“Xin vĩnh biệt mọi người! Tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại! Gặp nhau trên Nước Trời!” (Thánh ca Công Giáo) - Theo như lời Cáo Phó của gia đình:
Hôm nay, Thứ Năm, ngày 28 tháng 7 năm 2022, từ 1 giờ chiều, chính thức cử hành Tang Lễ cho Cố Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, với các nghi thức: Phát Tang, Thăm Viếng, Thánh lễ Tiễn Chân. - Sáng Thứ Sáu, ngày 29 tháng 7/2022, lúc 9 giờ sáng, Thánh Lễ An Táng, cũng tại Nhà Thờ Chính Tòa Christ Catheral, 13280 Chapman, Ave, Ca 90805.- Đây là niềm thương tiếc chung, về sự ra đi của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, là một mất mát lớn cho Người Việt Hải Ngoại nói riêng và Người Việt Nam nói chung. Một nhân tài xuất chúng!
Nhân vào những phút cuối, trước khi ông trở về cát bụi, xin được kể về chút hoạt động, chút tình cảm riêng tư, có liên quan đến người quá cố, như thay một lời tâm sự, ôn lại kỷ niệm vui buồn trước phút đưa tiễn.
“Thầy Vinh” Và…Tôi!
Trước giây phút “tiễn chân” Thầy về nước Chúa, xin được viết ra chút cảm tưởng, chút hoạt động chung với Người Quá Cố, Một Cựu Tư Lịnh, Người Thầy, Nhà Văn, Nhà Giáo, trên nhiều phương diện, mà tôi rất yêu mến, thán phục, ngưỡng mộ tài năng.
*Nhưng đầu tiên, xin gởi lời Cảm tạ đến Tác giả, tác phẩm “Đời Phi Công”
Là niềm cảm hứng, chất xúc tác, cho biết bao nhiêu người trai thế hệ, hàng ngàn thanh niên lấy “Tổ Quốc Không Gian” là hình ảnh lý tưởng phục vụ bầu trời Quê Hương trong thời chinh chiến, trong đó có tôi! Dĩ nhiên, không bao giờ nghĩ trong đời, được có cơ hội tiếp xúc với tác giả, ai ngờ trong cuộc sống lưu vong của tôi, lại có duyên gặp gỡ!...nhiều lần!
*Tất cả là ý Trời!
Từ khi còn trung học, bước vào nhà sách Khai Trí, tác phẩm “Đời Phi Công” được trưng trang trọng trong tủ kiếng, có sức hấp dẫn lạ thường, cho dù chưa đọc, đọc rồi càng thấy yêu kiếp đi mây, về gió! Hãnh diện chấp nhận “đã mang lấy nghiệp vào thân!”
Nhưng thực tế, tôi và bạn bè đều phải công nhận thật chông gai: “Ôi phi công giờ đây ta mới biết! mộng mây trời, đã…giết chết đời ta!”
Rồi Tháng Tư 75, đàn chim vỡ tổ! tất cả bị bẻ cánh! nhốt vào lồng, tù tội tan tác khắp nơi.
Tôi vượt biển, đến Hồng Kông sớm, chờ đợi hơn một năm trời, rồi được chấp nhận vào Mỹ, nơi đầu tiên định cư ở tiểu bang Michigan. Nơi đó, tôi ké học Anh văn, mà có các sinh viên Việt tại đại học Michigan, đều tự hào về hình ảnh một Giáo sư Việt mang tên tên Nguyễn Xuân Vinh, đã dạy tại đây, mà các sinh viên ngoại quốc đều nể phục. Các cuộc văn nghệ, liên hoan, mừng Tết, Ông đều có mặt sinh hoạt với các sinh viên VN. Tại đây, tôi hân hạnh được tiếp xúc, bắt tay lần đầu tiên với tác giả, mà tác phẩm định mệnh đã theo tôi, hành hạ tôi suốt đời lính!
Tưởng một lần như thế là xong, không bao giờ còn có cơ hội gặp gỡ nữa.
Rồi tôi lang bạt, cuối cùng định cư ở San Jose. Chán làm hãng điện tử, tôi xoay qua làm nhà in, lấy tên “Ấn Quán Tím,” in ấn và xuất bản sách báo.
Một hôm, anh nhân viên trực văn phòng, thông báo có người tên Vinh muốn gặp tôi.
Nghe phôn, tôi nhận ra ngay là GS Nguyễn xuân Vinh, ông hỏi thăm và ngỏ ý muốn gặp tôi tại tư gia, để có chuyện muốn bàn!
Tôi đã đến nhà ông, có tên gọi Village Park, khu Evergreen, dùng cơm tối với ông và phu nhân của ông, là Bà Công Thị Toàn. Bà Toàn sau này qua đời vào tháng 9 năm 2008 tại San Jose. Cuộc hôn nhân kéo dài 50 năm và có 4 người con. Sau đó ông di chuyển về Nam Cali, và kết hôn với người vợ mới, tên Phiến Đan.
Hóa ra ông nhờ tôi, tái bản lại tác phẩm “Đời Phi Công” và tổ chức một bữa tiệc mừng, ông mới nhận được 2 huy chương nữa! (Ai cũng biết ông có quá nhiều huy chương, bằng khen, có khoe nữa cũng bằng thừa!) Nhưng mục đích không phải khoe như vậy, mà muốn gây quỹ cho một Quỹ học bổng mang tên ông, giúp các học sinh nghèo! Dĩ nhiên mục đích quá tốt đẹp như thế, tôi gật đầu ngay. Ông còn đắt tôi vào phòng làm việc riêng, đầy sách vở, bằng khen, huy chương la liệt, hoa cả mắt! đọc không được, có đọc cũng…không hiểu!
Trước khi ra về, tôi có câu thắc mắc muốn hỏi ông: “Trong Quân Chủng, em là “thằng lính KQ cù lũ nhí nhất, hạng bét nhất!” ở đây có Hội Ái Hữu KQ Bắc Cali bề thế, rất nhiều NT cấp lớn, cấp tá, cấp đại úy,… sao thầy không nhờ, mà lại nhờ thằng em…trơ cùi bắp! này?” Ông trả lời: “Em nhỏ, nhưng em…có võ! ít ra thầy trò ta có 3 cái hợp, cùng KQ, cùng Thủ Đức, (Thầy khóa 1) cùng hoạt động dính dáng đến chữ nghĩa, nên không thể kiếm ai thích hợp hơn. Em tuy nhỏ, nhưng…bên trong, có… cái to!”
Từ đó, hơn thập niên thầy sống ở thành phố San jose này, tôi bỗng nhiên trở thành một cộng tác viên khá đắc lực, khiêm nhường thì nhận là…tay trái của ông! Xin khoe:
-Tôi là trưởng BTC buổi tiệc Vinh Danh và ăn mừng Ông được tặng thưởng thêm 2 huy chương, tại Nhà hàng Phú Lâm. Thành công lớn, trên 500 khách tham dự, thu được mấy chục ngàn đô la, xung vào quỹ học bổng. Nhiếp ảnh gia Quân đội, cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Hạnh, vừa chụp xong tác phẩm nổi tiếng “Vá Cờ” mang đến tặng ông liền, món quà quý báu này, làm ông rất cảm động, run run nhận trên sân khấu buổi tiệc.
-Rồi góp tay, tái bản nhiều tác phẩm, trong đó có “Đời Phi Công”, giúp những buổi RMS của ông rất thành công. (Thời đó chưa có máy vi tính, hay gọi là “còm piu tờ,” nên ai cũng yêu, cũng thèm chữ nghĩa, như người đi trong sa mạc thèm nước! nên buổi RMS nào cũng đông nghẹt!) Chẳng bù cho bây giờ, “văn chương hạ giới rẻ như bèo!” nhấn con chuột đọc cả tháng... không hết!
-Tôi còn rủ ông tham dự rất nhiều buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật, trong đó, có buổi RM Thơ của Thi sĩ Yên Sơn, cũng là một cây bút KQ.
Gần ông, tôi nhận xét, ông rất say mê chữ nghĩa và các hoạt động văn hóa, thích toán học, hơn là chuyện… bay bổng! trên mây! trên gió! Mà nhiều người mỉa mai, cũng đúng thôi. “Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời!” Nhưng phải công nhận, ngưỡng phục, ít người có tài, có khả năng trên rất nhiều lãnh vực như thế. Mà lại đối chọi nhau, như nước với lửa! toán học không thể đi đôi với…thơ! vậy mà trong cùng một con người, mới là lạ!
Lần cuối tôi được nói chuyện với ông, trước khi ông có ý định, trở thành người Công Giáo, là con chiên theo Chúa. Tôi hỏi: “Thưa thầy lý do nào?” Ông trả lời: “Từ trái đất tới mặt trăng, có quy luật vận hành riêng của nó, hướng chi cả một thiên hà, hàng triệu triệu những hành tinh, nhìn có vẻ quay cuồng, nhưng có đường có lối cả. Phải có ai sáng tạo và điều khiển chứ?”
Có lẽ chính vì lý do này, niềm tin này, mà Chúa đã gọi ông về, để bàn chuyện Khoa Học Không Gian với Người chăng? Vì Chúa đã phán: “Ai tin thì sẽ được cứu, ai gõ thì sẽ mở!”
Nên lời cầu nguyện “mong Chúa chóng rước Linh hồn ông vào nước Thiên Đàng!” trong trường hợp này, có lẽ không còn cần thiết nữa!
Ngược lại, xin ông phù trợ cho thanh niên Việt Nam, nhiều người được giống ông! để Vẻ Vang Dân Việt khắp nơi! nhằm tranh đấu cho một đất nước tự do, dân chủ, tiến bộ. Không còn kẻ độc tài, luôn áp dụng chính sách ngu dân! không muốn mở mang dân trí, theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.
Cuối cùng,
Xin “Thầy” nhận cái Chào Kính! và Vĩnh Biệt!
Đêm nay, nhìn ra bầu trời, lại mất thêm một Vị Sao! Các Niên Trưởng của tôi, những ngày qua, đã lũ lượt ra đi. Rồi cũng đến phiên tôi! Đành vậy thôi, kiếp con người mà! “Khi tôi sinh ra, mang kiếp tro bụi, rồi trở về, với kiếp…bụi tro!” (Thánh ca Công Giáo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét