Các chiến đấu cơ F-16 của quân đội Mỹ biểu diễn tại California. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/03/2015.REUTERS/Mario Anzuoni/File Photo
« Việc Đài Loan vũ trang gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ », đó là tựa đề bài viết trên Les Echos hôm nay. Washington đã bật đèn xanh cho việc bán 66 phi cơ tiêm kích F-16 hiện đại cho Đài Loan, tổng trị giá 8 tỉ đô la. Hợp đồng còn bao gồm 75 động cơ, radar và nhiều loại phụ tùng thay thế khác nhau.
Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh thương vụ này « phù hợp với cam kết của Hoa Kỳ giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ », còn ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố : « Chúng tôi chỉ làm tròn lời hứa ». Tuy còn phải thông qua Quốc Hội, nhưng thương vụ được sự ủng hộ của cả hai đảng.
<!>
Với phi đội tiêm kích tương đối cũ gồm hàng trăm chiếc F-5, khoảng 60 chiếc Mirage 2000 của Pháp và 150 chiếc F-16, từ lâu Đài Bắc vẫn mơ có được những chiến đấu cơ mới. Tất nhiên là Bắc Kinh kịch liệt phản đối, dọa sẽ trừng phạt các công ty Mỹ liên quan.
Hồi tháng Giêng, Tập Cận Bình đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan. Tháng Tư, Đài Bắc tố cáo hai máy bay tiêm kích J-11 xâm phạm không phận Đài Loan, và đến tháng Bảy, Bắc Kinh loan báo triển khai một phi đội tàng hình J-20 gần bờ biển Đài Loan. Phải chăng sự kiện này đã mở ra một chương mới trong cuộc xung đột Mỹ-Trung ?
Từ khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã coi Đài Loan là một trong những công cụ để gây áp lực lên đối thủ Trung Quốc. Tháng 12/2016, vài tháng sau khi trở thành tổng thống, ông đã có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, đây là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên từ khi kết thúc quan hệ ngoại giao với đảo quốc năm 1979. Thương vụ F-16 loan báo hôm thứ Ba, tiếp nối hợp đồng 2,2 tỉ đô la bán 108 xe tăng tác chiến và 250 hỏa tiễn địa-không.
Thật ra thương vụ này đã được thảo luận từ nhiều năm qua, thay đổi tùy theo quan hệ Mỹ-Trung và năng lực ngân sách của Đài Loan. Từ khi lên làm tổng thống, bà Thái Anh Văn đã chi ra nhiều tỉ đô la cho quốc phòng. Với phiên bản mới nhất F-16 Block 70/72 vừa mua được, Đài Loan có bước nhảy vọt. Tuy nhiên do không phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ, Đài Bắc không thể sở hữu phi cơ tàng hình F-35 mới nhất. Với F-16, Washington khiến Bắc Kinh bực tức nhưng không làm thay đổi tương quan lực lượng hiện nay.
Mỹ sẽ không bảo vệ kịp đồng minh ở Thái Bình Dương ?
Cũng về quân sự, Les Echos cho biết « Washington bị Bắc Kinh qua mặt ở Thái Bình Dương ». Báo cáo của một viện nghiên cứu Úc nhận định, lực lượng Mỹ đã bị mất đi ưu thế vượt trội trong khu vực trước Trung Quốc.
« Bị vượt qua một cách nguy hiểm và thiếu chuẩn bị », đó là kết luận đáng ngại đối với quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, theo báo cáo được công bố hôm thứ Hai. Theo đó, quân đội Mỹ khó thể yểm trợ các đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Một kịch bản theo tờ báo là ít có khả năng xảy ra nhưng không thể không nghĩ đến, trước sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhất là việc quân sự hóa những hòn đảo do các nước láng giềng đòi hỏi chủ quyền.
Đánh giá này cũng rất đáng lo đối với Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, vốn dựa vào sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ. Báo cáo cũng cho là Washington không đạt được mục tiêu chiến lược, nêu ra nhiều thập niên xung đột ở Cận Đông và Trung Đông, thiếu đầu tư vào Thái Bình Dương. Tổng thống Obama loan báo « xoay trục sang châu Á » với mục tiêu đưa 2/3 lực lượng Hải quân sang khu vực này từ nay đến 2020, nhưng triển khai quá chậm.
Ngược lại Trung Quốc đang thách thức trật tự khu vực bằng vũ lực, đầu tư đại quy mô vào các loại vũ khí hiện đại. Dưới thời Tập Cận Bình, ngân sách quốc phòng Trung Quốc theo con số chính thức tăng đến 75%, ở mức 178 tỉ đô la. Đây là ngân sách quân sự lớn thứ nhì thế giới, tương đương 1/10 chi tiêu quốc phòng toàn thế giới.
Báo cáo khẳng định « hầu như toàn bộ các căn cứ của Mỹ và đồng minh, phi đạo, hải cảng…ở Tây Thái Bình Dương » đều bị hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc đe dọa, và Bắc Kinh có thể chiếm được các lãnh thổ của Đài Loan, các đảo của Nhật Bản hay những đảo khác trên Biển Đông, trước khi lực lượng Mỹ có thì giờ can thiệp.
Tuy vậy, Bắc Kinh chỉ có mỗi một hàng không mẫu hạm là chiếc Liêu Ninh, với năng lực hoạt động thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, hiện đang sở hữu 12 chiếc. Hơn nữa, năng lực chiến đấu của quân Trung Quốc vẫn còn là ẩn số, sau thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
Thương chiến Mỹ-Trung đè nặng lên các nước mới nổi
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, theo Les Echos, những hậu quả đang đè nặng lên các quốc gia mới nổi.
Trong khi Bắc Kinh cố gắng hạn chế thiệt hại, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan cũng cố bơm thêm oxy cho nền kinh tế. Nga điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng năm nay, giảm xuống 0,4%. Nhưng các nước châu Mỹ la-tinh chịu thiệt nhiều nhất, từ Mêhicô cho tới Brazil GDB đều chỉ tăng dưới mức 1%.
Kinh tế thế giới phập phồng theo với mức độ xung đột Mỹ-Trung. Mỹ đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc hay một Brexit không thỏa thuận đều làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư. Một tình hình đáng ngại nữa là nợ công : tổng nợ công của các nước mới nổi đã lên đến 69.100 tỉ đô la, tương đương 216% GDB.
Cuộc chạy đua Mỹ-Trung về trí tuệ nhân tạo
Trên một lãnh vực khác, trong bài viết ở trang Diễn đàn mang tựa đề « Trí tuệ nhân tạo : Tình trạng ganh đua giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc và hy vọng của Pháp », tác giả Arnaud Barthélemy, thuộc một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) trên Le Figaro nhận định giữa hai người khổng lồ đang tranh giành vị trí hàng đầu trong lãnh vực này, vị trí của Pháp không đến nỗi tệ.
Theo tác giả, AI vẫn là một chủ đề ít được biết đến vì khá phức tạp. Cụm từ « trí tuệ nhân tạo » thường được dùng cả cho những khái niệm rộng hơn trong kỹ thuật số, trong khi đây là khả năng của một thuật toán tự học hỏi được từ kết quả quyết định của mình. Máy móc học rất nhanh, nhưng lại dở, nhiều trách vụ của bộ óc con người vẫn còn xa tầm tay với.
Tuy vậy AI vẫn sẽ làm đảo lộn nhiều lãnh vực như y tế, tài chính thậm chí về quân sự, an ninh. Đây là trung tâm của sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Washington và Bắc Kinh đang thống trị lãnh vực AI, tiếp theo là Israel, Anh, Pháp, Đức. Có gần 3.000 công ty khởi nghiệp AI trên thế giới, trong đó 1.400 tại Mỹ, 400 ở Trung Quốc, 360 ở Israel, 250 ở Anh, còn Pháp và Đức mỗi nước có 110 công ty. Riêng Trung Quốc chiếm 3/10 trung tâm AI thế giới (Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải), còn châu Âu chỉ có một ở Luân Đôn. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tiến lên ngang hàng với Mỹ khoảng năm 2020, và trở thành trung tâm AI thế giới từ nay đến 2030.
Trung Quốc là nước duy nhất có những người khổng lồ công nghệ như Mỹ. Đó là Tencent, Alibaba, ByteDance, Baidu, và cả tập đoàn bảo hiểm Bình An hay nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI, tất cả đều đầu tư ồ ạt vào AI. Số bằng phát minh trong AI của Trung Quốc từ 2013 đến 2017 tăng nhanh hơn Mỹ, việc dữ liệu cá nhân ít được bảo vệ giúp Trung Quốc thu thập được khối lượng dữ liệu khổng lồ, là nguồn nuôi dưỡng cho AI.
Cuộc chiến trí thông minh nhân tạo lệ thuộc vào trí thông minh con người
Tuy vậy Hoa Kỳ vẫn đang giữ vị trí thống trị. GAFA đầu tư rất lớn cho nghiên cứu AI (16 tỉ đô la đối với Amazon trong năm 2017, 14 tỉ với Google). Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các công ty AI trên thế giới phải chọn phe. Đối với các doanh nghiệp ngoài châu Á, dù là Israel, châu Âu hay Canada, sự chọn lựa đứng về phía Mỹ là rất rõ.
Trong AI, Trung Quốc cũng có cùng những khiếm khuyết như trong các lãnh vực khác, trước hết là không thu hút được nhân tài. Trong một lãnh vực mà các tài năng rất hiếm hoi, cuộc chiến về trí thông minh nhân tạo có một nghịch lý là lệ thuộc vào trí thông minh của con người. Thế mà hiếm khi những sinh viên ngoại quốc trong các trường đại học Trung Quốc, các kỹ sư tầm cỡ chịu làm việc tại Trung Quốc. Ngay cả các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng ít hoạt động ngoài châu Á. Cuối cùng, với thị truờng nội địa to lớn, họ chỉ tập trung vào dịch vụ đối với người tiêu dùng chứ hiếm khi phục vụ doanh nghiệp.
Đối với Pháp, theo tác giả, cần thu hút các tài năng về AI, các nhân tố chính trong lãnh vực này. Pháp đang có những ưu thế như có nhiều chuyên gia tầm thế giới, chất lượng giảng dạy khoa học, các trường kỹ sư có nhiều ngành đào tạo AI, và sự năng động của các công ty đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó là chế độ thuế khóa, và cải cách theo hướng đại học được tự trị nhiều hơn…
Syria dưới mưa bom, Putin đến Pháp làm gì ?
Nhìn sang Trung Đông, tác giả Catherine Coquio, đồng sáng lập Ủy ban Syria-Châu Âu bực tức đặt câu hỏi trên Le Monde : « Ông Putin đến Brégançon để làm gì ? »
Thay vì xuống thang như dự kiến ở Sotchi, các cuộc không kích tái diễn ồ ạt tại tỉnh Idlib của Syria, và thành phố Khan Cheikhoun, bị tấn công bằng khí độc sarin tháng 4/2017, cũng oằn mình dưới mưa bom. Chỉ riêng từ tháng Năm đến tháng Sáu, đã có 33 bệnh viện, 77 trường học, 46 địa điểm thờ tự và 3 trại tị nạn đã bị không kích, làm ít nhất 518 người chết. Như vậy cuộc gặp ở Brégançon vừa qua, mà ông Vladimir Putin kiên quyết không nhượng bộ về Syria, theo tác giả, là thêm một sự lăng nhục đối với tổng thống Pháp.
Nạn mù tin học cản trở việc số hóa dịch vụ công tại Pháp
Cũng liên quan đến vi tính, Les Echos nhận định « Việc phi vật chất hóa dịch vụ công vấp phải ‘nạn mù tin học’». Các dịch vụ hành chính sẽ hoàn toàn thông qua internet từ năm 2022, nhưng 13 triệu người Pháp vẫn gặp nhiều khó khăn với các công cụ kỹ thuật số.
Đó có thể là một người thất nghiệp bị gạch tên khỏi danh sách vì chưa nhận được mail của người tư vấn, người tàn tật về hưu không có máy tính, hay người nước ngoài phải nộp đơn xin giấy phép cư trú…Trong quá trình phi vật chất hóa dịch vụ công, một số cư dân sẽ bị đứng ngoài.
Hiện nay 19% dân Pháp không có máy vi tính tại nhà, 27% không sở hữu điện thoại thông minh, và trên 500 cộng đồng chưa được kết nối mạng. Nhà nước Pháp dự định dành 10 triệu euro, lập ra 10 trung tâm đào tạo để đối phó với dạng mù chữ mới này, với một thuật ngữ cũng rất mới : « illectronisme ».
Cánh tả Pháp, Brexit, khủng hoảng chính trị Ý : Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, Les Echos chạy tựa « Chính phủ tung ra cuộc chiến hưu bổng », một cuộc cải cách hứa hẹn nhiều khó khăn.Libération dành trang nhất cho « Người gây rối cánh tả » : nhà lãnh đạo đảng Sinh thái đang muốn đảo lộn bối cảnh chính trị, bất chấp liên minh truyền thống với các đảng cánh tả.
Le Figaro quan tâm đến việc « Boris Johnson đưa châu Âu đến một Brexit cứng ». Được đón tiếp ở điện Elysée hôm nay, thủ tướng Anh muốn đàm phán lại thỏa thuận « ly dị », trong khi Liên Hiệp Châu Âu phản đối việc tái thương lượng.
Tại Ý, Le Monde cho biết « Các đảng tìm cách thành lập một mặt trận chống Salvini để ra khỏi khủng hoảng ». Một chính phủ thân châu Âu với sự tham gia của đảng M5S, đảng Dân Chủ (trung tả) và đảng cánh hữu Forza Italia là một trong những khả năng được cân nhắc.La Croix nhìn sang Bắc Phi, nhận định « Người Algérie vẫn còn hy vọng ». Sáu tháng sau khi khởi đầu phong trào phản kháng, người dân Algérie luôn đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc về chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét