Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Thú Chơi Lan - Đàm Trung Phán


Tôi mê phong lan từ hồi ở Việt Nam khi còn đang học trung học. Ở tuổi tôi bây giờ, tôi chỉ còn lờ mờ nhớ là hồi nhỏ đã đọc trong văn chương Việt Nam có một anh chàng lạc vào rừng rồi mê mẩn với loài hoa lạ này, mà người Âu Mỹ mệnh danh là Hoa Hoàng Hậu! Lúc đó tôi cũng đã “nhập” vai anh chàng này và tôi liên tưởng là mình đang ở trong một khu rừng hoang vùng nhiệt đới, đi lùng kiếm phong lan. Trước khi tôi rời Việt Nam để du học, anh lớn tôi đã mang về Saigon vài cây lan từ Ban Mê Thuột. Thân cây trông như thân cây trúc, rất mảnh mai. Tự nhiên tôi thích ngắm và tự ý chăm sóc chúng cho gia đình, mặc dù là lúc đó cây chưa ra hoa. Mỗi lần nhìn phong lan là tôi lại liên tưởng tới các khu rừng, bờ suối, tiếng chim hót, các thảo mộc lạ kỳ...và trí tưởng tượng đưa tôi đi vào các miền rừng núi hoang vu, xa lánh hẳn cái ồn ào của thành phố.
<!>
Khi tôi đang học năm thứ hai tại Sydney, Úc Đại Lợi, ký túc xá của tôi tổ chức một đêm dạ vũ cho sinh viên. Tôi may mắn kiếm được một partner, cựu học sinh Trưng Vương để rủ đi dạ vũ. Thật mừng hú, vì ở cái xứ “đất rộng, người đô” này mà kiếm được một cô gái Việt thì quả là khó; nhất là lại là một nàng con cháu của Hai Bà nói truyện rất có duyên thì thật là trúng sổ số không bằng! Tôi hý hửng ra phố mua hoa tặng cho partner. Vào hiệu hoa, chưa biết chọn hoa gì thì tôi bỗng trông thấy một bông hoa thật đẹp được bầy trong một hộp plastic trong như thủy tinh. Trông là đã thích rồi và cô bán hàng cho biết đó là một đóa hoa lan. Tôi quyết định mua, mặc dù là giá quá mắc so với số tiền học bổng eo hẹp hàng tháng của tôi. Khi người ta đã mê cả hoa lẫn người, người ta sẵn sàng hy sinh và tiêu tiền, phải không, th ưa quý vị? Nhiều năm về sau, người đẹp qua điện thoại viễn liên đã cho tôi biết là “người ta” giữ hoài đoá hoa lan này cho tới khi hoa héo tàn mới vứt đi. Riêng tôi, tuy hoa đã tàn trong mấy chục năm qua, nhưng hình bóng đóa hoa lan đầu đời vẫn luôn nở rộ trong tôi và biết đâu đấy, nó sẽ còn theo tôi sang kiếp khác nữa, thì sao?

Định mệnh cuộc đời đưa tôi vào ngành dậy học. Tôi say mê với lớp học, đời học trò và nhất là soạn bài và chấm bài trong những đêm khuya. Những lúc mỏi mệt, mờ mắt vì những dòng chữ và con số, tôi thích dở các trang sách đầy hoa và lá vì chúng là người bạn đồng hành của tôi trong những đêm khuya thanh vắng. Chúng mang lại cho tôi mầu hồng, mầu xanh tươi mát lạ lùng và tôi cảm thấy như tôi thoát ra được cái cuộc sống đầy ràng buộc của văn minh nhân loại! Trong những tháng nghỉ hè, ngoài việc chở con đi chơi thể thao, đi shopping, đi học nhạc ... nếu tôi “gạ” được chúng, tôi thích đi cùng với con vào các park đầy cây cối. Đi để mà hưởng cái khí mát của thiên nhiên, để thấy như được trở về một cõi xa xôi nào đó.http://www.pbase.com/bac_ninh/image/56935320


Trong những khóa học Muà Thu (Fall Semster), tôi thường dậy môn Địa Chánh (Field Surveying) và thầy trò tụi tôi đi đo đường ở xung quanh Campus. Có những hôm trời se lạnh, răng đánh lập cập mà thầy trò chúng tối vẫn “trụ trì “ ở ngoài trời với lá vàng, lá đỏ rơi rụng đâu đây. Thật là tuyệt! Có hôm, bọn “nhất quỷ nhì ma” còn mang vào office “tặng” thầy một con rắn mầu xanh, thầy sợ muốn chết! Những lần ra thực tập đo đường với học trò, tôi thường để ý đi kiếm lan đất (Cyprepedium) của Canada ở trong các bụi cây quanh Campus. Không hẹn lại nên, năm 1998, một đồng sự người Canada tặng tôi vài cây lan đất này, được bứng từ chỗ bụi cây xung quanh cái cottage của ông ta, và tôi tặng lại cho cháu gái tôi để cháu trồng trong vườn. Hoa loại này nở vào mùa xuân, trông giống như một chiếc hài của phái nữ (lady slipper), mầu vàng rất dễ thương. Chỉ có loại lan đất này mới chịu được cái lạnh giá của muà đông Canada!

Mùa hè 1984, sau khi tôi đã hoàn tất xây lại căn nhà chúng tôi đang cư ngụ tại Toronto, tôi lên thăm thân phụ và gia đình chú em tôi tại Montreal. Chú em tặng tôi hai cây phong lan Cattleya, chưa có nụ, có hoa gì hết và chú dặn:
- Nhà anh có nhiều cửa kính, anh để hai cây này vào chỗ nào nhiều nắng, nghe anh!

Tôi học lóm được ở chú cách trồng Cattleyas. Tôi mang lan về, trông nom các nàng rất cẩn thận vì sợ lan sẽ chết và tôi thường tốn tiền điện thoại viễn liên hỏi thêm chú em cách chăm sóc, bón phân hóa học và trừ sâu bọ. Thật không ngờ, cả hai cây lan này đều đã nở hoa thật đẹp trong mấy tháng m ùa đông năm 1985. Tôi vừa vui, vừa tự tin và tự hào là đã trồng được phong lan ra hoa! Và cái Thú Trồng Lan của tôi thực sự bắt đầu.

Tôi nghĩ bụng:
- À ra thế! Trồng lan thì cũng như mình phải dậy một môn học mới, chứ có khác gì đâu! Thôi mình cứ cố trồng xem sao!
Tôi đi lùng các sách về Phong Lan, Lan Đất tại các thư viện, tại các nơi bán lan, từ trong các ấn phẩm do Hội Lan Hoa Kỳ xuất bản. Giai đoạn đầu, đọc sách khá chán nản, giống như phải học thuộc lòng môn Vạn Vật hồi Trung Học vậy, nhưng tôi lại tự nhủ:
- Ngày xưa mình còn dư sức ‘cầy’ các môn thi viết và thi vấn đáp hồi Trung Học, thì bây giờ mình học mà lại không phải bị ai ‘khảo’ bài , thì sợ cái quái gì?

Sau khi đã có thể phân biệt được các loại lan (epiphyte orchids, terrestrial orchids) và các cá tính của chúng, đọc sách về lan mang lại cho tôi rất nhiều những thú vui riêng biệt, phần lớn là ...một mình mình đọc, một mình mình vui! Bây giờ tôi lại có cái cơ duyên viết ra những gì tôi đã gặp được trong cái thú chơi lan này, thì tôi cho đó cũng là một thứ “phúc lợi” của nó!

Tôi đã “nhập vai” với các nhân vật, hoa lá, núi rừng ...trong các bài viết về phong lan (epiphyte orchids) mà tôi đã có dịp được đọc qua.
Tôi thấy tôi đang đến thăm ông Cattley, một nhà nghiên cứu thực vật người Anh trong hơn một thế kỷ trước. Ông ta đang mở từng thùng đồ được chuyên trở từ Nam Mỹ về ở trong phòng thí nghiệm của ông. Các cây rêu rừng này được nén chặt trong thùng bằng một loại cây khác. Ông Cattley lấy làm lạ là các cây được dùng để làm đồ ‘packing’ lại có thể sống dai như vậy mà lại không cần có một chút đất nào hết! Ông Cattley đem chúng vào nhà kính trồng lại bằng vỏ cây thông (phong lan không cần đất!) và lạ lùng thay: sau một thời gian một số các cây này đã nở hoa đẹp kỳ lạ. Về sau, chúng được mang tên khoa học là hoa lan Cattleya, dựa theo tên ông Cattley.


Tôi cũng đã trồng được nhiều cây Cattleyas ra hoa nhiều mầu khác nhau và tôi đã có cảm hứng viết vài câu thơ về loài phong lan chúa Cattleya này:

... Giữa núi ngàn thác đổ
Tiếng chim hót, vượn kêu
Ngạt ngào mùi nhiệt đới
Hoa lá mọc hoang đường.
Chót vót đỉnh ngọn cây

Phong Lan lay theo gió:
Hoàng hậu Cattleya!

Nàng khoe mầu yếm thắm
Kiêu kỳ nơi gió sương.
Ban ngày chàng ong lượn
Đu đưa nhịp vấn vương.
Chàng vào cung nàng hưởng
Nàng trao chàng nhụy hương.

(Phong Lan
Nguyễn Đàm Duy Trung
Tháng 12, 1994 )

Tôi cũng thấy tôi đang đi kiếm phong lan trong các khu rừng rậm Nam Mỹ cùng với đoàn người do các quý tộc người Anh gửi đi trong thế kỷ trước. Họ chuyên chở về Anh bằng tầu thủy biết bao nhiêu là các loại lan đẹp nhưng tiếc thay, một số lớn đã chết vì không hợp thủy thủy thổ khi về đến bên Anh.

Tôi thấy tôi đang dự kiến một cuộc mua bán đổi chác của một số người Anh với một Tù Trưởng của dân ‘headhunters’ trong một khu rừng âm u của miền New Guinea. Họ cố mua cho bằng được một cây phong lan chưa từng thấy mà lại còn mọc ra từ một cái sọ người! Vài năm sau đó, khi ra hoa, cây lan này đã được bán đấu giá tại London, giá khoảng 5000 Anh Kim.

Tôi thấy tôi đang thăm viếng một trại lan tại Brazil do một cặp vợ chồng người Âu Châu cai quản. Ngày xưa ông chồng đã là một giám đốc cho một công ty dầu lửa tại Anh Quốc. Ông ta chán cảnh đi làm, đã về hưu non về sống với thiên nhiên tại Nam Mỹ trồng lan và đi kiếm lan rừng để phân loại chúng rồi viết bài cho Hội Lan Hoa Kỳ. Tôi đã ước ao về sau, khi tôi không còn phải lo kế sinh nhai, tôi cũng có được một bà vợ dám cùng chia sẻ cái thú hơi...”mát” này với tôi!

Tôi thấy tôi đang ở Hoa Kỳ, nói truyện trong nhà kính với một tay trồng lan nhà nghề. Ngày xưa ông là một Kiến Trúc Sư rồi trở thành một nhà trồng lan chuyên nghiệp. Tôi đang học cách ông ta xây nhà kính ở dưới mặt đất cho đỡ tiền sưởi trong mùa đông và cách ông ta trồng lan trong nhà kính.


Tôi thấy tôi trở về với chính tôi năm 1989 khi giáo chức của các Colleges tại tỉnh bang Ontario đình công vào muà thu. Buổi sáng, tôi vác bảng đi biểu tình. Buổi chiều, một mình tôi ra vườn xây cái nhà kính do tôi vẽ lấy. Vì đình công nên ...”tiên khồng”. Không tiền thì tôi đi xin bạn bè các cửa sổ, các vật liệu xây nhà mà họ không còn dùng tới nữa để tôi quyết tâm xây cho xong cái nhà kính đầu đời của tôi trước khi trời đổ tuyết! Vậy chứ, cái nhà kính nhà nghèo này cũng có điện, nước, lò sưởi điện, nền nhà chứa đầy sỏi được tưới mỗi ngày hai lần để tăng độ ẩm cho cây! Tôi thấy các hoa giấy, hoa nhài, hoa camelias (trà hoa), thủy trúc ngoài các cây lan đang có nụ, có hoa hay đang eò uột trong nhà kính của tôi với tiếng gió thổi từ cái quạt điện. Sướng hơn nữa là tôi thấy Steven, con trai út của tôi, đang nói nói cười cười với vài cái răng sún của hắn trong cái nhà kính này. Hắn có thói quen gọi Orchids là Orshits, chắc vì đang sún răng nói không đúng chữ? Và tôi thấy hắn đang chỉ vào một cây lan đang có hoa và “gạ” tôi:
- Bố cho con cây này được không để con tặng cô giáo của con vì cô ấy nghe con tả, cô ấy thích Orshits lắm! OK chứ Bố?

Tôi thấy tôi ôm con vào lòng và hôn hắn:
- OK, Boss, có ngay!
Tôi còn thấy hắn “mà cả” thêm với tôi:
- Khi nào con có gia đình, Bố cho con thêm vài cây lan đang ra hoa được không?

Tôi thấy tôi quay ra chỗ khác, ướt mi vì lời con tôi nói! Ít ra còn có hắn là một kẻ mê lan như bố nó!

Tôi xin có đôi lời về cái “khổ” trong có thú chơi Lan: Muốn cho Phong Lan (epiphyte orchids, trồng bằng vỏ thông hay không cần chậu gì hết) và Lan Đất (terrestrial orchids, trồng bằng cát trộn với sphagnum moss, vỏ cây, than...) ra hoa, người trồng lan phải tạo các điều kiện như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ nóng-lạnh, không khí di chuyển (moving air)...cho hợp ý các nàng! Lan lại cần phải được tưới nước, bón phân đúng theo nhu cầu muà nghỉ ngơi và muà phát triển. Nhiều người mê trồng lan - theo lời chú em tôi ‘họ bị bệnh Orchiditis!’ - đến nỗi họ còn còn ra hứng nước mưa, tuyết....để tưới cho Lan nữa. Nói tóm lại, những ai đã mê mẩn trồng lan thì tha hồ mà nghĩ ra các sáng kiến để sau này họ trồng bằng được cho lan ra hoa, nhất là phải nở cho đẹp mà lại còn không bị các con bọ (pests) phá hoại nữa!
Không ai trồng lan mà chẳng thoát khỏi cảnh thấy vài cây lan của mình chết dần, chết mòn hay chết rất nhanh! Nhìn phong lan chết, người viết đã có lần ai oán thở than:

Phong Lan chết quách mất rồi,
Không kèn, không trống bỏ đời mà đi.

Ta ngồi, ta khóc tỉ ti:

“Nàng Lan đã chết ... tốn tì, trời ơi!”

Tôi cũng đã có cái may mắn được một số bạn bè đến thăm các nàng lan của tôi. Một cặp vợ chồng già bạn tôi, sau khi ngắm mấy giò lan đang ra hoa, anh bạn tôi tuyên bố:
- Anh này trồng hoa lãng nhách, thua tôi xa! Lan của anh có hoa mà không có con! Tôi chỉ có một cây lan, Lan của tôi nó không có hoa mà nó chỉ có con!

Nói xong, anh ta cười hô hố nhưng bà vợ, tên Lan, thì ngước mắt nhìn lên như muốn “chỉnh” đức lang quân là đã phát ngôn bừa bãi. Hóa ra anh bạn tôi là một người chồng Lan, còn tôi, tôi chỉ là một kẻ trồng lan! Có thế thôi!

Đã mang cái nghiệp thích chơi lan vào thân, thì ở đâu chúng ta cũng trồng lan được: nhà to, nhà nhỏ, basements, apartments...Ngày xưa tôi đã từng trồng lan trong nhà kính, dưới basement, xung quanh các cửa sổ và tôi đã có khoảng bốn trăm cây lan. Bây giờ tôi trồng lan dưới ánh đèn trong apartment và tôi chỉ còn có khoảng ba mươi cây. Tôi ngộ ra được một điều: khi mình còn đi làm, nếu quá say mê mà đi ôm thêm lan về thì chỉ khổ cho cái thân đi cầy mà thôi vì không có thì giờ coi sóc chúng. Này nhé, ở xứ lạnh, muà hè phải mang lan ra vườn để dưới gốc cây hay treo trên cây để tránh ánh nắng trực tiếp (tuỳ theo loạI lan), nhiều cây còn phải trồng vào các chậu mới (repot) vì lan đã quá lớn hay các miếng rễ thông/đất cát không còn chất bổ để nuôi lan.....Mỗi lần cắt rễ, lá và thân cây lan, người trồng lan phải khử trùng các dụng cụ dao, kéo, rất mất thì giờ, nếu không nàng lan của chúng ta sẽ bị virus nhiễm trùng mà ...ra đi không hẹn ngày về. Rồi còn phải quét dọn, tẩy uế nơi trồng lan, diệt trừ các sâu bọ và còn nhiều việc khác nữa phải làm theo từng mùa. Vì quá bận rộn nên người trồng lan không còn đủ thì giờ mà chiêm ngưỡng những bông hoa đẹp nữa. Bây giờ tôi “lựa cơm gắp mắm”, cho nên tuy tôi không có nhiều điều kiện thuận tiện như xưa, nhưng lan của tôi không có chết mà tôi lại có cái thú là có thì giờ để chiêm ngưỡng khi phong lan của tôi nở hoa dưới ánh đèn néon.

Mỗi lần khi ngoài trời Canada đổ tuyết mà phong lan của tôi nở rộ trong căn phòng, tôi chẳng muốn đi đâu hết. Nhờ đọc sách và kinh nghiệm thu nhận được, tôi biết được là mấy cây lan mà anh tôi mang về từ Ban Mê Thuột thuộc về loại Dendrobium (Lan Trúc) rất thịnh hành ở cao nguyên Miền Trung Việt Nam và đóa hoa lan đầu đời mua tặng người đẹp gần 40 năm về trước thuộc loại Cymbidium (Lan Đất). Chỉ cần nghe nhạc, đọc sách, ngắm lan là tôi thấy thoải mái rồi. Đối với riêng tôi, thú chơi lan khó mà có thể diễn tả được.

“Orchiditis” không phải là một thứ bệnh, mà một thứ trời cho - sướng hay khổ thì tuỳ theo mình mà thôi! Nghề chơi cũng lắm công phu! Đã chơi thì chơi cho đến cùng, sợ gì phải không, thưa quý vị? Nhưng:
“Mua vui cũng được một vài trống canh!”

Cụ Nguyễn Du đã vô hình chung kết luận dùm cái thú chơi lan của người viết bài này. Xin đa tạ!

Đàm Trung Phán
Tháng Mười, 2000
Toronto, Canada

Không có nhận xét nào: