Nghệ sĩ Thanh Nga trong tuồng “Con Gái Chị Hằng” của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng, cùng với nghệ sĩ Tám Vân (trái) và nghệ sĩ Hữu Phước. (Hình: Huỳnh Công Minh/Tiền Phong) Hai nữ nghệ sĩ tài hoa huyền thoại từng đưa nghệ thuật cải lương vượt ra ngoài biên giới quốc gia, khuấy động kinh đô ánh sáng Paris. Hai diễn viên để lại những vai diễn để đời, những tượng đài vô hình mà vĩnh cửu trong lòng người hâm mộ. Cả hai cùng tài hoa bạc phận, tình duyên lận đận khi tưởng chừng hạnh phúc lại đoản mệnh, để lại bao tiếc thương cho đồng nghiệp, người hâm mộ.<!>
Hai nữ nghệ sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau. Năm Phỉ là ngôi sao của lớp nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương, tên tuổi tỏa sáng từ cuối thập niên 1920 đến thập niên 1950. Thanh Nga là “nữ hoàng sân khấu,” ngôi sao sáng chói nhất của những ngôi sao thuộc thế hệ vàng từ thập niên 1960 đến 1980. Do tài năng, thanh sắc của họ quá sáng chói nên người ta cứ phải nhắc nhở phải so sánh như để định vị giá trị một vương triều.
Sách báo Sài Gòn từng tranh cãi
Khi nghệ sĩ Thanh Nga đã thành ngôi sao sáng, người độc nhất hai lần được trao giải Thanh Tâm, một trí thức lớn Sài Gòn viết bài trên báo Tiếng Dội khen ngợi và cho rằng tài năng của cô tương đương với Năm Phỉ. Chắc hẳn cũng có nhiều người đồng tình như thế, nhưng học giả Vương Hồng Sển, vị khách mời thường xuyên của các lễ trao giải Thanh Tâm, người thân quý của bà bầu Thơ, mẹ của Thanh Nga, dám cả gan giành cho mình độc quyền giữ toàn bộ bản in giai phẩm số 4 của đoàn Thanh Minh Thanh Nga lại không đồng tình với cách so sánh ấy.
Nghệ sĩ Năm Phỉ có giọng ca thiên phú và tài diễn xuất độc đáo với nhiều vai diễn trong các vở “Phụng Nghi Đình,” “Xử Án Bàng Quý Phi,” “Lan và Điệp,” “Tơ Vương Đến Thác,” “Tứ Đổ Tường”… (Hình: Phụ Nữ Việt Nam)
Không chỉ là thái độ mà ông Sển còn trải sự bất bình ra sách. Trong “Hồi Ký 50 Năm Mê Hát – 50 Năm Cải Lương,” Vương Hồng Sển bực dọc kể rằng ông cất tờ báo vào hộc tủ và lấy tài liệu sưu tập về cô Năm Phỉ ra đọc. Tiếc rằng, hơn 10 năm sau, khi nghệ sĩ Thanh Nga vươn đến những đỉnh cao trong vai Trưng Trắc nồng ấm yêu thương mà lại uy nghi lẫm liệt tế sống chồng mình trước khi phát lệnh tấn công, hay là Thái Hậu Dương Vân Nga trăn trở ray rứt trước sự nghiệp của nhà Đinh và cơ đồ Đại Việt thì chưa thấy Vương Hồng Sển có thay đổi ý kiến hay không.
Nhưng với khán giả đương thời quả tình hai vai diễn ấy là những tượng đài nghệ thuật vĩnh cửu với thời gian. Từ khi Thanh Nga qua đời đến nay tròn 40 năm, hàng chục, hàng trăm nghệ sĩ khác đã vào vai Thái Hậu Dương Vân Nga nhưng từ các nghệ sĩ thế hệ vàng của giải Thanh Tâm đến các ngôi sao giải Trần Hữu Trang đều chỉ là cái bóng nhạt nhòa của Thái Hậu Thanh Nga.
Nhưng cũng không riêng Vương Hồng Sển, nhiều nghệ sĩ lão thành và khán giả mộ điệu cùng thời đã dành cho cô Năm Phỉ sự ngưỡng mộ yêu thương tột bậc. Nghệ sĩ Năm Châu viết về tài năng của cô Năm Phỉ như sau: “Tôi biết cô trong một buổi tập họp vui vẻ của học sinh. Hồi ấy cô còn là một cô bé 13 tuổi. Cô đến với chúng tôi dưới hình ảnh của một Nguyệt Nga tí hon, vai mang pho tượng, mắt lóng lánh một giọt lệ như lưu luyến mãi không đành rời, cặp môi uốn nắn một giọng hát khàn khàn nhưng buồn đến đứt ruột, cô đã làm tôi kinh ngạc nhiều hơn là cảm động… Hình ảnh của cô bé Nguyệt Nga đã phai mờ trong trí nhớ của tôi nhưng một hình ảnh khác lại nổi lên rõ ràng hơn, thấm thía hơn, là gương mặt trầm lặng, hiền từ của Thị Kính lúc hàm oan và thân hình tiều tụy với đôi mắt quầng thâm, điểm vài tia máu tươi trên môi của Trà Hoa Nữ khi hấp hối.”
Nghệ sĩ Năm Phỉ trong chuyến bay đầu tiên với các nghệ sĩ Nam Kỳ của đoàn cải lương Phước Cương tham dự Hội Chợ Thuộc Địa Paris 1931 tổ chức tại Bois de Vincennes, Paris, Pháp. (Hình: Flickr manhhai)
Đó là lời khen chân tình chứ không phải đãi bôi. Soạn giả Nguyễn Phương kể rằng, sau lần đổ vỡ hôn nhân với ông Nguyễn Ngọc Cương (ba nghệ sĩ Kim Cương) tiếp đó thất bại, phá sản gánh hát riêng, cô Năm Phỉ bị trầm cảm, tuyệt vọng, không tiếp xúc với ai. Năm Châu đưa cô số tiền khá lớn động viên cô trở lại sân khấu nhưng tiếp đó ông phát hiện ra cô đã dùng tất cả số tiền ấy mua hoa hồng chất đầy kín căn phòng và cô đang nằm chờ chết trong mùi hương ngào ngạt ấy. Năm Châu đã đưa cô về nhà riêng chăm sóc và vợ ông đã nhận của cô Năm Phỉ một nhánh hồng giữ kỹ cho đến khi cô qua đời. Vượt qua cú sốc đó, cô Năm Phỉ trở lại với sân khấu và tiếp tục chiếm ngôi vương.
Mỗi người một vẻ 10 phân vẹn 10
Đỉnh cao nghệ thuật của của Năm Phỉ là vai Bàng Quý Phi nhân vật phản diện, con gái của gian thần đã hãm hại giết chết bao nhiêu tôi thần lương đống của nhà Tống. Ấy vậy mà cô Năm Phỉ đã làm rơi nước mắt không biết bao nhiều khán giả. Năm 1931, cô Năm Phỉ cùng gánh Phước Cương sang Pháp trình diễn trong nhiều tháng, đêm nào cũng đông nghẹt khách. Có người đã thống kê rằng, với vai Bàng Quý Phi, cô Năm Phỉ đã nhận được bốn huy chương vàng của bốn quốc gia, 186 bức thư tỏ tình, 1,009 tấm danh thiếp gởi đến để ngợi khen, 167 kiểu hình chụp và 420 bài báo.
Vai Lan trong tuồng “Lan và Điệp” cũng là đỉnh cao thành công của cô Năm Phỉ. Mãi đến trước khi cô đột ngột qua đời năm 1954, dù đã 48 tuổi cô vẫn diễn thành công từ tính cách, vóc dáng cô gái Lan 18 tuổi. Cũng như Thanh Nga, sau Năm Phỉ, những cô Lan khác chỉ là cái bóng nhạt nhòa.
Vẻ đẹp của nghệ sĩ Thanh Nga một thời khuynh đảo khán giả Sài Thành. Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như “Tiếng Trống Mê Linh,” “Nửa Đời Hương Phấn,” “Bên Cầu Dệt Lụa”… (Hình: Đinh Tiến Mậu/Tiền Phong)
Có thể nói là về tài năng, nhan sắc Năm Phỉ và Thanh Nga là khá tương đồng khó thể so sánh thấp cao. Cả hai cùng là thần đồng sân khấu, Thanh Nga đã sắm vai đào con từ năm 10 tuổi, cô Năm Phỉ nhận vai chính từ năm 13 tuổi. Cả hai đều đẹp, đều có giọng hát ngọt hút hồn, có cách diễn xuất bóp nghẹt trái tim khán giả… Thế nhưng, về số phận vinh quang cay đắng hai người có hai hướng khác nhau.
Thanh Nga sống trong gia đình nghệ thuật cải lương, được cha dượng là nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa và các nghệ sĩ bậc thầy như Phùng Há, Kim Cúc… kềm cặp đào tạo ngay từ nhỏ, được mẹ là bà bầu Thơ (bà bầu của những bà bầu) quản lý, chăm sóc chu toàn mọi việc để Thanh Nga làm nghệ thuật. Ngược lại, ngay từ năm 16 tuổi, khi nhận giải Thanh Tâm Triển Vọng, Thanh Nga đã được ủy thác một sứ mệnh theo tâm huyết của nhà báo Trần Tấn Quốc là để nâng cao giá trị nghệ thuật của cải lương và hình tượng, giá trị người nghệ sĩ cải lương trong cách nhìn xã hội cả tài lẫn đức.
Thanh Nga: sứ mệnh, Năm Phỉ: cô đơn
Phải nói không ngoa rằng, chính Thanh Nga và ê kíp của đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã làm được thành công một phương châm triết lý nghệ thuật cải lương “Thực và Đẹp” mà nghệ sĩ Năm Châu đã đề ra, dồn bao công sức tiền của để thực hiện trong thập niên 1940 trên gánh Con Tằm, Ánh Chiêu Dương và Việt Kịch Năm Châu của ông. Phương châm đúng, là bậc thầy đạo diễn, viết kịch bản, có đội ngũ đào kép hùng hậu nhưng Năm Châu không thành công, các gánh hát của ông lần lượt tan rã và ông chuyển sang điện ảnh, dạy học.
Thanh Nga năm 16 tuổi, nhận huy chương vàng đầu tiên (năm 1958) giải Thanh Tâm Triển Vọng, với vai Phà Ca trong vở “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới.” Đến năm 1966, Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm – giải thưởng danh giá về cải lương – với vai Giáng Hương trong vở “Sân Khấu Về Khuya.”
Chính Thanh Nga và ê kíp Thanh Minh Thanh Nga đã thực hiện thành công triết lý ấy ngay từ tuồng “Người Vợ Không Bao Giờ Cưới” của Kiên Giang-Quy Sắc. Sau đêm khai mạc, báo chí đã hết lời khen Thanh Nga, nhất là Trần Tấn Quốc. Ông đánh giá Thanh Nga xuất thần, diễn như kịch bên cạnh Hữu Phước diễn… cải lương.
Nói Thanh Nga “diễn như kịch” nghĩa là diễn rất thật, thể hiện được nội tâm nhân vật. Nói Hữu Phước “diễn cải lương” tức là anh còn theo cách cũ, chỉ nắn nót giọng ca mà chưa chú ý thể hiện, diễn đạt tâm lý, tính cách nhân vật khá phức tạp từ yêu thương trong sáng với Phà Ca, nỗi khổ tâm phải vì hiếu phụ tình… Từ lời phê đó, Hữu Phước đã khổ luyện ba tháng trời ròng rã đi sang miệt Chánh Hưng quan sát các ông lái heo để diễn vai cậu Tư Kiên góc cạnh sắc sảo trong vở “Con Gái Chị Hằng,” sau đó.
Từ bệ phóng của những vở tuồng xã hội có chiều sâu tâm lý như “Sân Khấu Về Khuya,” “Nửa Đời Hương Phấn,” “Tấm Lòng Của Biển”… Thanh Nga và đoàn của mình đã tạo ra diện mạo mới “Thật và Đẹp” cho sân khấu cải lương.
Thanh Nga và mẹ – bà bầu Thơ nổi tiếng của gánh hát Thanh Minh Thanh Nga. Nghệ sĩ được thừa hưởng nhiều nét đẹp và đức tính của mẹ.
Soạn giả Kiên Giang còn dẫn chứng một điển hình của sứ mệnh nghệ thuật của Thanh Nga và đoàn Thanh Minh qua tuồng “Mưa Rừng.” Một tuồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hà Triều-Hoa Phượng, hướng người xem đến triết lý lấy ân trả oán, lấy tình thương con người làm mục tiêu sống. Thanh Nga đóng vai cô sơn nữ K’Lai rất xuất sắc. Khán giả đông cháy vé nhiều tháng trời.
Khi người xem đã vơi, bà bầu Thơ vẫn chiều lòng nhà báo Trần Tấn Quốc, diễn tiếp một thời gian nữa để khẳng định với khán giả giá trị tuồng xã hội, cùng phương châm thực và đẹp như để đối chứng với các khuynh hướng cải lương truyền thống nặng ca hơn diễn, diễn ước lệ theo hát bội, hoặc chạy theo tuồng tích của Tàu, tuồng võ hiệp hoặc bắn súng cắc bùm… Chính từ thành công của tuồng xã hội, năm 1969 đoàn Thanh Minh Thanh Nga được cử sang Pháp phục vụ kiều bào và một lần nữa làm vang danh cải lương trên đất Pháp.
Lời rằng bạc mệnh…
Vượt qua những áp lực để đứng vững trên sân khấu làm Trưng Trắc, Thái Hậu Dương Vân Nga trong thời điểm nhạy cảm chiến tranh Tây Nam đang sôi động và chiến tranh phía Bắc sắp bùng phát, vai trò số phận trách nhiệm nghệ sĩ với đất nước của Thanh Nga càng hết sức nặng nề.
Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 2 Tháng Sáu, 1954, nghệ sĩ Năm Phỉ trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Đồn Đất ở tuổi 48 vì bạo bệnh. Hàng ngàn người đưa tiễn bậc kỳ tài thiên hạ trong nghiệp “cầm ca” về với đất mẹ. (Hình: Phụ Nữ Việt Nam)
Ngược lại với Thanh Nga, cô Năm Phỉ không được gia đình ủng hộ theo đường nghệ thuật phải trốn nhà đi hát. Cô không biết chữ nhưng tài hoa, thông minh, chỉ cần nghe một lần là thuộc vai tuồng. Thuộc thế hệ nghệ sĩ tiền phong cô cũng hiếm có thầy chỉ dạy mà chủ yếu tự mở đường nghệ thuật cho mình. Chồng chết khi còn rất trẻ, cô phải tự mình bươn chải trên đường nghệ thuật lẫn đường đời. Cô chỉ có khoản hạnh phúc ngắn ngủi với người chồng luật sư rồi lại đi về cõi khác.
Nguyễn Du từng viết “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” đã ứng cho hai nghệ sĩ tài danh Năm Phỉ-Thanh Nga. Nhưng với góc nhìn khác cũng hiếm có người được hạnh phúc ra đi trong tình thương yêu nồng nhiệt, ngập tràn của người thân, đồng nghiệp, công chúng như hai nghệ sĩ này.
Anh Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét