Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Ông Thầy Bói Mù – Trần Thanh Tùng


Năm nay Xuân lại đến
Nhớ ông Thầy Bói mù
Chợ Cà Mau năm cũ
Cùng chiếc ghe màu xanh…
Thấm thoát đã gần ba mươi năm phiêu bạt bồng bềnh nơi đất khách, cứ mỗi độ Xuân về là tôi lại nhớ tới câu chuyện đã đi qua đời tôi với một người. Tuy chỉ gặp một lần ngắn ngủi, mà tôi cứ nhớ mãi cho đến bây giờ. Tôi xin được quay lại đoạn phim của hai mươi chín năm về trước để tưởng nhớ ông Thầy Bói Mù, nay đã trở thành “người muôn năm cũ”, và bác Chín Cụt, người thương binh “cách mạng giác ngộ”, đã nằm lại dưới lòng đại dương trên đường vượt biển tìm tự do.<!>

Sau bốn lần tham gia tổ chức vượt biên thất bại qua nhiều cửa biển, từ Vàm Lẻo Cổ Cò Sóc Trăng tới Gành Hào Bạc Liêu xuống tận Sông Đốc Cà Mau. Người ta thì “nhất quá tam” còn riêng tôi thì “nhì quá tứ”, rồi tứ hóa… tù luôn. May nhờ người chiến hữu anh em chí cốt thương tình, cầm nhà bán cửa để chuộc “bùa” thỉnh “phép”, chạy chọt theo hệ thống “tam cấp”, từ cấp xã lên cấp huyện tới cấp tỉnh, nên tôi được ra khỏi trại giam với tờ giấy chứng nhận là… “gia đình có công với cách mạng”?

Trước ngày được trả tự do, người cán bộ quản lý trại giam gọi tôi lên văn phòng, nhìn vào tờ “bùa” có đóng dấu đỏ của cấp tỉnh ủy, hỏi một tràng câu hỏi làm tôi ú ớ. Anh là thành phần gia đình có công với cách mạng thì anh phải “quán triệt” đường lối của cách mạng chứ. Tại sao cách mạng vừa mới thành công thì anh lại bỏ cách mạng đi vượt biên, không những một lần mà tới ba bốn lần. Anh có biết vượt biên là phản quốc không? Tại sao anh lại có ý định vượt biên. Do bọn phản động nào ở nước ngoài móc ngoặc xúi giục anh phải không ?

Sau một hồi ấm ớ, tôi chọn được câu trả lời hy vọng là tương đối “ổn” để khỏi dính líu tới tội “phản động”. Tôi bị người yêu phụ bạc nên chán đời đi vượt biên cho chìm ghe chết để đừng gặp lại con người phản bội đó. Tay cán bộ cười khẩy, lên giọng sừng sộ. Lý do anh nêu ra tôi nghe có “ấn tượng” … Lan và Điệp quá, tôi không thể “thống nhất” được. Tôi cho anh một ngày để viết bản tự kiểm và cam kết với nhà nước là anh sẽ không bao giờ tái phạm. Nếu anh còn vào đây một lần nữa, tôi sẽ đưa anh ra tòa án nhân dân để nhân dân xử tử hình anh, anh nghe rõ chưa. Tôi cố dằn để không phải đôi co với tay cán bộ nầy, nhưng nói thầm trong bụng. Hiện thời nhân dân cả nước đang tìm cách vượt biên, cho nên nhân dân sẽ không bao giờ kết án tử hình tôi đâu.

Cuối cùng, tôi cũng được trả tự do sau khi đã viết bản tự kiểm dài hơn cái Sớ Táo Quân. Vẫn giữ vững “lập trường”, nhấn mạnh lý do “bỏ cách mạng vượt biên” là tại do người yêu phụ bạc và nhắm mắt ký vào bản cam kết sẽ không bao giờ tái phạm. Vì chính tôi cũng nghĩ là mình sẽ không còn cơ hội “thứ năm”, nên chẳng ngần ngại mà ký bừa ký đại để được thoát kiếp “nhất nhật tại tù”. Mọi chuyện khác hạ hồi phân giải.

Trước khi trao tờ giấy phóng thích, tay cán bộ trưởng trại giam còn “hù” tôi rằng. Anh phải luôn luôn nhớ ơn cách mạng đã khoan hồng cho anh về nhà ăn tết. Tôi sẽ báo lên tỉnh để cho công an chìm theo dõi anh 24/24, nếu anh ngoan cố tái phạm sẽ bị trừng trị thích đáng, anh nghe rõ chưa. Câu hù dọa nầy dù không biết thiệt hay giả nhưng đối với tôi có tác dụng như cái vòng Kim Cô của Đường Tam Tạng tròng lên đầu Tôn Ngộ Không để khống chế tên đệ tử ba gai trật búa.

Ra khỏi trại giam Cây Gừa lần nầy thì tôi hoàn toàn trắng tay thực thụ, thất thểu lang thang với tâm trạng bất đắc chí. Tôi mò xuống bến tàu đò Cà Mau làm phu bốc vác. Những ngày mới vào nghề bị đám “ma cũ” nện cho một màn phủ đầu, giành giựt mối mang bề hội đồng túi bụi, ngày nào tôi cũng mình mẩy bầm tím, nhưng tôi quyết định dùng khổ nhục kế để tìm cơ hội vượt biên nên gồng mình chịu đòn. Tuyệt đối không cho phép mình nhớ lại những tháng năm xông pha trận mạc vào tử ra sinh của một thằng lính áo rằn ri, từng xáp lá cà với sư đoàn ba sao vàng sinh Bắc tử Nam, để quyết chí làm Việt Vương Câu Tiễn. Dần rồi cũng quen, tụi cái bang đánh riết cũng mỏi tay và tôi được hợp thức hóa sau mấy ngày liên tục chịu đấm… dù chưa có hột xôi nào vô bụng.

Thời gian sau quen nước quen cái, tôi qui tụ được vài tay nhạc sĩ “miệt vườn” trong toán bốc vác và thành lập ban nhạc “cóc ổi”, nhận giúp vui cho đám giỗ đám ma đám gả đám cưới. Vì cũng sắp năm hết tết đến, để có cơ hội nhậu… chùa, ba ngày sưng bốn ngày xẹp, sáng say chiều xỉn “mượn tửu bôi giải phá thành sầu”. Tạm quên đi kịch bản dở dang của cuốn phim “Thuyền Ra Cửa Biển”.

Câu chuyện tưởng là dừng lại ở đây, nhưng định mệnh hình như chưa muốn tôi an phận thủ thừa bằng nghề bốc vác. Một buổi sáng trời mưa tầm tã, tôi đội áo mưa qua chợ Cà Mau mua rượu mua mồi để gầy sòng nhậu. Đang bước vội qua ngang mấy quán hàng xén, tôi chợt nghe một tiếng gọi khàn khàn, yếu ớt. Cậu cậu, cậu đứng lại tôi nói cậu nghe cái nầy ngộ lắm. Tôi ngạc nhiên quay lại hướng vừa phát ra giọng nói thì nhận ra là một ông già mù ốm tong teo, quần áo rách bươm đang ngồi co ro dưới mái hiên tay cầm hai đồng xu đão tới đão lui. Tôi dừng lại, hơi ngạc nhiên và tự hỏi, ông nầy mù mà tại sao biết mình là đàn ông mà gọi mình là cậu, nhưng tôi cũng bước lại nơi ông ngồi và thấy trước mặt ông có để một chiếc mu rùa.

Tôi ngồi chồm hổm đối diện ông, thì ông chợt cúi gầm xuống và đưa tay che miệng nói thì thầm dường như sợ có ai nghe. Nếu cậu có muốn đi vượt biên nữa thì phải lựa chiếc ghe màu xanh thì cậu mới đi được. Tôi hết hồn hết vía và quay ra nhìn dáo dác xung quanh, nhưng may quá, vì trời đang mưa nên chẳng có ai ở gần bên cạnh.

Thấy ông già có vẽ hơi là lạ, tôi buộc miệng hỏi. Bác không nhìn thấy cháu nhưng sao bác biết cháu là đàn ông, và… Tôi còn đang ngập ngừng thì ông nói tiếp. Tôi chỉ cần nghe bước chân cậu đi là tôi đoán được thời gian vừa qua cậu đã te tua như thế nào rồi. Mà không sao đâu, Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm. Nhưng cậu cũng đừng nên quá chán chường mà nhậu nhẹt nhiều không tốt, hãy giữ cho thần trí tĩnh táo, và đừng quên là ngồi lâu sẽ câu được con cá bự. Nói xong ông lại cầm hai đồng xu đão qua đão lại.

Câu nói sau cùng của ông hồi còn nhỏ tôi đã từng nghe mấy bà đánh tứ sắc trong xóm thường hay dùng câu nầy để ám chỉ những người trên tay đã có oằn hay khạp khui, mà bài còn lại một cái đứt đầu, nhưng thấy bài sáng nên bỏ đôi và kiên nhẫn ngồi chờ bài lật để “tới ngon”.

Tôi nhìn kỹ vào mặt ông thầy bói, đôi mắt sâu thẳm như chứa đựng cả một cuộc đời mù lòa tăm tối, mặt mày khắc khổ hốc hác, làn da nhăn nhúm đen đúa vì lăn lóc với mưa nắng gió sương nơi xó chợ đầu đường. Trong túi áo trên của ông có một gói thuốc lá loại rẻ tiền xẹp lép đã gần hết. Lòng tôi chợt se thắt lại và một niềm cảm thương dâng lên không đè nén được. Tôi móc túi đếm chia cho ông mớ tiền lẻ, và ngại ông không nhận nên nói khéo. Cháu còn một ít tiền lẻ để mua rượu uống, nhưng bác mới vừa khuyên cháu đừng nên uống nhiều không tốt, cho nên hôm nay cháu sẽ uống nửa lít thôi, chừa lại một ít biếu bác mua thuốc hút đỡ lạnh.

Nói xong tôi nhét vào cái mu rùa ít tiền lẻ, cầm mu rùa ấn vào tay ông và đứng dậy bước nhanh qua quán cháo lòng bên cạnh mua rượu và mồi. Ngoáy nhìn lại thấy ông già mù đang lò mò lấy ra điếu thuốc cuối cùng châm lửa hút, tôi kêu thêm một tô cháo huyết và dặn thằng nhỏ con bà bán cháo chút nữa bưng lại cho ông.

Tôi trở qua bến tàu để gầy sòng vì bữa đó trời mưa lớn nên không có hàng bốc vác. Đám đệ tử lưu linh chờ tôi đến sốt ruột nên vừa mở nút chai là tụi nó phạt tôi “lì-ba-lam”. Một hồi sứa sứa tôi mới nhớ lại và kể cho tụi nó nghe vụ ông già mù. Tụi cái bang vừa vô mấy xị đế ngà ngà thì thằng nào mặt cũng đỏ gay và biến thành “thầy bàn”, xúm nhau gật gà gật gù bàn tán cái quẽ của ông thầy bói mù. Thằng thì cho là số tôi sắp trúng mánh vượt biên, thằng thì cho là mạng tôi sắp bị bắt ở tù, thằng thì cho là chỉ tay tôi có đường xuất ngoại. Mỗi thằng đoán cho một số kèm theo “lì-một-lam” làm tôi ngủm củ tỏi và quẹo ngang vô đống cần xé hồi nào không biết.

Tỉnh lại thấy đám đệ tử lưu linh biến đâu mất tiêu hết trơn, đầu tôi choáng váng như búa bổ. Tôi cố gượng dậy để đi tới quán cà phê gần đó kêu một ly trà đá chanh đường. Mồi điếu thuốc hút được hai hơi thì chợt thấy chú Bảy Honda ôm ghé lại, dáng điệu mừng rỡ khều vai tôi nói nhỏ. Trời ơi, tui kiếm em tùm lum hồi sáng tới giờ, gặp em ở đây tui mừng muốn chết. Tôi hỏi, chú kiếm cháu có chuyện gì? Chú Bảy nhẹ giọng, chuyện nầy quan trọng lắm, không thể nói ở đây được, lên xe đi, kiếm chỗ nào vắng vắng tui sẽ nói cho em nghe.

Tôi leo lên yên sau, không mấy chú ý đến câu chuyện vì đầu óc còn đang ngầy ngật. Chú rồ ga chạy qua cầu sắt, quẹo về hướng bến đò Rạch Rập, dừng lại ở một đoạn đường vắng. Chú xuống xe nhìn xung quanh rồi lấy bộ đồ “vết” ra ngồi xuống đất làm như đang sửa xe. Tôi ngồi xuống bên cạnh, chú nói thật nhỏ. Có mấy người ở trên Sài Gòn xuống đây tổ chức vượt biên. “Cá lớn” đã sẵn sàng rồi, nhưng giờ chót nhóm tài công đi dọc đường lật xe, bị thương nặng đang nằm viện ở Cần Thơ. Còn ghe hiện giờ đang đậu ở Vàm Tắc Thủ, chờ xuống đủ khách là lên đường đúng vào đêm giao thừa. Mấy ổng nhờ tui đi kiếm một người tài công và tài cải ở vùng nầy, nếu ai lái chiếc tàu đi Mã Lai thì mấy ổng sẽ “chung” mười cây. Cháu muốn đi không, nếu cháu đi thì chú xin cho chú một hai cây để lại cho vợ con chú, và chú sẽ làm tài cải, đi chung với cháu cùng sống chết có nhau.

Nghe xong tôi chợt tĩnh hẳn, vừa bàng hoàng vừa hồi hộp, nửa mừng nửa lo. Nhìn chằm chặp vào mặt chú Bảy như đã nhìn ông già mù ngày hôm qua, để tìm trong ánh mắt vốn đã thật thà đó một bằng chứng khả tin. Vì đời tôi chỉ còn có thể đánh một ván bài định mệnh cuối cùng nữa thôi, nếu thất bại chắc chắn sẽ đưa đến kết quả là bản án tử hình như tay cán bộ trại giam Cây Gừa nêu trong bản cam kết mà tôi đã ký.

Tôi còn đang chần chừ thì chú Bảy nói tiếp. Nhóm nầy có nhiều vàng lắm, hình như nghe nói là họ đã “mua cửa” rồi, cho nên cháu đừng lo đám công an biên phòng. Tôi hỏi, vậy còn từ Vàm Tắc Thủ ra tới cửa biển phải mất ít nhất năm sáu tiếng đồng hồ đường sông, phải đi ngang qua một đồn công an huyện nữa thì sao? Chú cho biết, đã có vỏ lãi của nhóm tổ chức đi theo dẫn đường, có rục rịch gì là họ… “chung” liền, em đừng có sợ. Thôi, lên xe đi, tui đưa em đi gặp mấy người đó, họ đang chờ tui ở bên Chùa Bà.

Tôi chợt cứng đơ như người mất hồn, làm theo lời chú Bảy, leo lên xe không nói không rằng. Chú chạy thẳng qua Chùa Bà, mấy người tổ chức lẩn lộn trong đám khách hành hương đang chờ ở đó, thấy chú Bảy vẻ mặt họ mừng rỡ nhưng không dám nói năng gì, vì lúc đó chùa còn nhiều người tới lui cúng bái, chỉ láy mắt ra hiệu để ngầm hỏi có phải tôi là người chú Bảy giới thiệu không. Chú Bảy gật đầu và họ ra dấu bảo đi thẳng ra phía bên hông sau chùa.

Nhóm nầy có một người đàn ông đen đúa dáng vẻ giống Honda ôm và hai người đàn bà, dù đã hóa trang ăn mặt theo kiểu nhà quê nhưng cũng không dấu được làn da trắng trẻo mịn màng của dân thành thị. Tôi gật đầu chào và họ vào đề ngay. Anh là tài công phải không, chúng tôi đã có sẳn “cá lớn” chỉ chờ đủ khách ở Sài Gòn xuống là ra khơi. Chúng tôi đã “lót đường” xong hết rồi. Nếu anh chịu lái chiếc ghe đi Mã Lai thì tôi sẽ chung cho anh mười cây và hai chỗ ngồi. Mình sẽ khởi hành vào chiều Ba Mươi Tết.

Tôi chợt nhớ lại lời hăm dọa của tay cán bộ trong trại giam và nghỉ quẩn. “Chẳng lẻ họ dàn cảnh định gài để bắt tôi một lần nữa”. Rồi tập trung thần lực nhìn thẳng vào ba người đối diện như để tìm một nét… “hình sự” ở những khuôn mặt xa lạ nầy. Hồi hộp để chuẩn bị bắt một cú thấu cấy trong ván bài định mệnh cuối cùng.

Trong lúc thần kinh căng thẳng cao độ, tôi chợt nãy ra một ý nghĩ để tìm hiểu thực hư, bèn dùng kế hoãn binh và nói nhỏ. Hiện giờ ghe đậu ở đâu, anh chị có thể cho tôi coi sơ qua chiếc ghe được không. Để đề phòng bị công an gài bẫy, tôi nói thòng thêm một câu. Tôi không muốn vượt biên vì bây giờ đất nước đã thống nhất rồi, nhưng tôi có vài thằng bạn cũng là tài công ghe biển, nếu gặp tụi nó tôi sẽ giới thiệu cho các anh chị. Họ đồng ý ngay, người đàn ông vô phía sau chùa dẫn ra một chiếc xe Honda 67 chỡ hai người đàn bà và ra hiệu cho chú Bảy theo sau. Nhìn bộ dạng leo lên xe Honda khó khăn trật vuột, tôi đoán thầm đám nầy ở Sài Gòn chắc toàn dân đi “xế hộp”, nên ngồi Honda rất lọng cọng. Điểm nầy làm tôi thấy hơi yên tâm được đôi chút.

Họ chạy dọc theo bờ sông về hướng Vàm Tắc Thủ khoảng hai cây số thì ngừng lại ở một quán nước và gọi mấy trái dừa tươi. Trong quán còn vài người khách ngồi đó nên người đàn ông và chú Bảy nói chuyện bâng quơ về giá cả phụ tùng xe Honda của Nhật và Trung Quốc. Thừa lúc mấy người khách kia vừa trả tiền bước đi thì họ chỉ cho tôi một chiếc ghe biển đậu phía bên kia sông. Người đàn bà nói, chiếc ghe nầy mười bốn mét, chúng tôi mua ở trên Tiền Giang, mới tân trang lại và thay máy Yanma 2 lốc. Trong đầu óc tôi lúc nầy không quan trọng lắm về chiếc ghe mấy mét hay mấy lốc, chỉ muốn coi chiếc ghe màu gì mà thôi, và tôi hoàn toàn thất vọng khi thấy chiếc ghe màu xám, viền đen.

Tôi thú thật với họ là hiện tôi còn đang mang “án treo” của cách mạng, nên cho tôi suy nghĩ kỹ lại, nhưng thật ra là tôi bị ám ảnh từ lời dặn của ông thầy mù. Nhóm tổ chức có vẻ tha thiết van nài và dùng đủ mọi lời lẽ để trấn an tôi. Nào là họ đã lót đường cẩn thận từ trên tới dưới, nào là họ đã có ăn chịu với mấy ông lớn trên trung ương cục. Họ chấp nhận ứng cho tôi một cây vàng để làm tin, nhưng tôi không nhận. Bởi những lý do họ đưa ra chưa đủ thuyết phục và không làm xao xuyến được tôi, vì mấy ông trên trung ương cục đối với tôi… không quan trọng bằng ông Thầy Bói Mù.

Trên đường về tôi kể lại với chú Bảy câu chuyện ông già mù tôi đã gặp bên chợ hôm qua, và nhờ chú chỡ qua tìm ông, tôi dự định sẽ hỏi ổng về khác biệt giữa màu xanh và màu xám. Nhưng qua đến nơi thì không thấy ông ngồi ở đó nữa. Tôi hỏi bà bán cháo lòng thì bà cho biết ông nầy cứ đổi chỗ lòng vòng, thỉnh thoảng một hai tuần mới trở lại ngồi ở đây một ngày. Tôi chưa kịp nói gì thì chú Bảy đã lên xe nổ máy rồ ga chỡ tôi đi vòng quanh khắp các ngõ ngách trong chợ cũng chẳng gặp ông. Hỏi thăm những người bán hàng trong chợ cũng không ai thấy. Chú Bảy đưa tôi về bến tàu, trước khi đi chú hứa là chú sẽ nói lại vụ nầy với nhóm tổ chức xem coi họ thế nào. Riêng tôi không nghĩ là họ sẽ chấp nhận yêu cầu hơi quá đáng của tôi.

Về tới bến tàu gặp tụi cái bang đang gầy sòng nhậu với xoài sống chấm mắm đường, khô cá kèo chấm mắm me. Bụng tôi đói cồn cào và trong một thoáng “phàm phu tục tử”, tôi thèm một cái lẫu lươn nóng hổi, chợt thấy tiếc tiếc về cây vàng đặc cọc của nhóm người trên Sài Gòn. Nhưng không khí ồn ào của đám đệ tử lưu linh đã kéo tôi trở về thực tại. Tôi lì một lam rồi ôm đờn thùng lên, cả bọn cùng đập bát đập bồn ca hát nghêu ngao. Có lẽ trong đầu thằng nào cũng nuôi một giấc mộng ra đi, nên thể hiện ý tưởng nầy qua từng lời ca. Thằng thì “Ngày mai em đi, ngày mốt em quay trở về“, thằng thì “Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc, sau đêm chia ly em khóc một hồi rồi… nín. Riêng tôi chợt nhớ tới lời ông thầy mù dặn nên chỉ uống cầm chừng, không có nạp “chăm phần chăm” như mọi khi. Đêm đó tôi giải tán sòng nhậu và đi ngủ sớm, đầu óc tôi cứ lẩn quẩn chập chờn hình ảnh chiếc ghe màu xám.

Một ngày nặng nề chầm chậm trôi qua, mưa đã tạnh, trời nắng ráo và không khí bến tàu nhộn nhịp trở lại. Công việc bốc vác bộn bề liên tục, suốt ngày mồ hôi mồ kê nhễ nhại nên tôi quên hẳn vụ chiếc ghe màu xám. Nhưng rồi… chuyện gì đến sẽ phải đến.

Trưa hôm sau chú Bảy tới tìm tôi và cho biết là nhóm tổ chức cũng có đi xin quẻ xâm ở Chùa Bà, trong quẻ xâm có những điều gần trùng hợp và đồng ý chấp nhận yêu cầu của tôi. Nhưng cần phải hội ý thật cẩn thận vì công việc sơn một chiếc ghe rất nhiêu khê, không đơn giản như sơn một chiếc xe đạp. Trong khi chiếc ghe đang đậu ở một nơi có nhiều “ông đi qua bà đi lại”, nếu sơn phết có thể sẽ gây chú ý của công an khu vực cùng đám công an tuần tiễu sông rạch. Còn nếu như kéo lên ụ thì càng gian nan hơn. Nhóm tổ chức giao cho tôi “đạo diễn” vấn đề sơn phết.

Chiều hôm đó sau khi đã xong công việc bốc vác, tôi phá lệ không nhậu với đám cái bang và “cáo bịnh từ rượu”, cùng với chú Bảy đi gặp nhóm tổ chức tại một địa điểm bí mật để soạn thảo kế hoạch sơn ghe. Tôi bắt đầu ôn lại số kiến thức chuyên môn đã được học từ trường Quân Báo Cây Mai hồi còn trong quân đội. Thứ nhất, tôi muốn tìm hiểu chiếc ghe đậu ở bến đó là nhà của ai, làm nghề gì, đã cư ngụ tại địa phương nầy bao lâu và liên hệ với nhóm tổ chức thế nào. Thì họ cho biết gia đình nơi chiếc ghe đậu là bác Chín Cụt, một người bà con xa cư ngụ đã lâu năm tại xã nầy, là chủ vựa thu mua khô đồng khô biển để cung cấp lên thành phố. Gia đình bác Chín gồm có sáu người cũng sẽ đi chung.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về phía công an khu vực, được biết là tay khu vực nầy không biết tên thật là gì nhưng người dân địa phương thường gọi là Hai Chiến, khoảng trên ba mươi tuổi. Con của liệt sĩ chính ủy tiểu đoàn U Minh 2 đã “hy sinh” hồi Tết Mậu Thân. Chưa có vợ, rất khoái nhậu nhẹt và đặt biệt là đờn vọng cổ rất hay, rất mê cải lương và hai bản “ruột” của hắn là bài Dòng Sông Quê Em với bài Lá Trầu Xanh của tiếng hát Phương Hồng Thủy. Đi đâu hắn cũng lận kè kè khẩu K.54 với cặp còng số 8 cồm cộm tòng teng sau lưng để “khè” những người yếu bóng vía. Mắt lúc nào cũng láo liên và thường hay ghé vựa để kiếm mua khô ngon về nhậu, đặc biệt là hắn chuyên môn mua… bằng miệng. Đây là những điểm then chốt trong phương án mà tôi cần nắm lấy để tìm cách ứng phó.

Điểm thứ hai là tìm hiểu về toán công an tuần tiễu sông rạch cùng lịch trình di chuyển. Họ cho biết là đám nầy rất bất thường không có lịch trình rõ rệt. Khi thì tuần tiễu qua lại khúc sông nầy ba bốn lần một ngày, lục xét tất cả ghe xuồng lớn nhỏ, kể cả lúc trời mưa và ban đêm. Có khi thì cả mấy ngày không thấy tăm hơi. Tôi làm một bài toán tình hình để phỏng tìm ẩn số sai biệt. Có lẽ lịch trình tuần tiễu lúc nhặt lúc khoan là do thông báo từ công an tỉnh và thành phố, mỗi khi phát hiện dấu hiệu tình nghi sắp có người Sài Gòn xuống vượt biên. Điểm nầy làm tôi hơi quan ngại nhưng không nói ra, và âm thầm tìm phương cách quyền biến khi hữu sự.

Điểm thứ ba là chiếc ghe đánh cá mang biển số Tiền Giang đã đậu tại đây bao lâu rồi và với lý do gì. Họ cho biết là ghe đã đậu tại nhà bác Chín đã được 2 tuần, và lý do họ báo cáo với công an xã là ghe bị vô nước ống láp chưn vịt nên tạm ngưng hoạt động chờ sửa chữa.

Sau khi nắm được đầy đủ các yếu tố cần thiết, tôi bắt đầu “nhập thất”, tịnh tâm tịnh khẩu mấy ngày liền. Nhờ chú Bảy giác hơi bầm tím mình mẩy, xuống bến tàu xức dầu gió nồng nực, dán Salonpas bên hai màng tang để có lý do cáo bịnh với đám cái bang tạm nghỉ bốc vác vài hôm. Bắt đầu vẽ ra một kịch bản sơn phết. Nhóm tổ chức hoàn toàn trông cậy vào tôi và sự hợp tác của bác Chín Cụt trong vai trò “ngoại giao” với phía địa phương cùng công an khu vực.

Lần đầu tiên đối diện với bác Chín Cụt, tôi kín đáo quan sát qua tướng tá khắc khổ cơ cực, với mái tóc bạc phơ cùng giọng nói sang sảng, biểu lộ nhân cách của một người trực tính chất phác. Dù chỉ còn có một chân và dùng chân giả nhưng ông di chuyển nhanh nhẹn gần như bình thường. Ông tâm sự với tôi, ông là thương binh của quân đội cách mạng, đã từng chống Mỹ chống Tây bây giờ chống… gậy. Bị ngược đãi và đã chán ngán nồi “bánh vẽ” của chế độ, nên đứng ra móc nối với số bà con xa trên Sài Gòn để chứa chấp người vượt biên kiếm huê hồng. Chờ khi đủ điều kiện thì đưa gia đình đi luôn.

Nhờ vào cái bằng khen của Trường Chinh ký từ năm một ngàn chín trăm hồi đó, kèm theo cái huy chương chống Mỹ đã cũ sì bọc trong bao ny-lông treo trên vách ngay chính giữa nhà như hai tấm “Chiếu Yêu Kính”, nên gia đình bác rất được địa phương nễ nang. Cộng với tấm bảng hiệu “Vựa Khô Chín Cụt – chuyên thu mua khô đồng khô biển các loại”, nên bến của bác luôn có ghe xuồng ra vào đông đúc, bạn hàng lái buôn lên xuống tấp nập mà không ai để ý ai.

Tôi bắt đầu hóa thân thành đạo diễn và lên kế hoạch sơn ghe theo từng bước, tôi nhắn chú Bảy nói với nhóm tổ chức là tôi cần một số tiền để thực hiện công việc nầy. Họ đưa cho tôi một số tiền khá lớn, tôi giao cho chú Bảy giữ hết tiền và chỉ lấy từ từ khi cần xử dụng. Nhân hôm đó có đoàn cải lương Hương Tràm về diễn ở rạp Huỳnh Long, tôi mua mười vé thượng hạng nhờ chú Bảy chuyển cho bác Chín Cụt và dặn là ráng mời cho được tay công an khu vực đi xem cùng với gia đình bác tối nay.

Và đương nhiên là Hai Chiến có mặt, lý do là vé… chùa mà còn được ngồi hàng đầu, cộng với máu mê cải lương của hắn. Tôi với chú Bảy cũng vô coi và ngồi hàng ghế phía sau, kín đáo quan sát nhứt cử nhứt động của tay khu vực. Suốt vỡ tuồng từ đầu tới cuối hắn say mê nhìn một cô đào phụ trong vai tỳ nữ có mái tóc dài và giọng hát rất giống Mỹ Châu. Lúc vãng tuồng hắn vẫn còn như lưu luyến chưa muốn ra về.

Ra khỏi rạp, gia đình bác Chín cùng tay khu vực ghé lại xe nước mía ở đầu đường. Tôi và chú Bảy cũng tấp vô ngồi xa xa. Mọi người bàn tán về vỡ tuồng vừa xem. Chê kép nầy khen đào nọ. Riêng Hai Chiến thì cứ một mực khen nức nở cô đào phụ tóc dài, hỏi bác Chín Cụt cô đó tên gì… Sau chầu nước mía mọi người chia tay ra về vì đã quá nửa đêm.

Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm, ra chợ trời lựa mua một bộ áo quần sạch sẻ, một đôi săn-đan mới. Vô tiệm hớt tóc gội đầu, chải “bảy ba”, xức dầu bi-dăng-tin bóng lưởng, đến rạp Huỳnh Long với tư cách người ái mộ, xin gặp ông bầu, mời đoàn hát một chầu ăn sáng để bàn chuyện đi lưu diễn.

Nhìn bộ dạng chải chuốt kiểu công tử miệt vườn của tôi, ông bầu nhận lời và cùng vài ngưòi đào kép ra quán mì gần đó. Tôi có dịp nhìn kỹ cô đào phụ tóc dài thì quả là cô đẹp thật, vẻ đẹp quê mùa trong sáng hiền lành, nhưng phãng phất nét kiêu sa trong đôi mắt đen nhánh như hai hột nhãn. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ có liên quan đến tay công an khu vực. Sau vài câu chuyện trao đổi, được biết cô tên là Út Thảo mười chín tuổi, quê ở Vĩnh Long, cha mẹ mất sớm nên theo đoàn hát và hiện giờ là con nuôi của ông bà bầu.

Xong chầu mì tôi chào từ giã, không quên “ga-lăng” kêu thêm mấy ổ bánh mì cùng một con vịt quay, nhờ Út Thảo mang về “thưởng” cho các anh em giàn đờn. Họ có vẻ cảm kích về thái độ hào sảng của tôi giữa thời buổi gạo châu củi quế, cả nước đang thi đua ăn độn liên khúc, do… “bao năm giải phóng như thế nầy phải không anh”. Trước khi chia tay ông bầu cho tôi biết là đoàn sẽ hát ở Cà Mau mười đêm, sau đó lên Bạc Liêu trình diễn tại rạp Cao Văn Lầu trong dịp Tết Nguyên Đán. Ông còn nói với tôi là bất cứ đêm nào, nếu muốn vô coi hát thì ông để sẳn vé mời thượng hạng ngay phòng vé cho tôi. Tôi cám ơn và hẹn sẽ trở lại nay mai.

Trưa hôm đó, tôi nhờ chú Bảy đi mời bác Chín gặp tôi để hội ý cấp tốc. Chú Bảy lúc nầy trở thành “đề-lô” kiêm trinh sát bất đắc dĩ của tôi. Trước hết, tôi nhờ bác Chín dàn dựng để tổ chức một cái đám giỗ tại nhà, mời bà con lối xóm, làng xã cùng khu vực tới dự vào lúc đúng mười hai giờ trưa. Thực đơn là cá tôm gà vịt bình thường nhậu với “nước mắt quê hương”, và tôi với tư cách “bầu show” sẽ đem ban Tân Cổ tới ca hát giúp vui, để có điều kiện “tiếp cận” với nhân vật đáng ngại nhất là tay công an khu vực. Tôi muốn dành cho Hai Chiến một món quà bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của hắn.

Hai ngày sau, đề lô cho biết là đám giỗ đã được thông báo và mời mọc văn võ bá quan đầy đủ. Đêm hôm đó, tôi vô rạp Huỳnh Long xem hát và không quên mang theo một phong bì có thư mời đám giỗ cùng số tiền gọi là “trà nước” cho đào kép và nhạc công. Vì giờ tôi chọn là mười hai giờ trưa nên rất thuận tiện cho đoàn hát đến giúp vui và trở về rạp cũng còn kịp giờ chuẩn bị cho xuất hát tối. Với lại món trà nước cũng khá “cộm”, tương đương với thu nhập 1 đêm nên họ nhận lời đến giúp vui đám giỗ một cách vui vẻ. Phần Út Thảo cũng có một bao thơ “lì xì” riêng với lời yêu cầu song ca bài Dòng Sông Quê Em với một người, và đơn ca bài Lá Trầu Xanh trong buổi tiệc.

Hôm đám giỗ, tôi cùng mấy người trong đoàn hát bao đò dọc vừa đến nhà bác Chín thì thấy trên nhà trên đã đông đủ bá quan văn võ đang ì xèo nhập tiệc cụng ly cụng tách leng keng, và đương nhiên là không thể thiếu tay khu vực. Hắn có vẻ hơi sững sốt nhưng sau đó, từ nét mặt ngầu ngầu hình sự đang tái xanh vì rượu đế pha xá xị, bỗng rạng rỡ hồng hào tươi tắn như con cừu non trông thật dễ thương khi nhìn thấy Út Thảo trong nhóm đờn ca vừa mới tới.

Hắn lập tức buông ly đứng dậy, đon đả mời mọc và tỏ ra quan tâm đặc biệt đến Út Thảo, gắp hết món nầy tới món nọ bỏ vô chén của cô đào phụ đã làm hắn mê mẩn tâm hồn đêm hôm trước. Tới màn văn nghệ thì do tôi đã “đạp giò” trước nên bác Chín đề nghị hắn hát song ca bài Dòng Sông Quê Em chung với Út Thảo. Giàn đờn Bầu Tranh Sáo cùng trỗi lên, hòa quyện nhịp nhàng trầm bổng, như khúc Phượng Cầu Hoàng của Tư Mã Tương Như năm xưa đang réo rắc tỏ tình cùng Trác Văn Quân. Hai Chiến hát một cách say mê và hãnh diện ra mặt vì lần đầu tiên trong đời hắn được hát chung với dàn nhạc và ca sĩ “xịn”. Phải công nhận là hắn có giọng ca rất mùi. Út Thảo dường như đoán được ý của tôi ẩn trong chiếc bao thơ nên vừa hát vừa liếc mắt đưa tình say đắm làm Hai Chiến như lạc vào động thiên thai.

Lợi dụng lúc thiên hạ đang say sưa thưởng thức văn nghệ, tôi khều bác Chín ra nhà sau, đưa cho bác cái bao thơ bên trong có một số tiền tương đương với hai năm lương của một nhân viên cấp xã. Dặn bác Chín ngày mai mời Hai Chiến tới nhà và nói với hắn là: “”Bác gái mới đi Chùa Bà xin xâm cuối năm, quẽ xâm nói là cung mạng bác gái hợp với màu xanh nên bác gái muốn sơn toàn bộ căn nhà lại màu xanh mới làm ăn khá được”.

Tôi còn dặn kỹ bác Chín là phải tỏ ra hết sức bực mình về sự hâm mộ bói toán của vợ, nhưng vì tết nhất sắp tới nên bác không muốn gia đình cải vã ồn ào thiên hạ dòm ngó nên đành bấm bụng chìu vợ. Về vụ chiếc ghe thì bác nhớ nói là bác đang làm đơn vay tiền hợp tác xã để trả trước phân nửa, còn phân nửa từ từ trả góp cho chủ. Ra giêng bác sẽ “bồi dưỡng” cho hắn, nhờ hắn giúp thủ tục đăng ký xin giấy phép hành nghề, sẳn dịp sơn nhà nên sơn ghe luôn để ăn tết. Sau khi có chiếc ghe trong vựa thì công việc di chuyển thu mua của bác sẽ lẹ làng hơn và thu hoạch khá hơn. Nếu sau nầy khá giả thì bác sẽ mời đoàn hát của Út Thảo về thường xuyên để hát cho bà con thưởng thức. Trong đoạn phim nầy tôi “biến” Út Thảo thành cái Vòng Kim Cô để tròng lên đầu tên Hai Chiến.

Cuối cùng, tôi dặn bác Chín đưa cho Hai Chiến cái bao thơ, nhờ hắn dùng sự quen biết với mấy tiệm bán nước sơn để mua hộ bác năm thùng nước sơn màu xanh với giá sĩ, phần còn lại thì cứ giữ đó. Nhớ yêu cầu hắn có mặt thường xuyên để nhậu nhẹt… “hữu nghị” với địa phương và tụi công an tuần tiễu nếu đám nầy có ghé ngang trong thời gian sơn phết. (Tôi đoán là chính quyền địa phương cùng lực lượng công an tuần tiễu trong vùng ít nhiều cũng nễ nang tay công an khu vực nầy do cái “bóng” của cha hắn sau lưng. Dù cái bóng đã trở thành liệt sĩ, nhưng đã từng là chính ủy tiểu đoàn U Minh 2).

Bác Chín bước vào nhà trong giấu cái bao thơ xong, trở ra bàn tiệc thì thấy Hai Chiến đang ôm đờn đờn cho Út Thảo ca bài Lá Trầu Xanh. Thấy tôi bước vào, Út Thảo nhẹ mỉm cười, ý nói là đã làm đúng theo lời yêu cầu của tôi. Sau bản Lá Trầu Xanh thì đoàn hát từ giã về rạp để tập tuồng chuẩn bị trình diễn tối nay. Đưa đoàn hát xuống đò, Hai Chiến còn lưu luyến bùi ngùi mời mọc Út Thảo hôm nào trở lại song ca với hắn. Sau đó tiệc tan và bà con ngất ngư, hả hê ra về trong quyến luyến.

Ba ngày sau, đề lô cho tôi biết là bác Chín đã “làm việc” với tay khu vực đúng như lời tôi dặn. Hắn hẹn ngày mai sẽ đi mua nước sơn đem lại cho bác, ngày mốt bắt đầu kêu thợ sơn nhà, công việc vừa sơn nhà vừa sơn ghe dự trù mất khoảng bốn ngày. Tối hôm đó tôi vô rạp hát với hai cái bao thơ nữa, để mời một nhạc công cùng Út Thảo tới nhà bác Chín với lý do tập ca cho cô con gái út của bác. Mục đích tôi muốn dùng Út Thảo để cầm chân Hai Chiến tại nhà bác Chín trong thời gian sơn phết. Nếu có “sự cố” gì thì hắn sẽ đại diện cho bác Chín, ra tay dùng cái ruột trong bao thơ để… “xử lý”.

Bốn ngày sau thì công việc sơn nhà sơn ghe đã hoàn tất tốt đẹp, không có gì trở ngại do đã tiên liệu, (một phần có thể do cái ruột bao thơ quá dầy). Đoàn hát cũng đã di chuyển lên Bạc Liêu. Những người tổ chức vượt biên bắt đầu đón khách từ khắp nơi đổ xuống, phân chia địa điểm tạm ngụ cho từng toán một. Tôi đề nghị với nhóm tổ chức cho tôi tạm lánh mặt vài hôm để đề phòng sự theo dõi của công an chìm, và sẽ có mặt tại điểm hẹn chiều ngày 29 tết. Tôi cho chú Bảy biết nơi trú ngụ để khi có chuyện cần liên lạc, dặn chú Bảy phao tin với tụi cái bang là tôi mê mấy cô đào cải lương nên đã xin đi theo đoàn làm quân sĩ rồi. Sau đó tôi khăn gói lên Bạc Liêu, ghé lại nhà chiến hữu cật ruột, người đã chuộc bùa thỉnh phép cứu tôi ra khỏi trại giam.

Đêm hôm đó hai thằng ngồi trong rạp Cao Văn Lầu xem đoàn Hương Tràm hát một xuất chót như để ngầm giã từ Út Thảo. Tôi cho chiến hữu biết về kế hoạch sắp tới, dặn vợ chồng chuẩn bị thu xếp cùng đi với tôi, cho tôi được một lần đóng vai Lưu Bình để đền đáp lại ơn xưa. Bạn đã cứu tôi ra khỏi trại tù… “nhỏ”, giờ đây tôi không phải chỉ đưa bạn đi vượt biên, mà là đưa vợ chồng bạn ra khỏi trại tù… khổng lồ hình chữ S, đang giam cầm cả dân tộc Việt Nam.

Tôi cùng vợ chồng người chiến hữu xuống Cà Mau đến điểm hẹn đúng ngày giờ ấn định. Không biết do ông thầy bói mù tiên đoán hay nhóm tổ chức dự liệu, chuyến đi hoàn toàn suông sẻ, chúng tôi rời Việt Nam an toàn. Riêng bác Chín Cụt vì đã cao tuổi, phần thì thương tật không chịu nổi sóng gió nên ngã bệnh và đã trút hơi thở cuối cùng trước khi đến được bến bờ tự do. Tôi ngậm ngùi vuốt mắt bác Chín và làm lễ thủy táng trước sự đau thương xót xa của gia đình bác cùng tất cả những người trên ghe.

Hai mươi chín năm đã trôi qua. Tôi viết lại câu chuyện của đời mình để suy gẫm lại cái giá phải trả của những thuyền nhân chỉ vì hai chữ “Tự Do”. Để thành kính tưởng nhớ ông Thầy Bói Mù cùng bác Chín Cụt, một người cách mạng giác ngộ. Ước mong ngày nào đó, cả chế độ hiện tại cùng giác ngộ như bác Chín, để toàn dân Việt Nam được hưởng một mùa Xuân No Ấm Tự Do đúng nghĩa.
Tự Do ơi Tự Do
Em đổi bằng nước mắt
Vì hai chữ Dự Do
Anh trao bằng máu xương
Tự Do ơi Tự Do
Em trả bằng thân xác
Vì hai chữ Tự Do
Ta mang đời lưu vong. 
(Xin Đời Một Nụ Cười. Nam Lộc) ./.

Trần Thanh Tùng
Nguồn: tredeponline.com

Không có nhận xét nào: