Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

ĐÊM 40 NĂM QUỐC TẾ CỨU THUYỀN NHÂN 20-7-2019: ẤM LẠI DÒNG NHẠC TỊ NẠN THA HƯƠNG- MỜI XEM YOUTUBE

Tran Chi Phuc
Hợp ca Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Lưu Vong
Đêm văn nghệ kỷ niệm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân diễn ra tại Hội trường Việt Báo Quận Cam tối Thứ Bảy 20-7-2019 vẫn còn dư âm trong lòng người tham dự.
Đúng 40 năm trước, vào ngày 20-7-1979 tại thành phố Geneva nước Thụy Sĩ, 65 quốc gia nhóm họp tìm cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang nguy khốn giữa biển khơi và bị trại tị nạn Mã Lai Thái Lan xua đuổi. Từ kết quả của Hội nghị quốc tế cứu thuyền nhân đó mà đã có 800 ngàn người tị nạn Việt Nam được nhận định cư trên nhiều quốc gia tự do, tạo nên một cộng đồng hải ngoại vững mạnh như hôm nay.
<!>
Tối Thứ Bảy 20-7-2019 là đúng 40 năm, thời điểm thật tuyệt vời, lòng người vượt biển năm xưa bồi hồi khi ngồi trong hội trường nghe những ca khúc về tị nạn, tha hương viễn xứ.
Tấm hình trên sân khấu với các thuyền nhân được tàu Mary Ship do các bác sĩ Pháp thuê đi cứu vớt họ, khuôn mặt hân hoan với lá cờ vàng ba sọc đỏ rực rỡ thật đầy ý nghĩa. Bức hình chụp vào tháng 6 năm 1988 và nhạc sĩ Bảo Tố ở San Jose- có mặt trong bức hình đó- giữ được và tặng cho ban tổ chức- nói lên ý nghĩa của đêm này và làm tăng vẻ đẹp cho các hình ảnh tin tức truyền thông.
Câu chuyện vượt biển của chị Ái Liên kể thật ly kỳ. Ghe của chị vào tháng 6 năm 1979, bị hải tặc cướp bóc nhưng không hãm hiếp, chết máy lênh đênh biển khơi, tấp vào Mã Lai, thuyền nhân bị đưa nhốt vào trong rừng, một số bị dịch tả chết. Ái Liên, lúc đó 18 tuổi, tuyệt vọng bơi ra biển kiệt sức thả mình để tự tử thì một con cá đuối to từ đáy biển đẩy người chị lên khỏi mặt nước biển và chị tỉnh ngộ bơi vào bờ. Sau đó hải quân Mã Lai kéo ghe của chị ra khơi, may mà hải quân Ý vớt được và đưa về nước họ. Và thuyền nhân Ái Liên được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến ban phép lành năm 1980 và cuối cùng định cư tại California Hoa Kỳ.
Chương trình ca nhạc mở đầu bản hợp ca Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới “ Xin cám ơn tấm lòng thế giới đã cho tôi một cuộc sống mới, xin cám ơn tấm lòng nhân ái đã cho tôi có một ngày mai…” nói lên ý nghĩa của đêm nhạc.
Kết thúc là bản hợp ca Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Lưu Vong tràn đầy hi vọng “ Cờ theo anh vượt qua biển lớn, cờ theo cha đến miền đất mới, cờ tung bay trên những phố lưu vong xứ người …”
Cùng với tam ca nữ bản Mai Em Đi “ Thôi chia tay nhưng em ơi xin em hãy nhớ rằng nơi đó đâu là quê hương ta hằng thương mến. Đau thương xin em nén khóc, gian nan xin em hãy vững niềm tin yêu, niềm tin Việt Nam…”
Ba bản hợp ca tạo bề dày cho chương trình văn nghệ với những tiết mục đơn ca, song ca. Tiếng đàn ghi ta thùng của Trần Chí Phúc để tiếng hát rõ ràng hơn với từng lời ca, cho người nghe cảm giác như đang dự buổi văn nghệ họp mặt lửa trại. Có lúc tiếng đàn ghi ta Phạm Tú hòa theo như trong bản Xác Em Nay Ở Phương Nào, Mai Mốt Em Về Đâu ca sĩ Hương Thơ hát cho khán giả món ăn lạ.
Hai ca khúc mới Vượt Biển Tình Người ( Đồng Thảo hát )và Cám Ơn Hải Âu( Phượng Mai hát ) của Trần Chí Phúc sáng tác cho đêm 40 năm này được tán thưởng, tác phẩm thì mới nhưng dựa vào cảm xúc cũ.
Một số ca khúc diễn tả kiếp tha hương người tị nạn như Phiêu Bạt ( Minh Tâm ca), Chiều Winnipeg ( Trần Chí Phúc ca ) vẫn hài hòa với chủ đề.
Trong hoàn cảnh Trung Cộng đang muốn chiếm lấy bãi Tư Chính của Việt Nam ở Biển Đông thì ca khúc Việt Nam Tương Lai Ngời Sáng ( Thanh Vũ ca ) và Ngư Dân Bám Biển ( Đồng Thảo Thanh Vũ ca ) dậy sóng trong lòng khán giả.
Bản Hát Đêm Dài Air Raya ( Ngọc Trọng ) của Bình Phương là một bài hay trong dòng nhạc vượt biển “ Hát đêm dài Air Raya, buồn hiu hắt nhớ quê nhà, vàng vọt ánh trăng tà, chỉ làm đau người đi xa…”
Bản Ru Em Đời Mất Xứ ( Xuân Thanh- Lan Hương song ca ) sáng tác năm 1980, có lời ca ghi tâm tình những chàng thuyền nhân năm 1977, 1978, 1979, 1980 “ Mơ thấy ngày mai Cờ Vàng tung bay phất phới. Trong ánh bình minh thanh bình vui khắp non sông. Phục Quốc thành công ta về xây đời mới. Qua hết rồi những đau khổ chờ mong…”
Mai Phi Long ôm đàn ghi ta vừa đàn vừa hát ca khúc do anh sáng tác Sài Gòn Ngày Ba Mươi, hình ảnh thật văn nghệ.
Đã 40 năm trôi qua, những khốn khó, đau thương, chia ly mất mát đã qua, cuộc sống mới đã dựng xây; lịch sử thuyền nhân cần phải hâm nóng lại, làm mới lại bằng những bài hát, bài thơ, cuốn truyện, cuốn phim để thế hệ con cháu hiểu được cha anh của chúng thuở tị nạn năm xưa ra sao.
Ngày 30 tháng tư là ngày Quốc Hận, chủ đề thuyền nhân vẫn được hát trong ngày này, nhưng cộng đồng cần có một ngày đặc biệt dành cho thuyền nhân. Có người nêu ý kiến chọn ngày 20-7 Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân, có người bâng khuâng…
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, người đã tổ chức Đêm 30 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân ngày năm 2009 tại San Jose và bây giờ là Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân tại Quận Cam tâm sự rằng phải chờ đến năm 2029 để tổ chức Đêm 50 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân và cười đùa bào là không biết là lúc đó mình có còn sống không.
Thuyền nhân Việt Nam là một trang lịch sử đặc biệt bi hùng của dân tộc. Cộng đồng hải ngoại được tạo dựng bởi thành phần nòng cốt là thuyền nhân; cộng đồng là một nhánh cây của thân cây VN nhưng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của tổ quốc mai sau.
Lỡ như mà vận mệnh dân tộc khốn cùng, VN trở thành một tỉnh của Trung Cộng thì cộng đồng hải ngoại cần vững mạnh như dân tộc Do Thái dù mất đất cả ngàn năm phải lang thang thế giới thì họ cuối cùng trở lại xây dựng lại quốc gia Đo Thái Israel ở Trung Đông.
Một khán giả cũng là thuyền nhân mắt đẫm lệ khi nghe những bài hát gợi lại một thời tị nạn nói rằng ban tổ chức đêm văn nghệ đã làm ấm lại dòng nhạc vượt biển tị nạn. Tâm tình tị nạn như cục than hồng bị vùi trong đống tro tàn, được thổi hơi làm bùng lên ngọn lửa.
Hơn hai trăm khách ngồi kín căn phòng, có người phải đứng, những ca khúc vượt biển tị nạn tha hương gợi một thời đau thương khốn khó, lang thang khắp nơi và hi vọng về một tương lai với cuộc sống mới cùng cộng đồng vững mạnh.
Những tiếng hát tha thiết, tiếng đàn ghi ta thùng ấm áp, lòng thuyền nhân bồi hồi, Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 20-7-2019 trở thành kỷ niệm dễ thương. Tất cả rồi qua đi, cũng may mà còn đoạn phim ghi lại và đưa lên Youtube để bằng hữu phương xa và những ai muốn xem . Cuốn phim dài khoảng 2 tiếng đồng hồ và cắt làm Phần 1 và Phần 2.
Xin vào Youtube gõ chữ 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân  hoặc  bấm vào dòng kết nối LINK :

Không có nhận xét nào: