Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

CHIẾC ÁO THẦY TU - Huệ Trân


thich quang do
Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ









(Bài viết từ 13 năm trước, bỗng như còn tươi mầu mực! Xin chia sẻ để cùng bái vọng về Giác Linh tân viên tịchĐại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Bi Trí Dũng bằng chính pháp thân Ngài.
Cẩn bái
TN Huệ Trân)
<!>         Mỗi lần tình cờ nghe câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, tôi lại nghĩ về câu chuyện con cọp lông vàng trong những truyện điển tích Phật Giáo.
          Câu chuyện rất ngắn, rất đơn giản, nhưng đã nghe qua, người Phật tử không thể không suy nghĩ.
Chuyện nói về con cọp ở một khu rừng rậm, hiểm trở, bao quanh bởi vách núi cheo leo. Con cọp có bộ lông vàng óng, rất đẹp, đẹp đến nỗi khi ánh mặt trời lên, chiếu vào bộ lông của nó thì ánh sáng đó long lanh, xuyên suốt tới nhiều dặm!
Tất nhiên, không nhà quý tộc nào không thèm muốn có bộ áo may bằng lông của nó, nên biết bao thợ săn đã tìm cách mon men tới bìa rừng với những túi tên tẩm thuốc độc, mong hạ thủ con cọp vàng để lột da đem bán. Nhưng con cọp cực kỳ bén nhạy. Nó như “ngửi” được mùi cung tên nên ít có gã thợ săn nào tới gần được, cho tới khi một thợ săn nảy ra ý nghĩ tìm một bộ ca-sa, trá hình làm vị sa-môn, ôm bình bátthong thả đi vào khu rừng. Tất nhiên, bên trong vạt áo ca-sa đó cất dấu cung tên tẩm thuốc độc!
          Quả nhiên, vì cung tên không để lộ ra ngoài nên càng lúc gã thợ săn càng đến gần được con cọp vàng. Và khi tầm gần vừa đủ ra tay thì gã nhanh nhẹn lắp tên, giương cung, nhắm ngay tim con cọp vàng mà bắn thẳng.
Cọp trúng tên, gầm lên đau đớn. Trong vài giây phút cuối cùng, nó dồn hết sức mạnh lao về phía bóng người mà nó tin là vừa hãm hại nó. Tuy bị trúng tên nhưng sức mạnh của con cọp cũng đủ xô gã thợ săn ngã nhào, đủ cào, cắn, kéo kẻ đó cùng sang bên kia thế giới với nó.
          Nhưng, qua ánh mắt cố nhướng lên, nó nhận ra vạt áo ca-sa.
          Nó không đủ minh mẫn để hỏi, sao người mặc áo ca-sa lại hại nó, nhưng dường như đủ tỉnh giác để tự nói với nó rằng: “Ồ, đây là một vị thầy tu. Ta thà chịu chết chứ không thể xâm phạm người này”.
          Câu chuyện chấm dứt ở đây.
          Trong câu chuyện này, chiếc áo có làm nên thầy tu hay không?
          Có chứ! Ít nhất là đối với con cọp có gieo nhân Bồ-đề, vì nếu không, con cọp đã hạ thủ kẻ hại nó trước khi nó tắt hơi.
          Nếu có những chiếc áo ca-sa không làm nên thầy tu thì người khoác áo đó chịu trách nhiệm. Nhân và quả theo nhau như bóng với hình, như vang theo tiếng, thân bằng quyến thuộc muốn chịu tội thay nhau còn chẳng được, huống là kẻ gây nhân phủ nhận.
          Đừng trách con cọp vàng ngu xuẩn không nhận ra sau lớp áo thầy tu là gã thợ săn độc ác, bởi vì con cọp chỉ nhìn chiếc áo như dấu hiệu của sứ giả Như-Lai nên lập tức dừng tâm sân hận và khởi lòng quy ngưỡng. Làm sao nó có thể thấu hiểu hết tâm địa ác nhân?
Ít nhất, sự dừng tâm sân hận cũng khiến nó ra đi nhẹ nhàng. Phút ra đi, nhẹ nhàng hay khó khăn là điều rất quan trọng với mọi loài vì chính phút giây đó, kẻ ra đi nương theo nghiệp mình mà thác sanh.
          Chuyện con cọp vàng chỉ ngắn gọn, lại suy nghĩ dài dòng chỉ vì câu chuyện khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh gần 50 nam nữ công an đã từng đến Thanh Minh Thiền Viện để ngăn chặn, không cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ tới chùa Giác Hoa dự lễ giỗ Tổ Nguyên Thiều. Họ đã giằng co, xô đẩy vị sư già đến nỗi dân chúng hai bên đường đã phải chứng kiến cảnh “chiếc áo thầy tu” đắp trên thân ngài bị rách toạc.
Sự kiện xảy ra ngày 19 tháng 11 năm 2005, được báo chí khắp nơi đăng tải. Nay, chợt nhớ lại, tôi bỗng thấy thương những người chưa từng được nghe chuyện con cọp vàng. Hoặc có nghe mà không thể hiểu! Thật đáng tội nghiệp biết bao!
          “Xa cách Phật-pháp thì ác đạo và thù oán không do đâu mà có thể giải thoát. Bỏ thân mạng này rồi chìm xuống biển khổ luân chuyển trong ba đường, trải khắp ác thú, biết bao giờ trở lại được thân người?” (*)
           Hôm nay, cũng tại thành phố này, dân chúng lại thấp thoáng thấy vị sư già năm trước. Vẫn chiếc áo tu cũ kỹ khoác trên thân, nhà sư bước vào giữa vòng rào kềm tỏa những người dân lam lũ, đói khátvật vờ như những bóng ma! Họ cùng nhau đứng đó, than khóc, kêu gào, xin lại ruộng đất đã bị chiếm đoạt!
Họ là ai mà bị cư xử tàn tệ, nhục nhã như thế? Thưa, họ là những Ông Chủ, Bà Chủ của một chế độ, gọi dân là chủ và kẻ cầm quyền chỉ là đầy tớ phục vụ chủ mà thôi!
Những Ông Chủ Bà Chủ đó, một ngày đẹp trời được đám đầy tớ cho biết rằng, con trâu, thửa ruộng của ông bà xin để chúng con lo toan, đừng phải nhọc lòng gì nữa. Và đám đầy tớ lo tận tình đến mức, nay trâu chẳng còn trong chuồng, nay lúa mọc mà chẳng được tự gặt hái vì đất, ruộng đã do đám đầy tớ thu gom, lo toan hết!
           Giữa chốn chập chùng vô minh, vị sư già mang Hạnh-Vô-Úy lại có mặt với chúng sinh oan khổ.     
          Trong cùng tận trầm luânthống khổ này, ai mà không nhìn ra“chiếc áo có làm nên thầy tu hay không?”
           “Nguyện xin mười phương tận hư không giới, tất cả Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, đem những năng lực vô lượng vô biên tự tại không thể nghĩ bàn, không trái với thề xưa, không trái với nguyện xưa mà bố thí cho tất cả chúng sanh trong bốn loàisáu đường, cùng khắp mười phương, từng tạo ra vô lượng vô biên tội ác, nay biết sám hối, cải vãng tu lai, những tội đã làm, nguyện xin diệt trừ; những tội chưa làm, thề không làm nữa. Nguyện xin tất cả Chư Phật trong mười phương, dùng bất khả tư nghịtự tại thần lực gia tâm cứu hộthương xót nhiếp thọ, khiến tất cả chúng sanh tức thời giải thoát khổ não” (*) 
          NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, nghe tiếng kêu thương, ngài liền cứu khổ.
          NAM MÔ TÁT ĐÀ BÀ LUÂN BỒ TÁT, một lòng vì Đạo, ngài hằng quên mình.
          NAM MÔ CỨU THOÁT BỒ TÁT, giữa chốn tai ương, ngài phá tan nguy ách.
          NAM MÔ A DẬT ĐA BỒ TÁT, biển lượng từ-bi, ngài che chở chúng sanh.
XIN MỘT NIỆM, CẢM MƯỜI PHƯƠNG PHẬT
XIN MỘT LẠY, ĐOẠN TRỪ VÔ LƯỢNG OAN KHIÊN
 Huệ Trân
(Như-Thị-Am, mùa thu 2007) 
(*) Sám pháp Lương Hoàng Sám, dịch giả: Thích Viên Giác      

Không có nhận xét nào: