Đảo Phú Lâm
Trung Quốc tuyên bố vụ thu hoạch 1,5 tấn rau ở Phú Lâm là ‘thắng to’ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo nhà nước Trung Quốc đưa tin Trung Quốc vừa thu hoạch 1,5 tấn rau tại căn cứ quân sự lớn nhất của mình ở đảo Phú Lâm. Đây là đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế Trung Quốc kiểm soát. Cuộc thu hoạch vừa rồi được xem là “một chiến thắng to lớn” của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, VOA Việt ngữ trích bản tin của tờ Hoàn cầu. VOA cho hay, đó là vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), những nơi duy trì được khả năng cư trú của con người, có nền kinh tế độc lập, không phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài thì đủ điều kiện để trở thành đảo chính thức.<!>
Triều Tiên có thể phóng SLBM nhằm tăng cường “chiến lược răn đe hạt nhân”
Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhằm “tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân”, tờ Yonhap dẫn lời các chuyên gia cho biết hôm 25/5.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có tầm bắn lớn hơn và SLBM hoặc tàu ngầm có khả năng là những vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Tàu ngầm trọng tải 3.000 tấn, có khả năng mang 3 SLBM và đang được chế tạo tại căn cứ hải quân của Triều Tiên ở Sinpo.
Cổ phiếu Alibaba sụt giảm sau dự báo tăng trưởng chậm
Alibaba Group Holding Ltd. lao dốc sau khi dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm lại trong năm nay, phản ánh sự bất ổn kinh tế sau đại dịch Covid-19 ngay tại sân nhà cũng như khả năng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc phá vỡ hoạt động kinh doanh của hãng, theo bản tin của báo Bloomberg ngày 25/5.
Cổ phiếu của Alibaba đã giảm tới 4% tại Hồng Kông vào ngày 25/5, sau khi giảm gần 6% tại New York cuối tuần trước đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng trong năm nay ít nhất là 27,5% xuống còn 650 tỷ nhân dân tệ (91 tỷ USD), giảm so với 35% trước đó và thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà phân tích. Trong khi đó hãng công bố mức tăng 22% tốt hơn dự kiến trong doanh thu quý 3 là 114,3 tỷ nhân dân tệ, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong lịch sử.
Trung Quốc tuyên bố thực hiện luật an ninh Hồng Kông đến cùng
Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người biểu tình hôm 24/5
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính hôm 24/5 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện đến cùng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Hàn Chính, người phụ trách các vấn đề về Hồng Kông và Ma Cao, đã gặp phái đoàn đến từ đặc khu hành chính Hồng Kông tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 24/5, trong khuôn khổ kỳ họp “Lưỡng Hội” đang diễn ra.
“Đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh. Một khi quyết định được đưa ra, chúng tôi sẽ thực hiện đến cùng”, ông Wong Yuk-shan, phó đoàn đại biểu Hồng Kông dẫn lời ông Hàn Chính nói về dự luận an ninh cho đặc khu.
Tuyên bố của ông Hàn được đưa ra trong bối cảnh người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về tình hình của đặc khu nếu dự luật an ninh được thông qua. Dù các quan chức Trung Quốc hứa hẹn quyết định của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng tới cư dân của hòn đảo, cũng như sự tự do tại nơi đây, song các nhà ủng hộ dân chủ Hồng Kông cho rằng, việc dự luật được thông qua sẽ đặt dấu chấm hết cho chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ”.
Chiều ngày 24/5, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường để phản đối dự luật mà Bắc Kinh đề xuất. Cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông. Trong cuộc phỏng vấn với NBC, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cảnh báo Washington có thể áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.
Trước đó, nhiều nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ dự luật của Bắc Kinh. Hôm 23/5, gần 200 chính trị gia trên thế giới, trong đó có 17 nghị sĩ Mỹ, đã ký tuyên bố chung chỉ trích ý định thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Trung Quốc ban hành luật này.
Họa sỹ Úc: Hồng Kông ‘đang phải trả giá’ như Thảm sát Thiên An Môn 1989
Khi ngày kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989) đang đến gần, một nghệ sỹ gốc Hoa cảnh báo những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đang đối mặt với nguy hiểm không kém sự kiện Lục Tứ cách đây 31 năm.
Họa sỹ người Úc gốc Hoa, Ba Đâu Thảo (Badiucao) nói với Hong Kong Free Press (HKFP): “Tôi nghĩ có một điều rất quan trọng là phải kết nối các tham chiếu lịch sử với nhau, và tái hiện chúng trong bối cảnh hiện tại, [với sắc màu hiện tại]”.
Ông bình luận: “Đã 31 năm kể từ vụ Thảm sát Thiên An Môn, nhưng Trung Quốc hiện giờ vẫn là Trung Quốc năm xưa, còn Hồng Kông đang phải trả giá giống các sinh viên năm 1989”. Ngày 4/6/1989, quân đội Trung Quốc đã dùng súng ống và xe tăng đàn áp phong trào dân chủ của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Một bức điện tín mật từ Anh Quốc tiết lộ con số tử vong trong sự kiện Lục Tứ (đặt theo ngày 4/6) là ít nhất 10.000 người.
Tank Man – cảnh tượng một người đàn ông đứng chắn đoàn xe tăng của quân đội Trung Quốc vào ngày 5/6/1989, một ngày sau sự kiện Lục Tứ đẫm máu – đã trở thành hình ảnh biểu tượng của sự kiện
Hiện sống ở Australia, họa sỹ Ba Đâu Thảo đang dùng các bức tranh của ông để châm biếm chính sách bạo lực của chính quyền Trung Quốc.
Ông nói với HKFP: “Tôi nghĩ rằng các chế độ độc đoán, chuyên quyền hay độc tài không bao giờ … hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật châm biếm”.
Họa sỹ Ba Đâu Thảo Trong bức tranh mới nhất, ông Thảo đã dựa trên hình ảnh Tank Man năm 1989 để phác họa một người đàn ông đứng trước đoàn xe tăng. Đoàn xe tăng có vẻ ngoài tựa con virus corona, có lẽ là một cách để châm biếm việc chèn ép những tiếng nói cảnh báo sớm về Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh, khiến dịch bệnh cục bộ tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu.
Người đàn ông cầm chiếc ô màu vàng, một biểu tượng đặc trưng của phong trào dân chủ ở Hồng Kông trong những năm qua, cũng là lời cảnh báo từ nghệ sỹ Ba Đâu Thảo, rằng những người biểu tình ở thành phố cảng này có thể đang đối mặt với nguy hiểm to lớn giống những người kêu gọi dân chủ năm 1989.
Người nghệ sỹ lưu vong nói rằng ông muốn mọi người ghi nhớ sự kiện Thiên An Môn và ngăn chặn “lịch sử tái diễn”. Ông nói với HKFP: “Đôi khi việc đàn áp có thể không đi kèm súng ống đạn dược mà có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác”.
Ông Thảo bình luận về chính quyền Trung Quốc: “Cuộc đàn áp của họ ngày càng tinh vi hơn, đi kèm hoạt động tuyên truyền được thiết kế cẩn thận. Nó có vẻ không khốc liệt như xe tăng cán người ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhưng nó chẳng kém nguy hiểm và tàn khốc so với hồi đó”.
Ngày nay rất ít thanh niên Trung Quốc biết đến vụ Thảm sát Thiên An Môn, dù các cuộc tưởng niệm những nạn nhân trong sự kiện này vẫn diễn ra hàng năm tại nhiều nơi trên thế giới.
Tàu dầu Iran đã vào lãnh hải Venezuela
Fortune, tàu đầu tiên trong số 5 tàu chở dầu của Iran đến Venezuela nhằm cứu vãn tình trạng thiếu nhiên liệu ở Venezuela, đã tới lãnh hải Venezuela mà không gặp phải sự can thiệp tức thời nào của Mỹ, như những gì chính quyền tổng thống Maduro mô tả là mối đe dọa, theo Aljazeera ngày 24/5.
Fortune đã chính thức vào Vùng đặc quyền kinh tế của Venezuela lúc khoảng 7h30 chiều (giờ địa phương) hôm 24/5, theo dữ liệu hoạt động trung chuyển dầu TankerTracker.
“Tàu dầu đầu tiên của Iran đã tới bờ biển Venezuela”, đại sứ quán Iran tại Venezuela đăng trên Twitter và “biết ơn Lực lượng Vũ trang Bolivaria hộ tống tàu”.
Các tàu dầu khác của Iran bao gồm Forest, Petunia, Faxon và Clavel dự kiến sẽ đến Venezuela trong vài ngày tới.
Tổng thống Trump (trái) và cố vấn Nhà Trắng Robert O’Brien
Cố vấn Nhà Trắng ví Bắc Kinh giấu virus giống Liên Xô che đậy vụ Chernobyl
Reuters cho hay, hôm Chủ nhật, cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien đã nêu ra sự tương đồng trong cách Trung Quốc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán với cách Liên Xô xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Ông Robert O’Brien nói rằng Bắc Kinh biết về virus xuất phát từ Vũ Hán từ tháng 11/2019 nhưng đã nói dối Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn các chuyên gia quốc tế tiếp cận thông tin.
“Họ [Bắc Kinh] đã phát tán một con virus ra thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ mà chúng tôi phải chi ra để giúp nền kinh tế sống còn và giữ cho người Mỹ sống sót trong thời kỳ dịch bệnh này”, ông O’Brien nói trong chương trình “Meet the Press” của Kênh NBC.
“Việc che giấu virus này sẽ đi vào lịch sử cũng giống như vụ Chernobyl. Chúng ta sẽ xem loạt phim đặc biệt trên HBO về việc này 10 hoặc 15 năm sau”, cố vấn Nhà Trắng nhấn mạnh.
Moscow cũng từng che giấu mức độ nghiêm trọng của vụ Chernobyl được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.
G7 có thể họp trực tiếp vào cuối tháng sau
Cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các lãnh đạo G7 có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng 6, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết hôm Chủ nhật (24/5), theo Reuters.
Tổng thống Trump hồi tháng 3 đã hủy cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 vì dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến sẽ tổ chức sự kiện này vào ngày 10/6.
Ông Trump hôm 20/5 nói rằng ông có thể sẽ tổ chức cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên G7 ở một địa điểm gần Washington. Ông cho rằng động thái này sẽ truyền đi một thông điệp rằng thế giới đang trở lại trạng thái bình thường.
Đòi Trung Quốc bồi thường về COVID-19 là ‘nằm mơ giữa ban ngày’, Vương Nghị tuyên bố
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật (24/5) bình luận rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ “nằm mơ giữa ban ngày” nếu theo đuổi các vụ kiện Bắc Kinh liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19, theo Reuters.
Là một Ủy viên Quốc vụ và đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị đưa ra bình luận này trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội của Trung Quốc.
Ông Vương tuyên bố: “Thật đáng tiếc, ngoài virus corona đang hoành hành, còn có một loại virus chính trị cũng đang lan rộng ở Hoa Kỳ. Virus chính trị này đang tận dụng mọi cơ hội để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc”
Ông này cáo buộc: “Một số chính trị gia đã bỏ qua những sự thật cơ bản nhất và đưa ra quá nhiều lời nói dối về Trung Quốc và gieo rắc quá nhiều âm mưu”.
Nhà ngoại giao hàng đầu Bắc Kinh tiếp tục: “Nếu các vị muốn xâm phạm chủ quyền và nhân phẩm của Trung Quốc bằng việc kiện tụng bừa bãi, cướp đoạt thành quả làm việc chăm chỉ của nhân dân Trung Quốc, tôi e rằng đây là nằm mơ giữa ban ngày và các vị sẽ chỉ tự làm bẽ mặt mình”.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đang tụt dốc nghiêm trọng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trong đó giới chức Hoa Kỳ lên án tình trạng che giấu dịch bệnh và thiếu minh bạch của Bắc Kinh, khiến virus lây lan từ Vũ Hán tới hơn 200 quốc gia và cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.
Hoa Kỳ đang dẫn đầu làn sóng khiếu kiện chính quyền Trung Quốc về trách nhiệm gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19. Tháng trước, bang Missouri đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ kiện Bắc Kinh về vấn đề này.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang xúc tiến các đề xuất pháp lý để hỗ trợ các nạn nhân chịu thiệt hại từ virus Vũ Hán nộp đơn kiện chính quyền Trung Quốc tại các tòa án Hoa Kỳ.
Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng nhóm các nước phát triển G7 có thể sẽ kiện cáo để đòi Bắc Kinh bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD. Tờ báo Bild của Đức công bố một “hóa đơn” yêu cầu Trung Quốc bồi thường Đức số tiền lên tới 149 tỷ Euro (hơn 161 tỷ USD). Báo ABC của Úc có bài viết nhận định Australia có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỉ USD.
Thủ tướng Anh bào chữa cho lỗi sai của cố vấn
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng bênh vực cố vấn Dominic Cummings sau khi ông Cummings vi phạm lệnh phong tỏa chống virus Vũ Hán, theo BBC.
Thủ tướng Johnson nói ông tin rằng ông Cummings “không còn lựa chọn” nào khác ngoài việc phải đi từ London đến vùng Đông Bắc để chăm sóc con cái.
Ông Jonhson cho rằng, “trong mọi khía cạnh, ông ấy đã hành động có trách nhiệm, hợp pháp và với sự chính trực”.
Mặc dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng ông Cummings nên từ chức khi một người ở vị trí của ông lại vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ.
Nam Phi: Nới lỏng phong tỏa dù dịch Covid diễn biến xấu
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch Covid-19 bắt đầu từ 1/6, dù ông cảnh báo rằng tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở đất nước có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, BBC ngày 25/5 đưa tin.
Thông báo của ông Ramaphosa đưa ra sau khi một công ty khai thác khoáng sản cho biết 164 công nhân của họ đã dương tính với nCoV.
Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam) Nam Phi có thêm 1.240 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này lên 22.583, trong đó 429 người đã tử vong (tăng 22 ca). Quốc gia này hiện đã trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Phi.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lan truyền ‘dối gian’ về Covid-19
BBC đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật đã cáo buộc Hoa Kỳ truyền bá thuyết “âm mưu và những lời dối trá” về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ông Nghị nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã bị nhiễm “virus chính trị” và kêu gọi quốc gia này “ngừng việc lãng phí thời gian và ngừng lãng phí các sinh mệnh trân quý” trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ông Nghị đưa những phát biểu này trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng hơn sau khi Washington liên tục lên án việc Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh khiến thế giới bị động trước loại virus chết người. Chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa cho các nhà điều tra quốc tế tìm hiểu nguồn gốc và con đường lây lan của virus Vũ Hán.
Dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh
Dân Hồng Kông xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh
Cảnh sát Hồng Kông hôm nay đã bắn nhiều phát đạn hơi cay và sử dụng một khẩu súng nước tại khu mua sắm Vịnh Causeway để trấn áp cuộc biểu tình rầm rộ. Hàng ngàn người đã xuống đường phản đối dự luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, cho đây là một mối đe dọa đối với các quyền tự do dân sự của người Hồng Kông và dấu chấm hết cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ” tại đặc khu này, theo South China Morning Post.
Trong quá trình biểu tình, một số người đã hô vang “Độc lập Hồng Kông. Con đường duy nhất”. Số khác giương biểu ngữ phản đối chính quyền và trưng cờ Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, một số tản ra dọc theo các con đường ở Vịnh Causeway và Wan Chai, một số thiết lập rào chắn bằng lan can tháo rời và các vật liệu khác. Trong một bài đăng trên Facebook, lực lượng cảnh sát cho biết ít nhất 120 người đã bị bắt hồi 4h30 chiều. (chi tiết)
Kim Jong-un có thể vẫn ở Wonsan
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể vẫn đang ở Wonsan – thành phố cảng phía đông đất nước – và không trở về Bình Nhưỡng sau khi tham dự lễ cắt băng khánh thành một nhà máy phân bón hồi đầu tháng, các nguồn tin ngoại giao cho biết hôm thứ Sáu (22/5), theo Kyodo News.
Tuy một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc báo cáo Kim đã tiến hành các hoạt động kiểm tra quân sự trong thời gian ở thủ phủ tỉnh Kangwon, lý do chính xác cho sự hiện diện liên tục của Kim tại khu nghỉ mát bên bờ biển vẫn chưa được tiết lộ.
Kim đã không xuất hiện trên truyền thông kể từ 2/5 khi Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên KCNA công bố những bức ảnh cho thấy Kim tham gia một buổi lễ cắt băng khánh thành một nhà máy phân bón ở Sunchon, gần Bình Nhưỡng, ngày hôm trước.
Anh muốn loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ lên kế hoạch loại bỏ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G của Anh do cuộc khủng hoảng Covid-19. Dự kiến sẽ giảm dần xuống mức 0 vào năm 2023, theo The Telegraph.
Thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nghị sĩ Đảng Bảo thủ Bob Seely, chia sẻ với truyền thông địa phương: “Đây thực sự là một tin tức tốt lành. Nó cho thấy một sự đánh giá lại nghiêm túc mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc.
Nói chung, bằng chứng hiện đang áp đảo cho thấy chúng ta cần một cải cách căn bản từ gốc rễ thái độ đối với Trung Quốc”.
Mỹ cảnh báo ‘ngắt kết nối’ Australia xoay quanh thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường đơn phương giữa bang Victoria với Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với Sky News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo sự tham gia của bang Victoria vào dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ khiến Mỹ “ngắt kết nối” với Úc nếu điều này tạo nên rủi ro an ninh viễn thông.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào đối với cơ sở hạ tầng viễn thông của mình, bất kỳ rủi ro nào đối với các yếu tố an ninh quốc gia trong những gì chúng tôi cần làm với các đối tác Five Eyes”, ông nói.
Ông Pompeo cũng cho biết mình không biết chính xác bản chất của những dự án này, nhưng “nếu chúng tác động xấu đến khả năng bảo vệ viễn thông cho người dân, hoặc mạng lưới an ninh cho các cộng đồng quốc phòng và tình báo – chúng tôi sẽ chỉ đơn giản ngắt kết nối, chúng tôi sẽ chỉ đơn giản phân tách ra”.
“Chúng tôi cần phải duy trì uy tín của mạng lưới viễn thông … chúng tôi hy vọng những bạn bè và đồng minh của mình, đặc biệt là các đối tác Five Eyes như Úc, sẽ làm điều tương tự”.
Five Eyes là một liên minh tình báo giữa Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
HOA TỰ DO
Văn diù cánh Phượng yên trăm họ
Võ thét oai Hùm dẹp bốn phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét