Khoai tây chiên (frites/french fries) ăn kèm với andouillette. Tuấn Thảo / RFI. Ít ra đó là câu hỏi của một công ty Bỉ chuyên bán khoai tây đông lạnh tên là Belvica. Khoai tây chiên vốn là một món ăn nổi tiếng trên thế giới, nhưng theo hãng Belvica, nguồn gốc của món ăn này đến từ Bỉ , và vì thế thực khách đã nhầm lẫn khi theo thói quen, gọi món khoai tây chiên là ‘‘french fries’’. Kể từ giữa tháng 7/2019, công ty này đã bắt đầu thu thập chữ ký trên mạng, nhằm đề nghị trên các thực đơn nhà hàng, thay đổi chữ ‘‘french fries’’ thành ‘‘belgian fries’’.
<!>
Đây là cách gọi của người Mỹ, dành cho loại khoai tây cắt thành từng thanh dài cỡ bằng ngón tay rồi chiên giòn, người Anh thì vẫn quen dùng chữ chips (từ rút ngắn của potato chips), còn trong tiếng Pháp từ thông dụng nhất vẫn là ‘‘frites’’. Theo công ty Belvica, cứ trên 10 người Bỉ là có 6 người hưởng ứng trang web ‘‘vote for belgian fries’’. Theo Tuần báo Pháp Capital, chỉ có điều là cho tới giờ này công ty Bỉ chuyên bán khoai tây đông lạnh vẫn không chịu công bố kết quả chính thức, để xem bản kiến nghị này đã thu thập được bao nhiêu chữ ký. Theo các Chuyên gia tiếp thị, công ty Belvica trước đây mang tên là Lutosa. Việc ‘‘khua chiêng gõ trống’’ về chuyện đòi thay đổi cách gọi khoai tây chiên thành ‘‘belgian fries’’ chẳng khác gì một đòn quảng cáo, một thủ thuật để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng về công ty Bỉ vừa mới đổi tên này.
bò sốt hành tây ăn với khoai tây chiên. Tuấn Thảo / RFI. Vấn đề ở đây là ‘‘khoai tây chiên’’ tuy là một món ăn rất phổ biến ở Bỉ, nhưng nguồn gốc của nó lại đến từ Pháp (ít ra là trong hình thức lưu truyền đến tận thời nay). Đây là khẳng định của ông Pierre Leclercq, Sử gia chuyên ngành ẩm thực người Bỉ, chứ không phải là người Pháp. Ông Pierre Leclercq làm việc từ năm 2014 cho Đại học Liège và ông từng nghiên cứu lịch sử ngành ẩm thực từ thế kỷ 16.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Bỉ (báo Le Soir và đài truyền hình RTBF), ông Pierre Leclercq cho biết là món khoai tây chiên đã xuất hiện ở Paris vào những năm 1780. Các bà bán hàng rong, lúc đầu chỉ bán bánh bột chiên (beignet frit), là những người đầu tiên đã có sáng kiến cắt khoai tây thành những lát mỏng hoặc thành những thanh thon dài rồi chiên giòn. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, các ‘‘gánh hàng rong’’ ban đầu nằm ở trên cầu Pont-Neuf (do vậy món khoai tây chiên ban đầu có tên là ‘‘pomme Pont-Neuf ’’) rồi dần dần lan dọc các bến sông Seine, lên tới đại lộ Temple, và nở rộ xung quanh các rạp kịch nổi tiếng tại Paris thời bấy giờ.Trong quyển sách dạy nấu ăn của bà Mérigot, xuất bản năm 1794, có ghi chép cách chế biến món khoai tây chiên. Cũng theo nhà Sử học Pierre Leclercq, món khoai tây chiên xuất hiện tại Bỉ từ những năm 1844 trở đi. Nước Bỉ sau đó trở thành một trong những quốc gia hàng đầu sản xuất khoai tây, hơn hẳn nước Pháp, nhưng không phải vì thế mà có thể nhầm lẫn hai lãnh vực trồng trọt và nguồn gốc món ăn. Còn về giả thuyết cho rằng: Khoai tây chiên là một món ăn của Bỉ, sáng chế trước năm 1781 (theo Sử gia người Bỉ Jo Gérard), không ai có thể kiểm chứng điều này qua sách sử.
Thịt bò nướng, món ăn "truyền thống" đi đôi với khoai tây chiên. Tuấn Thảo / RFI. Nhưng vì sao khoai tây chiên lại có tên gọi ‘‘french fries’’ ? Chữ này (trong tiếng chính thức xuất hiện vào năm 1880 trong quyển sách dạy nấu ăn ‘‘New Cook Book’’ của bà Maria Parloan. Từ ngữ này sau đó được nhà văn O. Henry (bút danh của Nhà báo William Sydney Porter) lấy lại vào năm 1894. Nhiều nhà Nghiên cứu cho rằng: Chữ ‘‘french fries’’ có lẽ đã xuất hiện sớm hơn nữa: Năm 1787, thay vì năm 1880. Có thể Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson (1743-1826) là Tác giả của từ ngữ này. Chuyện kể rằng: Trước khi làm Tổng thống, ông Thomas Jefferson từng là Đại sứ Mỹ tại Paris (1785-1789). Ngài Đại sứ có một Đầu bếp Pháp rất giỏi tên là Honoré Julien, và ông đặc biệt yêu thích món khoai tây chiên của nhà Đầu bếp người Pháp.
Từ những năm 1802, món khoai tây chiên đã du nhập vào Hoa Kỳ sau khi ông Thomas Jefferson trở thành Tổng thống Mỹ. Trong sổ tay ông từng ghi chép ‘‘potatoes fried in the French manner’’ tức là khoai tây chiên làm theo kiểu Pháp với hàng ghi chú bên cạnh ‘‘khoai tây sống cắt mỏng thành từng lát rồi chiên giòn’’, nhưng ông Thomas Jefferson không nhắc tới loại khoai tây cắt thành từng thanh thon dài, hình tượng tiêu biểu của ‘‘french fries’’.Có rất ít chuyện công ty Belvica thành công trong việc đổi tên ‘‘french fries’’ thành ‘‘belgian fries’’. Nhưng không phải vì thế mà cuộc tranh luận được xem là vô bổ, ít ra đó là dịp để cho người Pháp cũng như người Bỉ nhìn lại xuất xứ các món ăn của họ. Một khi đã đi vào dòng văn hóa phổ thông đại chúng, thì dù có muốn thay đổi một ‘‘tên gọi thông dụng’’ cũng rất khó, huống chi cái tên ấy là đúng, chứ không hề sai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét