Chiều âm u, gió lành lạnh của mùa Đông dù là mùa Đông Sài Gòn những ngày giáp Tết cũng khiến cho người đi đường ơn ớn ở hai tay. Xe cộ vẫn đông cứng ở bùng binh lắm ngả. Cứ nhích được từng chút. Chỗ ngả sáu này là nơi một lần tui bị choáng buổi trưa đường vắng, xe tự ngã. Từ đó tui không còn phóng năm sáu chục cây số giờ ở đường phố Sài Gòn nữa mà đi chậm hơn và cũng thường lái xe sát lề đường để tránh nguy hiểm. Hôm nay cũng thế, xe cộ chen lấn nhau, tui đi cặp hè đường trước trường Lê Lợi để quẹo Lý Chính Thắng. Và cũng nhờ thế mà tui thấy hắn. Ban đầu là tui nhìn thấy một ông lão bán bóng bay bên lề, khuôn mặt nhìn quen lắm, nhang nhác người bạn cũ từ thuở nhỏ dù giờ già hơn, hom hem hơn, móm mém hơn.<!>
Tui có một khả năng rất lạ là chuyện xưa chuyện cũ, bạn bè cũ mèm cũng không quên, gặp bạn từ thời Tiểu Học cách đây sáu chục năm, tui còn kể vanh vách nó ngồi bàn nào, cạnh thằng nào. Trong khi những chuyện mới xảy ra gần đây thì quên tuốt luốt. Tui thấy lão này giống y thằng Tùng, thằng bạn học lớp cuối Tiểu Học và mấy năm Đệ Nhất Cấp ở Đà Nẵng. Tui cố chen qua mấy luồng xe, đến cạnh lão và hét lên: Tùng phải không? Tùng ở Đà Nẵng phải không? Ông lão nhìn tui, ngơ ngác, e ngại, hoang mang một lát và lắc đầu: Anh lộn người rồi, tui không phải Tùng. Nhưng mà cái giọng Quảng Nam đặc sệt ấy, cái giọng khào khào ấy, khuôn mặt với con mắt hơi lé kim ấy, đích thị là Tùng.
- Ông chối mần chi, tui nhìn là nhận ra ông liền. Tui là Ngọc, học chung với ông ở trường Nam.
- Tui không phải là Tùng mà. Anh lộn người rồi
- Ông chối nữa đi, ông là Tùng lé kim, bạn học của tui.
- Sao ông nhìn hay vậy. Đã sáu chục năm rồi mà ông còn nhớ sao?
Với tui, thằng Tùng này có hai kỷ niệm cũng là hai cái ơn mà tui không quên được. Một lần đá banh ở Sân Vận động Chi Lăng, hồi đó chân còn bé, đá cái banh nhỏ xíu và đá chân không. Tui bị đạp cái đinh khá bự, máu chảy dầm dề, đỏ loét nhìn sợ lắm. Tùng là thằng cõng tui đến bệnh viện, hắn vừa đi vừa khóc tu tu, vừa mếu máo:
- Mi đừng chết nghe mi, tau đưa mi vô nhà thương, mi không chết mô.
Bây giờ gặp nhau đây sau mấy chục năm không tin tức, đời mỗi đứa mỗi khác, ngồi nghe hắn kể đời hắn mà rớt nước mắt. Hắn học Thủ Đức ra, mang lon Chuẩn uý cũng về lực lượng Biệt Động Quân như Ba hắn. Nhưng dù Ba hắn chọn cho hắn một đơn vị ở văn phòng Hậu Cứ lo chuyện lương bổng của binh sĩ, nhưng hắn không nhận, tình nguyện về đơn vị chiến đấu, đánh nhau ra trò, mấy lần bị thương tưởng chết. Chỉ mấy năm hắn đã đeo lon Trung uý và chuẩn bị nhận huy chương gì đấy thì tan hàng năm 1975. Lúc đó ba hắn đã là Trung Tá. Hắn đi học tập cải tạo ở miền Nam, ba hắn lại bị đưa ra Bắc. Học được hơn hai năm rưỡi thì trong một lần đi lao động hắn trốn trại, về nhà thì mới biết mẹ hắn lấy chồng khác, bán nhà, vượt biên. Hắn lang thang xó chợ, làm đủ nghề để sống, lúc nào cũng sợ bị bắt. Hắn đạp xích lô, lại thấy nghề xích lô lúc nào cũng chường mặt ra phố, dễ bị tóm quá, hắn chuyển qua làm thợ cho một lò bún, suốt ngày ở trong lò, yên thân. Nhưng rồi chẳng yên thân như hắn nghĩ. Bà chủ lò bún dù đang ở với chồng đã có hai mặt con lại si mê hắn. Một đêm bà lẻn vào phòng hắn, sức trai khoẻ như voi, hắn quần bà đến mấy lần, bà ta lại càng cuồng si hắn, lẻn vào phòng hắn liên tục. Đi đêm ắt có ngày gặp ma, ông chủ lò bún phát hiện vợ mình đang cỡi trên bụng hắn, phi như phi ngựa đường trường. Hắn bị phang mấy gậy, một cú vào chân gãy ngay ống quyển, băng bột mấy tháng trời và đành từ giã lò bún, giã từ người đàn bà dâm loạn. Cũng may cho hắn, tay chủ lò bún không tố cáo hắn, nếu không hắn cũng tù mút chỉ cà tha. Thế là hắn lại lang thang bụi đời.
Vào Sài Gòn, hắn nghĩ phải an cư mới lạc nghiệp được nên đi kiếm miếng đất, xây cái nhà, mọi việc tính sau.. Thế là suốt ngày đi làm thợ hồ, rảnh rỗi hắn đi tìm mua đất. Được cò giới thiệu miếng đất ở Thủ Thiêm, hơn trăm mét mà chỉ có mấy trăm triệu, hắn vừa ý lắm. Nhưng hắn nghe phong phanh vùng này đang có kế hoạch quy hoạch. Để chắc ăn, hắn ra hỏi uỷ ban. Phòng nhà đất của quận bảo hắn khu vực đấy ngoài ranh, quy hoạch chẳng ảnh hưởng gì, thế là hắn chồng tiền, nhận đất, mua bán có giấy tờ đàng hoàng. Hắn xây cái nhà nho nhỏ hai phòng ngủ, cắc củm mua vài cây hoa, mấy giò lan, xây cái hồ cá be bé trước hiên nhà, vui thú với cỏ cây. Từ thằng phụ hồ, sơn nước, hắn tiến lên nhận thầu xây những căn nhà cấp bốn, thu nhập cũng không đến nỗi nào.
- Thôi thì, tất cả cũng đang qua, đời tau, đời mi rồi cũng sẽ qua. Bây giờ tau tính ri, mi về ở với gia đình tau, tau thu xếp cho mi một phòng, ban ngày mi muốn làm chi, mua bán chi là việc của mi, tối mi về với tau. Khi nào vụ đất đai của mi giải quyết, lúc đó tính sau.
- Không được, tau không thể làm cho sinh hoạt gia đình mi xáo trộn, tau lại bệnh hoạn liên miên, nhà mi sẽ khổ với tau lắm. Tau cám ơn mi đã không quên thằng bạn cũ nhiều bất hạnh này, được vậy là tau đã sướng lắm rồi.
- Thôi rứa cũng được! Mi không về nhà tau ở cũng được, nhưng tau sẽ thuê cho mi một căn phòng ở gần nhà tau, có chi chạy qua chạy lại cho gần. Khi nào đất mi xong thì lại tính. Khỏi bàn nữa. Uống ly nữa rồi về.
- Ờ rứa đi, nhưng có chuyện này tau nghĩ nãy chừ, chừ mới nói, tau muốn nhờ mi, bác sĩ bảo tau bị viêm gan siêu vi C, lại thêm vết thương trong phổi, chắc cũng sống không bao lâu nữa. Nếu mi biết tau chết, mi dem tau đi thiêu rồi rải tro xuống sông, mi giúp tau lần cuối vì tau chẳng còn ai. Nhưng mà nhớ, có ghi tên tuổi tau, có vái cho tau thì nhớ vái tên Lê Văn Tùng, không phải Hoàng Lê nghe mi, nhớ chưa. Trung uý BĐQ Lê Văn Tùng, con Trung Tá BĐQ Lê Văn Định. Nhớ rứa nghe. Được rứa là tau đội ơn mi lắm.
Đỗ Duy Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét