Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và mẹ vào năm 2016 tại Nam California. (Tú Trang Đoàn Hưng) Nhưng mùa Vu Lan vài năm gần đây, trong những buổi thuyết pháp cho đại chúng về tình mẫu tử, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh hay kể lại những kỷ niệm về người mẹ thân yêu của Thầy. Phật tử nghe cũng thấy thấp thoáng trong đó hình ảnh bà mẹ của riêng mìnhữ Theo lời kể của Hòa Thượng, cũng như nhiều bà mẹ Việt Nam khác, mẹ của Thầy có vóc dáng nhỏ, gầy gò, hiền hòa, chất phác. Chồng mất sớm, bà phải một mình vất vả nuôi một đàn con cho đến ngày khôn lớn. <!>
Thầy đi tu từ nhỏ, nhưng không hề thiếu những ký ức về tình thương của mẹ dành cho mình. Có một lần Thầy chơi đùa nghịch ngợm, bị té gãy chân. Mẹ đã phải cõng Thầy băng qua hàng cây số đường ruộng, để đến chỗ thầy lang bó bột. Nhiều ngày sau đó, đi đâu cũng được mẹ cõng. Thân hình bà nhỏ xíu, cõng Thầy trên vai mà chân gần chạm đất. Cảm giác được mẹ che chở trong lúc bệnh hoạn như vậy, tưởng không gì có thể hạnh phúc hơn...
Ngay sau biến cố 30 tháng 4, 1975, sau nhiều năm tháng tu hành xa nhà, Thầy quyết định từ Bà Rịa Vũng Tàu trở về Cao Lãnh để thăm mẹ, vì biết rằng bà cũng đang lo lắng trông tin con sau những biến cố dồn dập của ngày quốc nạn. Sau một ngày đi đường xa vất vả, Thầy về đến đầu làng. Hình như trong làng chỉ có mình Thầy xuất gia. Cho nên khi thấy bóng dáng một vị sư trong màu áo cà sa từ xa, hàng xóm đã liền đi báo cho mẹ Thầy biết, “Thầy Phước Tịnh về kìa.”
Thầy nhớ lại hình ảnh của mẹ mình lúc đó, quẳng hết mọi thứ, tất tả băng qua cánh đồng, vừa chạy vừa reo: “Con tôi đã về! Con tôi đã về!” Bao nỗi mệt nhọc như tan biến! Hình ảnh mẹ con mừng tủi hội ngộ đó đã in mãi trong ký ức của Thầy.
Rồi Thầy vì đạo, đã rời quê hương sang Pháp, sang Mỹ, đi khắp nơi để truyền bá Phật Pháp. Trên con đường hành đạo, Thầy vẫn luôn nghĩ về mẹ già ở quê nhà. Mẹ tuổi đã cao, không biết ngày mẹ về với cõi Phật, mình có được ở bên cạnh?
Có một lần về lại Việt Nam để thăm Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Thầy ghé về quê thăm mẹ, dặn vui rằng, “Ngày bà chết, tui có thể không về được. Bà phải lo tự tu hành, để còn được về với cõi Phật nghe.” Thầy muốn mẹ tinh tấn trên con đường tu để thoát vòng sinh tử, cho nên nói vậy thôi. Chứ mỗi lần nghĩ đến cảnh sinh ly tử biệt, lòng Thầy vẫn thấy thắt lại vì thương mẹ.
Rồi vào đầu năm 2016, mẹ Thầy được đi sang Mỹ theo diện bảo lãnh. Cơ hội báo hiếu đã thuận đủ duyên lành. Thầy quyết định để cho mẹ xuất gia, sống quãng đời còn lại trọn vẹn với Phật-Pháp-Tăng. Là một vị Thầy đạo hạnh, được Phật tử khắp nơi gần xa yêu quí, Thầy hoàn toàn có thể tự đứng ra làm lễ xuất gia cho mẹ. Nhưng Thầy không muốn danh tiếng của mình có thể làm ảnh hưởng đến bồ đề tâm của mẹ. Thầy để mẹ mình thọ giới với vị thị giả là Thượng Tọa Thích Quảng Phú, trụ trì chùa Văn Thù ở Riverside, một ngôi chùa có tình thân giống như ở quê hương Miền Nam. Ở đây, bà sẽ chuyên tâm tu hành hơn. Thầy không muốn nhiều Phật tử biết bà là mẹ của Thầy, vì sợ Phật tử sẽ ưu đãi, chiều chuộng, làm tổn phước của bà.
Và trong mùa Vu Lan năm 2016, trong đoàn tăng ni cùng Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đi làm lễ Vu Lan cho nhiều chùa ở vùng Nam Cali, có một vị nữ sa di vóc dáng nhỏ, gầy gò, nét mặt hiền hòa chất phác như một bà mẹ quê Việt Nam. Mẹ của Thầy đó! Hẳn là Thầy sẽ vui lắm. Đạo hiếu với mẹ, nay Thầy đã làm tròn, vào đúng mùa Vu Lan báo hiếu.
Ngày xưa, Ngài Xá Lợi Phất trước khi nhập diệt đã xin phép Đức Phật về lại quê hương, để độ cho mẹ mình, hướng bà về qui y Phật Pháp Tăng. Ngày nay, câu chuyện về lòng hiếu thảo của các bậc tu hành như sống lại, với câu chuyện của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và mẹ.
(Bài này đã được đăng trên một số mạng truyền thông năm 2016.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét