Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Đà Lạt Khóc - Tạp Ghi Diễm

Thác Prenn - Đà Lạt
Mấy hôm nay tin từ quê nhà vọng sang làm mắt tôi cay.
Suốt 25 năm sống ở Việt Nam, tôi chỉ đến Đà Lạt có mỗimột lần vào năm tôi mười sáu tuổi. Nhưng có lẽ vì đó là lứa tuổi ô mai ngọt ngào "sweet sixteen" nên những ấn tượng thơ mộng đầu đời đối với Đà Lạt ngày ấy đã in sâu vào ký ức của tôi.Lúc chiếc xe đò dừng lại nơi thác Prenn cho du khách nghỉ chân, tôi bước ra ngoài để thoát khỏi sự ngột ngạt của không khí bên trong xe. Trời ơi! hương Đà Lạt ngạt ngào mùi thông tươi thơm mát khiến tôi hit đầy cả buồng phổi một cách vô cùng sảng khoái. Tôi nhớ ngay đến quyển tiểu thuyết "Bước Khẽ Tới Người Thương" của nữ văn sĩ Nhã Ca có những câu thơ rất đỗi dễ thương như sau:<!>
Em! Anh đi núi về 
Ðầu còn ngân gió núi 
Da còn vang nắng ngàn 
Giọng còn pha tiếng suối...

Băng cao lại vượt mau 
Núi non một tuần trường 
Hôm nay, từng bước khẽ 
Dìu dặt tới người thương

Đà Lạt, vì vậy, càng thêm quyến rũ như một "người thương" trong trí tưởng tượng của tôi.

Hồ Than Thở - Đà Lạt

Người hướng dẫn viên du lịch cho xe chạy quanh một vòng thành phố và giới thiệu cho du khách cả trăm cái "château" kiểu Pháp với những kiến trúc độc đáo riêng biệt, không hề có sự trùng lập. Rồi thì những danh lam thắng cảnh như Đồi Cù, Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, nhà thờ Con Gà...

Nhà Thờ Con Gà - Đà Lạt

Đà Lạt còn là nơi ngày xưa bố tôi từng theo học tại trường Võ Bị và cùng bạn bè đồng khoá chinh phục được Đỉnh Lâm Viên cao vời vợi để được đeo trên cầu vai đỏ chữ "Alpha" rực rỡ. Một trong số những người bạn ấy chính là cậu Võ Ý. Hình như cậu Ý cũng đã có đôi lần "Bước Khẽ Tới Người Thương" thì phải:

Rồi phố trên thương về phố dưới 
Đà Lạt thu mình nhớ Hội An

(Chàng - Thơ Võ Ý)

Trường Võ Bị Đà Lạt

Sinh Viên Trường Võ Bị Đà Lạt

Hi hi... cậu tôi đang "đứng phố này, trông phố nọ" rồi!

Gia đình chúng tôi đã được thưởng thức những món ăn tuyệt vời của Đà Lạt trong đó có món "rau bó xôi" lần đầu tiên tôi được nếm thử, ngọt ngon mãi đến giờ. Rồi thì ghé thăm chợ Đà Lạt về đêm, ăn từng hột lạc rang nóng hổi giấu trong túi áo và nhâm nhi từng hớp sữa đậu nành béo thơm bốc khói trong khí trời se lạnh.

Sữa Đậu Nành Nóng - Đà Lạt

Chao ôi, đối với một cô bé "ếch" lần đầu tiên ngoi lên khỏi cái miệng giếng "Saigon" luôn luôn có cái không khí đông đúc ngột ngạt và nhộn nhịp của một thành phố lớn, Đà Lạt quả là một thiên đường thơ mộng trên cao nguyên. Đà Lạt còn nổi tiếng về hoa. Có những loài hoa đẹp chỉ đua khoe sắc thắm nơi khí hậu ôn hoà của Đà Lạt. Vì vậy, tôi đã thầm ví von Đà Lạt như một cô gái da trắng má hồng xinh đẹp với một vòng hoa thắm kết trên mái tóc.

Đà Lạt Bốn Mùa Hoa

Đà Lạt còn nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình của suối và thác. Hình như ai đến Đà Lạt, cũng đều có ít nhất một kiểu hình chụp với Thác Cam Ly vốn dĩ là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.

Có hai giả thuyết về tên gọi của thác Cam Ly: Giả thuyết thứ nhất đó là người dân tộc Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối Cẩm Lệ chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng. Vị tù trưởng người Cơ Ho có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng. Và lâu ngày người ta đọc trại thành Cam Ly.

Thác Cam Ly (Xưa) - Đà Lạt

Giả thuyết thứ hai là do Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt ("Cam" là ngọt và "Ly" là thấm vào). Điều này có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt.

Mỉa mai thay khi ngày nay dòng suối đó không còn là "nước ngọt" mà đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dưới sự quản lý và khai thác của Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Du Lịch Đà Lạt, Thác Cam Ly đang trong tình trạng xuống cấp do không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên.. Dòng suối trở thành nơi chứa nước thải của thành phố Đà Lạt không được xử lý đúng cách nên bốc mùi hôi thối và tù đọng.

Suối Rác Cam Ly (Nay) - Đà Lạt

Đau buồn hơn thế nữa, Cam Ly còn là tên của một "núi rác ngàn tấn" từ khắp nơi chở về chất đầy trên đỉnh. Sau cơn mưa to giữa tháng 8 vừa qua khiến cho “cao nguyên” cũng bị lâm vào cảnh ngập lụt một cách khó hiểu, núi rác ấy bị sạt lở trượt dài theo dòng mưa lũ đổ xuống thung lũng trong sự lo âu kinh hoàng của những người dân trồng trọt hiền lành.

"Dòng suối rác" đó chính là dòng lệ của Đà Lạt!

Suối Rác Cam Ly (Nay) - Đà Lạt

Đà Lạt đang khóc! Cô gái má hồng Đà Lạt của tôi đang rơi những dòng lệ đau buồn!

Thử hỏi vì sao nên nỗi?

Những người lãnh đạo quốc tế lỗi lạc thường là những người có một "vision" (tầm nhìn xa) để bảo vệ giang sơn và tài nguyên của đất nước.

Chỉ nói riêng về phạm trù gìn giữ thiên nhiên, Tổng Thống Theodore Roosevelt - vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ - chính là người có công rất lớn trong việc ký những sắc lệnh để bảo vệ đất rừng và đời sống của động vật hoang dã. Nhờ có ông mà vô số những Lâm Viên Quốc Gia như Yosemite, Sequoia, Yellowstone, vv... vẫn duy trì được vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ không suy suyển cho đến hôm nay.

Thử hỏi chừng nào giới chức lãnh đạo tại Việt Nam mới có được một tầm nhìn như vậy?

Mới đây, có một thanh niên trẻ tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ ảnh du lịch đặc biệt mang tựa đề "Khóc Thét Khắp Đà Lạt", trong đó bức ảnh nào anh ta cũng khóc. Tuy nhiên, những giọt nước mắt của anh ta hoàn toàn không giống với tôi. Anh ta "khóc" chỉ đơn giản là để "gây cười" và "câu like" trên FaceBook. Còn mắt tôi cay, tôi đang cùng thổn thức với Đà Lạt vì xót xa và khát khao cho một tầm nhìn xa trông rộng... cho Việt Nam.

Diễm
August 25, 2019


Không có nhận xét nào: