lừa dối từ Trung Quốc.
Một quan chức trong tờ báo China Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng phản bác, sau khi ông Trump viết từ “Trung Quốc!” trên Twitter.
“Điên rồ. Ông không thể rời mắt khỏi Trung Quốc sao”, ông Chen Weihua, phóng viên thường trú của China Daily tại New York, đáp lại ông Trump trên mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc.
Ông Chen cáo buộc những động thái nhắm vào Bắc Kinh của ông Trump là nhằm phân tán sự chú ý của công chúng đối với tình hình dịch virus Vũ Hán ở Mỹ. Phóng viên này tuyên bố: “Không có cách phân tán nào có thể che đậy được việc quản lý dịch bệnh sai lầm của ông”.
Đáp lại cáo buộc của ông Chen, một cư dân mạng chia sẻ những hình ảnh về vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989, kèm theo lời nhắn: “Và không có gì che đậy được điều này”.
Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày kỷ niệm 31 năm sự kiện Lục Tứ – 4/6/1989 – ngày mà quân đội Trung Quốc dùng xe tăng và súng ống giết hại hàng ngàn sinh viên và trí thức tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Cha đẻ mô hình dự báo ‘Primary’ tin tưởng ông Trump tiếp tục là tổng thống Mỹ

image

Giáo sư Helmut Norpoth
Hôm thứ Sáu (29/5), trả lời phỏng vấn chương trình “Góc nhìn Ingraham”, Giáo sư Helmut Norpoth của Đại học Stony Brook, tác giả của mô hình dự báo “Primary Model”, nói ông tin rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tại vị sau cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
“Chìa khóa của cuộc bầu cử tháng 11 là các cuộc bầu cử sơ bộ [trong các đảng phái]. Và, đúng là các cuộc bầu cử sơ bộ đã cũng cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin”, ông Norpth giải thích.
“Donald Trump đã chiến thắng dễ dàng các đối thủ trong đảng của ông”, ông Norpoth tiếp tục. Trong khi đó, “Joe Biden, ứng cử viên có tiềm năng nhất của đảng Dân chủ, đã gặp rất nhiều rắc rối. Nhìn một cách công bằng, vượt trội đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ mang lại lợi thế cho Donald Trump vào [kỳ bầu cử] tháng 11”.
Mô hình dự báo “Primary Model” của giáo sư Norphoth chỉ ra rằng ông Trump có tới 91% cơ hội tái đắc cử và sẽ nhận được 362 phiếu bầu của đại cử tri. “Primary Model” được ông Norphoth xây dựng dưa trên lý thuyết lịch sử và thống kê.
Mặc dù khi áp dụng mô hình “Primary” để dự báo kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay ông Norphoth không đưa vào mô hình những nhân tố liên quan tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng vị giáo sư của đại học Stony Brook quả quyết rằng việc đó không ảnh hưởng nhiều tới kết quả dự báo, và Donald Trump sẽ tiếp tục chiến thắng.
“Ông ấy [Tổng thống Trump] có một số điểm mạnh đã mang lại chiến thắng lớn cho ông ấy trong các cuộc bầu cử sơ bộ và tôi nghĩ ông ấy phải tận dụng điều đó”, ông Norphoth đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Trump.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters và Ipsos, Joe Biden, ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ vẫn đang duy trì ưu thế trước Tổng thống Trump, mặc dù đã bị giảm ba điểm trong tuần qua. Cụ thể có 45% cử tri Mỹ được hỏi nghiêng về ông Biden, trong khi có 39% cử tri đặt niềm tin vào vị tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, ứng viên Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cũng từng dẫn trước ông Trump, nhưng kết quả cuối cùng lại hoàn toàn ngược lại.
Điều đáng lưu ý là, Giáo sư Helmut Norpoth, bằng mô hình của mình, từng dự báo chính xác việc ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ 45, trong bối cảnh nhiều người ủng hộ phe cánh tả, dựa trên kết quả của các cuộc khảo sát, tin chắc nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên.
Nhà Trắng đăng lại dòng tweet bị ẩn của Tổng thống Trump
Theo AFP, hôm 30/5, Nhà Trắng đã đăng lại dòng tweet của Tổng thống Trump, vốn bị Twitter ẩn đi với lý do “cổ xuý bạo lực”. 
“Tổng thống không cổ xuý bạo lực. Ngài ấy rõ ràng đã lên án nó. Những kẻ kiểm duyệt xấu xa, thiên vị của Twitter đã thể hiện rõ Twitter là một đơn vị xuất bản chứ không phải nền tảng”, Nhà Trắng bình luận khi chia sẻ lại dòng tweet bị ẩn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dan Scavino, Giám đốc mạng xã hội và quản lý Twitter của Tổng thống Trump cũng phản ứng mạnh mẽ với động thái của gã khổng lồ mạng xã hội. “Twitter thật rác rưởi và ngày càng có nhiều người nhận ra điều ấy”, Scavino viết.
Động thái của Nhà Trắng diễn ra sau khi Twitter ẩn dòng tweet Tổng thống Trump ám chỉ khả năng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ nổ súng vào người biểu tình ở Minneapolis, với lý do “cổ xuý bạo lực”. 

Bạo lực vì vấn đề sắc tộc kéo dài sang đêm thứ 3 ở Minneapolis, Mỹ

Theo VOA, thành phố Minneapolis vẫn đắm chìm trong bạo lực vì lý do sắc tộc qua đêm thứ ba liên tiếp, với những hành động hôi của và phá hoại giữa lúc những người biểu tình trút hết cơn thịnh nộ của họ về cái chết của một người đàn ông da đen không vũ trang sau khi bị một cảnh sát da trắng quỳ lên cổ vào lúc nạn nhân đang bị đè dí trên mặt đất khi bị bắt.
Vụ bắt giữ ông Floyd, 46 tuổi, được ghi hình bằng điện thoại di động của một người qua đường, quay cảnh viên cảnh sát dí đầu gối vào cổ ông Floyd giữa lúc ông rên rỉ: “Xin làm ơn, tôi không thở được”.
Bốn nhân viên cảnh sát có liên quan trong vụ bắt giữ ông Lloyd, đã bị sa thải hôm 26/5, mặc dù vậy, tình trạng bất ổn vẫn không suy giảm.

Bản kiến nghị kêu gọi sa thải cố vấn của Thủ tướng Anh đạt hơn một triệu chữ ký

Theo Reuters, bản kiến nghị kêu gọi sa thải cố vấn của Thủ tướng Anh do người này đã thực hiện một chuyến đi đường dài trong thời gian nước Anh thực hiện lệnh phong tỏa do Covid-19 đã đạt hơn một triệu chữ ký.
Trước đó, vào cuối tháng 3, khi nước Anh đang áp lệnh phong tỏa đất nước do Covid-19 thì ông Dominic Cummings, cố vấn cấp cao của thủ tướng Anh đã lái xe 400km từ London tới Durham để thăm vợ bị nghi ngờ nhiễm COVID-19 vào thời điểm đó cùng con trai 4 tuổi của ông.
Bản kiến nghị trên trang Change.org, mang tên “Dominic Cummings phải bị sa thải” hiện đã có hơn 1 triệu chữ ký. Tuy nhiên, theo Reuters, một bản kiến nghị khác trên trang web có nội dung ủng hộ ông Cummings hiện đã được hơn 37.000 người ký.

Ý kiến chuyên gia: Mỹ phải đánh bại Trung Quốc đang âm mưu bành trướng ở Biển Đông

image.png

Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại biển Đông.
Trong một bài bình luận đăng trên tờ National Interest gần đây, học giả Michael Rubin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) kêu gọi Mỹ phải đánh bại Trung Quốc đang âm mưu bành trướng ở Biển Đông.
Theo ông Rubin, di sản lớn nhất của ông Mike Pompeo với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, có thể là việc ông là nhà ngoại giao đầu tiên, “dũng cảm đương đầu một cách có hệ thống với tuyên truyền của Trung Quốc, với sự nham hiểm của Bắc Kinh, sự ăn cắp tràn lan của chế độ cộng sản đối với quyền sở hữu [trí tuệ] quốc tế trị giá hàng trăm tỷ đô la, và sự coi thường chuẩn mực quốc tế”.
Ông Rubin cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây có thể đã có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, nhưng rất ít người đối đầu [với Bắc Kinh] hoặc hành động mà không nói xuông.
“Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, tầm quan trọng thương mại và tiềm lực quân sự đã khiến các chính quyền Mỹ trước đây dè chừng”, ông Rubin nhận xét.
Theo ông Rubin, “tất cả đều biết cần phải làm gì đó, nhưng cũng giống như những quan chức Mỹ đặt hy vọng vào các nhà cải cách Iran, và không bao giờ bận tâm rằng một canh bạc như vậy chưa bao giờ được đền đáp, họ đặt cược vào ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ cải cách chính trị sau khi tự do hóa nền kinh tế. Họ tin rằng Bắc Trung Quốc sẽ đi theo ‘trật tự tự do’ sau Thế chiến 2, hơn là [họ] tìm cách đánh bại [Bắc Kinh]”.
Ông Rubin cho rằng việc che đậy về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng COVID-19, là một dấu hiệu của văn hóa chính trị Trung Quốc, nhưng nó là một phản ứng đối phó với một cuộc khủng hoảng, chứ không phải là chiến lược chủ động để khích động nó. Tuy nhiên, theo ông Rubin, Bắc Kinh có một chiến lược rõ ràng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng tham gia vào việc chiếm đoạt lãnh thổ hàng hải, chưa từng có tiền lệ.
“Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện thành công tham vọng thay đổi các bãi đá [san hô] nổi lên khi nước thủy triều thấp, thành các hòn đảo và yêu sách không những lãnh hải 12 hải lý quanh mỗi đảo, mà còn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thì toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện đang tìm cách kiểm soát, đặt nó ngang hàng với các thế lực đế quốc thế kỷ 19, của các cường quốc châu Âu”, ông Rubin nhận định.
Theo ông Rubin, cơ sở lịch sử và pháp lý của các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là ngoài sức tưởng tượng, là không có cơ sở lịch sử, không tuân thủ luật pháp quốc tế hoặc địa chất học. Trung Quốc đưa ra những yêu sách của mình dựa trên cái gọi là ‘Đường 9 đoạn’, lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ chỉ vào năm 1947. Tuy nhiên, các bản đồ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước, cho thấy không có những yêu sách như vậy.
Trong khi các quan chức Trung Quốc ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh bằng cách lập luận rằng các khu vực nằm trong ‘Đường 9 đoạn’ là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, thì lập luận này là vô nghĩa khi người Việt Nam, người Philippines và ngư dân Malaysia, cũng đi lại trên vùng biển này trong lịch sử”, ông Rubin khẳng định.
Ông Rubin cho hay một số nhà ngoại giao nỗ lực hết sức mình để dàn xếp những quan điểm của những nước có liên quan trong đàm phán. Tuy nhiên, lịch sử không linh hoạt như vậy. Là một phần của Hiệp ước Paris năm 1898 chấm dứt Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Tây Ban Nha đã bán Philippines cho Mỹ với giá 20 triệu đô la. Cả Madrid và Washington đều coi Đá Vành khăn do Trung Quốc chiếm đóng [thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền], và Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc quản lý, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, chống lại Bắc Kinh, trong đó nêu rõ đó là lãnh thổ của Philippines.
Tương tự như vậy, khi Philippines giành được độc lập hoàn toàn vào ngày 4/7/1946, họ nắm quyền kiểm soát cả Đá vành khăn và Bãi cạn Scarborogh. Nói một cách đơn giản, như phán quyết đã nêu rõ, những yêu sách của Trung Quốc đối với 2 hòn đảo này là không có giá trị pháp lý và lịch sử.
Cũng theo ông Rubin, một câu chuyện tương tự tiếp tục trên Biển Đông. Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), công bố và phân tích hình ảnh vệ tinh, có mã nguồn mở, của các đảo, rạn đá san hô khi nước thủy triều thấp, nằm rải rác trên Biển Đông. Nó cho thấy bề ngoài chiến lược “cắt lát salami” [chiến lược tằm ăn dâu] của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh biến các rạn san hô và đá, thành đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự, các cụm pháp phòng không và các trạm giám sát trên đảo.
Trong khi việc ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẵn sàng đối mặt với sự tuyên truyền [chỉ trích] của Trung Quốc là đáng được hoan nghênh, thì có một câu hỏi đặt ra là liệu việc sử dụng truyền thông để tác động đến sự ủng hộ của công chúng, có đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc hay không?
Về vấn đề trên, ông Rubin cho rằng “ngoại giao là có giá trị, nhưng chỉ có thể cung cấp một giải pháp khi cả hai phía tiếp cận nó cho cùng một mục đích. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp dụng ngoại giao như một chiến lược chiến tranh bất đối xứng, để ‘trói tay’ đối thủ trong khi họ thúc đẩy vị thế quân sự của mình”.
Mỹ coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, và từ chối công nhận các rạn san hô nổi lên khi thủy triều thấp ở lưu vực, là những hòn đảo, đáng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế.
“Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc tạo ra một ngoại lệ”, ông Rubin đề xuất.
Những tuyên bố của Trung Quốc rằng những tảng đá, bãi cạn và đá ngầm mà họ chiếm giữ bất hợp pháp, là những hòn đảo, là sai trái rõ rệt. Ngoài ra theo ông Rubin, có một cấu trúc ở Biển Đông, đáp ứng các tiêu chí để trở thành một hòn đảo. Đó là đảo Ba Bình (Itu Aba) trên quần đảo Trường Sa, do Đài Loan chiếm đoạt, nhưng cũng bị các nước khác, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, tuyên bố chủ quyền.
Đài Loan từ lâu đã tuyên bố rằng Ba Bình là một hòn đảo xứng đáng có được vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình, mặc dù, trong năm 2016, một hội đồng trọng tài được triệu tập theo yêu cầu của Philippines, chỉ rõ Ba Bình là một rạn đá, chỉ xứng đáng được hưởng lãnh hải 12 hải lý.
Tuy nhiên, theo ông Rubin, phán quyết này là có thiếu sót.
“Một trong những đặc điểm chính của một hòn đảo là nó có nước ngọt để duy trì sự sống. Cư dân đảo Ba Bình hứng nước mưa, và do đó họ tiếp cận đủ nước ngọt và có thể hỗ trợ một nền kinh tế có ý nghĩa. Logic của phán quyết năm 2016 có lẽ bị lẫn lộn, và bỏ qua tiền lệ”, ông Rubin lập luận.
Để đánh bại Trung Quốc với mưu đồ riêng của mình, và bảo vệ tốt hơn quyền tự do hàng hải, ông Rubin cho rằng ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “nên công nhận vị thế của Ba Bình là một hòn đảo, và cả yêu sách của Đài Loan đối với hòn đảo này. Công nhận Ba Bình là một hòn đảo không phải là để chấp thuận cho việc cải tạo đất trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng, mà chỉ đơn giản là chấm dứt tính trung lập trong vấn đề, không có lợi mà có hại cho một đồng minh quan trọng của Mỹ”.
Theo ông Rubin, Mỹ cần thực hiện các ”cắt lát salami” sau:
1) Thứ nhất, các quan chức Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách đến thăm Ba Bình trong các chuyến tham quan khu vực.
2) Thứ hai, Mỹ có thể cử nhóm các nhà địa chất, kỹ sư và các nhà sinh vật học người Mỹ đến Ba Bình, để tiến hành các công việc nghiên cứu, cũng giống như việc Trung Quốc thường sử dụng các nhiệm vụ khoa học, để cung cấp vỏ bọc cho các kỹ sư quân sự của chính họ.
3) Thứ ba, Mỹ có thể cung cấp cho Đài Loan radar và tên lửa đất đối không, để giúp bảo vệ đảo Ba Bình khỏi ‘những kẻ săn mồi’ trong khu vực, điều mà các kỹ sư trên có thể giúp đỡ.
4) Cuối cùng thì Đài Bắc và Washington có thể kỷ niệm lịch sử quan hệ chiến lược lâu dài của họ, bằng cách lên lịch các cuộc ghé thăm cảng trên đảo.
“Cho đến nay, ngoại giao đã không có tác dụng đẩy lùi các hành động cũng như dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông chừng nào Trung Quốc còn tin vào những hành động ‘cắt lát salami’ của mình. Sau đó, có lẽ để có hiệu quả và báo hiệu sự hỗ trợ cho các đồng minh và bảo vệ quyền tự do hàng hải, đã đến lúc Washington cần phải hành động để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện chiến thuật này”, ông Rubin kết luận.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương

Không có nhận xét nào: