Cơ quan này có nhiệm vụ điều phối việc di cư, đón tiếp và định cư người dân miền Bắc vào Nam tị nạn cộng sản. Ông Nguyễn văn Thoại được cử làm tổng ủy nhưng sau đó giáo sư Ngô Ngọc Đối được cử vào chức vụ này thay thế ông Thoại vào ngày 21 tháng 8. Một cầu hàng không chở người dân di cư vào Nam cũng được thành lập vào những ngày này.[i]
<!>Vào lúc đầu, khi nhờ người Mỹ giúp đỡ, thủ tướng Ngô Đình Diệm chỉ nghĩ tới con số chừng 100.000 người sẽ di cư vào miền Nam. Phía Pháp ước tính chỉ chừng 30.000. Thế nhưng chính phủ Eisenhower muốn làm cân bằng dân số giữa hai miền để tạo điều kiện thuận lợi cho một cuôc tổng tuyển cử có thể diễn ra hai năm sau đó, vì vậy mà phải cổ động và vận chuyển càng nhiều người vào Nam càng tốt. Đại tá Edward Lansdale được giao cho nhiệm vụ này. Ông Lansdanle muốn thúc đẩy được hai triệu người di cư vào Nam nên đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền ở miền Bắc.[ii] Một loạt các nhà chiêm tinh nổi tiếng được đút lót để họ tiên đoán một tương lai đen tối cho miền Bắc. Nhiều hoạt động thả truyền đơn kêu gọi đồng bào di cư vào Nam đã được tiến hành. Các hoạt động này chắc chắn không mang tầm quyết định nhưng chúng cũng không phải là không quan trọng trong việc cổ động khoảng một triệu người dân miền Bắc, đa số theo đạo Thiên Chúa, di cư vào Nam sau Hiệp định Genève.[iii]
Ở Sài Gòn, tướng O’Daniel thành lập “Nhóm hỗ trợ di tản” để cùng hoạt động với đoàn tàu chuyên chở của “Lực lượng đặc nhiệm 90” (“Task Force 90”) dưới quyền chỉ huy của Phó Đề đốc Lorenzo S. Sabin.[iv] Chiến dịch “Sang Phía Tự Do” (“Passage to Freedom”) bắt đầu. Một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất đi vào lịch sử của giai đoạn này là bức ảnh chụp bốn người lính Hải quân Mỹ đứng trên boong tàu Bayfield căng tấm biểu ngữ thật to với hàng chữ “THIS IS YOUR PASSAGE TO FREEDOM – SANG PHÍA TỰ DO”.
Ông Nguyễn Công Luận thuộc trong số những người vào Nam bằng máy bay trong tháng 8.
“Sau khi trình diện tại Bộ Xã hội, chúng tôi được phân công công việc tiếp đón người miền Bắc bắt đầu đến khu vực Sài Gòn, lúc đầu khoảng 100 người, sau đó hơn 1.000 người mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhứt. Máy bay đủ các loại, quân sự và dân sự, hạ cánh cứ mười hoặc mười lăm phút một chiếc, từ 11 giờ sáng đến 9 giờ tối. Trong khi đó, tàu thủy từ nhiều quốc gia, bao gồm cả hải quân Hoa Kỳ, Anh và Pháp, đã mang vào hàng ngàn người tị nạn.
Nhiều nhóm của chúng tôi đã phải làm việc thêm, cho tới mười giờ một ngày, kể cả cuối tuần, để chào đón những người tị nạn và hỗ trợ ban đầu cho họ. Những người khác phải chuẩn bị giấy tờ cho người tị nạn trong các trại tiếp đón, đôi khi cả đêm, để họ có thể nhận được tiền càng sớm càng tốt sau khi đến nơi. Mặc dù kiệt sức, tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi phục vụ đồng bào.
Tất cả các trường học ở khu vực Sài Gòn và Chợ Lớn đã được sử dụng để cho người mới đến ở tạm. Mỗi người tị nạn được phát hằng tuần hoặc cứ năm ngày một lần một khoản tiền trợ cấp là 12 đồng VN mỗi ngày, trẻ em từ mười hai tuổi trở xuống nhận một nửa số tiền đó. Trong năm 1954, 12 đồng VN tương đương với 30 cent nhưng đủ để mua những bữa ăn tươm tất cho một ngày. Người ta thậm chí có thể tiết kiệm được một chút bằng cách tự nấu ăn. (Mức lương tối thiểu khoảng 500 đồng VN / tháng.)”[v]
Tuy Hiệp định Paris đã quy định rằng người dân được phép tự do di chuyển từ vùng này sang vùng khác nhưng Việt Minh đã dùng nhiều biện pháp để ngăn trở không cho người dân miền bắc vào Nam tỵ nạn Cộng sản. Như ở Hải Phòng, Việt Minh đã ngăn cấm không cho thuyền đánh cá ra khơi. Tại hàng trăm địa điểm miền duyên hải, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt dân chúng phải lui vào nội địa nhiều cây số. Đã có nhiều vụ đụng chạm giữa người dân công giáo và nhà cầm quyền cộng sản. Thậm chí đã xảy ra những xung đột đẫm máu như vụ 5.000 quân lính Việt Minh đã xả súng vào gần 20.000 thường dân ở Ba Làng (Thanh Hóa) ngày 8 tháng 1 năm 1955 và vụ 10.000 binh lính, dân quân và công an đã hợp lực bắt giữ 3.000 dân Lưu Mỵ (Nghệ An) ngày 13 tháng 1 năm 1955 chỉ vì người dân ở hai nơi kể trên đã biểu tình đòi di cư và chống cự lại khi chính phủ ra lệnh giải tán và bắt những người lãnh đạo biểu tình. Nhà báo Robert Martin cho biết khi người dân lũ lượt rời thành phố thì đã bị nhà cầm quyền cộng sản ngăn chặn bằng bạo lực.[vi] Người của Việt Minh còn bắt cóc con của một số gia đình mà họ muốn giữ lại không cho di cư.[vii]
Phan Ba
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét