Bìa của TIME đăng ảnh của Greta Thunberg
Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu bạn trẻ hành động chống biến đổi khí hậu, được tạp chí TIME chọn là Nhân vật tiêu biểu của năm 2019. Thunberg đã phát động một chiến dịch cấp cơ sở khi cô 15 tuổi bằng cách nghỉ học thứ Sáu hàng tuần để biểu tình bên ngoài quốc hội Thụy Điển, thúc đẩy chính phủ của nước mình đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về hạn chế khí thải carbon. Hành động của cô đã nhanh chóng làm lay động lòng người, và vào tháng 9 năm nay, hàng triệu người đã xuống đường ở các thành phố trên khắp thế giới để ủng hộ sự nghiệp của cô.<!>
“Trong 16 tháng kể từ khi cuộc biểu tình của cô bắt đầu, cô đã phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia tại Liên Hiệp Quốc, gặp Giáo hoàng, đấu tranh với Tổng thống Hoa Kỳ và truyền cảm hứng cho 4 triệu người tham gia cuộc biểu tình về khí hậu toàn cầu”, tạp chí TIME viết.
Cô là cá nhân trẻ tuổi nhất được vinh danh trên tạp chí.
Thunberg, sẽ tròn 17 tuổi vào tháng 1/2020, hiện đang có mặt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Madrid, nơi các nhà lãnh đạo thế giới đang tranh luận về cách thực hiện thỏa thuận Paris 2015 được thiết kế để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu có thể là thảm họa.
Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore, một nhà hoạt động vì môi trường lâu năm, nói rằng tạp chí TIME đã có một sự lựa chọn tuyệt vời.
“Greta là hiện thân của đạo đức trong phong trào hoạt động của thanh niên, yêu cầu chúng ta hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Cô là nguồn cảm hứng cho tôi và mọi người trên khắp thế giới”, ông Gore nói.
Bruxelles Bỉ Quốc: Biểu tình Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2019
Thực Hiện
-
12/12/2019
Vào trưa ngày thứ Ba,10.12.2019, mặc dầu thời tiết đã sắp bước vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp còn 5 độ C trong tuần thứ hai mùa Vọng, hàng trăm đồng bào từ các nước Pháp, Ðức, Hoà-Lan, Thụy Sĩ và Vương Quốc Bỉ đã tập trung tại quảng trường Rond Point Schuman trước quốc hội Ấu Châu để tham dự cuộc biểu tình do Cộng Ðồng Việt Nam Tự Do Vương Quốc Bỉ tổ chức, đúng vào ngày kỷ niệm 71 năm Quốc Tế Nhân Quyền để lên tiếng cho và đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
Đặc biệt tham dự cuộc biểu tình này còn có một số người dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong để biểu lộ sự đồng hành cùng người Việt trong cuộc tranh đấu chống lại sự vi phạm nhân quyền của các nhà cầm quyền độc tài Bắc Kinh, Hong Kong và Việt Nam.
Tại địa điểm tổ chức, rừng cờ vàng, cờ Tây Tạng, cờ của các nước Bỉ, Hoà-Lan, Ðức, Pháp phất phới bay trong gió, xen lẫn với các biểu ngữ với nội dung đòi hỏi tôn trọng nhân quyền, đặc biệt các hình ảnh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã tạo nhiều chú ý cho người đi đường.
1 trong 5
Quang cảnh biểu tình
Trong nghi lễ khai mạc vào lúc 14g30, mọi người cùng nghiêm trang chào quốc kỳ, hát quốc ca và tưởng nhớ đến các nạn nhân của chế độ độc tài cộng sản. Tiếp theo đó, bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo đã thay mặt ban tổ chức chào mừng các phái đoàn đến tham dự và đồng hương.
Ông cũng nêu lên ý nghĩa của cuộc biểu tình, nhằm đánh động dư luận thế giới về sự vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam.
Song song với cuộc biểu tình, một phái đoàn Việt Nam gồm đại diện các tổ chức Hội đoàn như Liên Hội Người Việt Tị nạn CS CHLBĐ, Hội Người Việt Tị Nạn Cộng sản tại Nürmberg và đảng Việt Tân đã có cuộc gặp gỡ 11 Dân Biểu trong Quốc Hội Âu Châu đặc trách trong các Ủy Ban Nhân Quyền, Ủy Ban Thương mại Quốc Tế, Khối Đông Nam Á đặc trách sự vụ, Mậu dịch thương mại giữa Âu Châu và Việt Nam nhằm thảo luận và đề nghị Quốc Hội Âu Châu hoãn phê chuẩn các Hiệp Định Tự Do Thương Mại ÂC – VN (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (IPA)
Trong phần phát biểu của các dân biểu Ấu Châu như bà Maria Arena, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Âu Châu, là 1 trong những người đầu tiên phản đối EVFTA và bà dân biểu Saskia Bricmont, đặc trách về Mậu Dịch Thương mại giữa Âu Châu và Việt Nam. Hai vị dân biểu này đã lên tiếng mạnh mẽ chống hiệp định thương mại giữ ÂC và VN nếu Nhân Quyền không được tôn trọng tại Việt Nam.
Hai bà cũng bày tỏ sự hỗ trợ về cuộc tranh đấu chính đáng của người Việt Nam, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Hong Kong.
1 trong 7
Ngoài ra còn có phát biểu của một số hội đoàn ngoại quốc như ông Vincent Metten (International Campaign for Tibet in Brussel), bà Zumulati Aierken (Congres mondial Ouighur), Ms Jo Tam & M. Louis Chik (Stand with Hong Kong de Belgique),…cũng bày tỏ sự đoàn kết cùng người Việt trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền đang bị các nhà cầm quyền Bắc Kinh, Hong Kong và Việt Nam vi phạm trầm trọng.
Về phía người Việt có một số đại diện hội đoàn, đảng phái đã phát biểu gồm ông Đặng Vũ Sơn (Tinh Thần Diên Hồng – TT Trần Văn Bá), Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nan tại CHLBÐức, ông Nguyễn Quang Kế (Chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan), ông Trịnh Ðỗ Tôn Vinh (Việt Tân) và Nhà văn nữ Nguyễn Thị Tuyết Nga (Bỉ quốc)…..
Các vị này đã bày tỏ sự quyết tâm của người Việt Hải Ngoại luôn sát cánh cùng đồng bào trong nước trong công cuộc đấu tranh chấm dứt sự cai trị của độc tài cộng sản để xây dựng một nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Quyền Con Người được tôn trọng.
Linh mục Nguyễn Hùng Lân (Bỉ quốc) và một vị đại diện nhóm người Tây Tạng đã cùng mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân của cộng sản, đặc biệt là tù nhân lương tâm Ðào Quang Thực vừa mới mất trong nhà tù cộng sản vào đúng ngày kỷ niệm Quốc Tế Nhân Quyền. Mọi người càng cảm thấy ghê tởm sự vô đạo đức của chế độ cộng sản khi biết rằng trại giam của chế độ không đồng ý cho thân nhân của ông mang xác về nhà mai táng và muốn chôn ông trong trại giam.
Ông Lê Hữu Đào, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Liege, đồng thời cùng là thành viên BTC buổi biểu tình, trong dịp này đã thông báo về việc một số cộng đồng người Việt tại Âu Châu sẽ liên kết cùng nhau tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày 30 Tháng Tư tại thủ đô Berlin thuộc CHLB Đức.
1 trong 4
Dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Khắc Long mọi người cùng hô vang các khẩu hiệu “Tự Do cho Việt Nam”, “Dân Chủ cho Việt Nam”. “Nhân Quyền cho Việt Nam” bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp và hát những bài ca rực lửa đấu tranh. Tiếng hô khẩu hiệu nói lên nguyện vọng của người dân Việt Nam, Hong Kong, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ bị áp bức đã vang dội khắp phố, nói lên thảm cảnh của nhân loại trong các chế độ độc tài cộng sản còn sót lại trên trái đất.
Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 16g30 phút cùng ngày.
Thế Truyền tường thuật.
Việt Nam bắt 12 nhà báo trong năm 2019
RFA
2019-12-11
Các nhà báo bị chính quyền Việt Nam bắt giữ. Từ trái qua: nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Trương Duy Nhất, nhà báo Phạm Văn Hóa
Photo: RFA
Việt Nam bỏ tù 12 nhà báo trong năm 2019 và là một trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới có biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.
Thông cáo báo chí của Ủy Ban Bảo vệ Ký giả- CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ công bố ngày 11 tháng 12 kết luận như vừa nêu. Cụ thể trên toàn thế giới có ít nhất 250 nhà báo bị bỏ tù trong năm 2019. Năm ngoái con số cũng tương tự chỉ nhỉnh hơn một chút là 255.
Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trong năm nay với số lượng ít nhất là 48 người; trở thành quốc gia đứng đầu đàn áp giới ký giả trong năm 2019. Theo CPJ thì số lượng nhà báo tại Hoa Lục bị bỏ tù tăng đều đặn mỗi năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và củng cố kiểm soát chính trị tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Tại Việt Nam, kể sau kỳ đại hội đảng lần thứ 12 vào tháng giêng năm 2016 và ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức tổng bí thư, biện pháp đàn áp được nhận định tăng mạnh hơn so với trước đó. Nhà báo mới nhất bị bắt vào ngày 21 tháng 11 vừa qua là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập.
CPJ tổng kết đa số những nhà báo bị bỏ tù đều đối diện với cáo buộc chống nhà nước hoặc bị cho là đưa tin giả.
Theo CPJ thì chừng 8% những nhà báo bị bỏ tù trên thế giới trong năm 2019 là nữ giới; giảm so với tỷ lệ 13% vào năm ngoái
CPJ cho rằng các nhà báo không thể bị cầm tù chỉ vì thực thi nhiệm vụ đưa tin của họ.
Châu Âu muốn tăng tốc sang kinh tế Xanh: Ba thách thức trước mắt
Trọng Thành Đăng ngày 11-12-2019
Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trình bày cương lĩnh định hướng cuộc chuyển hóa nền kinh tế Xanh (Green New Deal), Bruxelles, 11/12/2019.Aris Oikonomou / AFP
Hai kế hoạch lớn của châu Âu và Pháp dự kiến công bố là tâm điểm chú ý của báo chí Pháp. Thứ nhất là dự án cuộc cải cách hưu trí đang bị phản đối dữ dội tại Pháp. Sau nhiều tháng để không khí mơ hồ ngự trị, quyết định ''hạ bài'' của chính phủ Pháp hôm nay, 11/12/2019, là tựa trang nhất của nhiều nhật báo. Trước hết xin giới thiệu về dự án của tân Ủy Ban Châu Âu tăng tốc đưa châu lục chuyển sang nền kinh tế Xanh.
Les Echos chạy tựa trang nhất : ''Khí hậu : Chương trình 1.000 tỉ euro của Liên Âu'', với hình tân chủ tịch Ủy Ban, nữ chính trị gia Đức Ursula von der Leyen. Đầu tư cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch là mặt trận đầu tiên của tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kể từ khi nhậm chức.
''Green Deal'' (Thỏa ước Xanh) là tên gọi của kế hoạch hành động khẩn cấp của Liên Âu. Với trọng lượng kinh tế đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, nhưng chỉ chịu trách nhiệm 9% lượng khí thải toàn cầu, Liên Hiệp Châu Âu coi cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh vừa là chiến lược dài hạn, cơ hội riêng cho kinh tế châu lục tăng trưởng, nhưng cũng vừa là con đường xây dựng một mô hình mới, đưa nhân loại thoát khỏi nguy cơ diệt vong nhãn tiền, với đà nóng lên nhanh chóng của khí hậu.
Tính khẩn cấp của cuộc chiến Khí hậu gắn chặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh : ''Thỏa ước Xanh sẽ là chiến lược tăng trưởng mới của châu Âu''. Về mục tiêu chung, hai cái đích đã được đưa ra: Trung hòa khí thải vào năm 2050, và giảm từ 50 đến 55% khí thải vào năm 2030, so với cái đích giảm 40% trước đây.
Chuyển hóa xã hội về mọi mặt
Thứ Sáu tuần trước, nhiều tài liệu làm việc của Ủy Ban được công bố cho thấy hàng loạt lĩnh vực liên quan, từ chính sách năng lượng, vận tải, đa dạng sinh học, nông nghiệp, xây dựng, tài chính, thương mại quốc tế, quan hệ đối ngoại… Tóm lại, đây là một dự án chuyển hóa xã hội ''trên quy mô toàn thể'', theo nguồn tin từ các dân biểu châu Âu.
Khí hậu, hay cuộc chuyển hóa sang xã hội không khí thải, là mục tiêu số một của Liên Âu, và dự án đầu tư 1.000 tỉ đô la trong 10 năm tới là điều đã rõ. Vấn đề cụ thể là Liên Âu nỗ lực ''về tài chính và về chính trị'' như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra.
Chúng ta biết, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tiếng nói quyết định trong việc huy động ngân sách, trong khuôn khổ các thương lượng về kế hoạch 2021-2027 của Liên Hiệp. Các tranh luận tại thượng đỉnh Liên Âu ngày mai và ngày mốt hứa hẹn sẽ căng thẳng.
Trong lúc một số tổ chức phi chính phủ khẳng định số tiền trên chỉ đủ chi phí cho một phần ba nhu cầu, thì nhiều tập đoàn công nghiệp lớn cảnh báo là một quyết định tăng tốc chuyển đổi ''quá nhanh chóng'', với các mục tiêu ''phi hiện thực'' sẽ là ''điều phản tác dụng''.
Xã luận Les Echos, với tựa đề “Sinh thái: Nếu người ta tăng tốc thì sao?’’ nhấn mạnh đến nỗi lo ngại: nếu Ủy Ban Châu Âu đứng trước tình thế phải hành động quá gấp gáp, họ sẽ không có đủ thời gian để kịp thương lượng và thuyết phục bên lập pháp.
Ba thách thức lớn: Ba nước Đông Âu, thuế các-bon biên giới, thuế xăng dầu
Cũng trong hồ sơ này, Les Echos có bài ''Nhiều căng thẳng tại châu Âu sắp tới'', nói về những thách thức mà Ủy Ban Châu Âu phải vượt qua trong việc tìm kiếm các thỏahiệp với các quốc gia thành viên và thuyết phục các ngành công nghiệp đồng hành trong công cuộc biến chuyển này.
Thách thức thứ nhất là từ nhóm ba nước miền đông (Ba Lan, Hungary, CH Séc), vốn còn rất phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Ngày hôm nay, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải công bố các trợ giúp tài chính, để đổi lại thỏa thuận của ba quốc gia nói trên với mục tiêu chung của Liên Hiệp.
Thách thức thứ hai là ngành xe hơi. Để thuyết phục Đức, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nỗ lực hơn, Thỏa ước Xanh công bố hôm nay ắt hẳn sẽ phải đề xuất việc xây dựng lại hệ thống trao đổi hạn mức khí thải chung. Hệ thống mới sẽ phải bao gồm khí thải trong ngành vận tải đường biển, đường sông, cũng như giảm bớt các ưu đãi về thuế nhiên liệu với ngành hàng không.
Thách thức thứ ba là Liên Âu phải tạo được một cơ chế đánh thuế các-bon tại biên giới, dù không chính thức gọi là thuế. Số tiền thu được từ ''cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới'' (tên gọi chính thức) có thể sẽ được đầu tư một phần cho các nước xuất khẩu hàng sang châu Âu, để đầu tư cho năng lượng Xanh, một phần khác cho các đầu tư tại châu Âu. Hiện tại vấn đề này vẫn đang được bàn thảo. Về nguyên tắc, loại thuế các-bon mới này phải bảo đảm ''cạnh tranh bình đẳng'', phù hợp với các nguyên tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Cùng với việc thiết lập thuế các-bon tại biên giới Liên Âu, giá khí thải các-bon trong nội địa châu Âu cũng sẽ phải được nâng lên.
Thị trường khí thải các-bon toàn cầu: Bế tắc tại COP 25
Trong lúc Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị công bố Thỏa ước hành động khẩn cấp để chuyển sang nền kinh tế Xanh,cùng với vấn đề cách tính lượng khí thải, dự án thị trường mua bán tín dụng khí thải các-bon toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bế tắc tại Thượng đỉnh Khí hậu COP 25 (Tây Ban Nha).
Theo Les Echos, tại Madrid, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong việc tìm ra phương thức thực thi điều 6 của Hiệp ước Khí hậu Paris 2015. Về nguyên tắc, Hiệp ước Khí hậu sẽ có hiệu lực kể từ năm tới 2020, thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Nếu từ nay cho tới đó không đạt được đồng thuận về phương thức thực thi điều 6, thì việc phối hợp quốc tế để thực thi Hiệp ước Paris 2015 sẽ rất khó khăn.
COP 25, sẽ kết thúc trong ba ngày nữa, về nguyên tắc là cơ hội lớn cuối cùng cho phép đạt đồng thuận trước khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực.
Mục ''Hành tinh'' của Le Monde có hồ sơ ''Tại COP 25, hồ sơ thị trường các-bon đầy gai góc'' cho biết cụ thể là văn bản dài 34 trang, về chủ đề này, vẫn còn đến 423 điểm bất đồng.
Trên lý thuyết, thị trường mua bán khí thải sẽ cho phép các quốc gia nghèo nhận được nhiều đầu tư hơn cho năng lượng Xanh, từ các nước phát khí thải nhiều hơn mức cam kết. Tuy nhiên, thị trường này được ví như con dao hai lưỡi. Một trong các lo ngại lớn là hệ thống mua bán khí thải các-bon, nếu thiếu đi các nguyên tắc minh bạch, công bằng và hiệu quả, sẽ thay vì khuyến khích các bên nỗ lực hành động để cắt giảm khí thải, chỉ tạo ảo giác về tình trạng khí thải giảm mạnh nói chung, điều trái ngược với thực tế.
Việt Nam tiếp tục nêu quan ngại về căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc
RFA
2019-12-11
Hình minh họa. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019
AP
Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm 10/12, Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục nêu quan ngại về tình hình căng thẳng Biển Đông với những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong thời gian qua.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Việt Nam nói đến những hành động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam nhưng tránh không nên tên Trung Quốc trực tiếp.
Hôm 28/9, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong bài phát biểu của mình nhưng không nêu tên Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Phạm Hải Anh cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời khẳng định lập trường của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng tại phiên họp lần này, đại diện một số nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đề cao vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến khoảng cuối tháng 10, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và cả tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu.
Hoa Kỳ và EU cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Bãi Tư Chính mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là hành động bắt nạn Việt Nam của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định vùng nước gần Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động đơn phương tại khu vực này.
Mặc dù có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, Hà Nội và Bắc Kinh vẫn duy trì các đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, bao gồm việc tuần tra chung ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Đợt tuần tra mới nhất giữa hải quân hai nước vừa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12.
Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền trên biển với đường đứt khúc này qua các ấn phẩm sách báo, phim ảnh và ứng dụng bản đồ, gây ra các phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng.
Hôm 10/12, truyền thông trong nước đưa tin công ty Điện lực Long Thành (Đồng Nai) mới đây đã từ chối mua điện mặt trời áp mái của một khách hàng trên địa bàn vì phần mềm được cài đặt có bản đồ đường lưỡi bò.
Các bộ ngành của Việt Nam thời gian gần đây đã đồng loạt chỉ đạo việc kiểm tra chặt chẽ, cấm nhập những mặt hàng vào Việt Nam có bản đồ lưỡi bò.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét