Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Bạn Bè Như Bẹn Bà - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Ở lều nhà binh trong trại tỵ nạn Orote Point và ngày ba bữa ăn cơm lính Mỹ nấu mà có khách bên ngoài vào viếng thăm là cả một điều lạ lùng và hiếm hoi.  Tôi ngạc nhiên khi thấy anh Bá lái xe từ làng Agana thủ phủ của Guam vào tận lều thăm tôi.  Anh là một người cầm đầu Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ, trường mà ngoài nhiệm vụ giảng huấn, tôi làm Trưởng phòng Giáo sư vụ, một chức vụ tự nguyện không cho thêm phụ cấp hay quyền lợi nào khác.  Anh là đàn anh của tôi, ở lại trường dạy sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện, đi Hoa Kỳ lần lượt học Cao học và Tiến sĩ (PhD, viết tắt của Doctor of Philosophy) rồi về trường tiếp tục làm giáo sư, và sau đó được bổ nhiệm vào chức vụ anh giữ đến khi bỏ nước ra đi.
<!>
Trong thời gian đi du học, anh Bá lập gia đình với một chị người Mỹ gốc Đài Loan và đưa chị về Việt nam sinh sống, nhưng tôi chưa bao giờ gặp chị và cũng không nghe anh nói về chị hay chuyện gia đình riêng tư.  Hàng ngày chúng tôi làm việc sát cánh bên nhau, anh nói nhiều nhưng có nhiều sáng kiến, và tôi hăng hái thực hiện những dự án lợi ích cho sinh viên anh đưa ra.  Đầu tháng Tư 1975, trong khi các giáo sư du học Hoa kỳ về hàng ngày đội nắng sắp hàng trước tòa Đại sứ Hoa kỳ xin được bốc đi, anh rộn ràng ra ngân hàng lấy tiền bạc ký thác và thu xếp nhà cửa.  Một buổi sáng không còn thấy anh đến trường, mọi người xầm xì anh đã theo vợ về Mỹ.
Với giọng nói nhanh nhẩu và lối vào đề trực khởi thường lệ, anh không nói quanh nói quất hỏi thăm sức khỏe hay làm sao tôi đến đây, cũng không kể chuyện mình hay quan tâm tới đồng nghiệp ở trường, mà giới thiệu người đàn ông cao lớn mang bộ mặt Á đông,
            “Đây là anh vợ tôi.  Ông làm chủ một nông trại trên đảo Guam đang cần người làm.  Gia đình anh gồm sáu thanh niên mạnh khỏe, thích hợp với công việc ổngcần.  Nếu anh đồng ý, ổng sẽ bảo trợ ra ngoài đó làm việc và sinh sống.”
Người đàn ông trạc tứ tuần đứng cạnh anh Bá có làn da rám nắng và mặc bộ áo quần thợ máy màu cứt ngựa.  Nhìn vẻ mặt nửa lầm lì nửa ngơ ngác của ông ta, tôi hỏi, “Ông nói được tiếng Anh không?”  Ông ta gật đầu và nói lí nhí gì đó trong miệng.  Tôi nói chậm rãi bằng tiếng Anh,
            “Cám ơn anh và ông cất công vào đây thuê chúng tôi làm việc cho nông trại.  Vậy chớ hai người có hiểu nhu cầu hiện tại của gia đình tôi như thế nào không?”
            “Anh cần nơi định cư và công ăn việc làm, anh vợ tôi có thể giúp anh,” anh Bá vội vàng trả lời.
            “Không biết hai người sống như thế nào, chứ nhu cầu vật chất của chúng tôi gồm ba lãnh vực:  thực phẩm để sống, nơi cư ngụ để gia đình sinh hoạt, và phương tiện di chuyển để đi lại.  Hai người dự định đáp ứng như thế nào?” tôi nói lên điều đã suy nghĩ từ mấy tháng nay.
            “Anh vợ tôi hứa sẽ cho em anh dưới mười tám tuổi đi học, nhưng sau giờ học phải phụ giúp công việc nông trại.”
Tôi ngẩng đầu lên nhìn anh Bá và hỏi ngoài đề,
            “Sau đảo Guam, anh sẽ đi đâu?”
            “Chưa biết chắc, có lẽ tôi qua Đại học Michigan ở Ann Arbor, nơi tôi tốt nghiệp,” anh miễn cưỡng trả lời.
            “Dạ tôi biết anh làm luận án PhD máy trợ thính hay dụng cụ nghe cho người điếc ở trường đó,” tôi gật gù cười nụ.
Anh Bá sa sầm nét mặt khi tôi đề cập tới luận án máy trợ thính; mặt đỏ rần, anh xốn xang hỏi dồn,
            “Ý anh thế nào về đề nghị của anh vợ tôi?”
            “Anh muốn tôi nói thực không?” tôi hỏi anh bằng tiếng Việt.
            “Anh cứ nói, tôi là người thẳng thắn,” nhưng anh đã nhột nhạt, giọng nói e dè.
            “Anh Bá, tôi kính trọng chức vụ của anh và làm nhiệm vụ của tôi, chứ không hề nể phục tài năng hay tư cách gì của anh cả..  Vợ tôi tốt nghiệp Đại học Stanford, một đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ, và tôi đã hoàn tất luận án tiến sĩ kỹ sư ở Đại học Khoa học Sài gòn.  Giá chót, cái bằng kỹ sư điện của tôi qua Pháp cũng ngang cơ với mấy thằng Xúp Ê-léc.  Chúng tôi chỉ thua kém anh ở chỗ cờ chưa đến tay, chưa có cơ hội để thực hiện những điều anh đã thành đạt.  Tại sao anh hạ chúng tôi xuống thành bạn điền trên hòn đảo chưa thành tiểu bang của Mỹ này, có khác nào anh tự sỉ nhục mình?” “Xúp Ê-léc” (tiếng Pháp “Supélec”) là tên gọi tắt trường Cao đẳng Điện học ở Paris, một grande école có uy tín bậc nhất của Pháp.
Buổi tối tụ họp bàn tán chuyện đời ở “Ngã Năm Quốc tế,” tôi kể chuyện bị anh bạn khoa bảng chơi một cú tức hộc gạch.  Không dè vụ chủ nông trại Guam vào “tuyển mộ di dân” lại được suy tưởng thành một viễn ảnh đáng lo ngại.  Anh Hán hỏi gặn,
            “Có chắc tên bạn cậu thực lòng kêu cậu xuất trại ra Guam không?”
            “Em nghĩ anh ta chiều lòng thằng anh vợ thiếu người làm và nhân tiện chơi em thôi.  Có gì quan trọng đâu anh,” tôi cười cười.
            “Sao lại không?  Biết đâu ở bên ngoài hắn ta biết tin tức mà trong này mình mù tịt.  Hiện tại chỉ có dấu hiệu chính phủ Mỹ sẽ nhận và giúp đỡ mấy tay làm sở Mỹ, tướng tá cao cấp, và viên chức chính phủ tai to mặt lớn.  Còn bọn làng nhàng như tụi mình và đám ‘danh ca,’ tôi nghi tụi Hoa Thịnh Đốn sẽ cho ra rìa bỏ rơi sống chết mặc bay.”
            “Cậu Hán nói thật giống ý ta!  Thằng Mẽo lưu manh đểu cáng vô cùng tận, không bao giờ nên tin.  Cả miền Nam nó bỏ rơi cái rụp, sá chi vài chục ngàn đứa tép riu thấp cổ bé miệng không dây mơ rễ má với Mẽo như bọn mình.  Tịch tình tang, tứng từng tưng,” một anh bạn anh Hán xen vào.
Người vừa lên tiếng là anh Luật “thiếu tá với cây đàn” đi đâu cũng mang theo cây đàn ghi-ta chỉ còn hai dây và thường gảy đàn bằng miệng đệm cho câu nói của mình.  Chuyện kể rằng ngày trước anh là một sĩ quan bộ binh đánh giặc giỏi và lập nhiều chiến công trên chiến trường miền Tây.  Một hôm anh đụng trận bị thương nặng và được trực thăng tải thương về quân y viện Cần Thơ.  Chị Luật ở Sài gòn nghe tin dữ liền tức tốc đi xe đò xuống Cần Thơ, xe trúng mìn Việt Cộng chôn giữa đường, và chị thiệt mạng.  Sau thời gian dưỡng thương, người đàn ông góa vợ xuất viện và đổi về bộ Tổng Tham mưu làm việc.  Nhờ bà con giới thiệu, anh quen chị Liên, một quả phụ hai con xinh đẹp, và sung sướng chắp nối với chị.
Trong thời gian theo học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Đồn Leavenworth ở tiểu bang Kansas của Hoa kỳ, anh Luật kết bạn với một trung tá sĩ quan cán bộ người Mỹ tên là Thomas, gọi thân mật là Tom.  Về lại Sài gòn, một ngày kia, anh tình cờ gặp lại Tom mới giải ngũ và sang Việt nam làm giám đốc điều hành cho một hãng thầu dân sự Hoa kỳ trong căn cứ Long Bình gần Biên Hòa.  Anh mừng rỡ mời Tom về nhà, giới thiệu với vợ, và mở tiệc đãi đằng.  Tom đề nghị đưa chị Liên làm việc cho công ty của Tom và hứa trả lương hậu hỉ.  Mỗi ngày đi làm chị mang về các món hàng quý chị nói pi-ếch (PX) bán rẻ mạt và đồng nghiệp người Mỹ “thương chị” mua tặng.
Rồi tháng Tư 1975 tới, công ty có kế hoạch di tản nhân viên và thân nhân.  Chị cho biết vì anh là sĩ quan tại ngũ, công ty không chấp nhận cho gia đình anh đi.  Để vượt qua trở ngại này, Tom nghĩ ra giải pháp giúp anh:  ghi trong danh sách chị là vợ Tom và anh Luật là anh của chị..  Sáng ngày 28 tháng Tư, anh Luật và đứa con trai riêng 15 tuổi cùng “gia đình” chị vào Tân Sơn Nhứt để lên máy bay.  Tom, chị Liên, và hai đứa con riêng của chị mang hành lý lên trước.  Đến lượt anh Luật, nhân viên phi hành đoàn dò lại danh sách và lắc đầu, “Ông không phải là thân nhân của gia đình này.”  Anh lớn tiếng giải thích nhưng tình ngay lý gian không ai thèm nghe, và hai cha con bị tống cổ khỏi phi trường với cây đàn đứt dây là tài sản duy nhất trên người.  Anh tức như bò đá, quyết chí đi Mỹ săn lùng đôi gian phu dâm phụ rửa hận, và dẫn con tìm đường xuống tàu Hải quân rồi đến đây.  Anh cười ra nước mắt khi bị bạn chọc ghẹo, “Cũng tại thằng nhỏ làm khổ thằng lớn!”  Nhưng dầu sao hai cha con anh vẫn còn có nhau.
* * *
Ba mươi lăm năm sau, vợ chồng tôi dự buổi họp mặt thường niên của ái hữu Phú Thọ ở Texas, và tôi được dịp trò chuyện với anh Thanh ngày xưa dạy Ngành Công chánh, bạn du học và sếp chỉ huy trực tiếp của anh Bá ở Đại học Kỹ thuật.  Anh Thanh kể,
            “Anh Bá bây giờ tội lắm.  Anh sống một mình, rất cô đơn vì chị mất năm ngoái và thằng con duy nhất chẳng ra gì.”
            “Từ hồi đó đến giờ, anh Bá làm gì?”
            “Năm 1975, anh được nhận làm giáo sư trợ giảng Đại học Michigan, nhưng vài năm sau anh nghỉ dạy, lấy bằng sáng chế, mở công ty riêng, và làm đủ thứ chuyện nhưng chẳng có chuyện gì thành công.”
Trên đường về, Quỳnh Châu nhỏ nhẹ trách tôi,
            “Chồng vô tâm thì thôi, bạn đồng nghiệp cũ mà sang Mỹ mấy chục năm không liên lạc thăm viếng cho phải đạo.”
            “Ngày đó anh xem anh Bá là bạn, nhưng không dè anh ấy chíp trong bụng nỗi oán giận nhỏ nhen và chờ dịp làm cho lại gan,” tôi lắc đầu.
“Không phải lúc mình chưa biết trôi giạt về đâu, anh ấy có lòng tốt định giúp mình ra định cư ở Guam sao?”
            “Không phải đâu vợ ơi!  Ông chủ nông trại có thể cần nhân công rẻ tiền làm việc đồng áng, nhưng anh Bá thừa nước đục thả câu xiên xỏ nhục mạ anh mà thôi,” tôi giải thích với nàng và nhớ lại chuyện động chạm ở trường gần bốn mươi năm trước.
Về nước với tấm bằng PhD mới toanh, anh Bá được cắt cử dạy ban Điện tử.  Tự hào về trình độ học vấn của mình, trong một phiên họp nhân viên cơ hữu hàng tháng, anh chất vấn thầy Cần Trưởng ban Điện tử về "qualifications” (chữ anh dùng), tức là khả năng đảm nhận chức vụ, của thầy.  Thầy là giáo sư kỳ cựu được mọi người kính mến và trước đây từng giữ chức vụ cầm đầu trường Điện như anh sau này.  Không thấy ai lên tiếng bênh vực vị thầy khả kính hiền hậu, tôi đứng dậy,
            “Anh Bá ăn nói đàng hoàng và kính trọng người khác một chút.  Anh nên biết rằng bất cứ kỹ sư nào trong phòng họp này nếu có cơ hội đi Mỹ du học như anh đều có thể hoàn tất luận án PhD hay bằng hay giỏi hơn cái luận án . . . máy điếc của anh.”
Luận án tiến sĩ của anh Bá do một công ty chế tạo dụng cụ trợ thính tài trợ, có giá trị thương mại nhiều hơn là nghiên cứu khoa học, và là đề tài bàn tán của du học sinh cao học người Việt ở Hoa kỳ; họ gọi anh là “Đốc-tờ Điếc.”  Do đó, “máy điếc” là đề tài cấm kỵ đối với anh.
Một hôm, bạn tôi là Hồng giảng nghiệm viên ban Điện tử có việc đến nhà anh, nhưng anh vắng nhà.  Hồng là kỹ sư tốt nghiệp ở Hoa kỳ và nói tiếng Anh lưu loát.  Hôm sau, Hồng thất vọng than thở với các bạn,
            “Chị Bá ta vừa già vừa xấu mà lại hợm hĩnh; bả coi mình như nơ pa.  Đào với kép thật xứng đôi!”  “Nơ pa” (“ne pas” tiếng Pháp) nghĩa là không là gì cả.
            “Tụi mày biết vì sao anh Bá rước chị Đài Loan đó về xứ không?” tôi cười chúm chím.
            “Tại sao?” lũ bạn nhôn nhao.
            “Chàng ta thiếu tình mẫu tử, xa quê hương nhớ mẹ hiền.”
Nghe kể đến đây, Quỳnh Châu ôm bụng cười,
            “ÔÔng dôông này thị…ị…ệ…ệt quá quắt, chạy đằng trời cũng không khỏi bị anh Bá trả đũa cho hả lòng!  Hồi đó em mà biết chồng ăn nói sắc lẻm như con dao nhưdzậy thì . . .”
            “Thì làm sao, vợ nói cho anh nghe coi?” tôi cười tít mắt.
            “Thì em đã tìm cách về với anh sớm hơn rồi.  Để tốp (stop) anh lại cho anh bớt bạo mồm bạo miệng và khỏi hao tổn âm đức dành cho con về sau.”
Mỗi lần nói tới anh Bá bạn tôi, hay Tom bạn anh Luật, tôi nghĩ ngay đến thành ngữ thông dụng của người Mỹ, với bạn như thế, ai cần kẻ thù làm gì? (“With friends like that, who needs enemies?”)  Dịch nghĩa đen không lột tả được hết ý nghĩa mà phải dùng cách nói lái của người Việt để dịch thành . . .. “bạn bè như bẹn bà!” nghe mới đã.  Nếu người nói là đàn bà thì lại càng hay tuyệt.
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                                           Ngày 29 tháng Năm, 2019

Không có nhận xét nào: