Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Bùng Binh Cây Liễu, không phai mờ trong ký ức người Sài Gòn - Trần Tiến Dũng/Người Việt

Bùng Binh Cây Liễu trước thời điểm bị đập bỏ năm 2015, thay vào đó là đài phun nước. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Trước năm 1975, người dân từ Chợ Lớn, Gia Định hay các tỉnh phụ cận hễ ra Sài Gòn là nhất định phải tới cho được cái Bùng Binh Cây Liễu, có khi chỉ để được bụi nước từ đài phun làm mát mặt, để từ chối mấy ông thợ chụp hình dạo đeo theo mời chụp hình, hay để ngắm đèn đường, đèn màu bảng hiệu sáng rõ trang phục thanh lịch của dòng người lịch sự đi bát phố,… bao nhiêu là chuyện thú vị! Một nhà thơ kể, năm 1963, ông là một đứa trẻ từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn, trong ký ức của một đứa trẻ chưa đến tuổi vô lớp năm tiểu học thì Bùng Binh Cây Liễu trước Tòa Đô Chánh thiệt bự, đủ khoe trong sắc màu cả không gian thủ đô Sài Gòn mà một đứa bé nhà quê hằng ngưỡng mộ.
<!>
Mười năm sau, ông chính thức lên Sài Gòn tiếp tục học, lúc đó mới biết tên các con đường quanh Bùng Binh Cây Liễu, biết rạp chiếu bóng Rex, biết thương xá Passage Eden, Tax và cái công viên có tượng ông lính Biệt Động Quân cấm súng hướng về phía tòa nhà Quốc Hội VNCH,…
Nhưng trong lòng một đứa thiếu niên, Bùng Binh Cây Liễu với đài phun nước và các con cá chép vàng, mấy ông bán bong bóng bay, bán cà-rem và cả cái mùi bắp nổ rang bơ thơm phức từ vỉa hè đường Lê Lợi mới là hình ảnh hấp dẫn nhất.
Người lớn sống lâu năm ở Sài Gòn thường kể, rằng cái đài phun nước này có từ thời Tây, là nơi hàng tuần có đội kèn ra chơi nhạc, nên còn gọi là Bồn Kèn, đến năm 1942 nó được xây thành một cái hồ nước nhỏ giữa trung tâm thành phố, với đài phun nước hai tầng như đóa hoa nở ra cùng những vòi nước phun vào không gian đô thị lung linh.
Người miền Nam Việt Nam dù được đến Sài Gòn hay chưa thì Bùng Binh Cây Liễu qua tem, bưu thiếp, lịch, hay các hình ảnh văn hóa nghệ thuật, cũng sẽ xác định Bùng Binh Cây Liễu là biểu tượng Sài Gòn; biểu tượng kiến trúc văn minh đó không bao giờ phai mờ. Với dân Sài Gòn cố cựu thì đài phun nước này, dáng lá liễu, màu hoa đồng điệu với cảm xúc và tâm hồn người thủ đô.
“Bùng Binh Cây Liễu” và đài phun nước bị phá thành “bình địa” Tháng Tư, năm 2016, ảnh chụp từ thương xá Tax. (Hình: Người Đô Thị)
Trên trang bìa tờ Nam Kỳ tuần báo số ra ngày 14 Tháng Giêng, 1943, có đăng ảnh công trình ấy hiện lên hài hòa, tô điểm cho Dinh Xã Tây (Tòa Thị Chính) Sài Gòn thêm vẻ lộng lẫy. Tra cứu sách báo xưa, ta có thể biết thêm công trình ra đời trong kế hoạch chỉnh trang Sài Gòn đầu thập niên 1940, vào chính thời điểm chuẩn bị cho một hội chợ quốc tế đồ sộ diễn ra ở vườn Ông Thượng (vườn Tao Đàn).
Với nhiều vị trưởng thượng có dịp đi nước ngoài nhất là đến nước Pháp, thì hình ảnh không gian kiến trúc đô thị quanh trục đại lộ Lê Lợi-Nguyễn Huệ-Lê Thánh Tôn với tâm điểm là Bùng Binh Cây Liễu, tất cả tạo thành một quần thể đẹp mắt, hài hòa, hiện đại chẳng khác gì một góc phố của Paris.
Nhưng có lẽ riêng với người bình dân và sinh viên học sinh thì nếu phải nói gì đó về nơi này, hẳn ngôn ngữ thị dân bình thường chỉ có thể nói gọn một câu mà họ mượn ghép từ ca từ rằng: “Bùng Binh Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!”
Cụ Vương Hồng Sển có kể, nơi đây vào Chủ Nhật và ngày lễ, “lính kèn” của Tây biểu diễn các bài hành khúc Pháp và nhạc Châu Âu quanh “Bồn Kèn” như một phong tục đẹp.
Trước biến cố năm 1975, Sài Gòn cũng trải qua bao biến động lịch sử nhưng Bùng Binh Cây Liễu vẫn phun nước vào các ngày cuối tuần. Đó là chuyện thật ngay cả với người Cộng Sản khi chiếm thành phố này, họ cũng biết về các tia nước văn minh kiến trúc đô thị từ đài phun này, và không thể võ đoán khi cho là họ không thấy cái công trình theo kiến trúc phương Tây này không đẹp, nhưng khốn khổ, khốn nạn cho họ là họ không chấp nhận mỹ quan đô thị văn minh, vì theo ý thức chính trị của họ đây là tàn tích kiến trúc thực dân đế quốc nên quyết xóa bỏ để thay thế bằng thứ thẩm mỹ theo kiểu của họ.
Bàn sòng cho phẳng là họ có quyền từ chối giữ lại các di sản văn minh cho cộng đồng để thỏa mãn bằng thứ mỹ cảm chính trị cực đoan ấu trĩ. Các công trình kiến trúc tượng đài hay công trình tuyên truyền với họ là tồn tại “đời đời” trong sự nực cười của công chúng chân chính.
Đài hoa sen mới được người Sài Gòn coi là thiếu thẩm mỹ và mất cả văn hóa không gian đô thị. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trên trang Facebook cá nhân của ông Đỗ Duy Ngọc, một cư dân cố cựu của Sài Gòn, ông viết: “Toà Đô chính ngày xưa là Dinh Xã Tây, luôn là trung tâm hành chánh của Sài Gòn, nó lại có con đường Nguyễn Huệ đâm trực diện, điều này phong thuỷ kỵ lắm, nên thường người ta làm cái bình phong án ngữ để hoá giải, cái đài nước đấy chính là cái bình phong ấy. Cho nên sau khi chính quyền thành phố này cho san ủi cái đài nước kia cũng như là phá bức bình phong che chắn cho ủy ban, từ đó những người ở trong ủy ban bắt đầu có chuyện, lớp thì đi tù, lớp chết chóc, bệnh tật. Phá bỏ những di tích, không cho ba con đường đi qua giao lộ người ta đã xóa mất lịch sử của thành phố, đánh mất ký ức của người Sài Gòn, đồng thời không quan tâm yếu tố phong thủy lâu đời của cha ông, do vậy họ phải trả giá chăng? Đến lúc ấy, người ta giật mình và rồi người ta lại nghĩ đến chuyện khôi phục lại cái hồ nước một thời có liễu rũ vờn quanh. Nghe nói kinh phí lên đến mấy chục tỷ, nhưng mà cái duyên chẳng còn mà lại phạm thêm lỗi nặng. Nước thuộc thuỷ, người ta làm cái hoa sen dị hợm, quê mùa, loè loẹt đặt lên đấy. Hoa màu đỏ thuộc Hỏa. Thủy Hỏa đặt chung với nhau chắc lại sinh thêm họa nữa.”
Vậy là, đầu thế kỷ XXI, năm 2016, Người Sài Gòn bị ăn cắp mất đài phun nước Bùng Binh Cây Liễu đầy ắp ký ức của nhiều thế hệ. Không những thế các công trình có giá trị văn minh kiến trúc tinh hoa quanh khu trung tâm Sài Gòn đã mất và sẽ tiếp tục bị ăn cắp mất.
Chúng tôi nhớ về các buổi sáng không có giờ học, đám học trò trung học trong lúc chờ xuất chiếu giảm giá vé cho học sinh ở rạp Rex sang trọng, chúng tôi thường đứng ngắm Bùng Bình Cây Liễu. Vào thời ấy dù miền Nam Việt Nam đang có chiến tranh nhưng đám học trò vẫn tôn thờ chủ nghĩa lãng mạn.
Trong bóng tối rạp chiếu bóng thì các đôi tình nhân học trò có thể lén cầm tay hay hôn nhau, nhưng khi đứng bên hàng liễu của Bùng Binh thì ý thức non nớt vẫn mong sao cho người và cảnh Sài Gòn thân yêu được bình yên và nguyên vẹn mãi, để dù vật đổi sao dời vẫn lưu dậm dấu kỷ niệm đánh thức tình yêu đầu đời của mình.
Bây giờ thì Bồn Binh Cây Liễu vĩnh viễn không còn nữa, nhưng trong niềm yêu dấu nuối tiếc khôn nguôi, trong chúng tôi có người nghĩ. Có khi những công trình kiến trúc văn minh yêu dấu ấy tồn tại trong lòng cái không gian chính trị chuyên chế của chế độ này thì hẳn chúng lạc lõng và cô độc biết bao nhiêu!
Cố nhiên tình yêu với Sài Gòn là điểm son không bao giờ phai mờ trong ký ức và với tình yêu lớn đó người Sài Gòn cố cựu không bao giờ cô độc. Chỉ đáng thương cho cả các thế hệ hôm nay và mai sau bị nhồi nhét thứ kiến trúc đô thị cực đoan chính trị, hổ lốn văn hóa, làm ngộp thở và mù lòa không gian sinh tồn. (Trần Tiến Dũng)

Vào đêm 31 Tháng Mười, 2019, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố, cùng ba vị phó chủ tịch thực hiện nghi thức khánh thành đài phun nước tại vị trí Bùng Binh Cây Liễu cũ ngay ngã tư Nguyễn Huệ-Lê Lợi.
Đài phun nước với đóa hoa sen bằng thủy tinh lớn được cho là xây dựng theo “công nghệ Đức,” được khai triển từ Tháng Ba, 2019.
Thời điểm nhà cầm quyền ở Sài Gòn quyết định biến đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ vào năm 2014, bùng binh Cây Liễu được tháo dỡ và san phẳng. Sau đó, nơi này được lót đá granite, ngay phía dưới thiết kế hồ nước ngầm, có vòi phun lên bề mặt phố đi bộ Nguyễn Huệ kết hợp nhạc, ánh sáng.
Việc phá dỡ bùng binh Cây Liễu làm dấy lên nhiều đồn đoán trên mạng xã hội rằng giới chức lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân thành phố đã “phạm” đến một biểu tượng phong thủy lâu đời của Sài Gòn nên sẽ phải gánh chịu nhiều “hệ lụy.”

Không có nhận xét nào: