Đội tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt, và USS Nimitz tại Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 12/11/2017.James Griffin/U.S. Navy/Handout via REUTERS
Hoa Kỳ không còn ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương và có thể ngày càng khó bảo vệ các đồng minh chống lại Trung Quốc, nước có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trong khu vực.Theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ tại Đại Học Sydney, được công bố ngày 19/08/2019, quân đội Mỹ là một “lực lượng đang bị teo lại”, với năng lực đã bị “vượt qua một cách nguy hiểm” và “thiếu chuẩn bị tốt” cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
<!>
Hãng tin Pháp AFP nhận xét : Nếu sự thực là như vậy, thì đánh giá của các chuyên gia Úc có ý nghĩa hệ trọng đối với nhiều đồng minh của Mỹ như Úc, Đài Loan hay Nhật Bản, những nước phụ thuộc nhiều vào các bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.
Báo cáo nhận định, sự kiện tổng thống Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” lên cầm quyền tại Washington, đã làm các đồng minh Mỹ thêm lo ngại về khả năng Hoa Kỳ sẽ bớt mặn mà trong việc bảo vệ các đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược chẳng hạn.
Thậm chí báo cáo còn cho rằng ngay cả khi muốn can thiệp, Hoa Kỳ cũng có thể gặp khó khăn.
Về Trung Quốc, các tác giả của công trình nghiên cứu thấy rằng Bắc Kinh ngày càng có khả năng dùng võ lực thách thức trật tự khu vực nhờ vào những khoản đầu tư quy mô lớn vào các phương tiện quân sự tiên tiến.
Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần 75% lên thành 178 tỷ đô la. Tuy nhiên con số chính thức này thường bị cho là thấp hơn so với thực tế.
Báo cáo đặc biệt chú ý đến các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các hệ thống tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao và các hệ thống chống can thiệp. Các loại vũ khí này sẽ gây khó khăn cho Mỹ khi cần đưa lực lượng đến một khu vực tranh chấp.
Theo công trình nghiên cứu Úc, “hầu hết các căn cứ của Mỹ và đồng minh, các phi đạo, hải cảng, cơ sở quân sự, ở Tây Thái Bình Dương” đều thiếu cơ sở hạ tầng và đang bị đe dọa.
Những điểm yếu kể trên có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc đánh chiếm được các vùng lãnh thổ như Đài Loan, các đảo do Nhật Bản quản lý hoặc các khu vực trên Biển Đông trong khi các lực lượng Mỹ không kịp can thiệp.
Đối với các chuyên gia Úc, để chống lại Trung Quốc, Mỹ cần phải cho triển khai hệ thống tên lửa trên bộ và thay đổi vai trò của Thủy Quân Lục Chiến, đồng thời đánh giá lại các chiến lược phòng thủ khu vực, gắn kết hơn với Nhật Bản và Úc.
Không quân Mỹ “sẽ không từ bỏ” tuần tra tại Biển Đông
Chiến đấu cơ Mỹ F/A -18 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Regan, trong vùng Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/09/2017.REUTERS/Bobby Yip
Hôm 16/08/2019, tổng tham mưu trưởng Không Lực Hoa Kỳ David Goldfein tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công.
Theo trang thông tin Philippines Rappler.com, trong chuyến thăm Manila, Philippines ngày 16/08/2019, tướng David Goldfein đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế qua điện thoại. Khi được hỏi về mức độ răn đe của hải quân và không quân Mỹ trước các hành động bành trướng của Trung Quốc trong thời gian qua, tướng Golfein tuyên bố “sẽ không từ bỏ khả năng bay hay đi qua” vùng biển mà Mỹ cảm thấy cần thiết.
Người đứng đầu lực lượng không quân Mỹ yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và coi các hành động vi phạm là “điều đáng quan ngại”.
Ông khẳng định: các cam kết và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực cho thấy Hoa Kỳ bảo đảm duy trì nơi đây thành khu vực chung rộng mở cho tất cả các nước. Và "tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều hưởng lợi nhờ có tự do lưu thông."
Tình hình Biển Đông những năm gần đây trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa khu vực này. Hành động tuần tra trên biển của Hoa Kỳ là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc coi Hoa Kỳ "quốc gia ngoài vùng” và yêu cầu không can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét