Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Thằng Tí đi nghỉ hè - Hoàng Chiêu Ấn

image2.jpeg

Gia đình nào có nuôi chó; trước khi cần đi đâu xa vắng nhà nhiều ngày, chẳng hạn như đi du lịch ở ngoại quốc, đều phải thu xếp tìm người tạm trông coi chăm sóc cho con chó. Lần đầu tiên gặp trường hợp này, chúng tôi khá lo lắng và lúng túng. Nhiều người đều nói con vật có giác quan thứ sáu và có linh tính; con chó biết chủ sắp đi chơi xa và bỏ nó lại ở nhà, nó sẽ lo và buồn. Điều đó đúng chắc hay không, tôi chưa dám nói; điều tôi dám nói chắc chính là chúng tôi cảm thấy tội nghiệp nó và mang mặc cảm tội lỗi là bỏ bê nó. Vợ chồng tôi phân vân suy tính mãi và nghĩ đến “trường hợp xấu tệ nhất của kịch bản” và giải pháp sau cùng: “Hay là mình đừng đi nữa.”
<!>
Người chủ nuôi con thú cưng nào qua một thời gian cũng đều nảy sinh một sự quyến luyến. Và ngược lại, con vật cũng quấn quít mến chủ, nhất là con chó vốn được xem là bạn thân và trung thành nhất của con người. Ngày nay, người ta quan niệm con chó như là một thành viên ngang hàng trong gia đình, có khi con chó còn được yêu thương hơn người. Đối với chủ, con chó như những đứa con còn nhỏ đáng để yêu thương và chăm sóc. Vì vậy tiếng Anh mới có thuật ngữ “furbaby” để chỉ con chó hay con mèo cưng. Vắng thú cưng lâu ngày áy náy lắm.

Chúng tôi tự hỏi “Mình đi chơi xa tám ngày, Thằng Tí sẽ ra sao?” Tôi nghe kể có những vụ con chó vắng chủ và nhớ thương chủ đến nỗi buồn rầu biếng bỏ ăn giống như người thất tình. Thằng Tí này chắc cũng vậy. Nhiều lần vợ chồng tôi vắng nhà chỉ một buổi; khi trở về thấy thức ăn để sẵn cho Thằng Tí vẫn còn nguyên, chứng tỏ là nó biếng ăn khi vắng chủ. Như vậy chúng tôi mới lo cho nó.

Trong những lúc chúng tôi nói chuyện bàn tính về chuyến đi và sửa soạn, Thằng Tí quanh quẩn một bên giương mắt nhìn chúng tôi. Làm sao tôi biết nó có đoán hiểu được những gì chúng tôi nói không và nó đang nghĩ gì. Dường như cái nhìn của đó đượm vẻ lo lắng u buồn xa xăm.

Từ mấy tuần lễ trước chuyến đi chơi xa, chúng tôi đã bắt đầu dò la hỏi trong vòng những người thân xem có ai chịu giữ giùm Thằng Tí, cháu nội chó của chúng tôi, không. Đối tượng chúng tôi nhắm trước là vài ba người đang có nuôi chó. Nhưng chẳng ai chịu nhận giữ Thằng Tí cả vì nó là chó đực (vì vậy tôi mới gọi nó là thằng) mà nó lại chưa thiến nữa, trong khi chó nhà người ta là chó cái, sợ hai đứa nó ở chung có chuyện. 

Vì chưa bị thiến nên Thằng Tí hay sủa và rất năng động. Tuy trọng lượng của nó chỉ khoảng sáu kí, nhưng nó mạnh lắm, nhất là đối với tôi, một người già yếu chân đi đứng không vững. 

Trước chuyến đi xa chỉ có 3 hôm, tôi bị Thằng Tí lôi té đập mặt xuống lề đường. Nguyên nhân chính những người thân của chúng tôi không dám lãnh giữ nó có lẽ là vì vậy.

Thế là chúng tôi vào internet tìm các cơ sở có quảng cáo nhận giữ chó. Mới ngó sơ qua mà chúng tôi hết hồn vì có nơi đòi tới 50 đô một ngày; rẻ xuống cũng 40 đô. Gởi nó 8 ngày sẽ tốn bốn trăm đô, tiếc tiền lắm chớ bộ. 

Chịu khó lục lạo thêm nhiều quảng cáo, chúng tôi tìm được một chỗ vừa gần nhà vừa rẻ, chỉ tính có 20 đô một ngày. Qua điện thoại, người nhận giữ chó cho biết bà (vì đó là giọng của một phụ nữ chắc cũng đã lớn tuổi) đang có nuôi một con chó nhỏ cho nên bà nhận giữ thêm một con nữa cũng không sao. Bà chỉ cho biết số building chứ không cho biết số apartment. Bà dặn chúng tôi là trước ngày lên đường, chúng tôi hãy gọi bà; chừng đó bà sẽ nói số apartment để chúng tôi đem Thằng Tí đến giao cho bà.

Tưởng đâu như vậy là xong chuyện, nhưng vài ngày trước khi đi, chúng tôi gọi điện thoại cho bà đó bao nhiêu lần mà chẳng có trả lời. Kiểm chứng lại, chúng tôi biết building đó là một chúng cư nhà chính phủ. Chúng tôi đoán Shanice, cái tên mà bà ấy cho biết, là một phụ nữ sống đơn độc ở nhà chính phủ muốn giữ chó để kiếm thêm lợi tức. Có thể bà đang gặp phải một sự rắc rối trở ngại hay một chuyện rủi ro nào đó xảy ra cho bà nên bà không thể trả lời các cuộc gọi của chúng tôi.

Ngày lên phi cơ cho chuyến du lịch ở Costa Rica đã gần kề, chúng tôi phải gấp rút tìm chỗ khác để gởi Thằng Tí. Mất công săn lùng mãi, sau cùng chúng tôi may mắn tìm được một chỗ chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc chó ở Richmond Hill. Giá biểu giữ chó của họ là 50 đô/ngày cho thời gian ngắn hạn từ bốn ngày trở lại. Nếu lâu hơn bốn ngày, giá tính là 40 đô/ngày. 

Do một sự tính toán nhầm lẫn, nhân viên tiếp xúc với chúng tôi qua điện thoại lỡ lời tính 30 đô một ngày. Sau đó họ đành phải tính giá đó. Họ đồng ý lo luôn công việc đón nhận và giao trả Thằng Tí với cước phí phụ trội là 10 đô mỗi bận. 

image1.jpeg
Hình 2: Thằng Tí lên xe theo bạn mới Toby để đi vacation 8 ngày. 

Theo lời tự giới thiệu trên trang nhà của họ, cơ sở Thumpin’ Tailz do hai người phụ nữ trẻ đều yêu thích chó cộng tác điều hành, một người tên Whitney và một người tên Sam, viết tắt của Samantha. Người mà chúng tôi liên lạc nói chuyện qua điện thoại là Sam. Sam cho biết cô làm bạn với chó kể từ khi 3 tuổi. Con chó mà Sam hiện có là con Toby mới 1 tuổi và thuộc giống chó lai giữa loại Mini Pinscher và loại Shih Tzu. Sam nói cô coi Toby như đứa con vậy.

Cơ sở Thumpin’ Tailz của Whitney và Sam chỉ đảm trách dịch vụ chăm sóc chó mỗi lần một con và tại nhà riêng của họ. Như vậy, chó riêng của họ vừa có bạn để nô đùa và họ cũng không phải cực nhọc thêm nhiều. Phần Thằng Tí cũng sẽ được ở tạm 8 ngày trong một không khí gia đình ấm cúng lại vừa có bạn chó để vui đùa.

Đến ngày hẹn, Sam mang xe đến nhà chúng tôi để đón Thằng Tí; tên Mỹ của nó là Teddy trước khi nó di cư về Canada cùng với con trai chúng tôi năm 2017. 

Thumpin’ Tailz chứng tỏ là một tổ chức chuyên nghiệp. Hôm đến nhận Teddy, Sam vừa vào nhà là Thằng Tí (Teddy) thấy người lạ nên sủa ngay. Chứng tỏ là người kinh nghiệm rành tâm lý chó, Sam tươi cười chào đón Teddy và thưởng cho nó vài viên thức ăn vặt để lấy cảm tình làm quen với nó. Chỉ qua vài lượt được thưởng thức ăn vặt, Thằng Tí có vẻ quen với khách, để yên cho Sam dắt ra ngoài bãi cỏ phía sau nhà chúng tôi để giới thiệu nó với con chó tên Toby đã được chỉ định sẽ là bạn của Teddy trong thời gian 8 ngày nó ở với họ. Teddy và Toby gặp nhau xem bộ hợp; hai đứa ngoắc đuôi hít nhau thân thiện trước sự yên tâm của chủ.

Sam đưa cho chúng tôi một danh thiếp ghi là Thumpin’ Tail Dog Walking and Boarding in Etobicoke and Richmond Hill, 647-348-7483 thumpintailz@gmail.com và một phong bì đựng xấp giấy gọi là Welcome Package để chúng tôi điền và ký tên. Đây có thể xem như là một tờ khế ước có ghi đầy đủ tin tức về con chó mà họ có trách nhiệm sẽ giữ, địa chỉ cần liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, bảo đảm là Teddy hội đủ mọi điều kiện sức khỏe tốt và nhất là đồng ý không quy trách nhiệm hoặc thưa kiện họ trong trường hợp có tai nạn xảy ra cho Teddy.
image3.jpeg
Chúng tôi không quên trao cho Sam các món đồ dùng quen thuộc của Teddy như chiếc giường nằm, cái chăn đắp, cục xương giả và trái banh quần vợt. Sam cầu chúc chúng tôi một chuyến du lịch tốt đẹp ở Costa Rica và không quên trấn an chúng tôi rằng Teddy sẽ được chăm sóc chu đáo.

Các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm giữ chó thường nắm vững và biết rõ tâm lý của khách hàng trong thời gian xa cách thú cưng. Ở Costa Rica, mỗi ngày chúng tôi đều được Thumpin’ Tailz gởi điện thư thông báo tin tức kèm hình ảnh hoặc video ngắn về tình trạng sinh hoạt tốt đẹp của Thằng Tí kèm những lời khen nó chứng tỏ là một con chó ngoan. Nó cùng Toby được cột dây dài cho chạy chơi ngoài cánh đồng trống, bơi lội đùa giỡn dưới nước và ăn ngủ thỏa thuê. Vợ chồng tôi chưa bao giờ mở dây cổ cho nó chạy nhảy tự do ngoài khoảng trống cả vì lo sợ rủi ro nó bị chó khác cắn hoặc là nó bỏ chạy bắt lại không kịp. 

Với sự quan tâm, khi biết chúng tôi trở về lại Toronto bằng chuyến bay trễ cuối ngày, Thumpin’ Tailz đồng ý giữ Thằng Tí thêm một đêm không tính lệ phí. Sáng hôm sau, họ mang trả Thằng Tí cho chúng tôi, một Thằng Tí nguyên vẹn hình hài và trông càng phong độ hơn trước nhờ một tuần lễ có cơ hội chạy nhảy vận động nhiều ngoài trời và có bạn. Tôi chợt nghĩ, thì ra nó cũng vừa làm một chuyến nghỉ hè thoải mái đó chớ không phải sao! Chúng tôi rất hài lòng với dịch vụ chuyên nghiệp chu đáo của cơ sở Thumpin’ Tailz.

Lúc ra về, Sam không quên nói “Bye-bye. I miss you” với Thằng Tí. Tôi nghĩ về phần nó, chắc nó cũng nhớ đứa bạn Toby vừa mới quen chỉ hơn một tuần mà đã vội chia tay. 

CY.

Không có nhận xét nào: