Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Cuộc Trần Ai Ai Dễ Biết ? - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh sinh hoạt trong trại tị nạn Palawan
Tôi quen lệ thức giấc nửa khuya chờ tiếng lộp độp trên mái lều nhà binh của trận mưa đêm, nhưng không nghe thấy.  Đồng hồ đeo tay chỉ hai giờ sáng; Sài gòn giờ này là nửa đêm cuối ngày hôm trước.  Tôi nằm yên không động đậy để khỏi làm Quỳnh Châu ở giường bố bên cạnh thức giấc, và một lát lâu sau nhẹ nhàng buông tay nàng, rón rén ngồi dậy, và vén tấm bạt lều bước ra ngoài trời.  Mặt trăng hình bán nguyệt chênh chếch trên bầu trời chiếu ánh sáng lờ mờ lên những chiếc lều trống chung quanh.  Ở bìa rừng lập lòe bóng ma trơi.  Bỗng nhiên, tôi rùng mình nhận ra cảnh tượng trước mắt thật quen thuộc:  tôi đã thấy trong giấc mơ nhiều lần trước đây khoảng ba năm.
<!>
Có người nắm nhẹ tay tôi.  Tôi quay lại, Quỳnh Châu đứng sát vào người tôi và tựa đầu lên vai tôi.  Tôi kể nàng nghe giấc mơ ngày cũ.  Lạ thay, nàng cũng sửng sốt không kém,
            “Chồng yêu, không phải chỉ mình anh có giấc mơ tiên báo này.  Vào mùa hè đỏ lửa 1972 ở bên nhà, lúc học ở Stanford, ban đêm em ngủ mơ thấy anh đứng nhìn trăng với em y hịch như bây giờ.  Từ đó, em tâm nguyện dù lưu lạc đến chân trời góc biển, em cũng sẽ trở về với anh.”
            “Vậy là cô vợ dễ thương giỏi hơn anh.  Chưa bao giờ anh hiểu ra các giấc mơ báo trước cho đến khi chúng thực sự xảy ra.  Ngày học trung học, anh ước mơ làm kỹ sư, say mê hình ảnh mình xắn tay áo đội mũ an toàn đi vào nhà máy hay ra công trường chỉ huy thợ thuyền, và học ngày học đêm để đạt tới ước nguyện.  Vậy mà cứ nằm mơ thấy mình cầm viên phấn đứng trên bục giảng giảng bài.  Tám năm sau, lần đầu tiên xách cặp bước vào giảng đường, anh giật mình vì quang cảnh lớp học hệt như giấc mơ ngày trước.”
Đêm khuya vắng lặng và bóng đêm huyền ảo bao trùm trại Orote Point.  Hơn ba mươi năm trước, cuối thế chiến thứ II, nơi đây là bãi ác chiến giữa quân Hoa kỳ tái chiếm đảo Guam và quân Nhật đã chiếm đóng đảo này hơn hai năm rưỡi.  Hơn 18 ngàn lính Nhật tử thương, và số đầu hàng không tới 500.  Khoảng hai ngàn thường dân, hay mười phần trăm dân số Guam hồi đó, đã thiệt mạng vì cuộc chiến.  Tôi bùi ngùi nhớ lại các biến cố đời mình trong hai mươi bảy năm sống trong chiến tranh với hai lần rời quê hương, và vuốt tóc Quỳnh Châu,
            “Mỗi lần anh trải qua một ngã rẽ của cuộc đời, dù thành công hay thất bại, mẹ cũng nói anh có quới nhơn phò hộ.  Nay anh khám phá ra quới nhơn thực của anh chính là em, người vợ yêu dấu và cũng là điều kỳ diệu nhất xảy tới cho anh.”
            “Cám ơn chồng!  Em yêu anh đến nỗi em nằm trong lều mà anh bước ra ngoài em cũng thấy nhớ.  Anh ơi, đã biết số mệnh đã an bài và tạo hóa có khi tiết lộ tương lai đời mình qua các giấc mơ bí ẩn, sao tối qua anh ngủ không yên nửa đêm thức giấc và ra đây?”
            “Anh giận mình đã vô tâm đến nỗi trong hai tháng tính toán chuyện di tản mà không nghĩ tới chuyện đổi vài chục đô-la lận lưng cho vợ và các em chi dùng.  Để cho các em phải nhịn thèm như hôm qua.”
Chiều hôm qua tôi và Quỳnh Châu cùng các em ra bãi biển chơi.  Hai vợ chồng ngồi trong nhà mát trò chuyện, trong lúc thằng Sang đưa em đi xem dải san hô ngầm sát bờ.  Đột nhiên từ chiếc nhà mát khác ở đằng xa, anh Hán chạy lại,
            “Cậu nhớ anh Bảng không nhỉ?  Gặp lại nhau hôm kia, chúng tôi rủ nhau ra bãi biển và đang ngồi với nhau bên kia.”  Anh Bảng bạn anh Hán là một giáo sư có uy tín nổi tiếng Sài gòn.
            “Anh Bảng có ba đứa con đặt tên ở nhà là con Gà, con Cút, và thằng Còm, sao em không nhớ?”
            “Anh ấy và gia đình nhà vợ đi sang đây.  Chị mệt nằm nghỉ ở lều, anh Bảng phải chăn mấy đứa con, sợ chúng nó chạy xuống nước sóng cuốn đi mất.  Ồ, hình như anh ấy đang mua kem và thức uống giải khát; cậu đợi tôi một lát.

Anh Hán trở lại trên tay cầm một lon root beer.  Được anh Bảng mua mời, anh đưa lon nước lên môi vờ uống rồi mang sang cho tôi.  Nghe nói “bia” (beer) tôi nghĩ đến mùi men rượu nhè nhẹ và vị hoa hốt bố đăng đắng của bia “33” quen thuộc và uống ngay một ngụm rồi nhăn mặt,
“Bia gì mà dở ẹt như xá xị Con Cọp bên mình?”
Là xá xị thứ thiệt mà!  Tôi tưởng cậu giỏi tiếng Anh tiếng U thừa biết root beer là gì chứ,” anh Hán nói đùa, nhưng tôi thẹn tai nóng bừng; tôi thèm bia nên quên béng đi nghĩa chữ “root beer” thông thường.
“Chê thì để đó cho tụi em, chớ phí của trời,” Quỳnh Châu giật lấy lon nước ngọt và chia cho Bình và hai em nhỏ nhất, mỗi đứa được hai ba ngụm.  Lon xá xị chia cho sáu người!  Thằng Sang trở lại trễ không có phần, nó nháy mắt hóm hỉnh cười, “Nước ngọt có đường, chị Châu uống nhiều quá coi chừng bị hư răng!”
* * *
Thời trang mùa hè ở “Thành phố Lều” là chiếc mũ lưỡi trai (hay kết, do tiếng Pháp casquette) giả chỉ có vành mũ nối với một cái dải vải nịt quanh đầu mà không có phần che đỉnh đầu người Mỹ đội che nắng khi đánh quần vợt hay coi đánh baseball (dã cầu hay bóng chày).  Thứ mũ này được công nhân người Phi mang từ bên ngoài vào bán ba đô-la một cái, và trên con đường chính của trại và ngoài bãi biển, thanh thiếu niên con nhà giàu đội . . . chạy đầy đường.  Tôi không khỏi ganh tị với các bạn trẻ đang học đòi làm người Mỹ này vì với ba đô-la, tôi có thể vào pi-ếch (PX) mua một bịch thuốc lá Lucky Strike Lời Ước Của Kẻ Yêu mười gói hút cho đã đời, hay một xâu bia Budweiser sáu lon uống cho bõ những ngày cơ cực, và còn lại đủ tiền mua một bọc kim may và hai cuộn chỉ trắng đen cho Quỳnh Châu và Bình khâu vá áo quần.  Lúc ra đi, ngoài bộ đồ trên người, mỗi đứa chúng tôi chỉ có một bộ áo quần trong xắc tay; hai bộ dùng hoài đã mòn rách hay sút chỉ.
Nhưng tôi không có ba đô-la.  Tôi nhăn nhó cười với Quỳnh Châu,
“Nói theo kiểu mấy anh Cộng sản nhà quê, anh là kẻ ‘vô sản chuyên chính.’  Orote Point không cho nhận thư từ nên anh đành làm tên ‘bần cố nông,’ vào trong đất liền mới cầu cứu bạn bè được.”
            “Em có thể làm cho ôông dôông bác thằng Bần thành . . . trăm phú có bạc trăm trong tay, nếu anh đồng ý,” nàng cười rụt rè.
            “Em nói thử thì biết anh đồng ý hay không liền,” tôi đã đoán ra điều nàng tính làm.
            “Anh nhớ trong số nữ trang dùng làm sính lễ đám cưới tụi mình, em còn giữ đôi hoa tai và chiếc kiềng vàng?”
            “Cám ơn vợ yêu, nhưng đôi hoa tai là ‘bông con gái’ của em, và chiếc kiềng vàng là của gia bảo truyền lại từ mụ sơ.  Anh thiếu thuốc lá hút hay các em không có nước ngọt uống đôi ba tuần cũng chưa chết thằng Tây nào; gia sản chỉ có từng đó, đem mại đi thì mai mốt lấy gì cho con gái?”

Mua bán vàng là hoạt động thương mại duy nhất ở trại Orote Point.  Nếu vàng là thứ của cải để dành và cất giữ chắc chắn nhất trong thời chiến tranh, nó trở thành bất tiện trong trại tỵ nạn.  Các thương gia kim hoàn ở ngoài Agana (làng thủ phủ của Guam) và Dededo (làng đông dân nhất đảo) có lẽ biết vậy nên kéo nhau vào đặt kiosk(quán hay sạp) dọc theo con đường chính, thuê người thông dịch, và giăng bảng quảng cáo mua vàng với giá thị trường..  Phần lớn những người bán vàng là ngư dân, những người bị gọi mỉa là “danh ca” (“đánh cá” không bỏ dấu tiếng Việt); có gia đình bán một lúc đến bốn trăm lượng.  Trong mấy ngày tàn của Việt nam Cộng hòa (“VNCH”), dân chúng các làng chài lưới ven biển hò nhau chất quang gánh, ti-vi, xe Honda, v.v. lên thuyền đánh cá chạy ra hải phận quốc tế.  Họ được tàu Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ, tàu Hải quân VNCH, và thương thuyền di tản vớt.  Họ có mặt ở đây rất đông và rất ồn ào.
Tình cờ tôi nghe lóm hai vợ chồng ngư dân ôm bị tiền rời khỏi kiosk mua vàng trò chuyện với nhau.  Ông chồng có bộ mặt dày dạn nắng mưa hỉ hả trách yêu bà vợ đội khăn mỏ quạ,
            “Tao đã bảo bu mày cứ bình tĩnh nấy vàng ra bán; bọn Mỹ ngu bỏ mẹ đi, chúng  chả biết mình lôn lao muốn tống khứ cái  vàng đó đâu.  Mấy nần tao trừng mắt bảo bu mày đừng có kể nể với thằng thông dịch viên  hai vợ chồng mình ngày đêm lằm ôm vàng trong nều mà no ngay ngáy sợ quân cướp  gí súng đoạt của.  Cũng may  thằng đó không để ý mà lói nại với thằng chủ.”
            “Bố mày ạ, tôi biết thằng chủ Phi Nuật Tân đó thương người Á châu như  lên chả thèm gìm giá mình.   mua vào bằng giá thị trường trăm rưởi một nượng, chứ trả giá thấp xuống vài chục đô-na nữa mình cũng bấm bụng mà bán thôi.  Nhờ mình hết nòng cầu nguyện lên Đức Chúa Trời che chở.  Tạ ơn Chúa, amen,” bà làm dấu thánh giá.
Như bà ngư dân nói, giá vàng trên thị trường hiện tại là 150 đô-la một lượng, nhưng đó là lượng Mỹ hay Troy ounce vào khoảng 31.108 gam chứ không phải lượng ta nặng 37.5 gam, hơn lượng Mỹ hơn 20 phần trăm.  Sau khi tính thêm “chi phí” trừ vào giá bán, trong vòng một buổi và không tốn chút công sức nào, ông chủ tiệm vàng người Mỹ gốc Phi hưởng lợi ít nhất là 30 phần trăm ngon ơ.  Tuy nhiên, dù bị thiệt thòi đáng kể, những kẻ có vàng bán vẫn may mắn hơn tôi và vô số người khác.  Chúng tôi mang theo tiền giấy VNCH nay trở thành giấy lộn vô giá trị.  Chỉ cựu nhân viên sở Mỹ bên “Thành phố Thiếc,” tức là trại Andersen trong căn cứ Không quân Andersen mé bắc đảo Guam, mới được cơ quan cũ bồi thường bằng cách mua lại với hối suất chính thức trước tháng Tư là 750 đồng ăn một đô-la, nhưng chỉ đền bù tối đa hai ngàn đô-la.  Giới hạn này tương đương với khoảng ba năm lương giảng nghiệm viên Đại học Kỹ thuật ở Phú Thọ của tôi.
Buổi tối tụ hợp ở “Ngã Năm Quốc tế,” khi hết chuyện tán gẫu, các bạn tôi quay ra kể xấu “danh ca” để cười đùa và thỏa lòng đố kỵ.  Nào là chen lấn kịch liệt khi xếp hàng lấy thức ăn khiến lính Mỹ than phiền mà họ coi như pha.  Nào là lấy thức ăn ngập ngụa vun đĩa ăn không xuể rồi thản nhiên đổ vào thùng rác và cười hô hố của chùa đổ đi cho sướng tay.  Nào là sau khi ăn no cành hông còn rán lấy thêm hai tay hai đĩa bưng về lều để dành ăn đêm.  Nào là buổi tối cơm nước xong, cha xứ ới lên một tiếng là cả làng quỳ xuống đọc kinh ê a đến khuya, ai ngủ không được rán mà chịu.  Không thiếu gì chuyện để chê bai!
Nhưng bạn tôi biết rằng quân nhân công chức bậc trung như chúng tôi và đám ngư dân đều giống nhau ở chỗ không thuộc vào những giới mà Hoa kỳ mong mỏi sẽ đến đây.  Hoa Thịnh Đốn đã dự liệu rằng chỉ những nhân viên sở Mỹ, sĩ quan cao cấp, và viên chức chính phủ quan trọng mới cần đưa ra khỏi Việt nam để khỏi bị Việt Cộng bắt bớ tù đày và do đó, không hề dự định di tản các thành phần khác.  Trong một phúc trình gửi tới Quốc hội sau này, chính phủ Hoa kỳ tổng kết,
Một nửa số người Việt nam chúng ta định di tản đã không đi được – và một nửa số người chúng ta nhận được đáng lẽ không nên đi.
Đối với tôi, “danh ca” Orote Point là những kẻ bỏ phiếu bằng chân tránh nạn Cộng sản hàng đầu.  Họ rời bỏ quê hương vì yêu tự do – nhất là tự do tín ngưỡng – chứ không phải trốn chạy vì sợ hãi.  Họ dùng và vứt bỏ thuyền đánh cá của họ để ra đi chứ không sử dụng tài nguyên quốc gia hay ỷ lại vào các thương cục tư.  Tôi sẽ không ngần ngại đặt họ ngang hàng với bất cứ “anh hùng” đáng phục nào trong cuộc di cư đổi đời này,
Trong cuộc trần ai ai dễ biết,
Rồi ra mới biết mặt anh hùng.
(Nguyễn Công Trứ - “Đi Thi Tự Vịnh”)
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                       Ngày 15 tháng Năm, 2019

Không có nhận xét nào: