Bìa tập truyện Chàng trai sông Cửu Long - Ảnh: K.Đ
TTO - Tác giả Thủy Nguyên vừa ra mắt bộ sách 3 tập 'Câu chuyện dòng sông' về ba dòng sông tiêu biểu cho sự hình thành văn hóa bắc - trung - nam: Người mẹ sông Hồng, Em gái sông Hương, Chàng trai Cửu Long.Cũng với hình thức sách tranh (artbook), ê kíp thực hiện và tác giả đã kỳ công xây dựng câu chuyện về mỗi dòng sông tiêu biểu cho ba vùng miền trên cả nước bằng những câu chuyện có tính gợi ý và kết nối với các đặc trưng văn hóa.Tác giả Thủy Nguyên phụ trách phần lời cho sách, đã để cho 3 dòng sông hóa thân thành người kể chuyện, tự cất lên tiếng nói bộc bạch về mình.<!>
Nhờ đó, bạn đọc như đang được tham gia một chuyến du ngoạn không chỉ về với các dòng sông mà còn có dịp tìm hiểu và chứng kiến những sản phẩm văn hóa sinh ra từ cư dân của các vùng châu thổ của từng lưu vực các con sông đó.
Những câu chuyện lịch sử kì thú, các địa danh, lễ hội, tinh hoa văn hóa, âm nhạc, ẩm thực của văn hóa Bắc bộ, văn hóa kinh kì xứ Huế, văn minh miệt vườn sông nước phương Nam... là những nội dung được sắp xếp khéo léo để bạn đọc có thể hình dung đây chính là sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho mỗi vùng miền.
Đến với mỗi dòng sông, bạn đọc nhận được những thông tin cơ bản làm giàu thêm lượng kiến thức cho mình.
Chẳng hạn như giới thiệu về sông Hồng: "Con người có mặt ở đồng bằng sông Hồng cách đây khoảng 25 nghìn năm... Họ quần tụ thành làng xã với nghề chính là trồng lúa, làm nông nghiệp. Một số vùng ven biển có thêm nghề làm muối và đánh cá.
Những cư dân gần sông ngòi chú trọng khai thác thủy sản, tận dụng mặt nước sông, ao, hồ. Gắn bó với nghề nông là chủ yếu nên thời gian nông nhàn sau mùa vụ, cư dân Bắc bộ làm thêm nghề thủ công và đạt nhiều thành tựu rực rỡ".
Hình ảnh hàng rong ở đồng bằng sông Hồng - Ảnh từ sách
Từ đó, tác giả cũng đưa ra "ba đặc tính của người dân đồng bằng Bắc bộ: Tính cộng đồng, tính tự trị, tính thích ứng và khoan dung". Đặc biệt là tinh thần hiếu học của cư dân vùng lưu vực sông Hồng, với quan niệm "có cày có thóc có học có chữ" được quan niệm từ ngàn xưa còn truyền mãi đến đời nay.
Sông Hương ở Huế với đặc điểm dịu dàng cố hữu được tác giả chuyển tải câu chuyện và kiến thức về nhã nhạc cung đình. Nhân đây, sách cũng điểm lại những sự kiện nổi tiếng tại vùng đất Huế - Phú Xuân này như câu chuyện về Huyền Trân công chúa và vị anh hùng Nguyễn Huệ định đô ở đây.
Góc giới thiệu nhạc cụ của dàn nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh từ sách
Vùng châu thổ Sông Cửu Long là một không gian văn hóa đặc biệt. Tác giả giới thiệu nhiều nét đặc trưng văn hóa của vùng này như: miệt vườn, chợ nổi, mùa nước nổi...
Còn thú vị ở chỗ đưa ra cách cắt nghĩa về thói quen gia đình Nam bộ thường gọi người con đầu bằng thứ hai, hay đúc kết 5 đặc tính của cư dân Nam bộ: Trọng nhân nghĩa, bộc trực, thẳng thắn, hào phóng, hiếu khách.
Tác giả cũng đưa ra một gợi ý hình dung về văn minh sông nước: "Văn minh lúa trời, văn minh kênh rạch, văn minh chợ nổi, văn minh cảng thị và văn minh miệt vườn...
Từ nền văn minh nước lũ và chống lũ, người Việt ở vùng đất mới đã tạo ra nền văn minh nước nổi và sống chung với nước nổi. Văn minh sông nước vùng châu thổ Sông Cửu Long góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh cấu trúc nền văn minh sông nước Việt Nam".
Hình ảnh nước nổi ở đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh từ sách
Với cảm thức "trong tim ai cũng có một dòng sông", câu chuyện về ba dòng sông lớn với những chuyến "du ngoạn trên trang sách" này có thể là niềm gợi hứng để mỗi bạn đọc có dịp quay về kỷ niệm của mình với những dòng riêng ở quê hương hay dọc hành trình mưu sinh. Những chất liệu ấy có thể mở ra một đề tài sách khác nữa.
Bìa tập sách sông Hồng - Ảnh: K.Đ.
Bìa tập sách sông Hương - Ảnh: K.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét