Trộm nghe thơm nức hương lân,
Một nền Đồng Tước khoá xuân hai KIỀU.
Đó là hai câu thơ cụ Nguyễn Du dùng để giới thiệu sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. Cụ đã so sánh chị em của Thúy Kiều đẹp giống như là chị em của Đại Kiều và Tiểu Kiều ở Giang Đông thời Tam Quốc vậy. Câu "Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều" đã được thoát dịch từ câu "Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều 銅雀春深鎖二喬". Có xuất xứ theo tích sau đây :
<!>
<!>
Năm Kiến An thứ 13 (Công nguyên 208) Khi bình định xong Viên Thiệu ở phương bắc, Tào Tháo thừa thắng kéo hơn tám mươi vạn binh xuôi nam uy hiếp Kinh Châu và Đông Ngô. Lúc bấy giờ Lưu Bị thua ở Tân Dã, chạy về đóng binh ở Giang Hạ. Chúa Kinh Châu là Lưu Biểu lại chết, con là Lưu Tông nghe theo lời phe chủ hàng Thái Mạo đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị vì đã mất đi phần bắc bộ Kinh Châu, đành cố thủ nơi Giang Hạ để chống cự lại quân Tào, rồi phái Khổng Minh Gia Cát Lượng đến Đông Ngô thuyết phục Tôn Quyền cùng liên minh kháng Tào.
Lúc bấy giờ Đô Đốc tam quân của Đông Ngô là Chu Du đang còn do dự chưa quyết, nên Khổng Minh mới dùng kế khích tướng, làm như không biết Tiểu Kiều là vợ của Chu Du, mới bảo Chu là : " Tào Tháo cho xây Đồng Tước Đài là để khi đánh tan quân Đông Ngô rồi thì bắt hai người đẹp nổi tiếng của Giang Đông là Đại Kiều và Tiểu Kiều về khóa xuân trong đài Đồng Tước để vui hưởng tuổi già. Nay nếu Đô Đốc sợ hao binh tổn tướng không dám đánh, thì cứ bắt hai nàng Kiều đem dâng cho Tào Tháo. Giang Đông chỉ mất có hai nàng Kiều mà tránh khỏi chiến tranh và chức Đô Đốc của tướng quân cũng sẽ vững như bàn thạch !". Chu Du nghe xong, trong lòng đà nổi giận, nhưng vẫn bình tĩnh hỏi lại rằng : " Có chi làm bằng ?!".
Khổng Minh bèn cười mà đáp : " Có chứ ! ", bèn đọc lại hai câu trong bài phú Đồng Tước Đài của Tào Thực ( là con trai thứ của Tào Tháo rất giỏi văn thơ ) đã làm theo lệnh của Tào Tháo khi Đồng Tước Đài vừa xây xong là :
攬二喬于東南兮, Lãm nhị Kiều vu đông nam hề,
樂朝夕之與共。 Lạc triêu tịch chi dữ cộng,
Có nghĩa :
Ôm ấp hai nàng Kiều ở phía đông nam nầy...
Cùng nhau mà vui vầy sớm tối.
Chu Du nghe xong cả giận, rút gươm chém đứt một gốc bàn, mắng rằng :" Lão tặc Tào Tháo, ta quyết sẽ không đội trời chung với ngươi ! Từ rày về sau ai còn bàn việc hàng Tào, thì hãy xem gốc bàn nầy mà làm gương ". Khổng Minh làm bộ kinh ngạc hỏi :" Chỉ là 2 nàng Kiều thôi, sao Đô Đốc lại giận dữ thế ?!" Lỗ Túc đáp rằng :" Tại quân sư không hiểu thôi, Tiểu Kiều chính là Đô Đốc phu nhân đó".
Từ đó về sau, quân của Lưu Bị và Đông Ngô liên kết để chống lại quân của Tào Tháo. Vì quân Tào Tháo ở phương bắc, quen với đánh bộ, lại là quân ô họp đầu hàng của các lộ quân khác, nên tuy nhiều mà không tinh, không quen thủy tánh như quân của Giang Đông, lại bị Khổng Minh cho người hiến kế liên kết các chiến thuyền lại với nhau cho dễ đốt. Khổng Minh lại thừa đêm có nhiều sương mù, giả vờ tấn công thủy dinh của Tào Tháo để gạt lấy hết tên bằng các thuyền cỏ. Tất cả đều chuẩn bị xong xuôi. Chu Du rất đắc ý đứng nhìn thủy quân thiện chiến của mình ở bến sông, chợt một lá quân kỳ bay phất vào mặt, Chu Du như tỉnh ngộ hét to một tiếng, mồm hộc máu tươi, nằm luôn ở giường bệnh, các thái y vội vàng chạy chửa thuốc thang nhưng vẫn không khỏi bệnh, cứ nằm mà thở ngắn than dài.
Khi mưu sĩ Lổ Túc đến báo tin, thì Khổng Minh cười rằng :"Bệnh của Đô Đốc ta có thể chửa được !". Bèn đến thăm mạch và kê một toa thuốc như sau :
欲破曹公, Dục phá Tào công,
宜用火攻; Nghi dụng hỏa công;
萬事俱備, Vạn sự câu bị,
只欠東風。 Chỉ khiếm đông phong.
Có nghĩa :
Muốn phá quân Tào, Nên dùng hỏa công;
Muôn việc đều sẵn, Chỉ thiếu gió đông .
Thì ra, lúc lá quân kỳ phất vào mặt mình, Chu Du mới chợt nhớ ra rằng, bây giờ là mùa thu chỉ có gió Tây, là gió thổi ngược về thủy trại của mình, nếu dùng hoả công không khéo mình lại tự đốt mình, nên mới ói máu ưu tư là thế. Thấy Khổng Minh nói đúng tâm sự của mình, bèn bật dậy nắm lấy tay Khổng Minh mà hỏi rằng :"Chắc quân sư có kế gì giúp ta phải chăng ?". Khổng Minh cho biết là khi xưa mình có gặp được một dị nhân dạy cho phép hô phong hoán vũ, nên nói với Chu Du ở Nam Bình Sơn lập cho mình một cái Thất Tinh Đàn để tế gió, thì sẽ có thể mượn cho ba ngày gió đông. Chu Du cười mà nói rằng , chỉ cần một ngày thôi là đã có thể phá tan quân Tào Tháo rồi. Qủa nhiên Khổng Minh cầu được gió đông và cùng hợp sức với Chu Du đốt tiêu hơn tám mươi vạn quân Tào Tháo trên dòng sông Xích Bích tạo nên một chiến tích không tiền khoáng hậu về chiến thuật lấy ít thắng nhiều.
Vì tích trên mà hơn sáu trăm năm sau, khi làm bài thơ " Xích Bích Hoài Cổ " nhà thơ Đỗ Mục của buổi tàn Đường đã hạ hai câu thơ bất hũ :
東風不与周郎便, Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
銅雀春深鎖二喬。 Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều !
Có nghĩa :
Gió đông không giúp chàng Chu thắng,
Đồng Tước khóa xuân cả nhị Kiều !
KIỀU 喬 là họ Kiều, nên Nhị Kiều 二喬 là Hai nàng con gái họ Kiều, con của Kiều Công (ông già họ Kiều) ở Giang Nam như đã nói ở trên. KIỀU 嬌 có bộ Nữ 女 bên trái chỉ các cô con gái đẹp đẽ mềm mại đáng yêu, như hai câu :
Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai KIỀU e lệ nép vào dưới hoa.
HAI KIỀU ở đây là hai cô gái đẹp, chỉ chị em Thúy Kiều và Thuý Vân.
Hay như sau buổi gặp gỡ với Kim Trọng và hồn ma Đạm Tiên trong tiết Thanh Minh, khi tối về Thúy Kiều đã "Một mình lặng ngắm bóng nga, Rộn đường gần với nỗi xa bời bời" đến đỗi " Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu ", và ...
Thoắt đâu thấy một TIỂU KIỀU...
Có chiều phong vận có chiều thanh tân.
"TIỂU KIỀU 小嬌" là một nàng con gái nhỏ nhắn đẹp đẽ. Chỉ hồn ma Đạm Tiên. Còn...
Tên của Thuý Kiều 翠翹, thì chữ THÚY 翠 là màu xanh biếc, chữ KIỀU 翹 là lông đuôi dài và cất cao lên của các con chim đẹp. Nên THÚY KIỀU 翠翹 là Chiếc lông đuôi xanh biếc tuyệt đẹp của loài chim. Đây là tên đẹp thường dùng để đặt cho các cô gái.
KIỀU 喬 còn có nghĩa là Kiều Mộc 喬木, là Cây cao bóng cả. LA 蘿 là Nữ La 女蘿 là một loại dây leo sống bám vào thân cây lớn. Ngày xưa mượn để ví với người con gái như dây leo mềm yếu phải sống vựa vào cây cao bóng cả ví như người chồng để được che chở. Nên trong văn học cổ hay gặp từ KIỀU LA 喬蘿, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
Bóng KIỀU mong gửi thân LA,
Biết đem rìu búa để mà cậy ai ?
Còn trong truyện Nôm Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì có câu :
Bàn tay che trước vừng hồng,
Uốn cây KIỀU MỘC đau lòng trượng phu !
Còn trong chương Chu Tụng của Kinh Thi 詩經·周颂 thì có câu : "Hoài nhu bách thần, cập hà Kiều Nhạc 懷柔百神,及河喬岳" Có nghĩa : Nhớ nhung quyến luyến trăm phần, Không bằng KIỀU NHẠC cao ngần bên sông. KIỀU 喬 là cây cao, còn NHẠC 岳 là núi cao; nên KIỀU NHẠC 喬岳 dùng để chỉ những gì cao to ngất ngưỡng. Trong bài Tư Dung Vãn của cụ Đào Duy Từ có câu :
Màn trời muôn trượng không dời,
Cao thay KIỀU NHẠC, vững thay Thái Bàn.
Nhưng KIỀU TÙNG 喬松 thì là tên của 2 vị tiên. KIỀU là Vương Tử Kiều 王子喬, là Thái tử của Chu Linh Vương, vốn họ Cơ tên Tấn, tự là Tử Kiều. Ông lìa cung đi tầm đạo, được phương sĩ Phù Khâu Sinh dẫn đến Tung Sơn luyện phép trường sinh bất lão, nên Linh Vương ngỡ là ông đã chết. Ba mươi năm sau, ông nhờ Đại phu Hoàn Lương hẹn với em mình là Chu Cảnh Vương ngày mùng bảy tháng bảy gặp mặt ở Hầu Sơn. Đến hẹn Vương Tử Kiều cởi bạch hạc thổi tiêu đến gặp em mình, bảy ngày sau thì cởi hạc lên tiên. Còn TÙNG là Xích Tùng Tử 赤松子, lại có tên là Xích Tụng Tử 赤誦子, hiệu là Tả Tiên Thái Hư Chân Nhân 左仙太虚真人. Theo Thái Bình Hoàn Vũ Ký thì Xích Tùng Tử tu ở núi Kim Hoa động Xích Tùng, dùng lửa tự hỏa thiêu mình để thành tiên lên trời. Theo truyền thuyết đời Tần Hán thì Vương Tử Kiều và Xích Tùng Tử là hai ông tiên tượng trưng cho sự sống lâu trường thọ ở đời.
Trong tập sử trường thiên ra đời vào cuối thế kỷ 17 Thiên Nam Ngữ Lục đoạn tả anh em Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương có câu :
Ước làm Bành Tổ KIỀU TÙNG,
Nào hay thiên vận cởi rồng lên tiên.
Vương Tử Kiều Bành Tổ Xích Tùng Tử
Cuối cùng ta có KIỀU là LAM KIỀU 藍橋, còn gọi là Cầu Lam. Theo tích của Bùi Hàng giả thuốc gặp tiên như sau :
Theo sách Thái Bình Quảng Ký, quyển 50: Đời Đường Mục Tông (795-824), năm Trường Khánh có Tú tài Bùi Hàng 裴航 lai kinh ứng thí, nhưng thi rớt. Buồn vì vô tích sự nên định đi du ngoạn Tương Dương một chuyến để giải khuây. Khi đến bến để thuê thuyền thì chỉ còn một khoang thuyền nhỏ, khoang chính của thuyền đã có một phu nhân thuê rồi. Mặc dù có rèm sáo che chắn, nhưng vì ở chung trên một chiếc thuyền, lúc lên xuống ra vào, khi gió động rèm châu, Bùi Hàng cũng lén ngắm nhìn dung nhan của vị phu nhân chung thuyền. Chàng chợt ngẩn người ra và mê mẫn trước sắc đẹp như tiên giáng thế của vị phu nhân mà ngày thường chỉ nghe tiếng nói thanh tao như ngọc của nàng qua bức rèm châu. Hỏi thăm thị nữ theo hầu thì được biết đó là Phàn Phu Nhân. Chàng bèn làm một bài thơ tỏ tình ái mộ của mình, rồi nhờ thị nữ chuyển đến cho phu nhân bài thơ sau đây :
同舟胡越猶懷想, Đồng chu Hồ Việt do hoài tưởng.
況遇天仙隔錦屏。 Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
倘若玉京朝會去, Thảng nhược Ngọc kinh triều hội khứ,
願隨鸞鶴入青雲。 Nguyện tùy loan hạc nhập thanh vân.
Có nghĩa :
Cùng thuyền Hồ Việt cũng thương nhau,
Huống gặp người tiên cách sáo rào.
Nếu đó Ngọc Kinh về phó hội,
Nguyện cùng chắp cánh vút trời cao !
Phàn phu nhân xem xong mỉm cười nói thầm : Rõ khéo đa tình, rất tiếc ta không phải là đối tượng của chàng ! Bèn lấy ra một mảnh hoa tiên, cất bút đề thơ hồi âm :
一飲瓊漿百感生, Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
玄霜搗盡見雲英。 Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
藍橋便是神仙窟, Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
何必崎嶇上玉京? Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?
Có nghĩa :
Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Kinh ?!
Bùi Hàng đọc thơ mà không hiểu ngụ ý của Phu nhân muốn nói chi. Huyền sương là cái gì và Vân Anh là ai, sao lại ở trong thần tiên quật (hang động của thần tiên). Chàng cứ ngẩn ngơ suy nghĩ mãi không hiểu nàng muốn ám chỉ việc gì. Chừng định hồn lại thì phu nhân và thị nữ đã lên bờ đi mất. Buồn lòng, chàng bèn quay trở lại Trường an định chờ khoa thi tới. Khi về đến Lam Kiều Dịch, xa xa trông thấy có mấy mái nhà tranh thật nên thơ, sẵn đang khát nước chàng bèn ghé lại xin chén nước uống. Sau khi hỏi xin bà lão đang ngồi quay tơ trứơc cửa, thì bà lão gọi vói vào trong nhà : "Vân Anh, bưng nước ra mời khách !". Bùi Hàng ngẩn người ra nhớ lại bài thơ của Phàn phu nhân có nhắc đến Vân Anh. Chàng hồi hộp nhìn vào bên trong bình phong, quả nhiên một người con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi đẹp như tiên nga bưng nước ra mời khách. Chàng uống cạn ly nước mát ngọt lịm tận tim gan. Chàng lấy cớ là đi đường người mệt ngựa mõi mà nấn ná ở lại nghỉ ngơi.
Sau khi làm quen và trao đổi hàn huyên với bà lão, Bùi Hàng mới khẩn khoản ngỏ ý muốn xin cưới Vân Anh, thì bà lão bảo rằng :" Đó là cháu gái của lão, bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, nếu muốn cưới nó thì phải giúp lão giả xong thang thuốc Huyền Sương, vì là thuốc của tiên ban nên phải giả bằng chày ngọc cối ngọc. Nếu trong một trăm ngày mà chàng tìm được chày ngọc cối ngọc đến đây giả thuốc cho ta , thì ta sẽ gả nó cho chàng ". Bùi Hàng vui mừng hớn hở từ biệt bà lão để ra đi tìm chày ngọc cối ngọc.
Một hôm đang lang thang để hỏi thăm tin tức ở kinh thành, tình cờ gặp được người buôn ngọc cho chàng biết là có người đang rao bán chày cối ngọc, nhưng lại đòi đến hai ngàn lượng bạc. Chàng đành phải bán cả hành trang, cả ngựa và cả tên gia đồng theo hầu mới đổi được chày ngọc cối ngọc mang về Lam Kiều cho bà lão. Bà lại bảo chàng phải ở lại Lam Kiều để giã thuốc Huyền Sương cho đúng một trăm ngày nữa. Khi thuốc đã giã xong và khi bà lão đã uống xong thuốc, bèn dẫn Vân Anh ra đi và bảo chàng hãy nán đợi. Hôm sau, có đoàn ngựa xe từ đâu đến đón chàng đi đến một nơi mây mù vần vũ, lầu các nguy nga, tòa rộng dãy dài, tiêu thiều nhạc sáo vang vang, trúc tơ dìu dặc như tiên cảnh. Bà lão không còn nghèo nàn như trước mà hiện ra như một lão Phật gia trong cung tiên, cô dâu Vân Anh đẹp rực rỡ với " Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng " được thị tì hai bên đở ra để làm lễ tơ hồng. Bùi Hàng bàng hoàng ngây ngất, sung sướng đê mê bên cô dâu thơm phức và đẹp như … tiên !
Sau khi cử hành hôn lễ, bà lão còn đưa hai vợ chồng đến ra mắt một tiên nương chị của cô dâu Vân Anh là Vân Kiều. Bùi Hàng mới giật mình nhận ra đây là Phàn phu nhân đi cùng thuyền với mình lúc trước. Thì ra Vân Kiều Phàn phu nhân đã báo trước mối duyên giã thuốc của mình với Vân Anh ở Lam Kiều rồì, mà trước đây mình đâu có biết.
Sau những năm tháng sống vui vẻ bên nhau, vợ chồng Bùi Hàng cũng cùng tu và cùng đắc đạo thành tiên cả.
LAM KIỀU là nơi ở của người đẹp mà ta hằng ao ước. Nên khi dò la tìm chỗ ở của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết về chàng Kim Trọng như sau :
Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo LAM KIỀU lần sang.
Ngay cả Mã Giám Sinh khi đến trả giá để mua Thúy Kiều cũng phải làm ra vẻ cao qúy nho nhã lịch sự :
Rằng mua ngọc đến LAM KIỀU,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường.
KIỀU NỮ là gái đẹp. "Những nàng Kiều Nữ ở Cố Đô" là "Các cô gái đẹp ở Huế". Nhưng nếu nói "Thân phận của NHỮNG NÀNG KIỀU ở Huế " thì lại chỉ " Thân phận của CÁC CÔ GÁI ĐIẾM ở Cố Đô". Đó chính là "Tập quán Ngôn ngữ", cũng cùng một từ KIỀU nhưng ý nghĩa thì lại chênh nhau một trời một vực !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét