Tháng Tư về, gợi lên bao điều để suy nghĩ, để nhớ. Nhớ Sài Gòn, chẳng hạn. Sài Gòn, phải chăng, cũng như thành phố Brest trong thơ Jacques Prevert. Ở đó một thời có Barbara
Rappelle-toi BarbaraIl pleuvait sans cesse sur Brest ce jour-làEt tu marchais sourianteÉpanouie ravie ruisselanteSous la pluie
Nhớ không em, BarbaraTrời mưa không ngớt xuống Brest ngày hôm ấyVà em bước đi. trong mưa. rạng rỡ
Và Sài Gòn cũng có em Trong thanh xuân ngày ấy: Dung ơi, anh còn nhớ một lần, anh và em vừa xong buổi dạy cuối tuần cùng đáp xe đò về lại Sài Gòn. Hai đứa hẹn nhau đi chơi tối.
Sài Gòn chính là Việt Nam trong tim của Nguyễn. Ôi Việt Nam / từng là nỗi đau xé trong tôi / sao tôi khóc lúc ra đi / phượng đỏ một lời yêu dấu cũ / là lúc chia xa… Vâng, qua bên này nghe ca khúc “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng lại càng nhớ hơn. Đêm nhớ về Sài Gòn / Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa / Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa / Ai sầu trong quán úa…
Nguyễn bỏ thành phố Sài Gòn ra đi vào một ngày đầu tháng 6 năm 1995. Còn nhớ bài thơ gởi bạn bè ngày ấy:
Như một lời chia tayTôi gởi lạiMột góc phố rực lá vàngQuán cà phê mở cửa dưới giàn hoa giấyTiếng chim. lúc mình hôn nhau
A, mới đó mà đã mấy chục năm. Ghê gớm thật. Thời gian như một vết chém đứt đôi cơ thể. Tới bây giờ còn vết máu đâu đó, trên những trang thơ và trong trí tưởng mù sương. Hỏi làm sao quên được.
Làm sao quên được Tháng Tư khi mùa Xuân gãy cánh. Làm sao quên được Sài Gòn, thành phố của ta. Vâng, không còn nữa vẻ đẹp của một bình minh mưa với màu phượng đỏ. Không còn nữa tiếng cười reo trong nắng sớm với những vẫy tay chào nhau khi chạy xe ngang qua.
Em còn nhớ không, mưa Sài Gòn thời chúng ta yêu nhau. Mưa như một khúc nhạc vui trên đường phố. Mưa xối xả, âm vang. Những hàng sao hàng phượng trút lá tơi bời. Anh và em nép vào dưới một mái hiên nghe mưa chạy trên mái ngói. Tóc em ướt, áo em ướt và tiếng cười reo trong một khúc tremolos. Rồi mưa chợt tạnh, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu. Người và xe lại hối hả băng băng trên đường phố. Nắng chợt ngời lên trên hàng cây.
Và rồi bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông một màu xám mọc lên trên thành phố. Mặt trời chỉ còn trong trí nhớ thất thanh.
Có lẽ người dân Sài Gòn hiện phiêu bạt khắp nơi trên thế giới không ai quên được những cơn mưa ngày ấy. Mưa vào lúc hừng đông thành phố. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà những ảnh bóng của một thời chưa tan biến. Những cơn mưa của Sài Gòn năm ấy, mưa trái mùa, che khuất chân trời. Những trang thơ tình đẹp đẽ về một Sài Gòn áo lụa như mơ của Nguyên Sa đã khép lại. Vở kịch Giấc Mộng Đêm Hè của anh và em cũng đã hạ màn. Trong một tạp bút viết ở một thành phố ảo gần đây về những cơn mưa Sài Gòn, kẻ này có nhắc đến một ý thơ của Jaques Prévert liên kết với hình ảnh đau đớn trước mắt: Mưa ở Sài Gòn như mưa xuống Brest ngày hôm ấy… Vở kịch đã hạ màn. Bây giờ là một vở tuồng khác, với một câu chuyện khác, những đào kép khác. Tấm màn nhung lại kéo lên với cảnh Thị Kính ngồi ru con trước hiên chùa. Bên ngoài trời đang mưa… Mưa rơi, mưa bây giờ rơi trên những trang kinh Địa Tạng.
Thành phố lúc rạng đông, mưa. Em đi trong mưa, cúi đầu, nghiêng vai… Trần Dần đã viết như thế về những cơn mưa Hà Nội thời Nhân Văn Giai Phẩm. Và em nữa, em đã kể với tôi, ngày ấy khi thành phố vừa đổi chủ, đã cùng chàng đi mua ngay một chiếc xe đạp, để từ đài trang bước xuống bụi bặm của cuộc đời. Bây giờ là rạng đông, Sài Gòn của tôi đang mưa. Nhà nhà đóng cửa. Không ai dám nói lớn, cười lớn. Ở một góc quán nào đó, trong mưa, mường tượng thấy người ca sĩ mù hiện về ôm đàn gào lên những khúc đoạn rã rời, thảm thiết. Có lẽ đó chỉ là ảo ảnh thôi. Thật ra thì người ca sĩ mù ấy những năm tháng về sau này mới ôm đàn gào trước rạng đông. Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé -Apollinaire).
Rạng đông trên một thành phố vừa đổi chủ. Không, không bao giờ chúng ta quên được. Và lịch sử cũng không quên. Những cơn mưa lúc hừng đông. Có những chiếc lá bay như muốn tìm lại màu xanh đời mình, có những người hướng mắt về cửa biển, có những đống rác cao như núi không người dọn đi.
Thảm khốc hơn cả, như em đã từng đứng nhìn và khóc, là việc thiêu hủy hết dấu tích một thời. Có những đống lửa nhóm lên vội vàng ở chái sau ngôi nhà tổ phụ để đốt những hình ảnh, giấy tờ cũ. Có những đống lửa đốt sách. Tagore và Camus, Tolstoy, Trang Tử, Koestler, Hesse, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… cùng bốc cháy. Qua ngọn khói tỏa lên, ta thấy bóng Lão Tử cưỡi trâu xanh về núi. Chính tay Nguyễn đã đem bộ Anh Em Nhà Karamazov, Giờ Thứ 25, Chúa đã Khước Từ, Zarathustra Đã Nói Như Thế, cùng tất cả những tập thơ từng được yêu quý cho vào bao bố, ném xuống lòng sông Thanh Đa. Trôi, trôi đi hết một thời để yêu và để nhớ, ôi màu của lãng quên, như ngày xưa em đã hát ở quán Văn.
Thành phố lúc rạng đông. Những chiếc lá dầu bay nghiêng trong mưa… Những bông sứ máu rụng trên vỉa hè bến cảng… Cô bé câm chợt thốt lên những lời tiên tri trong cổ họng, rằng rồi đây sẽ có rất nhiều người chết trên non, dưới biển, đầu sông, cuối bến… Ai nghe những lời này thì hãy kíp kíp lên Núi Lau tìm am tranh ẩn mình, bạn cùng hươu và chim. Đừng về nữa khi lũ âm binh chưa bị đạo bùa thiêng trấn áp.
Thành phố lúc rạng đông. Em có bao giờ quên. Những cơn mưa đã trở thành đời mình, những chiếc lá rơi chạm vào hồn xanh buốt. Những mái nhà, góc phố mãi mãi về sau còn kể lại bao mảnh đời bỗng dưng tan tác, phiêu bạt khắp nơi.
Thành phố lúc rạng đông. Người nghệ sĩ ôm đàn bỏ đi…
Nguyễn Xuân Thiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét