Đại biểu Quốc hội cho biết, càng ngày càng lộ ra nhiều đồng chí sử dụng bằng giả, trong đó có cán bộ cao cấp. Cần phải kiểm tra toàn diện bằng cấp của công chức. Còn bao nhiêu đồng chí chưa bị lộ? Tôi khẳng định còn cả làng. Sự vụ ở cơ quan tỉnh ủy Đăk Lăk là một điển hình. Từ một em Ái Sa, lộ ra cả loạt cán bộ và không chừng cái cô gái gội đầu đó có trình độ cao nhất trong số những người dùng bằng giả.Theo tôi biết, hiện nay có các loại giả liên quan đến trình độ của công chức:
1) Mượn bằng của người khác để nộp hồ sơ học đại học tại chức rồi leo lên thạc sĩ, tiến sĩ. Loại này sẽ không nhiều. Như trường hợp em Ái Sa là hy hữu và rất dễ bị lộ.<!>
2) Mua bằng giả từ các dịch vụ (đang quảng bá công khai trên mạng và trên điện thoại di động, cứ search Google thì rõ). Đủ các trình độ nhưng chủ yếu là bằng phổ thông. Loại này sẽ rất phổ biến.
Cần đặt câu hỏi vì sao mấy chục năm nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông từ 90 đến 99% mà các dịch vụ này vẫn rôm rả. Không phải quan chức mua loại bằng này thì ai mua?
3) Học giả, tức không đi học hoặc thuê người đi học thay, nhưng có bằng thật. Có trường hợp Trung tâm bồi dưỡng thường xuyên trình Sở ký khống hàng trăm bằng thì chấc chắn là bằng thật để cấp cho những người không cần học. Loại này cũng sẽ rất đông, vì an toàn đến mức đã được bảo kê.
Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề mà không đưa ra giải pháp thì chỉ làm màu. Tôi đề nghị:
- Rà soát bắt đầu từ trong Quốc hội. Chỉ cần rà soát những người có bằng đại học tại chức để làm gương, hóa giải sự tai tiếng khi thông qua điều luật "không phân biệt bằng chính quy và ngoài chính quy".
- Rà soát rộng ra các cấp lãnh đạo, tập trung vào những ông bà ăn nói, viết lách có vấn đề về hiểu biết. Đến lúc không chỉ kiểm tra bằng cấp mà còn sát hạch năng lực như các nước vẫn làm.
Không cần kiểm tra toàn bộ công chức - viên chức. Chỉ cần kiểm tra lãnh đạo là đủ làm gương. Hiểm họa cho đất nước là do vấn đề nhân sự. Những người yếu kém năng lực, không có trình độ nhưng tìm mọi cơ hội leo cao, chui sâu là hiểm họa của đất nước và sự tồn vong của chế độ. Loại này không chỉ gây mất lòng tin của dân mà còn có thể bán nước, vì ngu sẽ sinh lòng tham vô độ.
Xử lý hiện tượng sử dụng bằng giả, học giả không chỉ dừng lại ở kỷ luật hay đuổi việc như vừa rồi. Kỷ luật hay đuổi việc thì ai sợ gì mà không sử dụng bằng giả vì lợi ích được hưởng quá lớn so với hình phạt. Phải truy tố hình sự, truy thu toàn bộ tiền lương, phụ cấp trong thời gian sử dụng bằng giả.
Công bằng mà nói, Quốc hội thời chị Ngân xuất hiện nhiều điểm sáng, dám nói thẳng nói thật. Cần phát huy và nhân rộng ra thì chất lượng đại biểu mới được nâng cao.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét