Phóng viên nhật báo Người Việt đã có dịp thăm và phỏng vấn những “người trong cuộc” để làm sáng tỏ phần nào những điều trên.
Cuộc bố ráp bất ngờ
Theo lời ca sĩ Huy Cường, sáng sớm ngày 17 Tháng Mười, khi những đứa
trẻ còn đang chuẩn bị ăn sáng để đi học, thì có năm viên chức tới gõ
cửa. Họ mặc quần áo giống như thường phục, không giống như cảnh sát,
nhìn kỹ mới thấy logo ICE nhỏ trên ngực áo (ICE là tên của Cơ Quan Thực
Thi về Di Trú và Biên Phòng – U.S. Immigration and Customs
Enforcement). Trong số họ có một người gốc Việt.
Người cảnh sát gốc Việt lên tiếng hỏi gặp người có tên Ly Nguyễn, đó chính là tên của vợ ca sĩ Huy Cường.
“Khi vợ tôi đi ra cửa gặp họ, viên cảnh sát người Mỹ mời vợ tôi ra
ngoài nói chuyện vài câu. Sau ít phút ngắn ngủi, viên cảnh sát dẫn cô ấy
ra xe đã đợi sẵn ở ngoài. Tôi vội vàng chạy theo cô ấy ra xe, thì thấy
họ đang còng tay vợ tôi trong xe. Bên cạnh cô ấy, có một phụ nữ gốc Việt
khác cũng bị còng tay. Họ áp tải cô ấy đi mà không kịp lấy một thứ đồ
đạc gì, còn mặc nguyên bộ đồ ngủ,” anh Cường kể lại.
“Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì viên cảnh sát gốc Việt đưa
cho tôi địa chỉ và nói ‘Anh chờ ít nhất là hai ngày nữa, muốn thăm vợ
thì hãy tới địa chỉ này. Đây là nơi giam mấy người di trú bất hợp pháp.’
Anh ta còn nói tôi phải tìm ra sổ thông hành (passport) Việt Nam của vợ
tôi. Nếu không tìm ra, vợ tôi có thể bị giam ở đó rất lâu để chờ ngày
trục xuất. Họ nói rồi vội vã rời đi,” anh Cường kể tiếp.
Nơi giam giữ chờ ngày trục xuất
Sau gần hai tiếng lái xe dọc theo xa lộ 91 mới tới được trung tâm
Adelanto Processing Center. Đây là nơi tạm giữ người nhập cư bất hợp
pháp đang chờ ngày trục xuất, nằm ở Victorville cách Little Saigon 90
dặm. Đó là những tòa nhà xây dựng còn khá mới, khang trang, sạch sẽ nằm
giữa sa mạc. Cách đó một con đường bê tông nhỏ, là một khu nhà lớn hơn
với hàng rào kẽm gai kiên cố, nghe nói đó là nhà tù giam giữ những tội
nhân hình sự. Còn Adelanto Processing Center không phải là nhà tù, chỉ
là nơi tạm giữ những di dân chờ ngày trục xuất.
Bên trong phòng chờ dành cho thân nhân, có treo những bức hình lớn mô
tả điều kiện vật chất bên trong trại giam là khá tốt để cho người thân
được yên tâm. Nơi đây đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt như ăn uống, ngủ
nghỉ, khám chữa bệnh, thư viện đọc sách, lướt Internet. Muốn gọi điện
thoại ra ngoài, thì người nhà phải nạp tiền vào cho họ, thông qua một
máy như ATM ở ngay phòng chờ.
Tất cả người thân muốn vào thăm phải để đồ đạc tư trang ở một tủ khóa
bên ngoài. Sau đó tiếp tục qua một cửa an ninh có máy “scan” bằng tay
như ở phi trường.
Tiếp đến là đi qua hai cánh cửa thép nặng chịch, có nhân viên canh
gác. Cuối cùng mới tới căn phòng trò chuyện để được gặp người đang bị
giam trong đó. Căn phòng chỉ rộng chừng 500 sqft, có khoảng 7-8 bộ bàn
ghế đơn sơ và có một nữ nhân viên an ninh canh gác ở góc phòng với hệ
thống camera và màn hình theo dõi nghiêm ngặt.
Số người thăm vào Chủ Nhật thường nhiều hơn ngày thường. Đây là khu
dành cho nữ, vì thế, cảnh thường thấy là một người mẹ đang bị tạm giam
chờ trục xuất, ôm chầm lấy những đứa con thơ, khi thì thủ thỉ, khi thì
nức nở trong cảnh chia ly không biết liệu có ngày đoàn tụ trên đất Mỹ.
Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi trong trại giam: Nhà, xe, tiệm nail? Kết hôn thật hay giả?
Mỗi tuần người thân chỉ được thăm vào ngày Thứ Ba, Thứ Sáu và Chủ
Nhật. Quy định ở đây là số người được vào thăm không quá ba người một
lần, mỗi lần không quá 60 phút. Vì chúng tôi đi nhiều hơn ba người nên
phải gọi điện thoại báo trước với người quản lý để chia ra hai nhóm, mỗi
nhóm được thăm chỉ vỏn vẹn 30 phút, nhưng chỉ riêng thủ tục an ninh,
đợi chờ qua ba cánh cửa, cũng mất gần 10 phút.
Gặp Bảo Ly, người phụ nữ 37 tuổi, nhỏ nhắn trong bộ đồ đồng phục màu
cam, trên cổ tay cô là một vòng có gắn mã số, khuôn mặt cô có vẻ mệt mỏi
và xanh xao. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, chúng tôi chỉ kịp chào hỏi
vài câu rồi vào đề ngay. Câu đầu tiên là: “Có phải chị Bảo Ly nói trên
Facebook là đã mua căn nhà đang ở với giá $680,000 và trả hết bằng tiền
mặt không?”
Bảo Ly lắc đầu, rơm rớm nước mắt: “Dạ không phải, mười mấy năm nay
chúng tôi chỉ đi thuê nhà. Căn nhà này chúng tôi thuê từ năm 2016, lúc
đó anh chủ nhà mới mua và nói cho tôi biết giá nhà như thế. Trên
Facebook có một chị người quen hỏi tôi giá căn nhà đó bao nhiêu. Tôi
biết giá nên tôi trả lời là $680,000 chứ tôi không hề nói rằng tôi mua
căn nhà đó.”
Ngừng một chút, chị nói tiếp trong nước mắt: “Nếu mà tôi có tiền mua
căn nhà như thế, thì tôi đâu nỡ lòng nào để các con phải ở chật chội như
vậy. Chị thấy đó, sáu người ở trong một căn phòng. Mỗi khi các con sang
nhà bạn bè chơi, rồi về ngây thơ hỏi mẹ: nhà bạn con có phòng riêng,
rộng rãi lắm, sao con không có hả mẹ?! Tôi nói với các con, tôi sẽ ráng
làm để các con sẽ có phòng riêng. Mình làm cha mẹ mà không lo cho con
được như người ta, tôi đau lòng lắm.”
“Vậy có phải chị làm chủ một tiệm nail không?” phóng viên Người Việt hỏi.
“Tiệm nail là nhờ một mạnh thường quân ở San Jose, California, đó là
ông chủ tiệm vàng Khải Toàn giúp đỡ. Vì tôi có nghề nail nên ông ấy đứng
ra mua tiệm nail để cho tôi cơ hội làm kiếm tiền nuôi mấy đứa nhỏ. Lời
thì hưởng mà lỗ thì chịu, người đứng tên tiệm vẫn là ông Khải Toàn.
Nhưng một phần vì bận con nhỏ, một phần vì thiếu thợ, nên lỗ hoài, tôi
phải vay mượn bù lỗ. Sau khi cầm cự gần một năm, tôi không kham nổi nên
mới nói ông Khải Toàn bán tiệm nail đi. Rồi ông ấy cho lại $20,000,” Bảo
Ly giải thích.
“Người ta đồn là chị sang Mỹ bằng diện hôn thê với một người khác rồi
bỏ đi lấy anh Huy Cường, có phải vậy không?” phóng viên Người Việt hỏi
tiếp.
Với gương mặt mệt mỏi, Bảo Ly bắt đầu câu chuyện đã gần 20 năm về
trước: “Tôi có người cô ruột ở tiểu bang Maryland. Cô có gửi tiền về cho
bố mẹ tôi để đầu tư một khu nhà làm phòng trọ ngắn hạn theo tháng, chứ
không phải khách sạn sang trọng gì cả. Cô cho ba mẹ tôi đứng tên và cả
gia đình tôi ở ngay đó trông coi. Ngày ấy có nhiều người từ Mỹ về thuê
trọ, trong đó có một anh tên D. ở Minnesota. Lúc đó tôi mới 20 tuổi còn
đang đi học nên cũng chưa hiểu biết gì nhiều. Chúng tôi đến với nhau là
hoàn toàn chân thật. Anh D. bảo lãnh tôi sang Mỹ theo diện hôn thê
(K1). Chúng tôi kết hôn sau khi sang Mỹ một vài tuần. Rồi anh D. làm thủ
tục xin thẻ xanh.”
“Nhưng khi sang Mỹ, tôi mới biết anh D. đang thất nghiệp. Tất cả ba
mẹ và mấy anh chị em đều ở chung một nhà. Đến nỗi vợ chồng mới cưới như
tôi cũng không có nổi một phòng riêng, phải ngủ tạm phòng khách. Hồi ở
Sài Gòn cùng bố mẹ, tôi không phải làm gì ngoài đi học, nên không biết
làm việc nhà. Bố mẹ chồng vốn là người gốc Huế. Tôi vụng về, làm việc gì
cũng bị chê trách, không được lòng bố mẹ chồng. Thêm nữa là cả hai
chúng tôi đều không có thu nhập, sống phụ thuộc. Thời gian đó tôi chỉ
biết khóc,” cô kể tiếp.
“Anh D. khi đó bàn với tôi rằng, tôi cứ đi sang tiểu bang Maryland ở
với cô ruột để học nail trước, rồi anh ấy sẽ thu xếp sang sau. Nhưng
không ngờ, sau này anh ấy đơn phương làm đơn ly dị nộp lên tòa, lấy lý
do là tôi tự ý bỏ đi. Tôi nhận được thư của tòa báo là anh ấy đã ly dị
và cần tôi ký. Tôi không biết rõ nội dung bằng tiếng Anh, chỉ hiểu là
cần ký để ly dị nên đã ký vào. Tôi nhận được quyết định ly dị của tòa
vào Tháng Tư, 2005,” Bảo Ly nói tiếp.
“Cuối năm 2005 thì tôi mới gặp anh Cường. Chúng tôi yêu thương nhau
rồi kết hôn và chuyển về California sống. Từ đó tới nay đã 14 năm, ở
chung nhà, có bốn đứa con như vậy. Tất cả đều là tình cảm thật.” Bảo Ly
nói tới đây thì cũng là lúc hết giờ thăm. Chúng tôi miễn cưỡng phải ra
ngoài trong khi còn rất nhiều điều muốn hỏi. Chúng tôi chỉ còn biết nói
với theo: “Chị giữ sức khỏe nha, ở đây họ đối xử có tốt không? Có người
Việt nào ngoài chị không?”
“Dạ, họ đối xử cũng tốt. Ngoài tôi ra còn có sáu người Việt nữa.” Bảo
Ly nói vừa dứt lời, cánh cửa phía trước mở, chúng tôi buộc phải bước ra
ngoài, còn Bảo Ly bị đưa vào trong bằng cánh cửa phía sau, khuất bóng
trong giây lát.
Thăm “nhà” Huy Cường
Đó là một căn nhà “single house” nằm ở phía sau khu chợ ABC ngay khu
trung tâm Bolsa. Cảm nhận đầu tiên là căn nhà rất nhiều đồ đạc, từ lối
vào cho tới phòng khách, bếp, garage nhưng khá ngăn nắp và sạch sẽ.
Bốn cháu bé, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi đều đang ở nhà. Tiếp
chuyện với chúng tôi là bà cụ ngoài 70 tuổi, là bà ngoại của chị Bảo Ly:
“Từ hôm mẹ cháu bị đưa đi, tôi vội bay từ Maryland sang để chăm sóc các
cháu. Những ngày đầu, các cháu khóc liên tục vì nhớ mẹ, cứ một đứa khóc
là cả ba đứa kia khóc theo.”
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà, bà cụ kể: “Nhà có năm phòng ngủ,
một phòng khách nhưng cho thuê lại (tức là “share” phòng) bốn phòng ngủ
rồi. Phòng khách thì ngăn một nửa để thờ Phật, nửa còn lại cũng cho
thuê. Ngày họ đi làm tối về ngủ nên cũng không phiền là mấy. Còn tất cả
hai vợ chồng và bốn đứa nhỏ chỉ có nhiêu đây thôi.” Vừa nói bà cụ vừa
vén lớp màn cửa, để lộ ra căn phòng rộng chừng 15 mét vuông, chỉ đủ
không gian để một cái giường tầng cho hai đứa lớn và hai cái nệm đôi, đủ
cho cha mẹ nằm cùng hai đứa nhỏ còn lại.
Ca sĩ Huy Cường cho biết: “Trước kia giá nhà thuê là $2,800 thì chúng
tôi cho thuê lại như vậy cũng vừa đủ. Nay chủ nhà tăng lên $3,200 nên
mỗi tháng cũng phải bù vào vài trăm.”
Trở ra phía trước garage, một xe Lexus LX350 đời 2015 và một xe van
tám chỗ đang đậu ở đó. Huy Cường tâm sự: “Nhờ ông chủ tiệm vàng Khải
Toàn cho $20,000 nên chúng tôi mới có tiền đi mua chiếc xe Lexus này.
Chúng tôi mua xe cũ chứ không dám mua xe mới và mua trả góp mới được năm
tháng nay. Mỗi tháng $407, hiện còn nợ hơn $20,800 nữa. Giờ hoàn cảnh
thế này, bà xã tôi nói phải để cho nhà băng kéo xe hoặc có ai mua được
giúp thì đỡ bị ‘bad credit.’ Còn xe van chúng tôi thuê trong vòng ba
năm.”
Về chuyện từ thiện, ca sĩ Huy Cường cho biết: “Trước kia tôi cũng đi
làm hãng, cuối tuần tham gia từ thiện. Nhưng sau đó bị hãng cho nghỉ
việc, nhà cũng cần một người để lo đưa đón chăm sóc con, việc tổ chức
show cũng bận rộn nên tôi quyết định không đi làm hãng nữa.”
“Tổ chức show từ thiện được đi đây đi đó, gặp nhiều người tốt nên đó
là đam mê của tôi. Bà xã tôi hiểu nên cũng ủng hộ việc này.”
Theo lời Huy Cường, tổ chức từ thiện “Tiếng Gọi Quê Hương” đã hoạt
động được 13 năm và được chính phủ công nhận là tổ chức vô vụ lợi (tức
là được miễn trừ thuế theo điều khoản 501 (c) (3) ). Huy Cường cũng
khẳng định là hằng năm có thuê công ty có chuyên gia CPA khai thuế.
“Vậy anh có nhận lương khi điều hành tổ chức này không?” phóng viên Người Việt hỏi.
Ca sĩ Huy Cường trả lời: “Vì dành toàn thời gian cho việc từ thiện,
nên tôi có nhận một khoản lương, là hơn $2,000 mỗi tháng, giống như đi
làm hãng vậy thôi.”
Vì sao 17 năm không bảo lãnh được vợ, người vợ bị trục xuất vì tội gì?
Cho chúng tôi xem một tập tài liệu về hồ sơ bảo lãnh vợ từ 2005, ca
sĩ Huy Cường giải thích: “Do người quen giới thiệu, chúng tôi có nhờ văn
phòng luật sư ở Virginia tư vấn. Vị luật sư này nói rằng Bảo Ly đã ly
dị chồng trước thì hoàn toàn có thể kết hôn với tôi và tôi có thể mở hồ
sơ bảo lãnh cô ấy được. Nói rồi, chính họ là người dẫn tôi và cô ấy đi
đăng ký kết hôn tại Virginia.”
“Sau đó thì chúng tôi về California tổ chức lễ cưới và ở đây luôn tới
giờ. Do đó, hồ sơ bảo lãnh cũng chuyển sang văn phòng luật sư khác ở
Little Saigon làm tiếp, mất cũng hơn $2,000. Nhưng từ 2005 tới giờ, cứ
mỗi lần đi phỏng vấn hay ra tòa, đều bị bác hồ sơ. Quan tòa nói vợ tôi
không đủ bằng chứng [để tự bảo lãnh mình] trong cuộc hôn nhân trước. Họ
không hỏi gì tới cuộc hôn nhân hiện tại với tôi,” anh kể.
“Lần cuối cùng ra tòa là vào khoảng 2012, khi đó trước khi quan tòa
quyết định trục xuất hay không, họ có hỏi vợ tôi rằng: Cô có sẵn sàng để
bị trục xuất về Việt Nam không? Bảo Ly nói sẵn sàng vì nghĩ rằng như
thế sẽ được nhẹ tội, còn có cơ hội quay lại Mỹ. Nhưng khi quan tòa cho
Bảo Ly nói lời sau cùng để kết thúc phiên tòa, thì cô ấy òa khóc. Cô ấy
khóc vì nghĩ tới hai đứa con thơ và một đứa còn đang mang bầu. Vì thế
quan tòa đã quyết định hủy bỏ lệnh trục xuất và nói chúng tôi hãy tìm
luật sư để có thêm bằng chứng,” anh kể tiếp.
Nhưng sau đó gia đình Huy Cường phải chuyển nơi thuê trọ mấy lần mà
không biết rằng phải báo với tòa về việc thay đổi địa chỉ. Anh cho biết:
“Ngày nào chúng tôi cũng kiểm tra hòm thư mà không thấy. Chúng tôi muốn
biết quyết định của tòa ra sao, chừng nào thì trục xuất hay là cần thêm
giấy tờ gì không.”
“Hơn nữa luật sư ở đây nói có lẽ chúng tôi đã có mấy đứa con nên có
thể vợ tôi được ở lại vì sự nhân đạo. Thành ra cứ chờ đợi thấp thỏm, nửa
mừng, nửa lo,” anh tâm sự.
“Nhưng có lẽ vì tòa gửi giấy mà không thấy chúng tôi phản hồi nên mới
có ngày vợ tôi bị [ICE bắt] như vậy. Ngoài sự việc đó ra, cô ấy không
hề phạm pháp gì cả. Cô ấy có ID và đi làm khai thuế chung với tôi từ năm
2005 tới giờ. Giấy khai sinh của bốn đứa nhỏ cũng có tên cha, tên mẹ,”
ca sĩ Huy Cường giải thích thêm.
Ca sĩ Huy Cường cũng cho biết, vợ anh đã ký giấy chấp nhận bị trục
xuất trong trại giam và cơ quan ICE đã có vé bay cho cô, nhưng không
tiết lộ chính xác ngày nào cô sẽ bị trục xuất. Anh đã làm passport cho
các con để về Việt Nam gặp mẹ.
Khi hỏi về giấy tờ tiệm nail, Huy Cường có cho xem giấy tờ tiệm nail ở
Costa Mesa, quyền sở hữu thuộc về người đàn ông có tên là “Ken Van Tu,”
cư dân tại thành phố Walnut Creek, California.
Phỏng vấn người liên hệ
Chúng tôi đã liên lạc với chủ nhân của căn nhà vợ chồng Huy Cường
đang ở, đó là anh Ngọc Nguyễn, cư dân Westminster. Anh cho biết: “Tôi
mua căn nhà này vào cuối năm 2016 với giá đúng là $680,000. Vừa mua xong
thì vợ chồng anh Huy Cường tới đặt cọc thuê nguyên căn. Nhưng sau đó,
do sợ không đủ trả tiền thuê nhà nên họ đổi ý, muốn rút lại tiền cọc.
Tôi cũng đồng ý trả lại cho họ. Nhưng chưa kịp trả thì anh Huy Cường xin
tôi cho phép anh ấy cho ‘share’ phòng. Tôi cũng đồng ý nên họ tiếp tục
thuê và ở từ đó tới nay. Giá thuê đúng là như trên.”
Liên lạc với ông chủ tiệm vàng Khải Toàn theo số điện thoại mà Huy
Cường cung cấp, ông cho biết: “Năm 2017 tôi được mời tới dự tiệc gây quỹ
từ thiện tại một nhà hàng ở San Jose. Bữa đó ban tổ chức đặt nhà hàng
hơn một chục bàn mà thấy người ta đi có 7-8 bàn. Tôi thấy tổ chức show
từ thiện mà như thế này là lỗ to rồi. Cho nên tôi mới bù vô số lỗ đó cho
họ vì thấy tội nghiệp. Huy Cường cám ơn và từ đó tôi mới biết tới Huy
Cường.”
“Một lần tôi ghé Los Angeles chơi, nên có nhờ Huy Cường chở đi vòng
vòng. Rồi Huy Cường có mời tôi ghé thăm nhà và mấy đứa nhỏ. Tôi không
ngờ các cháu bé phải ở trong một điều kiện như vậy nên tôi muốn giúp,”
ông chủ tiệm vàng Khải Toàn nói tiếp.
“Thấy cô Bảo Ly có nghề nail, nên tôi tìm mua tiệm nail cho họ. Tôi
đóng cửa tiệm vàng bốn ngày, xuống đó lo tìm mua tiệm, lo giấy tờ, phụ
dọn dẹp. Tôi đứng tên tiệm. Được chừng tám tháng thì cô Bảo Ly không làm
nổi. Tôi muốn họ có tiền nuôi mấy đứa nhỏ bằng việc giúp họ một kế sinh
nhai, chứ tôi không cho tiền. Tôi nghĩ là họ muốn làm chủ, không muốn
lấy công làm lời. Tôi đành phải bán rẻ tiệm nail đi, chỉ còn một nửa
tiền. Sau đó tôi cho lại họ $20,000. Tôi khuyên họ mua cái xe van cũ để
tiện đưa đón tụi nhỏ và đi làm. Tôi chỉ thương mấy cháu bé, còn người
lớn thì phải tự lo lấy thôi,” ông nói thêm.
Trả lời câu hỏi: “Vì sao trên giấy tờ tiệm nail không phải là Khải
Toàn?” Ông cho biết: “Khải Toàn là tên tiệm vàng của tôi. Trên giấy tờ,
tôi họ Từ, tên Mỹ của tôi là Ken.” (Tâm An)
—-
Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét