Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

MẤY HỘT BỤI HỜ - Thân Trọng Tuấn

Di cư 1954 – Nguồn IWM
Làng Trường Xuân. Huyện Đông Sơn. Phủ Nông Cống. Tỉnh Thanh Hóa. Tôi sinh ra ở đó. Vào tháng Tám khi gió mùa lay lúa Chậu đong đưa. Lúa chưa cắt và trời cũng chưa mưa. Trời nắng gắt giục cây sung ra trái! Lời Me kể về tôi lúc tuổi thơ ngây dại. Người vẫn thường ngồi ru tôi trong căn nhà gạch lợp ngói thật sang nhưng vuông lỳ không chái (1). Ra ngoài đường, gặp mấy cái hĩm khi đái đứng dạng hảng chẳng chịu ngồi. Vào trong bếp thấy chỏng trơ mấy cái nồi không quai dùng nấu cơm và khoai tréo (2)! Tôi là thằng con trai sinh thiếu tháng nên cái đầu dễ bị lép, dễ bị méo chẳng chịu tròn! Me vì sinh non nên không có sữa khiến Ba phải tìm thuê bà vú. Sau một năm, tiền công trả đủ. Một mẫu ruộng xanh xin ông chủ thương tình! Tuy quá đắt nhưng Ba cũng hy sinh. Đồng ý trả cho cái tình bán sữa! Mấy năm sau gặp vú Tươi lần nữa. Tôi nhận ra là thấy vú quen quen. Vẫn gọi vú Tươi mấy tiếng dịu êm. Và để yên khi vú vòng tay ẵm!
<!>
 Phía trước nhà cái sân gạch rất rộng. Dùng làm nơi phơi thóc lúa và khoai. Cổng ra vào nhà nằm giữa hàng tre gai. Sát bên trái là cái Đền Đòn Táng (3). Bên kia đường mấy cây sung chểnh mãng. Nằm xoài ra mấp mé nước bờ hồ. Cá mè, cá chuối, cá chắm, cá rô (4). Bến đá cạn rù rờ con tôm đất. Hơn ba tuổi tôi vẫn chưa chịu mặc quần gì sất. Cũng vui đùa theo anh chị câu tôm. Giở chiếc cần câu, con tôm búng lách tách. Kỷ niệm đầu đời vẫn đậm nét trong hồn.

 

Cái chuồng bò cạnh hàng rào bên tay phải. Chú bò con vẫn được gọi “con me’. Cối giã gạo chiếc đòn dài đạp mãi (5). Máy xay lúa không nhớ ở chỗ mô tề?! Cây táo ta và hai cây khế lão. Hái trái khế vào kho với cá rô đồng. Hào tránh bom (6) tiếp liền theo cây táo. Khu vườn sau thật là rộng mênh mông! Một góc nhỏ gần với Đền Đòn Táng. Gác mấy cây tre, lá xanh tươi bóng láng giàn “trầu không”. Chiếc ao con trồng mấy bụi rau cần. Cạnh lối nhỏ thông qua nhà chú Ỷ. Chú bà con có cùng họ với Me, theo ra Thanh Hóa giúp việc từ lúc nào thế nhỉ? Mạ chú cũng đi theo và được gọi là Dì Lữ. Ba cất căn nhà nhỏ cho hai mẹ con chú ở, nấu ăn riêng. Theo lời Me, Ba cho chú “làm rẻ” (7) mấy mẫu đất. Tùy theo mùa mà thâu lúa tượng trưng. Me bắt nhận nhưng Ba muốn cho không. Mấy thúng lúa lấy làm chi không nỡ! Ba đối xử thân tình, không coi như đứa ở. Lại dạy cho chú học viết chữ, đánh vần. Những buổi tối khi Ba dạy lũ con (8). Chú vẫn được Ba cho ngồi cùng học. Khi tạm gọi đã viết thạo, đọc thông; thì chú vội xin thôi không học nữa! (9)

Thế chiến thứ hai. Đạn bom khói lửa. Làng Trường Xuân kháng chiến góp dân công. Cùng nhau đào hào sau vườn để xuống núp tránh bom tránh đạn. Ba cũng mang bao khoai khô đi dân công cả mấy tháng ròng. Lúc trở về mời bộ đội dùng những bữa cơm “đoàn kết” (10). Tôi tuy nhỏ dại chuyện đời chưa hiểu biết. Nhưng không ưa ngồi cùng bữa ăn chung. Kẻ bắt thưa anh, người biểu bẩm ông. Bảo mau lớn để lên đường cứu quốc. Bụi tre bên kia hồ có cái bẫy chim cuốc! Cứu làm chi, bẫy được chim cứ làm thịt bỏ vô nồi. Đem kho mặn và cứ thế mà xơi! Cơm đoàn kết mặn mòi đời chim cuốc! Những người đến vội vã, và ra đi cũng gấp. Chỉ kịp dặn nhau: “Giữ vệ sinh ta ăn đũa hai đầu” (11). Trí non nớt nhưng vẫn nhớ được lâu. Trái sung muối (12) mãi còn nằm chờ rất lâu trong bát! Trên sân gạch trước nhà có đêm vang tiếng hát. Xon đố mì. Đô đố đố mì la. Cánh chim bồ câu trắng đã bay về với chúng ta! Nông tác vũ. Chúng ta ca xon đố! Chừng bấy nhiêu, trật trúng trong trí nhớ. Một tí tuổi đầu ai nỡ trách quở chê bai! (13)

Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra… Mọi người đều vui mừng cùng nhau múa hát. Sang xuân, Ba Me bị đưa ra đấu tố. Ba bị treo cổ lên xà nhà vì tội địa chủ. Một nhóm người khiêng vội xác Ba ra đồng. Chúng tôi chỉ được phép quỳ trông vì đang mắc trong vòng đấu tố. Ruộng bị tịch thu. Nhà cửa giao tặng cho chú Ỷ. Con “me” được quyền nằm lại trong chuồng và anh tôi phải lo chăn giữ để chú Ỷ cho cơm! Ngày trước, Ba có cất căn nhà nhỏ lợp rơm bên bờ ruộng, để người làm có chỗ nghỉ chân. Bây giờ cả nhà ra đó nương thân. Bắt cua, mót lúa cấm ngăn hoàn toàn. Cây rau má là nguồn sinh sống. Miễu ông Nghè xa tận rừng sâu. Chị em hai đứa cùng nhau. Vào hái rau má ước ao được vàng!

Một bữa kia cả nhà hốt hoảng. Ra trước sân quỳ xuống lạy van xin. Với lý do có bà Cả Ký đến tìm. Đòi nợ cũ vì mấy bè gỗ lim trước kia Ba mua chịu. Tiếng chửi bới vang vang réo gọi. Hàng xóm nghe, cũng kéo tới chửi thêm. Không lạy! Không xin! Không trả nợ bà đốt nhà lập tức! Bẩm lạy bà! Xin bà nguôi cơn giận. Chuyện gỗ lim chẳng biết bởi từ đâu?! Ngày hôm nay chỉ nhờ nồi cháo rau. Món nợ ấy biết làm sao trả nổi! Bẩm lạy bà! Lạy bà xin tha tội. Đội ơn bà đã rộng lòng xét tới! Bà nhìn xem lũ chúng tôi rách rưới đói cơm! Tội địa chủ thân phận hèn lê lết!... Hàng xóm lui về hết. Bà Cả Ký xem chừng đã mệt. Nhưng cũng ráng vài ba tiếng gào đòi. Quân mắc nợ! Sao chẳng biết mời bà đây xơi bát nước?! Trong khoảnh khắc. Hai người đàn bà chuyền nhau chén nước. Một bàn tay rước, một bàn tay đưa ra. Dưới trôn bát ánh sao sa cứu độ. Mảnh giấy con ghi mấy chữ làm tin. Bà chửi thêm “Mồ tổ chúng bay toàn một lũ ăn hèm! Chén bẩn như thế này mà bắt bà này bưng uống!” Chửi xong bà ngoe ngoảy. Quăng bát nước bà thong thả bước ra đường. Dáng bà thật dễ thương. Chiếc khăn san hiền dịu.

Nghe chuyện đòi nợ, nên chú Ỷ mới biểu. Ông anh tôi về hỏi sự thể thế nào. Chú không tin cho là chuyện tào lao. Tát vào mặt khiến anh ngã nhào gần gãy hai răng cửa! Chú Ỷ lại bắt anh tôi về lần nữa. Hỏi rõ ràng về việc đòi nợ bè lim. Trời đã tối nên phải ở lại đêm. Sáng liệu về cho sớm để dắt bò đi ăn cỏ.

Nhưng cũng nhờ việc xảy ra như vậy đó. Nên nửa khuya lặng lẽ kéo nhau đi đầy đủ cả nhà. Mười lăm cây số ra đến chợ Rừng Thông thì trời đà sáng tỏ. Bác Cả Ký cười chào, vui tươi hớn hở. Bữa cơm đầu ngày no “cằn bụng” no quá là no! Cọng tỏi tươi, miếng dưa cải, bát cơm to thật là ngon ngon quá! Hai năm đói ăn đến bây giờ “con bò thôi gặm rau má”. Cái bánh bàng (14) thiệt là ngon chi lạ. Cả gia đình theo đoàn người thong thả xuống phố Thanh! Tối đầu tiên ăn canh rau cải, ngủ giường mành (15). Bác Cả Ký bồng tôi rửa chân cẩn thận.

Mấy hôm sau đang đùa chơi trước cổng. Bỗng bị lôi vào nhà chui xuống hết gầm giường. Bà Dì Lữ, mạ Chú Ỷ đang ôm một cái thúng đi bên kia đường thơ thẩn. Tất cả mọi người hoảng sợ, lầm bầm cầu khẩn linh hồn Ba phò trợ. Mấy chiếc xe nhà binh chạy ngang tung bụi mù. Một lúc sau Dì Lữ cũng mất dạng! Chúng tôi ngầm bảo nhau đừng lãng vãng bước ra đường!

Lần đầu tiên trong đời, lên xe nhà binh do Tây lái rời Thanh Hóa. Tất cả mọi người đều nín thinh trong vui mừng và lo âu. Chỉ mong cho mau ra tới Hà nội. Mọi thứ giấy tờ giao dịch đều do một tay bà Bác Cả Ký lo toan. Có những lúc phải xuống xe đi bộ, qua phà, qua những phố nhỏ vắng hoe. Có những lúc phải đi đêm, phải van lạy xin mấy người canh gác đừng giết chết. Tới Hà Nội, trọ ở căn nhà gạch thấp lè tè, ban đêm chặn thanh gỗ ngang cửa rất cẩn thận. Bác Cả Ký đi lo công việc. Mỗi lần đi Bác Cả Ký dặn mọi người không được ra khỏi nhà. Cơm ăn nước uống và chỗ ngủ đầy đủ.

Một buổi sáng, Bác cả Ký tươi cười bảo hôm nay mọi người được đi “ô tô rây”, tức là đi xe lửa điện! Trước khi lên xe, tôi dẵm phải miếng mảnh chai bể, máu chảy đầy chân nhưng không thấy đau, khiến cả những người trong toa bồng chuyền chạy chữa. Phải ghi nhận đến lúc này tôi vẫn hồn nhiên đi chân đất! (16)

Xuống khỏi xe lửa điện, Bác Cả Ký mua hai chiếc chiếu và đưa chúng tôi vào một lều vải thật lớn (17), đã có rất nhiều người. Hàng ngày Bác Cả Ký đi lãnh thức ăn cho mọi người, thường là cơm trắng và dưa cải kho. Sau đó lại chuyển sang trại khác. Khi chuyển trại, bác bán hai chiếc chiếu cho người bên cạnh, tôi nghe rõ Bác đòi “Hai chục’. Tôi được nghe nói là đi Hải Phòng. Sau khi nhập trại mới, không có cơm, nhưng lại được phát bánh mì nhân thịt và phô mai! Mấy Xơ trong áo thụng và khăn quàng đen khiêng những giành mây to lớn đựng toàn bánh mì thịt làm sẵn phát cho dân di cư trong trại.

Một buổi sáng, Bác Cả Ký đưa chúng tôi ra bến tàu, xuống xà lúp. Xà lúp đưa ra một chiếc tàu thủy màu xám, to lớn, có rất nhiều Tây trắng và Tây đen. Lên tàu thủy, chúng tôi được chỉ định ngồi yên một chỗ, chỉ rời khi cần đi vệ sinh. Hàng ngày vẫn được ăn cơm trắng với dưa cải kho. Bọn trẻ nít chúng tôi bình thường trong khi người lớn bị say sóng ói mữa chung quanh. Ngồi trên tàu, nhìn ra, mới có chút khái niệm về hình ảnh của biển.
 

Di cư 1954 – Nguồn IWM

 

 Di Cư 1954 – (Xi vu pờ le! Puộc Moa! Xe ThanTrong!) Nguồn: Internet

 

Khi tàu thủy dừng lại, Bác Cả Ký dẫn mọi người lên bờ. Lần đầu tiên thấy mấy chai nước cam vàng. Thấy đồng bạc xé hai. Lạ hơn nữa, thấy mấy bà trùm khăn kiểu lạ lùng, miệng cười thấy có nhiều răng vàng, lời và giọng nói thật khó nghe, hỏi tôi những câu khó hiểu. Một điều tôi an tâm, nhận thấy là họ đều hiền lành, không muốn đem tôi quăng xuống ruộng như mấy bà ngoài Bắc.

Sau khi xuống khỏi tàu thủy thì lại lên tàu hỏa tức là xe lửa mất mấy ngày. Chúng tôi đều răm rắp tuân theo những lời của Bác Cả Ký. Xuống xe lửa, chúng tôi lại lên xe ô tô, loại nhỏ, băng ghế gỗ thoải mái hơn xe lửa. Bác Cả Ký bảo “Sắp về đến nhà rồi”. Tôi òa lên khóc “Không! Con không về đâu! Con sợ nhà ở Trường Xuân!” “Ừ! Nếu con ngoan thì không về Trường Xuân! Mình về nhà mới ở Huế!”

Xuống xe, có mấy bà xúm lại, hỏi Bác Cả Ký những gì tôi không hiểu. Một bà bồng lấy tôi, nhún nhún và nói “Mừng quá! Mừng quá!”. Rồi cứ bồng mãi không chịu buông tôi xuống cho đến khi vào tới sân nhà mới như lời Bác Cả Ký. Sau này, tôi mới biết bà là bác cửu Khiêm, cháu dâu của bà Nội tôi.

Người đông quá, tôi không còn nhớ những ai. Một bà cụ nhỏ người, tóc ngắn. Bà mặc áo cánh có túi và quần màu trắng. Bà nhìn chúng tôi cười hiền lành. Me bảo “Con vòng tay bẩm bà”. Tôi làm theo như cái máy tuy không hiểu gì cả. Một bà khác trẻ hơn, người dong dõng cao, cũng mặc toàn đồ trắng. Me bảo tôi “Con vòng tay thưa cô”. Tôi làm theo xong đứng im, đưa mắt dò xét từng người. Chỉ có hai người mặc áo quần màu trắng, ngắn, gọn. Những người khác đều mặc màu đen hay màu đà tức màu nâu, nhưng không ai mặc cái áo tứ thân, có dải bay bay như áo của Bác Cả Ký. Chờ có dịp tôi hỏi khẽ “Bà là bà nào vậy Me?” “Bà Nội, sinh ra Ba” “Thế còn cô?” “Cô Kim, chị của Ba”.

Cuộc hành trình di cư từ Trường Xuân tới Nguyệt Biều lâu thật là lâu, không biết bao nhiêu ngày tháng trong trí nhớ của tôi. Đi từ Thanh Hóa vào Huế bằng rất nhiều cách, chỉ thiếu mỗi phương tiện là đi máy bay, nhưng chúng tôi vẫn chịu được dễ dàng.

Về tới Nguyệt Biều, chúng tôi bị căn dặn nhiều lần là không được nói cho bà Nội biết Ba bị đấu tố và đã qua đời. Khi bà Nội hỏi “Ba mi răng không chịu vô Huế với tụi bây?” thì phải trả lời là “Bẩm bà, Ba con đang làm ruộng!”. Câu dạy chúng tôi nói dối này, tôi chấp nhận một cách dễ dàng vì hình ảnh của Ba vào những buổi chiều, tôi thường theo Ba tôi mang cần câu ra bờ hồ. Tay Ba tôi nhắp cây cần vàng bóng, miệng kêu “bặp … bặp…” là giật được ngay con cá chuối cho bữa cơm tối. Hay Ba cầm cái ống điếu cày bằng tre trao cho một anh vừa hạ xong gánh lúa xuống sân gạch. Hoặc Ba cùng vài người dùng bồ chấn bắt cá mè, cá chắm trong hồ v.v. Câu cá, phơi lúa, tát ao v.v. theo lời giải thích của Ba tôi là “làm ruộng”. Hình ảnh “Làm Ruộng” như vậy đó. Rất dễ nhớ!

Trước khi bị đấu tố, nhà trên của Ba tôi bị niêm phong. Một hôm, người trên xã xuống xét nhà. Khi bóc tờ giấy dán niêm hai cánh cửa lớn, thấy tôi đứng nhìn, liền bảo tôi “Ba mầy là địa chủ bóc lột!” tôi hỏi “Bóc lột là gì?” Trả lời “Là thế này: như bóc và lột tờ giấy như mầy vừa thấy đấy!”. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu sự việc chỉ có như vậy mà sao Ba tôi lại bị thắt cổ? Hình ảnh cong quậy, lúc lắc, đong đưa của Ba tôi vẫn còn đó cho đến hôm nay khi … tôi gõ phím những chữ này vẫn còn rõ ràng. Rất gần! Rất thật! Ba ơi! Hình như con lại khóc!

Chuyện xảy ra đã xưa lắm rồi! Đã trên sáu mươi sáu năm! Đã hơn một thế kỷ của người Đông phương tính từ Giáp Tý đến Quý Hợi! Thời gian đủ làm cho từ một thằng bé con đứng nhìn người ta “bóc lột” tờ giấy niêm phong ra khỏi cánh cửa đến ngày trở thành một ông già sắp xuống lỗ, ứa những hạt lệ nhớ thương như trẻ thơ đòi mẹ!

Chuyện rất xa xưa nhưng còn như rất mới! Rất già nhưng thật trẻ. Rất xa nhưng rất gần. Thật xa xưa nhưng thật gần gũi! Ngày xưa! Ngày nay! Ừ! Gần nhau quá! Ừ! PHẢI! ĐÚNG! NGÀY XƯA THẬT GẦN!


Thân Trọng Tuấn
California June 14, 2019
             “Ngày xưa” là chuyện của mình. Lan man nhớ lại những hình ảnh xưa! Bắt đầu từ thuở còn thơ. Cho đến bây giờ thong thả ghi ra. Vài chuyện bảy mươi năm qua. Tưởng rằng xa lắc hóa ra “thật gần!”

 _
Ghi chú:
(1) Phong tục Thanh Hóa: Nhà không chái. Đái không ngồi. Nồi không quai.
(2) Khoai tréo: Cơm độn rất nhiều khoai xắc lát phơi khô.
(3) Đền Đòn Táng: Đền nhỏ, tường vôi, lợp ngói, nơi cất những dụng cụ dùng khi an táng người chết.
(4) Cá mè, cá chuối, cá chắm, cá rô: Cá chắm (Cá trắm). Cá chuối: Tức cá lóc, cá tràu, cá quạ. Tương truyền do vua Thiệu Trị mang ra Thanh Hóa, lan dần ra Bắc.
(5) Cối giã gạo với chiếc đòn dài đạp bằng chân, có khi cột thêm dây kéo nhấc cho nhẹ.
(6) Hào tránh bom: Sâu 1 mét, rộng 1 mét, dài vài mét, có khi che mái.
(7) Làm rẽ: Còn nói là Làm rẹ. Thuê đất, trả bằng huê màu trong mùa cho chủ đất, thường chia 10 phần chủ đất lấy 1 phần hoặc thương lượng.
(8) Trong xã không có trường, Ba phải dạy riêng.
(9) Trình độ học vấn của chú Ỷ như vậy là giỏi lắm, làm xã trưởng cho đến khi chết sau năm 2000. Con kế nghiệp làm xã trưởng. Vẫn dùng căn nhà ngói của Ba tôi làm trụ sở Xã.
(10) Bữa cơm “đoàn kết”: Đây là cách nuôi cơm bộ đội.
(11) Giữ vệ sinh ta ăn đũa hai đầu: Cách bộ đội ăn cơm. Và cơm theo lối thường. Khi gắp thức ăn thì trở đầu đũa.
(12) Trái sung muối: Món ăn của người dân quê nghèo Thanh Hóa.
(13) Chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu.
(14) Cái bánh bàng: Cái bánh thuẫn ở Huế, hình như quả bàng chín vàng.
(15) Giường mành: Giường gỗ, có chiếu, chăn, gối, mùng, v.v. Mấy năm nay chúng tôi chỉ ngủ trong ổ rơm.
(16) Sau khi vào tới Huế mới được đi guốc gỗ.

(17) Lều vải thật lớn: do lính Tây dựng lên trên đường về Hải Phòng dành cho những người di cư vào Nam'

Không có nhận xét nào: