BBC: Sự kiện Thiên An Môn 30 năm trước hẳn luôn sống động trong ông?
Jeff Widener: Đúng vậy. Đó là sự kiện thay đổi cuộc đời tôi.
Năm 1989, tôi đang ăn trưa tại một quán bar ở quận Pat Pong, Bangkok gần văn phòng của AP nơi tôi đang làm việc với vai trò là Biên tập viên ảnh khu vực Đông Nam Á thì trên màn hình TV chiếu hình ảnh hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ diễu hành gần Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.
Được lệnh của văn phòng AP ở New York, tôi đã đến lãnh sự quán Trung Quốc xin visa nhà báo để bay tới Bắc Kinh lập tức. Nhưng tôi chờ đợi rất lâu chỉ để nhận được câu: "Ông Widener, sẽ không thuận lợi cho ông tới Trung Quốc lúc này." Tôi đã lấy lại hộ chiếu của mình và đi đến một văn phòng du lịch nhỏ gần đó để xin visa du lịch.
Mặc dù tôi rất vui vì thị thực du lịch được chấp thuận, tôi cảm thấy đôi chút lo lắng là có thể gặp rắc rối với chính quyền Bắc Kinh.
Tôi có một cảm giác bất ổn khi máy bay đến gần sân bay Bắc Kinh.
Làm sao tôi có thể qua cửa hải quan với cả một "cửa hàng' máy ảnh di động" thế này? Tim tôi đập thình thịch khi đứng chờ trong dòng người dài dằng dặc. Đến lượt tôi, bất ngờ một cuộc cãi vã nổ ra ở phía quầy bên trái. Nhân viên hải quan đang đổ xô về phía một bà già đang giằng co với các nhân viên khác, tay bà vung lên nắm chặt một con gà sống lông bay tơi tả. Tôi nhanh chóng đẩy xe chở đống camera qua cửa và đến ngay một chiếc taxi đang chờ sẵn.
Thói quen buổi sáng của tôi là đến Quảng trường Thiên An Môn lúc mặt trời mọc và chụp ảnh những người biểu tình và những người tuyệt thực.
Một trong những điều đáng nhớ nhất mà tôi chứng kiến là mặt trời mọc đằng sau tượng Nữ thần Dân chủ, cao 33 ft, được người biểu tình xây chỉ trong 4 ngày, đối diện với bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông tại Tử Cấm Thành nằm bên kia Đại lộ Trường An.
Một tuần sau, số người biểu tình bắt đầu tăng lên nhanh chóng tới hơn 100.000 người, quân đội bắt đầu vào cuộc và tình hình trở nên nóng bỏng.
BBC: Ông đã từng suýt chết khi tác nghiệp ở Thiên An Môn?
Jeff Widener: Sự việc đó xảy ra vào đêm tôi cùng đồng nghiệp là Dan đạp xe xuống Đại lộ Trường An. Mặc dù đêm tương đối yên bình, tôi nói với Dan rằng tôi có cảm giác tồi tệ về đêm đó.
Khi chúng tôi đến gần Quảng trường Thiên An Môn, người biểu tình bắt đầu kéo hàng rào thép lớn từ giữa và hai bên đường để chặn xe quân sự.
Dan và tôi đến một con đường nhỏ bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân khi chúng tôi đột nhiên khi thấy tiếng kim loại nghiến trên đại lộ chính và mọi người la hét, chạy về phiá chúng tôi. Một xe tăng bọc thép với một nòng súng cỡ lớn đang lao về phía trước rất nhanh. Tôi và Dan vội buông xe đạp và lao vào bụi cây ven đường.
Tôi kinh hoàng hơn bao giờ hết và tất cả những gì tôi muốn là chạy theo hướng ngược lại càng nhanh càng tốt. Người biểu tình ném đá vào chiếc xe và dồn những người lính trên xe vào cánh cổng bị khóa của Đại lễ đường, rồi trèo lên xe la hét.
Tôi nhận thấy là máy ảnh của tôi sắp hết pin và phim cũng gần như cạn kiệt. Sau khi cố gắng chụp được chiếc xe tăng đang bốc cháy và thi thể một người lính giữa những người đang la hét, tôi nâng máy ảnh lên định chụp cảnh một người đàn ông lăn lộn trong biển lửa.
Vào đúng lúc tôi giơ máy ảnh lên ngang mắt, một hòn đá ném ra từ đám đông đang la hét đập thẳng vào mặt tôi với một lực khiến chiếc máy ảnh, vốn thiết kế để chịu lực va đập mạnh, vỡ toang. Máu từ trán tôi chảy ra và tôi thấy như có hàng ngàn vì sao bay xung quanh. Tôi sờ lên đầu để xem có phải nó đã vỡ toác.
Rõ ràng tôi đã thoát chết, vì nếu tôi chỉ đưa máy ảnh lên chậm một tích tắc thì hẳn tôi đã đi tong. Nhưng cú va đập khiến tôi bị thương và choáng nặng và còn ảnh hưởng tới tôi mãi sau này.
Tôi trở về văn phòng và phải lấy ảnh ra khỏi máy ảnh bằng kìm trong phòng tối. Khi đạp xe qua quảng trường Thiên An Môn, đạn bắn vèo vèo xung quanh mà thoạt đầu tôi ngỡ pháo hoa. Vâng, tôi đã thoát chết.
BBC: Ông đã chụp bức ảnh Tank Man như thế nào? Có phải ban đầu ông đã nghĩ người đàn ông Trung Quốc vô danh đã làm hỏng bối cảnh của mình?
Jeff Widener: Tôi quay trở lại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 khi tình hình trở nên vô cùng bất ổn. Binh lính và xe tăng đã bắn vào người biểu tình, giết chết và làm bị thương hàng ngàn người.
Nhờ sự giúp đỡ của Kirk Martsen, một sinh viên Mỹ đang học theo diện trao đổi tại Bắc Kinh, tôi vào được một phòng tại khách sạn ở Bắc Kinh - nơi có vị trí tốt nhất để nhìn ra quảng trường Thiên An Môn.
Từ ban công, tôi nhìn thấy hàng dài xe tăng đang di chuyển trên quảng trường Thiên An Môn và tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ có một bức ảnh đẹp. Nhưng thình lình, một người đàn ông Trung Quốc mặc áo phông dài tay màu trắng, xách túi đi chợ, tiến ra từ đại lộ Trường An thẳng về phía đoàn xe.
Tôi đã thốt lên than phiền rằng người này đã làm hỏng bối cảnh của tôi. Chúng tôi lúc đó đã tin rằng anh ta sẽ bị giết chết. Nhưng không. Chiếc xe tăng dẫn đầu di chuyển sang trái, phải để tránh người đàn ông nhưng anh ta cũng di chuyển theo. Tôi chộp vội ống kính 800mm rồi bấm máy. Trước khi tôi kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì người đàn ông này đã bị hai người khác kéo đi và số phận anh ta đến nay vẫn là ẩn số.
Kirk đã giấu cuộn phim dưới quần lót của anh ta và cuối cùng, đưa được nó cho Đại sứ quán Mỹ.
Ngày hôm sau, Tank Man tràn ngập trang nhất của các tờ báo lên trên toàn thế giới. Dù biết đó là một bức ảnh tốt, tôi đã không nghĩ rằng nó sẽ trở nên nổi tiếng như vậy và nó đã thay đổi cuộc đời tôi.
BBC: Có rất nhiều phóng viên quốc tế đã tới Hong Kong thời gian qua để đưa tin về các cuộc biểu tình đang ngày càng trở nên bạo động tại đây. Ông có kế hoạch gì không?
Jeff Widener: Tôi không có kế hoạch nào để đến Hong Kong trong dịp này. Tôi không còn trẻ nữa và sẽ khó khăn hơn cho tôi nếu bị cảnh sát chống bạo động tấn công. Tôi thực sự rất lo ngại cho sự an toàn của người Hong Kong. Nhưng tôi có một niềm tin, giống như niềm tin mà tôi đã có ở Thiên An Môn rằng họ có lẽ nên có thêm đối thoại với chính quyền, nên dừng lại một chút.
BBC: Từ những trải nghiệm của mình trong vụ Thiên An Môn 30 năm trước, ông có nghĩ rằng người biểu tình Hong Kong sẽ có được những gì họ đang đòi hỏi?
Jeff Widener: Nhiều người Trung Quốc trông vào tôi, họ lắng nghe tôi rất chăm chú, nhưng tôi chỉ là một phóng viên ảnh, tôi không phải là một chuyên gia về Trung Quốc hay về chính trị. Tất cả những điều tôi có thể nói là tôi mong mọi điều tốt đẹp đến với người Hong Kong, tôi hi vọng họ sẽ an toàn và rằng họ sẽ tìm được các giải pháp ôn hòa để giải quyết tình hình hiện nay.
Nếu có phóng viên nào nói rằng họ không đứng về phía người biểu tình, thì có lẽ họ nói dối. Chúng tôi ngưỡng mộ và tôn trọng người biểu tình và lòng quả cảm của họ. Nhưng cái chính là mọi việc đã trở nên quá mức. Người biểu tình đã phá hoại, bôi bẩn và ném đá vào văn phòng quốc hội. Người biểu tình mất kiểm soát và nó khiến tôi bắt đầu lo ngại rằng tình hình có thể trở nên bùng nổ.
Tôi cho rằng người biểu tình đã có cơ hội để có được sự nhượng bộ nào đó từ phía chính quyền. Nhưng vấn đề là họ đã đẩy nó đi quá xa. Nếu bạn là lãnh đạo đất nước thì bạn sẽ làm gì nếu đất nước đang mất kiểm soát và nhiều nơi có nguy cơ bị phá hoại, kể cả các công trình văn hóa lâu đời? Vòi rồng và hơi ga không giải quyết được vấn đề vì người biểu tình rất quyết tâm.
Tôi nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc cũng rất quyết tâm giữ nghị trình của họ. Tôi sẽ không đề xuất điều gì. Mọi điều tôi có thể nói là tất cả hai phía đều là con người. Họ làm điều họ cần làm. Và điều cơ bản là, người Trung Quốc phải quyết định số phận của họ. Mỗi một nền văn hóa và lịch sử đều phải tự quyết định vận mệnh của riêng nó.
BBC: Cuộc sống của ông như thế nào sau sự kiện Tank Man?
Jeff Widener: Ồ đó là một điều tuyệt vời. Nó đã mở ra cho tôi nhiều cánh cửa và cơ hội mới. Tôi đã gặp vô số người nổi tiếng mà tôi chưa từng được gặp. Nhưng điều có ý nghĩa nhất với tôi là nhờ có Tank Man mà tôi gặp vợ. Tôi gặp Corinna, một giáo viên người Đức trẻ tuổi ở Bắc Kinh. Khi đó, năm 2009, BBC News đang thực hiện một phóng sự về tôi.
Corinna đang ngồi hút thuốc ở quảng trường Thiên An Môn. Chúng tôi hẹn gặp lại ngày hôm sau ở bến tàu. Nhưng tôi ra nhầm cửa và cô ấy đã phải chờ một tiếng đồng hồ. Tôi đã vô cùng buồn, nghĩ rằng mình đã mất cô ấy. Nhưng chính đoàn làm phim của BBC đã giúp tôi tìm cô ấy.
Chính nhờ BBC mà tôi gặp lại cô ấy. Chúng tôi hẹn hò và kết hôn vào một năm sau đó. Tới nay đã mười năm và chúng tôi có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Cám ơn BBC và Tank Man.
BBC: Ông từng nói rằng từ cuộc đời minh, ông thấy "định mệnh luôn ẩn chứa bất ngờ"?
Jeff Widener: Đôi khi có những điều xảy ra ngoài kỳ vọng và bạn nghĩ rằng số phận đang đùa với bạn. Ví dụ như làm sao mà tôi có thể tưởng tượng được được một ngày tôi sẽ trở lại Bắc Kinh sau 20 năm và gặp một cô gái trẻ hơn 24 tuổi và lấy làm vợ. Nếu có ai đó từng nói với tôi điều đó năm 1989, tôi sẽ cười phá lên.
Khi tôi học tiểu học, tôi luôn luôn là đứa trẻ làm rơi bóng. Tôi không hạnh phúc. Tôi đã rất chật vật học đọc và học viết. Tôi mơ ước trở thành phi hành gia nhưng rồi sớm nhận ra rằng mình không học tốt môn toán. Tôi không đủ thông minh để trở thành một phi hành gia.Nhưng khả năng nghệ thuật của tôi đã xuất hiện từ bé. Khi mới hơn 10 tuổi tôi đã có niềm say mê đặc biệt với máy ảnh. Và tôi luôn nỗ lực, tôi không bao giờ từ bỏ nếu ai đó nói không với tôi. Tôi luôn tìm giải pháp. Trong sự nghiệp sau này của tôi cũng vậy, nếu ai đó nói ồ không, giờ không tuyển người, hay anh sẽ không bao giờ có công việc đó, tôi sẽ không dừng lại.
Tôi đã mất sáu năm để được trở thành biên tập viên ảnh của AP. Còn khi tôi mới 25 tuổi, tôi đã 'làm phiền' người biên tập của United Press International suốt một năm rưỡi bằng cách gửi email và gửi ảnh cho ông ấy. Cho tới khi ông ấy muốn gặp tôi trực tiếp và tuyển dụng tôi...Tôi rất may mắn, nhưng tôi cũng không bao giờ bỏ cuộc. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào điều gì đó và làm việc cật lực, không bỏ cuộc, bạn sẽ đạt được nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét