Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Bàn Tay Mới - Trần Mộng Tú


Tôi sinh ra trong một gia đình lao động ở một tỉnh nhỏ. Cha tôi là một thợ mộc rất khéo tay, ông được thuê mỗi khi thành phố cần một món đồ gỗ trưng bày ở các công viên, hay các cửa tiệm tư nhân cần làm đẹp cho mặt tiền. Ông đóng được cả giường, tủ theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng. Bất cứ việc gì liên quan đến gỗ, ông cũng làm tuyệt đẹp. Năm tôi 12 tuổi, cha tôi muốn truyền nghề cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn lớn lên thành một người thợ mộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã muốn trở thành một người chơi dương cầm giỏi như bà Sơ ở nhà thờ. 
<!>
Cha tôi nói, nhà đông con, ông không có khả năng tài chánh để cho tôi học một cái nghề phù phiếm đó. Chơi dương cầm không thể kiếm sống được, chưa kể là liệu tôi có khả năng xuất sắc hay không. Mặc dù không vui, tôi cũng miễn cưỡng đứng học, khi cha tôi chạm trổ những con gấu, con hổ vào những thân cây to cho những công viên thành phố. Mới đầu tôi làm thợ phụ cho cha tôi sai vặt, rồi dần dần cha dạy tôi chạm những cái cành, cái lá nhỏ dưới chân con vật, dạy tôi đóng những góc giường, góc tủ. Tôi học khá nhanh, chăm chỉ và bắt đầu thấy yêu nghề. Cũng có người thuê tôi làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng gỗ cho trẻ con. Nhưng thành thật nói, tôi không được khéo bằng cha tôi dù bấy giờ thị giác của cha tôi kém nhiều. Nhưng những vết cắt của ông vẫn ngọt ngào, những cái đinh ông đóng xuống vẫn rất thẳng, và nhất là ông chọn gỗ cho từng vật dụng vẫn rất chính xác.
Nhưng thời gian thay đổi được mọi việc trong đời. Tôi lớn dần và cha tôi già đi. Tôi bắt đầu thay thế cha tôi. Cha tôi trong những năm cuối đời, ông chỉ đi nhận việc, định giá cho tôi.

Rồi một mùa đông cha tôi mất đi. Người trong tỉnh mỗi khi có việc mộc cần làm, họ gọi tôi là Little Joe, để thay cho (và nhớ đến) cha tôi là Big Joe. Họ nhận thấy, bây giờ tôi đã hoàn toàn thay thế được cha tôi.
Năm đó tôi 30 tuổi, bằng cái tuổi khi cha tôi nổi tiếng. Tôi đã vào được địa vị của cha tôi lúc đó: “Một người thợ mộc khéo nhất tỉnh”, thì một tai nạn xẩy đến.
Trang nhất của tờ báo địa phương Helena-Montana vừa đăng một tin gây xúc động và sửng sốt trong cộng đồng:
Người thợ mộc xuất sắc của chúng ta:Little Joe, sau 3 năm bị tai nạn cưa máy cắt đứt bàn tay phải đã được ráp tay mới ngày hôm qua.
Sau 14 tiếng giải phẫu của 20 bác sĩ. Các bác sĩ đã phải ghép 2 xương, 23 dây chằng, 2 động mạch, 4 mạch máu và ít nhất 3 dây thần kinh. (*)
Sau 6 tháng được hướng dẫn bởi một chuyên viên về vật lý trị liệu (Therapist) bàn tay được ráp của tôi đã làm việc bình thường. Những ngón tay đã không còn một trở ngại nào khi tôi nhặt, nắm, cầm lên, bỏ xuống một vật gì. Tôi bắt đầu trở lại công việc của người thợ mộc. Người ta lại gõ cửa nhà tôi đến đặt bàn, ghế. Nhiều nhất là chạm trổ súc vật trên những khúc cây để trưng bày, đồ chơi với những hình súc vật cho trẻ em, là sở trường của tôi.

Tôi mang những miếng gỗ ra, bắt đầu làm việc. Bàn tay mới của tôi cầm lên, bỏ xuống rất dễ dàng. Nhưng khi tôi bắt đầu uốn lượn khúc gỗ để làm một góc cạnh đẹp thì bàn tay bắt đầu có phản ứng, hình như những ngón tay, dao bào và khúc gỗ không cộng tác với nhau. Những ngón tay cưỡng lại khi tiếng búa chạm vào con dao, khi con dao chạm vào miếng gỗ vang lên. Tôi không thể chạm khắc tỉ mỉ hay làm những góc cạnh gì vào gỗ được. Tất cả, tôi chỉ có thể cầm gỗ lên, đưa vào cưa máy, cắt thành khúc.
Tôi hoàn toàn thất vọng, phải tạm ngưng nhận đặt hàng, báo cho các khách hàng biết là tôi chưa sẵn sàng.
Tôi đóng cửa, nhốt mình trong gian nhà kho, cả ngày tập chạm và đục lên gỗ như cách đây hơn 20 năm trước cha tôi bắt đầu dạy bảo tôi. Cái đầu và bàn tay phải của tôi luôn luôn không hợp tác với nhau. Những ngón tay của tôi khi chạm vào gỗ không có búa và đục nó rất mềm mại, tôi có thể lướt trên mặt gỗ như người ta chơi đàn. Nhưng khi tôi cầm búa, cầm đục, chạm vào gỗ thì những ngón tay cứng đơ ra làm rơi đồ nghề xuống đất.

Sự thất bại này kéo dài cả tuần, rồi cả tháng. Tôi mất hết kiên nhẫn. Có những đêm, tôi thức dậy trong bóng tối, tay trái sờ soạng, cầm sang tay phải của mình. Chao ôi! Một bàn tay rất mềm mại, ấm áp. Tôi hỏi nho nhỏ: Sao không chịu hợp tác với tôi? Bàn tay rung nhẹ lên, rồi lại im lặng, mềm mại, ấm áp. Tôi thấy nước mắt mình rơi trên lưng bàn tay vừa thân thiện vừa xa lạ đó.
Tôi liên lạc với bênh viện, nơi tôi được ráp tay, liên lạc với cơ quan cung cấp nội tạng, ngoại tạng. Khó khăn lắm! Theo luật, người ta không cho tôi biết tiểu sử của người qua đời đã hiến tặng. Nhưng với tất cả cố gắng, cuối cùng tôi chỉ được biết một điều. Bàn tay tôi nhận được là của một “dương cầm thủ”.
Chao ôi! Sao tôi nỡ bắt những ngón tay đặt trên phím ngà kia đi cầm búa, cầm đục. Sao tôi nỡ thay tiếng nhạc thánh thót bằng tiếng kim loại đập vào nhau của búa và đục.

Trước cửa nhà Little Joe, một tấm bảng được treo lên: “Kể từ hôm nay, tôi không nhận đặt hàng nữa.”
Nghe nói, Little Joe bắt đầu đi học dương cầm.

Trần Mộng Tú
7/7/2015
(*) Sáng tác lấy ý từ chuyện thật của Emily Fennell mất bàn tay phải trong tai nạn xe hơi năm 2006. Được ráp tay mới năm 2011. Emily bắt đầu đi Tour thuyết trình về bàn tay mình vào tháng 6/2015.

Không có nhận xét nào: