Mỗi lần trở lại Nhật Bản, cho dù là công việc lo cho đoàn du lịch hay trở lại đây chỉ vì một vài công việc cá nhân. Tôi đều cảm nhận được một điều, hình như có một cơ duyên nào đó đã luôn sắp xếp cho tôi có dịp trở lại với xứ Phù Tang. Phải chăng tinh thần “Phật Giáo Diệu Pháp Liên Hoa Nhật Bản” ít nhiều đã thấm vào tâm hồn mình nên tôi lúc nào cũng tự cảm nhận như thế hay mình bị tự kỷ ám thị mà không biết. Trong các thành phố tôi đã đi qua, Nara vẫn luôn là một thành phố du ngoạn mà tôi cho là êm đềm, dịu dàng, thơ mộng và có con đường “thiền hành” (nối liền ngôi chùa Đông Đại Tự và ngôi đền Thần Xã Kasuga) mà tôi cho là tuyệt vời nhất.
<!>
Nara là một thành phố nhỏ, nằm vào khoảng giữa đảo Honshu (hòn đảo lớn nhất nước Nhật). Nơi đây từng là một cố đô xưa cũ, trước cả thời kỳ thành phố Kyoto được chọn làm kinh đô xứ Nhật. Dân số chỉ có hơn nửa triệu, nhưng di tích lịch sử và văn hóa của Nara đóng góp không ít vào nền văn hóa Nhật Bản cho những ai muốn nghiên cứu học hỏi về nước Nhật.
Bên cạnh đó, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đều tạo cho Nara những nét không gian riêng biệt từng mùa cho cố đô này. Nhưng có lẽ mùa Xuân và mùa Thu của Nara là hai mùa tạo cho không gian nơi đây những hình ảnh tuyệt diệu nhất của thiên nhiên và tâm linh con người.
Hoa anh đào và sương mai. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Đến Nara vào lúc mùa hoa anh đào nở rộ hay mùa Thu lá cây đỏ úa khắp vườn nai thì du khách đều cảm nhận được những “nét đẹp lạ lùng của Nhật Bản.” Con đường nối liền các ngôi đền Thần Đạo Kasuga dẫn đến các ngôi chùa Đông Đại và Hưng Phúc Tự như những con đường dẫn đến tiên cảnh, niết bàn.
Cũng là hoa anh đào nở, nhưng sao hoa anh đào ở Hoa Thịnh Đốn, ở Nam Hàn không cho tôi được cái tâm tư “rung động” như ở Nara. Tôi đã từng có dịp ngắm cảnh anh đào nở rộ nhiều nơi, nhưng quả thật chưa có nơi nào lưu giữ lại trong tâm tư tôi những hình ảnh sâu đậm nhất về không gian như hoa anh đào nở tại Nara nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Cố đô Kyoto của Nhật cũng có một con đường triết-học-đạo tuyệt đẹp vào mỗi mùa hoa anh đào nở. Đây là con đường mà các vị tăng nhân thường đi thiền hành, suy tư và quán chiếu trên con đường tu tập.
Tôi có dịp từng “tập tễnh” đi dọc con đường dài hơn ba cây số này, nhưng sao lòng vẫn vương vương vào thế tục. Có thể tại vì các hàng quán chung quanh nhiều quá, nhà cửa và niềm tục lụy xôn xao vây quanh níu kéo tâm mình vào trở lại đời sống.
Nhưng nếu bạn có dịp lang thang trong khu vườn nai Nara thì không như thế, âm thanh vang dội xào xạc của các viên đá sỏi trên con đường Đại Xã Kasuga đã bao năm qua vẫn còn như vang vọng bên tai. Kasuga Taisha là ngôi đền Thần Đạo của dòng họ Fujiwara, dòng họ đã nhiều đời có công với các vị Thiên Hoàng và được xây từ thế kỷ thứ 8.
Trên con đường vào gặp Thần ở đền Đại Xã Kasuga, hàng ngàn “đèn đá” lantern rêu phong hai bên đường tạo cho du khách cảm nhận một không gian rất trang nghiêm và linh thiêng của đền. Hình ảnh “ngôi đền cổ kính rêu phong với con đường quanh co” này vẫn còn như ngay trước mắt tôi mỗi khi nhắc đến tên đền Kasuga Taisha. Ngày nay Kasuga Taisha đã được ghi nhận là di sản thế giới của UNESCO.
Hoa anh đào nở rộ giữa chùa Todaiji và đền Thần Đạo Kasuga-Daisha. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Còn ngôi chùa Đông Đại là ngôi chùa bằng gỗ được nối kèo lại với nhau và là chùa gỗ lớn nhất thế giới. Trải qua bao nhiêu thăng trầm tàn phá bởi thiên tai và chiến tranh, ngôi chùa đã được xây dựng lại dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng vào đầu thế kỷ 20 và lần trùng tu gần nhất vào năm 1970.
Trong ngôi chính điện của chùa, một tượng Phật Vairocana (Lỗ Xá Na) được đúc bằng hợp kim đồng, chì, thủy ngân và vàng vào năm 749. Tượng Phật Lỗ Xá Na được xem như tượng Phật ngồi bằng đồng, lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau tượng Phật ngồi ở Hồng Kông. Bhutan cũng đang xây một ngôi tượng Phật ngồi ngoài trời lớn nhất thế giới và có lẽ sắp hoàn thành năm nay. Tượng Phật Vairocana cao 15 mét, nặng hơn 500 tấn ngồi trên một tòa sen cũng bằng đồng. Tượng Đại Phật và ngôi chùa gỗ Todaiji ngày nay là các vật quốc bảo của Nhật Bản.
Tuy nhiên, trên quãng đường nối liền đền Kasuga Taisha và ngôi chùa Todaiji vào mùa hoa nở mới là thực sự là thắng cảnh làm rung động con tim du khách. Mùa Xuân hoa anh đào nở rộ biến không gian lá xanh thành một rừng hoa trắng hồng rực rỡ tuyệt đẹp. Rừng hoa làm người du khách ngẩn ngơ nhìn, hai tay bối rối với chiếc máy hình vì không biết chụp như thế nào để có thể thu hết những cảnh đẹp đó vào trong chiếc máy hình của mình.
Nếu bạn có duyên với anh đào, bạn sẽ có dịp đứng lặng im ngắm nhìn hình ảnh các cánh hoa anh đào tung bay uốn lượn trong gió. Lúc này nếu bạn có chiếc máy quay thì tuyệt nhất. Tuy nhiên, vẫn không chiếc máy quay nào bằng chính đôi mắt bạn ngắm cảnh hoa thướt tha bay trong gió. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Lưu Trọng Lư “Nhìn thôi mà chẳng nói…/Có nói cũng không cùng.”
Quả thực, “có nói cũng không cùng” trước cảnh thần tiên như thế. Chẳng vậy mà thiền sư Tây Hành (Saigyo) nổi tiếng trong nền thi ca Nhật đã đưa hoa đào vào tâm linh của ông và thơ. Cây anh đào trước nơi ông ở còn được gọi riêng tên là Saigyo-zakura (Tây Hành anh đào). Ông tạo cho hoa anh đào thêm nhiều điều thi vị. Ngay cả điều mong ước cuối cùng của ông là khi chết ông mong được về nằm yên nghỉ dưới cội anh đào, như trong bài “Ba Nghìn Thế Giới Thơm” của Nhật Chiêu:
“Nguyện ước của tôi
được nằm yên nghỉ
dưới cội anh đào
vào đêm trăng rằm
giữa tháng mùa Xuân.”
Và ước nguyện của ông đã thành sự thật. Ông mất ngày 16 Tháng Hai Âm Lịch, 1190.
Đền Thần Đạo Kasuga-Daisha tại Nara với các hàng “đèn đá” rêu phong. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tôi yêu thích các câu thơ thiền của thiền sư Saigyo. Các câu thơ cho tôi đến gần hơn với thuyết “đại sự nhân duyên” của đức Phật trong kinh Pháp Hoa. Mọi sự trong đời sống con người và đời sống vũ trụ đều nương nhờ tương tác vào nhau để mà hiện hữu hay tan biến.
Nhớ thuở còn đi học, có người bạn Huế thường hay ngêu ngao câu ca dao dân gian “…Trời sinh voi thì sinh cỏ. Trời sinh sông thì sinh đò. Trời sinh giếng thì sinh mo. Trời sinh O thì sinh tui. O một mình cũng khôn đặng. Tui một mình cũng không đặng. O không biết tui mô. Tui không biết O mô. Gió ngoài biển hắn thổi vô. Mây trên trời hắn cuốn lại. O với tui cùng cuốn lại. Tui với O cùng cuốn lại. Hai đứa mình cùng cuốn lại.”
Ngày xưa khi nghe thì cứ tưởng là câu ca dao của cố đô Huế, nhưng bây giờ thì mới biết mình lầm to, bởi vì các câu ca dao này của vùng xứ Quảng. Chữ “Đại Sự Nhân Duyên” của nhà Phật quả là thiên la địa võng khắp vũ trụ.
Nhưng Nara không chỉ có hoa anh đào mà còn có hoa đào Bát Trọng Anh nổi tiếng với cánh hoa kép từ ngàn xưa tại đây. Ngoài ra, Nara còn có cả một mùa Thu lá vàng lá đỏ xào xạc với những bước chân nai. Không hiểu nhà thơ Lưu Trọng Lư có một lần nào đến Nara chưa, bởi vì thơ của ông có thể cảm nhận được ở Nara.
“Em không nghe rừng Thu
Lá Thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.”
(Trần Nguyên Thắng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét