Không cần đọc báo cáo của Liên Hiệp Quốc ai cũng biết là năm nay ở nhiều nơi trên thế giới đã có những ngày nóng nhất từ trước tới nay.
Tháng Sáu, cả Âu Châu bị một đợt nóng (heat wave), đến Tháng Tám thì lại bị thêm một đợt nữa. Đức, Bỉ, Hòa Lan đều có những ngày nóng nhất từ trước tới giờ. Kinh đô ánh sáng Paris nóng tới 42.6 độ C (108.7 độ F) vượt xa kỷ lục cũ 40.4 độ C (104.7 độ F) có từ năm 1947. Hồi Tháng Mười, 2018, Ủy Ban Liên Chính Phủ về sự Thay Đổi Khí Hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change, viết tắt là IPCC) do Liên Hiệp Quốc triệu tập đã đưa ra một bản báo cáo về sự hâm nóng trái đất (global warming, viết tắt là GW) và báo động tình trạng nguy hại có thể xảy ra.
<!>
Vào đầu Tháng Tám, 2019, IPCC lại đưa ra một báo cáo về sự thay đổi khí hậu và đất đai (Climate Change and Land). Trong hai bản báo cáo này Liên Hiệp Quốc đã gióng tiếng chuông báo động là nếu thế giới không thay đổi các hoạt động của mình thì khí hậu sẽ bị hâm nóng lên và sẽ làm cho cả thế giới bị lâm nguy.
Bản báo cáo về sự hâm nóng toàn cầu
Bản báo cáo GW được 91 tác giả thuộc 40 quốc gia soạn thảo và có hơn 6000 tham chiếu khoa học. Đây là một bản tường trình về nhiệt độ trên trái đất với tầm nhìn trải dài nhiều thế kỷ.
Khởi điểm là thời kỳ trước cách mạng công nghiệp (industrial revolution) vào thế kỷ thứ 18. Trước khi có cách mạng công nghiệp những hoạt động của con người có tính cách thủ công, không ảnh hưởng gì nhiều đến môi trường và khí hậu. Từ cách mạng công nghiệp về sau thì mới có những nhà máy khổng lồ thải ra những chất độc làm ô nhiễm môi trường và làm cho khí hậu trái đất từ từ nóng lên.
Theo bản báo cáo GW thì hoạt động của con người đã làm trái đất nóng lên khoảng 1 độ C so với thời trước cách mạng công nghiệp. Với đà này thì nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ lên cao đến 1.5 độ C trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2052. Nếu không thay đổi các hoạt động của con người thì nhiệt độ sẽ tăng lên từ 2 đến 3 độ C và sẽ có những hậu quả nguy hại tới mọi sinh vật trên trái đất.
Sự hâm nóng trái đất so với thời kỳ 1850-1900. (Hình: Liên Hiệp Quốc)
Báo cáo về sự thay đổi khí hậu và đất đai
Đọc đề tựa của bản báo cáo thì thấy đây là một nỗ lực lớn và đề cập đến nhiều vấn đề chứ không phải chỉ là sự thay đổi khí hậu. Tên đầy đủ của bản báo cáo này là: “An IPCC Special Report on climate change, desertification, land degradation, sustainable land management, food security, and greenhouse gas fluxes in terrestrial ecosystems” (Một bản báo cáo đặc biệt của IPCC về sự thay đổi khí hậu, sự sa mạc hóa, sự thoái hóa đất đai, vấn đề quản lý đất đai lâu dài, vấn đề bảo toàn thực phẩm và sự thay đổi lên xuống của khí nhà kính trong những hệ sinh thái trên mặt đất – xin viết tắt là bản báo cáo CC).
Báo cáo CC được công bố vào Tháng Tám vừa qua tại Geneva. Báo cáo được hơn 100 chuyên viên từ 52 quốc gia trên thế giới soạn ra. Trong bản báo cáo Liên Hiệp Quốc đã gióng lên tiếng chuông báo động là nguồn nước và đất đai trên thế giới đang bị khai thác với một tốc độ chưa từng thấy. Điều này cộng với sự thay đổi khí hậu sẽ làm cho loài người khó mà có thể có đủ nguồn thực phẩm để nuôi cả thế giới. Khoảng nửa tỷ người hiện đang sống trong những vùng đang bị biến thành sa mạc và diện tích đất trồng trọt bị mất đi nhanh hơn tới từ 10 đến 100 lần hơn là diện tích đất được tạo ra.
Nguyên nhân của sự thay đổi
Đất đai là nơi con người sinh sống và là nguồn cung cấp thực phẩm chính. Con người sử dụng tới 70% vùng đất không bị đóng băng. Nhưng đất đai cũng góp phần làm thay đổi khí hậu. Kể từ thời trước cách mạng công nghệ nhiệt độ không khí trên mặt trái đất tăng nhanh gần gấp đôi so với nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Những khí nhà kính tăng lên quá nhiều. Khí cacbon điôxít thải ra ngoài bầu khí quyển phần lớn là do đốt nguyên liệu hóa thạch. Năm 2016 khí nhà kính phát ra ngoài không khí tăng lên 31.2% trên mức năm 1990. Tỷ lệ làm tăng như vậy là từ việc cung cấp năng lượng (34%), kỹ nghệ (22%), và giao thông (14%).
Nạn phá rừng để trồng trọt và nuôi gia súc làm cho đất dễ bị thoái hóa và cũng làm tăng khí cacbon điôxít.
Hậu quả của sự thay đổi
Sự thay đổi khí hậu đã có ảnh hưởng trầm trọng đến sự an nguy của nguồn thực phẩm và hệ sinh thái trên mặt đất cũng như là đã góp phần vào việc sa mạc hóa và thoái hóa của đất ở nhiều vùng. Khí hậu càng ngày càng ấm làm cho những biến cố liên quan đến nhiệt độ như đợt nóng càng ngày càng nhiều. Bản báo cáo CC đưa ra những viễn cảnh (scenario) sau đây:
-Tăng lên 1.5 độ C: Ở tình trạng này thì có nguy cơ vùng đất khô bị hạn hán, nguy hại vì cháy rừng, tầng đất đóng băng vĩnh cửu bị thoái hóa và nguồn cung cấp thực phẩm không ổn định. Dân số ở vùng đất khô bị ảnh hưởng những nguy cơ trên có thể lên tới 178 triệu người vào năm 2050.
-Tăng lên 2 độ C: Ở nhiệt độ này những nguy cơ trên có thể xảy ra rất cao. Vào năm 2050 dân số bị ảnh hưởng ở vùng đất khô lên tới 220 triệu người.
-Tăng lên 3 độ C: Xác suất những nguy cơ trên có thể xảy ra còn cao hơn nữa và số người ở vùng đất khô bị ảnh hưởng lên tới 277 triệu người vào năm 2050.
Á Châu và Phi Châu sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng vì sự sa mạc hóa đất đai. Vì đất đai trồng trọt bị giảm xuống nên số người di tản đi những quốc gia giàu có để tìm đất sống sẽ tăng lên nhiều, gây ra bất ổn về chính trị.
Những phương án để thích ứng và làm giảm bớt nguy cơ
Bản báo cáo CC vẽ ra nhiều viễn tượng không lấy gì làm tốt đẹp cho tương lai của mọi sinh vật trên thế giới. Tuy nhiên bản báo cáo cũng cho thấy là loài người vẫn còn có cơ hội để ngăn chận những viễn tượng xấu.
Theo bà Patricia Espinosa, tổng thư ký điều hành của Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về sự Thay Đổi Khí Hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) thì chúng ta không còn nhiều thời gian nữa và cần phải có sự hợp tác không những của các chính phủ mà còn của các cơ sở kỹ nghệ và thương mại tư nhân, và của toàn thể mọi người trên thế giới.
Giảm lượng khí nhà kính: Giảm bớt sự tiêu thụ năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch, dùng nhiều năng lượng sạch như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, trồng thêm nhiều cây vì cây hút bớt khí cacbon điôxít trong bầu khí quyển.
Quản lý hệ thống cung cấp thực phẩm tốt hơn: Cải tiến phương pháp trồng trọt, cải tiến hệ thống chuyên chở thực phẩm, và trồng nhiều loại cây thực phẩm khác nhau. Bản báo cáo cũng khuyên mọi người không nên bỏ phí thức ăn. Theo thống kê thì một phần tư thực phẩm trên thế giới bị bỏ phí.
Quản lý đất đai một cách hữu hiệu: Giảm bớt nạn phá rừng và trồng thêm cây để gây dựng thêm rừng, tăng năng suất của các vụ mùa bằng cách dùng giống tốt hơn, quản lý việc chăn nuôi gia súc cho hữu hiệu hơn.
Hà Dương Cự
Nguồn tài liệu: www.un.org, www.ipcc.ch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét