Bà quả phụ Nguyễn Thị Xa trong những ngày Tháng Tư năm 2016 ở Sài Gòn
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
SÀI GÒN (NV) – Không ai nghĩ trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, lại có cái chợ. Có khi chính những cái chợ nhỏ kiểu này là nơi nuôi sống nhiều gia đình công chức, sĩ quan của chính thể VNCH và những ai bị mất tất cả sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.Trong con hẻm này, chúng tôi gặp bà quả phụ Nguyễn Thị Xa, vợ cố trung tá sư đoàn Dù, quân lực VNCH, Trần Văn Sơn. <!>Bà Xa, ở tuổi ngoài bảy mươi, sức khỏe kém và trải qua hơn 40 năm buôn bán lam lũ kiếm sống nuôi 9 người con khi người chồng tử trận, vẫn giữ cốt cách của một phu nhân lữ đoàn phó, Lữ Ðoàn 2, thuộc một sư đoàn VNCH tinh nhuệ.
Nói bằng giọng người Bắc-Sài Gòn trầm ấm, bà Nguyễn Thị Xa cho biết, bà là người Bắc, gia đình vào Nam năm 1942, còn cố Trung Tá Trần Văn Sơn người tỉnh Quảng Trị.
Bà là nữ sinh trường Nguyễn Văn Khuê, ông học trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Ðức và như các mối tình của những người thanh niên yêu lý tưởng quốc gia và chính thể Dân Chủ-Tự Do, họ lập gia đình trong thời chiến, chấp nhận mọi hiểm nguy một lòng phụng sự lý tưởng “Tổ Quốc Trên Hết.”
Tìm chồng trong ngày tàn chiến cuộc
Khi nhớ về chuyện xưa, bà Nguyễn Thị Xa kiềm nén xúc động, kể: “Ở tận Gio Linh, Quảng Trị, anh Sơn bị thương một mắt. Tôi hỏi, giờ anh đã là thương binh anh ở nhà với vợ con em, đừng đi trận nữa. Anh cười nhìn tôi rồi nhìn mấy đứa con nhỏ, lặng lẽ gật đầu nhưng ánh mắt anh lại nhìn về hướng khác. Sau đó anh lại đi. Tôi buồn nhưng không trách anh, thời chiến mà biết làm sao được!”
Cố Trung Tá Trần Văn Sơn sinh năm 1940, là sinh viên sĩ quan Thủ Ðức khóa 11, là sĩ quan của binh chủng Nhảy Dù, đời binh nghiệp của ông trải suốt các điểm nóng trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến.
Bà quả phụ Nguyễn Thị Xa kể tiếp: “Tôi nhớ vào khoảng đầu Tháng Tư, 1975, tôi không còn tin tức gì về anh nhưng không biết anh đã mất. Tôi lên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và căn cứ ở Long Bình để hỏi nhưng họ cũng không biết. Sau đó có đồng đội ảnh cho biết là ngày 15 Tháng Tư ảnh có nói chuyện trên đài. Tôi lại lên Bộ Tư Lệnh sư đoàn để đón những người chạy về hỏi tin tức. Không ai biết cả.”
Chân dung cố Trung Tá Trần Văn Sơn, lúc còn mang lon trung úy.
Theo bà Xa, gạch trắng dưới hai bông mai trong tấm ảnh chân dung này của
ông là do gia đình thêm vào để lấy làm ảnh thờ tại gia (Hình: Trần Tiến Dũng chụp lại)
“Ở gần nhà tôi là nhà ông lữ đoàn trưởng, cùng là vợ lính nên bà lữ đoàn trưởng cho tôi biết chồng bà và chồng tôi đã hy sinh. Sau đó, Bộ Tư Lệnh sư đoàn có nói là sẽ đón gia đình tôi đi di tản, nhưng tôi không đi vì không tin chồng mình hy sinh. Tôi nhủ lòng tiếp tục đợi anh, hơn nữa lúc đó cả đàn con còn nhỏ quá, tôi lại đang mang bầu đứa út, không thể đi. Rồi tôi gặp một ông đại tá, ông cho tôi hy vọng khi nói chồng tôi còn sống, đang bị giam ở đầm Bà Thìn, tôi mừng quá và tin là anh đã qua khỏi hiểm nguy.”
Vẫn theo lời bà Xa: “Sau 30 Tháng Tư, tôi có xin phép chính quyền Việt Cộng để đi Phan Rang tìm anh. Họ không cho giấy phép nhưng tôi liều đi đại. Tôi đón xe balua chở hàng đến Phan Rang. Tôi kiếm anh ở mọi nhà thương, nhà tù, nhà thờ, nhà chùa. Không ai biết gì về anh. Ði đâu cũng nghe người ta nói: Người chết nhiều quá làm sao biết ai với ai.”
Ở Phan Rang, tôi mừng muốn phát điên khi gặp một chiếc xe Jeep có huy hiệu binh chủng Nhảy Dù bị lật bên đường, không hiểu sao tôi tin trong chiếc xe đó có tin về anh. Nhưng rồi tôi lại tuyệt vọng khi người dân ở đây nói: “Dân quanh đây chôn lính mình nhiều lắm, có đọc được tên trên áo cũng không nhớ nổi, mà cũng đâu có ai giữ thẻ bài làm gì.”
Tảo tần nuôi 9 người con
Sau khi biết không cách nào giữ được căn nhà gần bệnh viện Vì Dân, ở Sài Gòn, bà quả phụ Nguyễn Thị Xa dắt 9 đứa con đi kinh tế mới ở Cụ Bị, Bà Rịa.
Bà Nguyễn Thị Xa cho biết chỉ ở kinh tế mới 5 năm. Sau đó về lại Sài Gòn và tiếp tục mua bán để nuôi con. Chúng tôi hỏi, được biết bà trải qua tất cả mọi nghề mua gánh bán bưng, có lúc làm cả nghề mua bán ve chai để nuôi con. Bà nhìn chúng tôi, ánh mắt của người mẹ già như đang tìm lại được ánh sáng tinh anh từ nghị lực ngày trước.
Bà nói: “Anh đừng nói tôi mua bán ve chai, cứ nói chung chung là tôi mua bán đồ cũ là được rồi. Tôi may mắn có mấy đứa con trai đầu biết phụ mẹ nuôi em. Cực khổ lắm anh. Họ xét lý lịch, đâu cho con mình học hành tới nơi tới chốn, phải lao động thuê mướn cho người ta khổ cực ngàn lần hơn mới kiếm sống được.”
Giấy thăng cấp cố Trung Tá Trần Văn Sơn được gia đình gìn giữ. (Hình: Trần Tiến Dũng chụp lại)
Ðồi Con Ngỗng và nguyện vọng người quả phụ
Những câu chuyện về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam, hầu như được kể lại từ nhiều phía. Bỏ qua yếu tố tô son trét phấn của bên thắng cuộc, dư luận công chính luôn ý thức rằng: Chính nghĩa của cuộc chiến tranh không thuộc về bên chiến thắng với những chiếm đoạt, phân biệt đối xử tồi tệ với người lính thua cuộc và gia đình họ.
Cách khác, sự tồn tại và vươn lên từ đống tro tàn cuộc chiến của gia đình những quân nhân VNCH đã buông súng trong suốt thời hậu chiến mới là người thật sự chiến thắng, chiến thắng của phẩm giá và quyền con người trong nghịch cảnh đau thương nhất.
Trong câu chuyện của mình, bà quả phụ Nguyễn Thị Xa luôn nhắc đến những đồng đội của chồng. Bà tế nhị nói: Tôi không rõ chồng tôi ăn ở thế nào với cấp dưới, nhưng mấy chục năm qua các ông ấy dù ở nước ngoài hay trong nước luôn quí trọng anh và nhớ đến gia đình tôi. Bây giờ các ông ấy người đã mất, người thì già rồi nhưng vẫn mong giúp tôi tìm được kỷ vật nào đó của anh để an ủi gia đình.
Cách nay hai năm, tôi và một vài gia đình có đến Ðồi Con Ngỗng ở Phan Rang để tìm lần nữa tin tức hay kỷ vật về anh Sơn.
“Theo chỉ dẫn của một người địa phương, chúng tôi cúng và thắp hương ngay trên đồi cho các tử sĩ VNCH rồi khấn nguyện, nhưng khi đào lên thì cũng chỉ thấy mấy thùng đạn, trong đó là phần xương thịt đã là cát bụi của các anh. Không có bất cứ kỷ vật nào. Nhưng với chúng tôi, cái am thờ bé nhỏ mà chúng tôi chung lòng dựng nên nơi đấy thật sự có ý nghĩa cho cả người đã khuất và người luôn tưởng nhớ.”
Khi được hỏi về nguyện vọng cuối đời, ban đầu bà im lặng, phải một lúc sau mới bùi ngùi nói: “Phần tôi thì chẳng mong muốn gì, có chăng là mong các chị em quả phụ khác, nhất là những người có hoàn cảnh khổ hơn cả tôi được quan tâm hơn.”
Chiến dịch Phan Rang-Xuân Lộc là một trong những trận chiến ác liệt cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt nhất thế kỷ 20. Chính thể VNCH đã bị xâm đoạt và rồi đây lịch sử sẽ minh bạch phán xét. Nhưng ngày nay vẫn còn đó những con người, những gia đình VNCH với nghị lực phi thường, bất kỳ có sự giúp đỡ nào vẫn phải cô độc hàng ngày, hàng giờ cố chữa lành vết thương chiến tranh trên thân xác và tâm hồn để tồn tại. Những ai sống ở trong nước dưới chế độ chuyên chế, nhất là những năm đầu sau biến cố 1975, mới có thể biết các trường hợp như bà quả phụ cố Trung Tá Lữ Ðoàn 2, Binh Chủng Nhảy Dù, quân đội VNCH, để tồn tại được, là khó đến mức nào!
Liên lạc tòa soạn: Editors@nguoi-viet.com
Liên lạc tòa soạn: Editors@nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét