( Hình 1 - Con gái miền Tây mặc áo bà ba )
Người ta hay nói con gái miền Tây ... khờ, dễ dụ lắm đó đa.
- Ừa, thì khờ thiệt. Người ta bảo thương mình đến hết đời, gắng chờ người ta vài năm... là tin ngay người ta thương mình, là một lòng một dạ mà chờ mà đợi cho đến ngày... người ta hết thương, người ta không nói câu nào, người ta lặng lặng ôm đồ sang bến khác.
- Ừa thì khờ thiệt. Người ta bảo cứ gật đầu ưng đại ông Trung, ông Hàn nào cũng được, qua bên ấy có tiền, gởi về nhà phụ tía má nuôi em, lo cho gia đình mình bớt nghèo đỡ khổ... Nói vậy thôi vội tin là thiệt, là gạt nước mắt đặt chân qua xứ người mà không chút mảy may nghi ngờ, nếu thành thì thiên hạ kháo nhau " con ấy có hiếu, lo được cho cha mẹ ...", nếu bại, chết mất xác nơi xứ người, hay lang thang vật vờ trong cái động nào đó thì người ta lại dè bĩu :" ham tiền cho đáng, ngu mà khoái ăn trắng mặc trơn... " ... Nghĩ mà thương ghê cái khờ chi mà khờ cho nên khổ !<!>
Lại mang chuyện xa xưa ra mà nhắc. Nội tôi kể có năm ông nội tôi đi lính, bị điều đi đâu đó mà cả nhà không ai biết. Những năm ấy đánh nhau ác liệt lắm. Số bị điều đi thì...thường không có ngày trở về. Bà nội tôi một mình ở nhà chạy chợ nuôi con nheo nhóc, nuôi ba má chồng già yếu. Rồi người ta tin về bảo ông nội tôi đã chết. Cố tôi bảo nội tôi làm đám ma cho ông nội. Mặc ai nấy khuyên, nội tôi vẫn bảo :" chết phải thấy xác ". Còn không thấy, nội tôi không tin .
Cứ vậy mà nội chờ. Nội nói ông cố chửi nội suốt vì không chịu làm đám cho con trai ông, là dâu, là vợ mà chồng chết không chịu để tang thờ... Nội kể buồn lắm chứ, xót lắm chứ, nhưng lòng nội cứ tin rằng ông nội tôi còn sống.
Đấy, chỉ có chút xíu lòng tin mong manh mà một mình nội tôi chịu bao điều tiếng, nội cắn răng hết, để rồi... Ông nội tôi trở về thật. Sau bao nhiêu năm bặt tin. Trở về bằng xương bằng thịt.
Nội tôi kể ngày ông nội tôi về, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Hồi đó ông cố tôi khó lắm, vợ chồng mà ...chả dám ôm nhau, cứ thậm thụt len lén y như ... trộm tình không bằng đó.
Nội đứng ngoài hè nghe ông cố hỏi chuyện ông nội mà nước mắt cứ chảy, cầm hoài không có đặng. Đứng nhìn chồng mình mà tê hết cả chân, ống tay áo nhoẹt nhòe nước mắt, nước mũi... Trời ạ ! Chi cho tội dữ vậy trời.
Đâu chỉ có nội tôi, cả bà ngoại tôi cũng thế. Ông ngoại tôi bị người ta chôn sống khi bà ngoại tôi vẫn còn trẻ.
Cái thời loạn lạc bom đạn còn nhiều hơn cả cơm trắng, ngoại tội lại thuộc dạng xinh xắn, giỏi giang, bước ra đường, dù con cái đầy ra, vẫn khối chàng cậy trầu cau may mối.
Ngoại tôi vẫn ở vậy nuôi con, mặc cho người ta bảo ngoại khờ, ngoại dại. Người chết cũng đã chết rồi, giờ có gá nghĩa với ai khác để có chỗ tựa nương lúc về già cũng không ai trách. Ngoại còn quá trẻ kia mà.
Nhưng ngoại bảo vợ chồng là cái tình cái nghĩa, tuy ông ngoại tôi mất nhưng bà ngoại tôi vẫn sợ... ông buồn, ông tủi. Ngoại nói giờ con cái trai gái có cả, nuôi cho con lớn nên người rồi theo ông ngoại về dưới mà ở.
Tôi nghe ngoại kể ... cũng không biết nói thế nào. Chỉ buộc miệng :" cái tình cái nghĩa trăm năm mà !"...
Chẳng hiểu sao chiều nay vô tình đọc lại bài thơ bên blog một người bạn mới, ba từ " lá sầu đâu" trong thơ bạn làm tôi cứ thừ người ra nhớ bài lai thế này. Ai có ăn món gỏi sầu đâu - món ruột của miệt An Giang, Châu Đốc, mới thấy hết cái tình khờ dại miền Tây. Là thiệt đó.
Sầu đâu xứ tôi chẳng phải bông tim tím với hương man mác đẹp đến nao lòng đi vào thơ, vào nhạc như sầu đâu miền Bắc - ngoài ấy người ta hình như còn gọi nó là hoa xoan nữa đấy.
Sầu đâu xứ tôi cái tên nghe đã nặng lòng, cái hoa thì ...nhìn xa trăng trắng li ti chả ra hình thù gì, nhạt nhẽo... Vậy đó.
Nhưng sầu đâu miền ngoài chả ai dại mà ăn, còn sầu đâu xứ tôi, cũng y như cái tình nghèo, khó ăn, đắng nghét, nhưng sau vị đắng lại thanh dịu đến lạ kỳ. Không ăn thì thôi, chớ đã ăn lần thứ nhất rồi, sẽ có lần thứ... nửa . Ăn riết đâm ghiền hồi nào không hay đó chứ.
Mùa này chưa có hoa sầu đâu đâu, phải cận tết mới có. Sau những ngày đông trơ trụi lá, khi xuân về, từng nõn lá non tơ mươn mướt dần phủ kín đọt sầu đâu.
Người ta hái đọt sầu đâu, hái cả chùm hoa bum búp bày bán khắp chợ quê.
À, nếu ai ở Sài Gòn, muốn thử ăn món độc này vẫn có thể dễ dàng tìm mua ở khu chợ Miên ở đường Lê Hồng Phong hỏi ai cũng biết .
Chẳng cầu kỳ gì, chỉ cần chần sơ sầu đâu qua nước sôi cho bớt đắng, rồi trộn với chút khô cá sặc rằn xé nhuyễn, hay giàu có hơn thì chút thịt cá lóc nướng rơm, chút thịt ba chỉ, chút tôm thẻ... thêm mớ xoài chua, cà chua, dưa leo xắt sợi ...
Nhón đũa gỏi sầu đâu chấm chén nước mắm me chua ngọt sền sệt, cho vào miệng, rít chút men cay của rượu nếp miệt vườn...
Chao ôi ! Đủ vị trần gian, đúng câu " khổ tận cam lai " đó chứ.
Cái cắn ngập răng sặc sụa đắng nghét sẽ làm chùng lòng bất cứ cái lưỡi dễ tính nào. Có người còn vội nhổ toẹt ra không nuốt nỗi.
Giống y như mối tình nghèo. Làm gì có nhẫn kim cương, có quà hàng hiệu đắt tiền; làm gì có bữa tiệc sinh nhật cho huy hoàng rồi đưa nhau đi shopping cho vui lòng người đẹp.
Cùng lắm chỉ có những nỗi nhớ dấm dúi gởi vào mấy câu lẩn thẩn; cùng lắm chỉ dám ngồi nhăm nhi ly cà phê vỉa hè, ron rén nắm tay nhau mà mong thời gian quay chậm chút xíu thôi cũng được...
Thế nhưng, sau cái đắng kịch trần ấy, lạ lùng thay, lại là một hương vị độc đáo có một không hai. Vừa ngòn ngọt thanh thanh trong cuống họng, vừa chua chua beo béo, mằn mặn...
Nhắc đến mà tôi nuốt cả nước bọt vì chết thèm đây. Mấy anh sành ăn khoái nhậu, đảm bảo ăn không ghiền mới lạ.
Nói không ngoa, có người bao nhiêu năm xa xứ, vừa đặt chân vào quán xứ này, không cần biết mùa nào,đã vội hỏi :
" Có gỏi sầu đâu không em ? ".
Đấy, nơi xứ người bò Úc, bò Mỹ... thứ chi miễn có tiền là có.
Chứ muốn ăn được dĩa gỏi sầu đâu đúng vị quê nhà làm sao mà có được để ăn cho thỏa ?
Chiều nay Sài Gòn đứng gió. Chẳng có ngọn sầu đâu nào để thủ thỉ cho tôi nghe cái tình nghèo miền Tây khờ dại. Chỉ là chợt chạnh lòng từ một câu thơ mà nghe cả miền vụng dại kéo nhau về. Lòng lại vò lòng ru câu ca dao rứt ruột mà .... thương chi chẳng biết. Khờ ghê !
"Nước mắm ngon dòm sâu đáy hũ
Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình.
Sầu đâu nhuộm trắng mái đình
Bao nhiêu trai tráng không nhìn
Dạ em chỉ để thương mình anh thôi..."
Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình.
Sầu đâu nhuộm trắng mái đình
Bao nhiêu trai tráng không nhìn
Dạ em chỉ để thương mình anh thôi..."
Hoa sầu đâu miền Tây tui đây .
Gỏi sầu đâu chỉ chấm với nước mắm me mới đúng bài của nó. Thêm rượu ( không phải bia nhé ) là ... trên cả tuyệt vời .
Cá khô nướng trộn kèm với gỏi sầu đâu là không chi bằng luôn nè.
Thân mến .
TQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét