Biểu tình trước trụ sở chính quyền Hồng Kông đòi hỏi cải cách chính trị, ngày 22/08/2019.REUTERS/Kai Pfaffenbach
Chủ đề Hồng Kông tiếp tục chiếm những vị trí đáng kể trên các tuần báo. Le Point dành nhiều trang cho bài phóng sự « Cùng với các chiến binh đấu tranh cho tự do ».
<!>
Cuộc nổi dậy văn minh nhất từ trước đến nay
Đặc phái viên của tuần báo Pháp mô tả, trạm métro đông nghẹt, dòng người mặc áo thun đen, mang khẩu trang cuồn cuộn theo nhau không dứt. Trên bến tàu, họ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt lên cầu thang, trên thang cuốn, họ lịch sự né qua cho những người cần đi xuống. Tại Đồng La Loan (Causeway Bay), người biểu tình không chỉ thu nhặt rác mà còn phân loại rác để tái chế. Khi trời mưa lớn hoặc quá mệt, một số đi vào một trung tâm thương mại để tạm nghỉ, họ xếp ngay dù bỏ vào bao, tránh làm ướt sàn nhà.
Nếu đây là một cuộc nổi dậy, thì đó là cuộc nổi dậy văn minh nhất chưa bao giờ thấy.
Người biểu tình gào khản cổ : « Hãy trả lại Hồng Kông ! Cuộc cách mạng của thời đại chúng ta ! ». Câu khẩu hiệu trên không thể nào tưởng tượng được cách đây vài năm. Lương Thiên Kỳ (Edward Leung Tinkei), phát ngôn viên của phong trào ly khai Hong Kong Indigenous (Bản thổ Dân chủ Tiền tuyến), người sáng tạo ra khẩu hiệu này trong chiến dịch bầu cử Nghị viện năm 2016, hiện đang ở tù.
Phong trào đa dạng nhưng rất có tổ chức – thông qua ứng dụng Telegram, tuy nhiên không ai dùng tên thật. Tại trường đại học Hồng Kông, trong một « cuộc họp báo công dân », ba thanh niên che mặt đọc thông cáo bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Anh. Mỗi cuộc họp báo, những người chủ trì lại thay đổi.
Bắc Kinh ngỡ rằng đó chỉ là những « đứa trẻ », nhưng giới trẻ biểu tình đa số đầy bằng cấp, họ là luật sư, nhân viên ngân hàng…và có cách sống gần với phương Tây. Ở phòng nghiệp đoàn trường đại học Thụ Nhân (Shue Yan), chất đầy những thùng mặt nạ, dung dịch nước muối, nón bảo hộ và dụng cụ sạc điện thoại, tất cả đều là quà tặng dành cho người biểu tình.
Một chuyên viên tin học 47 tuổi cho biết, ông chỉ bắt đầu xuống đường sau khi thấy cảnh « xã hội đen » đánh đập tàn bạo người biểu tình ở Nguyên Lãng (Yuen Long). Một người khác 63 có mặt ở tất cả các cuộc biểu tình, nhấn mạnh : « Trung Quốc cần phải biết rằng họ không thể muốn làm gì thì làm. Nếu họ muốn gởi quân đến, tốt quá, Hồng Kông là trung tâm tài chính duy nhất của họ ». Một thanh niên 19 tuổi tỏ rõ quyết tâm : « Người Trung Quốc cứ đến, chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu câu trả lời duy nhất của họ là súng đạn, chúng tôi chấp nhận. Họ sẽ không giết được tất cả mọi người, và phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng thế giới về việc sát hại người vô tội ».
Tập Cận Bình đành phải kiên nhẫn chờ đợi
Trong bối cảnh đó « Tập Cận Bình đành phải kiên nhẫn », theo bài viết của Hong Kong Free Press được Courrier International dịch lại.
Ông Tập đang trong thế lưỡng nan. Nếu nhượng bộ, rút lại dự luật dẫn độ, động thái này sẽ bị coi là thất bại cay đắng đầu tiên của ông, và những nhóm phản kháng ở Hoa lục có thể sẽ theo gương Hồng Kông.
Một khả năng khác là đưa quân sang lập lại trật tự. Nhưng như thế sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính, các ngân hàng quốc tế có thể rút vốn sang nơi khác ổn định hơn như Singapore. Tập Cận Bình còn phải cân nhắc đến tai tiếng cho Trung Quốc – Bắc Kinh vẫn đang trong tầm ngắm của báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn làm ít nhất 1.000 người chết. Hơn nữa, Trung Quốc lại đang trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Một sự can thiệp dù nhẹ nhàng nhất, chẳng hạn áp đặt lệnh giới nghiêm, chắc chắn sẽ gây căng thẳng giữa hai cường quốc và làm cuộc đàm phán thương mại bị dời lại chẳng biết đến bao giờ.
Chiến lược tốt nhất của Tập có lẽ là kiên nhẫn chờ đợi kinh tế Hồng Kông ngày càng u ám hơn, công luận bắt đầu thôi ủng hộ biểu tình, nhất là nếu thất nghiệp gia tăng và thị trường tài chính suy sụp.
Tương lai phong trào phản kháng Hồng Kông ?
« Cuộc nổi dậy ở Hồng Kông liệu có được tương lai ? », nhà văn kiêm bình luận gia Guy Sorman trên Le Point băn khoăn. Ông không mấy lạc quan, cho rằng 30 năm sau vụ đàn áp Thiên An Môn, rất ít cơ hội cho tuổi trẻ Hồng Kông.
Nhà văn kể lại, tháng 4/1989, ông có mặt ở Bắc Kinh, đi cùng với các giáo sư và sinh viên khoa Triết. Cho dù quen thuộc với Trung Quốc, ông không nhận ra điều gì lạ. Từ khi phe mao-ít bị tống giam năm 1976 và sự quay lại nắm quyền của Đặng Tiểu Bình, mà phương Tây cho là ôn hòa, không khí chính trị và kinh tế được cải thiện.
Trung Quốc dường như gia nhập vào các xã hội cởi mở, từ bỏ chủ nghĩa hoang tưởng toàn trị. Nhưng những người khác đã mở mắt cho ông : đảng Cộng Sản vẫn luôn đàn áp, siết chặt tự do, sự phồn vinh dành riêng cho các lãnh đạo đảng.
Vào thời kỳ Liên Xô đang tan rã không cần bạo lực, các sinh viên Bắc Kinh mơ một perestroika Trung Quốc, nhưng các thầy cô của họ từng sống qua thời kỳ cách mạng văn hóa không hề lạc quan. Họ biết rõ bản chất tàn bạo của chính quyền cộng sản, và vài tuần lễ sau đó, họ biết rằng mình có lý. Phong trào sinh viên Thiên An Môn bị quân đội tàn sát theo lệnh của Đặng, « nhà cải cách ». Đảng không bao giờ chịu chia sẻ quyền lực, các ưu đãi và của cải của mình.
Phong trào phản kháng ở Hồng Kông mang tính toàn cầu
Giới trẻ Hồng Kông đang sống trong một xã hội cởi mở bỗng bị khép chặt lại, họ không có cách nào khác là phản kháng. Nhưng chính quyền Bắc Kinh về bản chất không thể cho phép bất kỳ một dạng ly khai nào trong thế giới người Hoa. Đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, dân chủ, tự do ngôn luận không phải là các giá trị Trung Quốc mà là một sự lây nhiễm từ phương Tây cần phải diệt trừ.
Không thể đưa quân đội nhanh chóng đàn áp như năm 1989 vì đến 2047 Hồng Kông mới thuộc về Trung Quốc. Đài Loan càng phức tạp hơn vì có thể chống chọi bằng vũ lực, thế nên Bắc Kinh phải chờ thời. Ở Hồng Kông còn có rủi ro về tài chính : thị trường chứng khoán và địa ốc có thể suy sụp.
Tác giả lo ngại rằng phong trào phản kháng Hồng Kông không thể dựa được vào ai. Tại Hoa lục, người biểu tình Hồng Kông bị cho là « những đứa con được nuông chiều nhưng cứng đầu ». Ở Đài Loan, chính quyền ủng hộ phong trào, nhưng lại có sự hiện diện của một đảng thân Bắc Kinh và các cơ quan truyền thông nhận tiền của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Còn phương Tây ?
Hồi Thiên An Môn, những hình ảnh như « Tank Man », người thanh niên vô danh đứng chận đoàn xe tăng đã gây rất nhiều xúc động, phương Tây cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh. Trung Quốc năm 1989 là một cường quốc còn yếu, và phương Tây đối phó cũng chừng mực. Còn bây giờ, Trung Quốc hùng mạnh hơn và phương Tây lại yếu đi. Từ 1989 đến nay, Trung Quốc đã thay đổi, phương Tây lại còn thay đổi nhiều hơn.
Sau perestroika và sự sụp đổ của bức tường Berlin, sau sự lạc quan về nhân quyền là sự quay lại của chủ nghĩa dân tộc, đèn nhà ai nấy rạng. Đấu tranh cho nhân quyền vẫn đang diễn ra tại Hồng Kông, Alger (Algérie), Khartoum (Sudan), Skopje (Bắc Macedonia), nhưng song song đó là chủ nghĩa dân tộc, dân túy ở Washington, Roma, Luân Đôn, Bắc Kinh. Như vậy những gì đang diễn ra ở Hồng Kông, theo tác giả, mang tính toàn cầu và thuộc về mọi thời đại, trong cuộc xung đột miên viễn giữa một xã hội rộng mở và xã hội khép kín.
« Tất cả chúng ta đều là người Hồng Kông »
Trong bài xã luận mang tựa đề « Tất cả chúng ta đều là người Hồng Kông », tác giả Etienne Gernelle trên Le Point ví von, một hạt confetti nhỏ bé dám chống lại cả một đế quốc.
Trong lúc châu Âu ngày càng bỏ phiếu cho những tay kinh doanh hào quang quá khứ có xu hướng độc tài, thì chính tại hòn đảo nhỏ ở tận Viễn Đông, lại xuất hiện những người kế thừa của kỷ nguyên Ánh Sáng. Đáng ngạc nhiên là cuộc chiến đấu của « Những người bất khuất » thực thụ này không gây ra nhiều tác động nơi xứ sở của Montesquieu.
Nhà văn, nhà triết học nổi tiếng Bernard-Henri Lévy cho rằng việc sống chung dưới cùng một lá cờ, giữa một thể chế độc tài sẳt máu và một Nhà nước pháp quyền kiểu Anh, là phản tự nhiên. Phải chăng cuộc nổi dậy Hồng Kông đã trở thành gót chân Achille của ý đồ bá chủ thế giới mà Tập Cận Bình nuôi dưỡng ? Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng đấu tranh xã hội tại đất nước rộng lớn này, ít được biết đến do bị kiểm soát thông tin.
Triết gia đặt câu hỏi, ba thập niên sau Thiên An Môn, liệu chúng ta có thể nhắm mắt làm ngơ ? Có thể coi những người Hồng Kông, hầu hết là hậu duệ của những người Hoa đã chạy trốn khỏi Hoa lục năm 1949, là chưa « chín chắn », chưa phù hợp với dân chủ ? Có ai nghĩ về số lượng những xác người bị xe tăng cán nát, bị phân thây, quẳng vào ống cống hay thiêu cháy khi quân đội Trung Quốc tấn công vào một Thiên An Môn mới bên bờ biển này, nơi không chỉ vài chục, vài trăm ngàn người mà cả một, hai triệu người xuống đường ngày Chủ nhật ? Không, không có ai kể cả Bắc Kinh đánh giá được lối thoát cho phiên bản mới của cuộc chiến David chống lại người khổng lồ Goliath.
Thịnh vượng và bình đẳng xã hội
Dưới góc độ xã hội, The Ecomist nhận định, cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông có một phần là do giá nhà ở vượt quá tầm tay với của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Về chính trị, Bắc Kinh không hề giữ lời hứa để cho người dân đặc khu tự chọn lựa người lãnh đạo, nhưng về kinh tế thì ngược lại.. Khi để nguyên hệ thống, Trung Quốc đã giúp sức tạo ra tình trạng bất bình đẳng cực kỳ lớn, do giá địa ốc quá cao. Nhiều người biểu tình trẻ tuổi cho biết họ đã mất tất cả hy vọng về tương lai, ngay cả việc sở hữu một căn hộ siêu nhỏ có kích thước chỉ bằng một chiếc xe hơi cũng chỉ là ảo vọng.
Là trung tâm tài chính, Hồng Kông thu hút nhiều người nước ngoài có thu nhập cao, bên cạnh đó là các nhà giàu từ Hoa lục đầu tư vào, đẩy giá nhà đất lên cao ngất ngưởng. Một năm lương trung bình chỉ mua được có 1,1 mét vuông nhà tại Hồng Kông ! Các đại gia địa ốc chỉ đầu tư vào những dự án đắt tiền mang lại nhiều lợi nhuận, chính quyền không có chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp.
Macao sẽ không là Hồng Kông
Một câu hỏi khác được đặt ra : Vì sao Macao không bị xáo trộn như Hồng Kông ?
Theo The Economist, tại cựu thuộc địa Bồ Đào Nha có 600.000 dân, khó thể có được phong trào chống Trung Quốc, vì nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào Hoa lục, giới lãnh đạo trung thành với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, một phần thu nhập khổng lồ từ các sòng bạc được chính quyền tái phân phối cho người dân, năm nay mỗi người Macao trưởng thành được nhận 10.000 patada, tương đương 1.250 đô la.
Tình yêu tuổi già, Macron, tình trạng thiếu nước : Tựa chính các tuần báo
Trang nhất của L’Obs đăng ảnh một cặp cao niên đang hôn nhau bên cạnh một bụi hoa rực rỡ, chạy tựa « Tuổi 60,70, 80…Tình yêu không có tuổi ». Thậm chí ở tuổi 80, ngày càng nhiều người muốn có đời sống tình cảm mới. Nay đã về hưu, con cái đã ra riêng, họ nối lại mối liên lạc với người xưa, với những bạn bè cũ, hay nhờ vào internet để tìm ra người yêu lý tưởng.
Trên trang bìa của L’Express là chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tươi cười, với tựa đề « Người tài năng nhất của thế giới cũ ». Tuần báo nhận định, Macron đã làm đảng Xã Hội trở nên trống rỗng và làm cánh tả bùng vỡ, nay ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương. L’Express cũng không quên phân tích các tham vọng của tổng thống Pháp trong hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.
Courrier International đặt câu hỏi « Sắp tới sẽ là một thế giới không có nước ? », với tấm ảnh một con thuyền trơ trọi trên mặt đất, bên cạnh một con người trơ trọi, và lời cảnh báo : một phần tư dân số thế giới có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt từ này cho đến năm 2030. Từ Ả Rập Xê Út cho tới Honduras, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, nạn thiếu nước khiến người dân phải di cư, tạo ra các cuộc xung đột.
Le Point có hồ sơ xếp hạng các bệnh viện và dưỡng đường năm 2019, đặc biệt có danh sách các khoa cấp cứu thiếu bác sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét