Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Lời thề năm xưa + Trước Khi Thất Trận - Trần Vũ


Tâm mơ màng rồi từ từ mở mắt. Tiếng sóng biển dạt dào xa xa, gió đùa qua những rặng phi lao và những vì sao mờ nhạt lác đác trên nền trời xanh thẫm khiến chàng định hướng tổng quát được vị trí của mình. Vết thương trên mặt, trên cổ rát rạt vì nước biển mà có lẽ vì vậy, không tấy độc lên chăng. Chàng nằm yên lặng, hé mắt nhìn bầu trời qua những ngọn cây đang lay động theo làn gió. Trời còn tối quá! Mặt cát ẩm ngấm dần vào thân thể khiến toàn thân chàng lạnh ngắt và cứng đờ, Tâm cố gắng quay nhẹ đầu qua một bên, ngoài xa, những ánh đèn ghe đánh cá mờ nhạt. Chỗ này là chỗ nào” Mình đang ở gần một làng đánh cá chăng” Tâm nghĩ. Đầu óc chàng chưa tỉnh nên khó thể nhớ được gì lúc này. 
<!>
Chàng lại quay đầu nhè nhẹ về bên phải, chỉ thấy trời tối đen và mờ mờ những bụi cây cao lao xao trong gió biển. Thỉnh thoảng, nhiều tràng đạn nổ xa xa, đạn đạo vạch những đường lửa vòng cung trên nền trời ngang qua chỗ chàng nằm. Tiếng súng nổ gợi chàng nhớ lại dần dần…

Sau khi bỏ ngỏ Vùng I Chiến Thuật, hầu hết quân dân Vùng I và Vùng II được di tản về Nha Trang bằng các chiến hạm hải quân lớn như Dương Vận Hạm (LST) mang số HQ 502 đến HQ 505, HQ 801; Tuần Dương Hạm (WHEC và DER) như HQ 2, HQ 3, HQ 5 và HQ 17; Hải Vận Hạm (LSM) mang số HQ 402 đến HQ 404, các Hộ Tống Hạm như HQ 7 và HQ 12, Trợ Chiến Hạm HQ 230 và các Tuần Duyên Hạm PGM.

Khoảng sáng ngày 29 tháng 3 năm 75, các chiến hạm thuộc Vùng II Duyên Hải được lệnh di tản sau khi đón thêm dân chúng và các chiến sĩ Sư Đoàn 3, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Sư Đoàn TQLC và Sư Đoàn I Không Quân lên đầy những con tàu xám đậu ngoài khơi Qui Nhơn. Tâm là Hải Quân Trung Úy, hiện làm thuyền trưởng một chiếc Duyên Tốc Đỉnh (PCF), mới đổi về Hải Đội 2 Duyên Phòng đóng tại Qui Nhơn khoảng nửa năm. Tuy có nhiều Duyên Tốc Đỉnh thuộc các hải đội duyên phòng Vùng I Duyên Hải và Vùng II Duyên Hải hiện diện tại bãi biển Qui Nhơn, nhưng PCF thường được xử dụng như lực lượng yểm trợ, liên lạc, hộ tống hoặc làm con thoi đưa rước quân dân ra các chiến hạm ngoài khơi. Duyên Tốc Đỉnh cũng giữ nhiệm vụ tuần tiễu gần bờ làm rào cản và yểm trợ an ninh cho các Hải Vận Hạm ủi bãi đón quân nhân cùng dân chúng trong bờ ra các chiến hạm lớn đậu ngoài biển.

Số quân nhân và dân chúng tụ tập trên bờ quá đông lẫn lộn với đủ loại xe cơ giới như thiết giáp, xe lội nước M 113, quân xa, xe dân sự, xe gắn máy… Sở dĩ các chiến hạm đậu xa bờ biển vì bờ biển Qui Nhơn thoai thoải và nông chỉ thích hợp cho các hải vận hạm hoặc tiểu đĩnh đổ bộ ủi bãi mà thôi. Hơn nữa, vì vấn đề an ninh nên vị Tư Lệnh Vùng II Duyên Hải kiêm Tư Lệnh Tiền Phương là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh cho tàu lềnh bềnh ngoài biển để tránh tình trạng một số quân dân di tản ùa lên tàu hoặc uy hiếp tàu hải quân tách bến trở về các thành phố chưa bị bỏ ngỏ. Đấy là một quyết định sáng suốt, rút kinh nghiệm từ cuộc di tản quân dân từ Huế và Đà Nẵng tại bãi biển Thuận An, nhằm mục đích giữ an ninh cho con tàu, sinh mạng thủy- thủ- đoàn cùng tất cả quân nhân và dân chúng đang hiện diện trên các chiến hạm.

Mấy hôm trước, khi các tàu hải quân được lệnh di tản quân dân Vùng I tại bãi biển Thuận An, một số quân nhân vô- kỷ- luật đã bất chấp lệnh cấp chỉ huy, bất chấp đám đông đồng đội và dân chúng đang đợi chiến hạm vào đón, cho chiến xa lội nước cán bừa lên đám đông để dành ra khơi trước, tiến về các chiến hạm chưa kịp vào sát bờ. Hành động man rợ đó đã gây tử nạn và thương tích cho nhiều quân nhân và thường dân vô tội và khiến hạm trưởng các chiến hạm hải quân hoảng sợ phải rút ra khơi. Tuy dành được ưu tiên nhưng chiếc M 113 này đã bị mấy phát đại bác trừng phạt đích đáng từ chiếc xe tăng của chính đồng đội trên bờ bắn nổ tung rồi chìm lỉm trong lòng biển trước khi nó kịp đến chiến hạm. Người quân nhân VNCH chân chính một đời chấp nhận gian khổ bảo vệ chính nghĩa quốc gia, bảo vệ miền Nam và đời sống tự do no ấm cho người dân miền Nam không bao giờ chấp nhận hành động vô kỷ luật và thái độ coi thường sinh mạng người dân như vậy!


Dù đã đề phòng cẩn mật mà hôm 29 tháng 3, ngay tại bãi biển Tiên Sa, khi hai chiếc HQ 402 và 403 đang tiến vào bờ thì tình trạng hỗn loạn xảy ra: vài Thiết Vận Xa M 113 tiến lên dành chỗ trước, giây xích sắt nghiến lên thân xác đám đông đang chờ đợi mặc dù các chiến hạm gọi loa báo cho biết tàu sẽ tuần tự vào nhiều lần đưa đón quân dân ra tàu lớn một cách trật tự. Bãi biển Tiên Sa chỉ ổn định được mươi phút, khi HQ 402 và HQ 403 sửa soạn ủi bãi thì đám đông quân và dân đã mạnh ai người ấy ào ào lội ra leo lên chiến hạm.

Một lần nữa, các Thiết Vận Xa và GMC lại cán bừa lên quân dân để tiến lên tàu. Hành động hỗn loạn, vô- trách- nhiệm đó gây kinh hoàng chết chóc cho bao nhiêu người dân vô tội và những loạt đạn nả vào hai chiến hạm đe dọa sự sinh tồn của HQ 402 và HQ 403 nên hai chiến hạm này phải rút ra khơi mặc cho đám đông vật lộn với xe lội nước dành nhau lên tàu. Cảnh máu hòa nước đỏ một vùng biển Tiên Sa lẫn với những xác người, những mảnh thân thể bị chân vịt chiến hạm chém đứt trồi lên hụp xuống theo giòng nước xoáy gieo trong óc Tâm ấn tượng hãi hùng khó gột rửa.

Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, hạm đội di tản hiện diện tại vùng biển Qui Nhơn được lệnh tác xạ phá hủy những bồn dầu tại ngã ba Quốc Lộ 1 và đường vào thị xã Qui Nhơn trước khi khởi hành đưa dân di tản về Nha Trang. Mươi phút sau, những khẩu đại bác 127 li và 76 li trên các Tuần Dương Hạm WHEC, DER từ ngoài khơi lần lượt khai hỏa. Tiếng đại bác nổ vang và khói trắng tỏa lên trước mũi súng như những cụm mây nhỏ suốt gần nửa tiếng đồng hồ mới ngưng hẳn. Từ ngoài biển nhìn vào, Tâm chỉ thấy một khung cảnh hỗn độn gồm người cùng xe cộ đông nghẹt trên bờ cát vàng có hàng dừa xanh viền quanh nổi bật trên hậu cảnh là những cuộn khói đen và lửa đỏ đang bốc lên cao che một góc trời.

Đoàn tàu di tản khởi hành xuôi về Nha Trang bỏ lại đằng sau bãi biển Qui Nhơn mờ dần và biển khơi càng lúc càng mênh mông, màu nước càng thêm đậm. Giờ đây chỉ còn trời, biển và đoàn tàu lầm lũi tiến, thỉnh thoảng đoàn tàu vượt qua những chiếc ghe nhỏ hoặc tròn như chiếc thúng với những cánh tay nhỏ bé giơ lên vẫy gọi. Đến trưa hôm sau, đoàn tàu lại vượt qua một chiếc tàu giòng kéo theo bốn chiếc xà lan mà trên đó đầy nhóc những thường dân lẫn quân nhân mặc đủ loại quân phục với cả ba lô, súng ống. Những bàn tay đồng loạt đưa lên vẫy kêu cứu một cách tuyệt vọng khi đoàn tàu hải quân dửng dưng, bình thản rẽ sóng vì trên những con tàu lớn hay nhỏ nào cũng đã chở theo đầy người, quá số người con tàu có thể chở được.

Qua ống nhòm đeo trước ngực, Tâm nhìn thấy chữ Seapac trên chiếc tàu giòng chạy chậm như rùa bò vì phải kéo theo 4 chiếc xà lan quá nặng. Chàng cảm thấy bất nhẫn và thương tâm vô cùng vì đám đông trên những chiếc xà lan dường như đều kiệt sức có lẽ vì đói vì khát và chen chúc hỗn loạn trong lòng xà lan sắt nóng bỏng dưới cái nắng thiêu đốt nung người, đây đó vài tấm vải nhỏ giăng lên che đỡ nắng mưa. Đoàn tàu hải quân không dám chạy lại gần chiếc tàu giòng kéo mấy chiếc xà lan mà giữ khoảng cách an toàn xa xa. Khi qua khỏi chiếc tàu kéo xà lan rồi mà Tâm còn nghe những tiếng kêu cứu hòa lẫn tiếng chửi thề và cả những tiếng súng cá nhân nổ vang và những viên đạn rơi lõm bõm xuống biển hướng về đoàn tàu di tản.

Sau khi về đến vùng biển Nha Trang, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh các chiến hạm tuần tiễu cẩn mật và chặn bắt các tầu lạ xâm nhập hải phận Vùng II từ Nha Trang đến Cam Ranh. Một số chiến hạm được lệnh vào Nha Trang chờ lệnh vì một tuyến phòng thủ mới có thể được thiết lập để chặn địch quân tại đây hoặc Phan Rang. Tuần tiễu ngoài biển, dùng ống nhòm nhìn vào bờ, Tâm thấy dọc theo bãi biển Nha Trang dài hàng mấy cây số, đông nghẹt người cùng xe cộ, nhiều ánh đèn xe chiếu thẳng ra khơi như ra dấu hiệu kêu cứu. Tuy nhiên, Tâm quan sát mãi khắp nơi mà vẫn chưa ghi nhận bóng dáng địch quân trên bờ.

Trên biển, bên ngoài Hòn Yến và Hòn Tre, thời gian này, Tâm thấy có nhiều tàu ngoại quốc treo cờ Trung Cộng, Nga Sô và các nước Cộng Sản ngang nhiên xâm nhập hải phận Việt Nam. Đa số những tàu hàng này có trọng tải lớn và vận tốc nhanh nên chiến hạm ta khó đuổi kịp chúng mà chiến hạm cũng không được lệnh bắn nên chúng nghênh ngang như thách đố. Ngày định mệnh của Tâm đã đến, một chiếc Hộ Tống Hạm chận đầu định khám xét chiếc tàu mang cờ đỏ có hình búa liềm Trung Cộng mà bọn chàng vẫn thấy nó theo sát hạm đội Hải Quân Việt Nam như hình với bóng từ lúc còn trong biển Vùng I. Do kinh nghiệm, chàng biết chiếc tàu Trung Cộng có thể là tàu gián điệp đang bám sát theo dõi Hạm Đội di tản. Liên lạc truyền tin được thiết lập, tín hiệu Morse đánh đi nhưng chiếc tàu Trung Cộng vẫn lướt đến vùn vụt khiến chiếc Hộ Tống Hạm phải vội né tránh sang một bên.

Chứng kiến cảnh đó, Tâm bừng bừng lửa giận, niềm kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, con cháu Thánh Tổ Trần Hưng Đạo chổi dậy trong lòng nhất là vào lúc vận nước ngửa nghiêng như hiện nay. Năm 74, Tâm phục vụ trên chiếc Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 tham dự Trận Hải Chiến Hoàng Sa khi Hạm Đội Trung Cộng xâm nhập lãnh hải, khiêu khích rồi đổ bộ chiếm mấy đảo thuộc Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã hiên ngang tham dự trận hải chiến, đánh chìm 2 chiến hạm TQ và bắn hư hại nặng hai chiếc khác và trả giá bằng chiếc HQ 10 bị chìm, Hạm Trưởng và Hạm Phó chết theo tàu. Tâm cùng nhiều đoàn viên khác được tàu bên ta vớt sau lệnh đào thoát của Hạm Trưởng. Giờ đây, một chiếc tàu hàng Trung Cộng lợi dụng cảnh “giậu đổ bìm leo” dám thách thức Hạm Đội Hải Quân Việt Nam và Tâm không thể chấp nhận được hành động khiêu khích này.

Thấy thủy- thủ- đoàn đang sẵn sàng trong nhiệm sở tác chiến, ra lệnh cho nhân viên chuẩn bị xong, lòng đầy tự tin, Tâm đẩy mạnh cần lái phóng thẳng vào hông trái chiếc tàu Trung Cộng, khẩu đại liên 50 li đúp trước mũi nhắm vào thân tàu hàng TQ ngang tầm nước nhả đạn. Bị trúng đạn, có lẽ kinh ngạc vì bất ngờ bị tấn công, chiếc tàu hàng Trung Cộng đổi hướng qua trái rồi những tràng đạn đỏ lừ từ những ụ đại liên dấu đâu đó trên boong tàu nhắm hướng chiếc PCF xẹt đến. Đúng là chiếc tàu gián điệp Trung Cộng, trông bề ngoài như tàu hàng bình thường nhưng trang bị vũ khí và máy móc để theo dõi và chuyển tin tức điều quân bên ta cho Cộng Sản Bắc Việt. Những vết đạn lửa nối tiếp xẹt về hướng chiếc PCF đang chạy ngoằn ngoèo hình chữ chi, như một mũi tên bắn lao về hướng tàu Trung Cộng. Tiếng máy vô tuyến gắn trên phòng lái chiếc PCF bỗng vang lên:
– Tango 3456 để thằng này cho ta! Rời vòng chiến ngay lập tức! Nghe rõ trả lời”

Thằng em Truyền Tin nhấn nút bấm trên ống liên hợp:
– Tango nhận rõ, Thẩm Quyền
.

Khẩu đại liên sân sau lái lại nổ dòn, hòa với tiếng súng cối bắn thẳng, Tâm vừa bẻ tay lái qua trái rồi nhấn hết cần số, chiếc PCF ngóc đầu lên cao nhưng quá trễ, vận tốc chiếc tàu Trung Cộng nhanh hơn chàng nghĩ nhiều, mũi chiếc tàu TQ xấn tới tiện đôi chiếc PCF của Tâm thành hai và chàng văng xuống nước…

Vài tiếng sột soạt đâu đây kéo Tâm trở về hiện thực. Chàng lắng tai nghe ngóng. Tiếng sột soạt nho nhỏ rất gần trong đêm khua tĩnh mịch sao mà vang to thế! Phản ứng tự nhiên khiến Tâm đưa tay lần xuống thắt lưng. Chàng vững bụng hơn khi bàn tay chạm vào bao súng Colt 45 vẫn đeo cạnh sườn. Chàng lần tay qua bên trái, chạm vào mấy quả lựu đạn lạnh ngắt. Tâm khẽ kéo bật nút vỏ khẩu súng, rút khẩu Colt 45 ra từ từ rồi khẽ kéo cơ bẩm lên đạn chờ đợi. Chợt tiếng chút chít vang lên, nhỏ dần rồi tắt nghẹn. Tâm thở nhẹ, nhưng chàng lại rợn người nghĩ thầm: “Chuột đi ăn đêm hay là bị rắn đớp rồi! Nếu vậy, mình nằm trong bụi này cũng chẳng an toàn!” Chàng cố nghiêng người qua bên phải rồi chống tay ngồi dậy, giương mắt nhìn kỹ chung quanh.

Cách chỗ chàng nằm chỉ khoảng vài thước là bãi cát, chàng nghe ngóng động tĩnh một lát xong bò dần xuống bãi cát. Cát biển mịn, sóng biển về đêm vẫn vỗ miên man từng đợt nhè nhẹ vào bờ cát và gió vẫn vi vu trên những ngọn phi lao cao khiến chàng tỉnh táo hơn. Chàng nhìn ra khơi tìm kiếm, ngoài khơi, nhiều chiến hạm lớn nhỏ đang hải hành xa xa, ngọn đèn hải hành sáng đỏ trên cột buồm khiến chàng thêm hi vọng, nhưng làm thế nào liên lạc được với các chiến hạm này” Ngoài khẩu Colt 45 và ba trái lựu đạn đeo trên thắt lưng, chàng không có hỏa pháo hay dụng cụ gì có thể làm tín hiệu liên lạc với chiến hạm. Tâm nghĩ chỉ còn cách kiếm phương tiện truyền tin với chiến hạm để họ vào cứu chàng, nhưng trời còn quá tối, quang hiệu cũng không, có lẽ phải đợi sáng vậy. Tâm đứng dậy, quan sát chung quanh, khung cảnh có vẻ quen thuộc dù rằng chàng rời Nha Trang đã mấy năm nay.

Tuy nhiên, chàng cảm thấy đỡ lo lắng hơn nên cúi lom khom bước lần theo bờ biển, ẩn sau những rặng cây và đám phi lao. Thỉnh thoảng vài bóng dừa thấp thoáng như ẩn như hiện dọc theo bờ biển. Chàng bỗng giật mình, rút khẩu Colt cầm tay, quỳ gối sát xuống nền cát nhìn về hướng một bóng đen nằm mọp trên triền cát ngay mực nước biển trườn lên. Hai bàn tay Tâm chập vào nhau, nắm chặt khẩu Colt hướng về bóng đen sẵn sàng nhả đạn. Nước biển vẫn đùa vào bờ mấp mé lay động bóng đen, nhưng tuyệt nhiên, bóng đen vẫn bất động. Tâm chột dạ nghi ngại, cẩn thận tiến dần đến rồi chàng dùng tay trái lật bóng đen ngửa lên, cúi sát xuống nhìn rồi bỗng giắt khẩu Colt vào bao, dùng hai tay xốc nách bóng đen kéo dần lên gần mép bờ cỏ.

Tâm đặt bóng đen nằm sấp dốc đầu xuống triền cát thoai thoải, đầu nghiêng về một bên, chàng nhấn trên lưng bóng đen nhiều lần. Nước bắt đầu trào ra cửa miệng, chàng nhấn trên lưng bóng đen vài lần nữa rồi lật ngửa bóng đen lên, bắt đầu làm động tác hô hấp nhân tạo. Dùng hai bàn tay đặt trên nhau và nhấn trên ngực bóng đen, Tâm lục lọi trong ký ức, cố nhớ lại cách làm hô hấp mà chàng đã thực tập về cứu thương. Chàng bắt đầu nhấn từ từ 4 lần, cúi xuống dùng hai ngón tay bóp mũi rồi hà hơi vào miệng bóng đen, cứ như thế một hồi lâu, bóng đen bỗng ho lên sặc sụa, nước trong bụng ọc ra lai láng, bóng đen bắt đầu cử động nhè nhẹ, Tâm kề tai bóng đen nói nhỏ:

– Suỵt! Suỵt! Anh Bá nằm yên! Đừng lo! Trung Úy Tâm đây!

Nói xong, Tâm dùng hai tay xoa hai cánh tay và hai chân cho Bá, Trung Sĩ Trọng Pháo trên chiếc Duyên Tốc Đỉnh của chàng. Cũng may, ngoài chân trái bị thương nhẹ mình mẩy Bá không hề bị vết thương nào khác. Tâm vừa xoa cánh tay cho Bá vừa nhớ lại diễn tiến cuộc đụng độ vừa xảy ra. Thật may, chàng lại gặp Bá trong lúc này, nhưng còn thủy- thủ- đoàn gồm 5 nhân viên khác chẳng biết sống chết ra sao! Hi vọng, nhân viên của chàng vẫn sống sót và được các chiến hạm bạn cứu thoát, Tâm thầm cầu mong.

Lát sau, Bá lồm cồm ngồi dậy hỏi nhỏ:
– Cảm ơn Trung Úy cứu tôi. Thật may! Đây là chỗ nào Trung Úy”

Tâm thì thầm:
– Tôi chưa nhận ra nhưng có vẻ quen thuộc lắm. Anh khỏe chưa Bá”
– Đỡ nhiều rồi, chân có thể bị gẫy. Tuy thế, chúng mình vẫn còn sống sót, Trung Úy.

Tâm gật đầu trong bóng đêm, rồi chừng như chợt nhận ra sự ngô nghê của mình, chàng nói nhỏ:
– Ừa! Tàu Trung Cộng chạy quá nhanh, tôi ước đoán sai vận tốc của nó. Nếu tôi nghĩ không lầm thì đó là một chiến hạm của nó ngụy trang tàu hàng.

Bá đồng ý:
– Chắc vậy. Tôi phóng mình xuống biển khi thấy chiếc tàu TQ như trái núi đâm vào tàu mình. Không hiểu sau đó ra sao. Tôi tin rằng chiếc tàu TQ chạy không thoát hạm đội mình đâu.

Thì ra Bá bị ngất đi, có lẽ vì bị chấn động quá mạnh khi chiếc chiến đĩnh của chàng bị chiếc tàu hàng Trung Cộng cắt làm đôi chìm lỉm rồi được giòng nước đẩy vào bờ cát như chàng.

Nhớ lại lần bị nạn năm trước, giọng Tâm trở nên bùi ngùi:
– Trận Hoàng Sa, HQ 10 bị mấy chiến hạm TQ xúm lại bắn. Nếu không, chắc gì HQ 10 đã chìm. Tôi nhớ mãi Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Hạm Phó và vài nhân viên ở lại chết theo tàu.

Gằn giọng xuống, chàng tiếp luôn:
– Thấy cờ búa liềm trên tàu Trung Cộng là tôi chỉ muốn nạp cho nó vài quả cho chìm luôn để rửa hận.

Bá trầm ngâm không nói năng. Tâm cũng lặng thinh nghĩ ngợi. Lát sau, Bá ngập ngừng lên tiếng:
– Bây giờ, mình tính sao, ông Thầy”

Tâm đáp như đã có chủ đích:
– Tìm đường xuống Cầu Đá xem chiến hạm mình cập tại đó không. Nếu gặp thì tốt, còn không, mình đón ghe nhờ đưa về chiến hạm.
– Vậy mình đi hướng nào, Trung Úy!

Tâm dìu Bá đứng lên, nhìn hòn đảo bên tay trái rồi chỉ tay về phía trước mặt. Bá đứng chưa vững nên Tâm phải dìu. Cả hai bước thấp bước cao trên giải cát men theo bờ đất. Khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, đang đi, Tâm bỗng reo nhỏ:
– Gần đến Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân rồi anh Bá ơi! Anh nhìn thấy tượng đài đức Thánh Tổ in trên nền trời phía trước không”

Bá nhìn theo ngón tay Tâm chỉ, vui vẻ diễu:
– Đúng là Thánh Tổ đang chỉ tay ra lệnh cho mình về tàu

Tâm cũng bật cười trêu người thuộc cấp gan lỳ, trung hậu hay diễu này:
– Thánh Tổ bảo anh tìm đường về với vợ con, tàu đang đợi ngoài biển kìa.

Cả hai cùng cười nho nhỏ…

Hai người đã đến khu vực Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận và còn khoảng vài chục thước nữa là đến Công Viên Trần Hưng Đạo. Ánh đèn điện trên đường chiếu bóng đen tượng đài Thánh Tổ Hải Quân đổ xuống bãi cát trước mặt biển, che một nửa chiếc lư hương bằng đồng đen đặt dưới mấy bậc tam cấp. Hai người đang lê bước, không hẹn mà chợt im bặt, cùng ngồi thụp xuống. Bá khều tay Tâm, thì thầm:
– Xe tăng. Chẳng biết của mình hay Cộng Sản”

Tâm không trả lời. Chàng len lén đứng nép vào bờ đất nghễnh đầu nhìn lên đường Duy Tân. Chàng chưa thấy chiếc xe tăng ở đâu nên ra dấu cho Bá bò vào nấp dưới chân tượng đài, xong chàng bước từng bước nhẹ nhàng lên bậc tam cấp, men theo bệ tượng đài, đảo mắt quan sát chung quanh. Bên kia đường Duy Tân, sau vòng rào kẽm gai là Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Nhìn xuyên qua cổng chính, Tâm thấy Kỳ Đài phía trong nhưng chẳng một bóng lính gác cổng như thường lệ.

Chàng khám phá ra hai chiếc xe tăng T 54 của Cộng Sản nằm im lìm dưới gốc cây. “Với tình hình này, chiến hạm đi tuần gần dọc bờ biển cũng nguy hiểm nữa chứ nói gì vào di tản quân dân hoặc cập cầu hay ủi bãi đón bọn chàng.” Tâm nghĩ thầm khi trở về chỗ Bá nấp. Chàng nói với Bá:
– Một chiếc tăng nằm tại góc Nhà Máy Điện Chụtt. Chiếc nữa nằm trong sân Cư Xá Sĩ Quan. Không biết tình trạng trong Trung Tâm Huấn Luyện ra sao, đã di tản hay bị Cộng Sản chiếm rồi. Tôi không hiểu bộ đội của nó vào thành phố chưa” Chúng mình phải thật cẩn thận, sơ xẩy là mất mạng!
– Tới đâu tính tới đó, Trung Úy. Tôi thoát chết nhiều lần rồi nên tin “sống chết có số” Nói vậy chứ lỡ có bề gì chỉ tội nghiệp cho vợ và thằng con nhỏ của tôi.

Tâm ngập ngừng:
– Hay là tránh xa chỗ này, thoát thân trước đã” Anh còn nặng nợ gia đình, không như tôi, độc thân dù gì cũng dễ hơn.

Bá nhỏ giọng:
– Tăng Cộng Sản trấn dọc bờ biển sẽ là mối nguy cho hạm đội mình, Trung Úy!
Tâm nhìn vào mắt Bá:
– Chúng mình thoát nạn không khó. Nhưng mình phải diệt hai chiếc tăng này, nếu không chúng sẽ gây khó khăn rất lớn cho hạm đội nhất là khi cần di tản quân dân khỏi Nha Trang. Anh nghĩ sao”

Suy nghĩ giây lát, Bá cương quyết:
– Tôi theo ông Thầy tới cùng.

Tâm siết tay Bá thật chặt, lòng tràn xúc động.

Tâm thì thầm bàn bạc kế hoạch với Bá xong, chàng đưa Bá hai quả lựu đạn. Cả hai ngồi dựa lưng vào tượng đài nhìn ra biển chờ giờ hành động. Tâm nhìn lên tượng Thánh Tổ, tay trái giữ đốc kiếm, cánh tay phải chỉ xuống biển, đứng uy nghi trên tượng đài xây bằng xi măng ba góc cao vút, thì thầm khấn:
“Xin Thánh Tổ thương dân tộc Việt Nam! Xin Thánh Tổ thương xót chúng con! Ngày xưa, khi qua sông Hóa, Thánh Tổ đã trỏ tay xuống sông thề rằng: ‘Trận này không phá được giặc, Ta thề chẳng trở về khúc sông này nữa.’ Chúng con hiểu rằng lời thề Thánh Tổ như một xác quyết: phải phá tan giặc Nguyên hay là chết mà thôi. Lời thề của Thánh Tổ đã nung lòng ‘quyết chiến’ và khích lệ muôn quân ghi tâm khắc cốt hai chữ ‘Sát Thát’ để rồi quân Nam oanh liệt lập nên bao chiến thắng hiển hách như trận Tây Kết, Vạn Kiếp với:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan

Rồi trận Vân Đồn, Bạch Đằng đánh tan quân giặc xâm lăng cho:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện Kim Âu

Lời thề năm xưa vẫn in hằn trong tâm khảm chúng con. Chúng con bất tài để vận nước như cánh bèo nổi trôi, nhưng xin Thánh Tổ tin rằng, chúng con đã học được bài học đắt giá, nguyện sẽ cùng nhau khôi phục lại quê hương, trùng tu Thánh Miếu, tô bồi tượng Thánh Tổ và xây dựng lại một nước Việt Nam Tự Do. Xin Thánh Tổ phù hộ chúng con!”

Bá chợt thì thào, giọng buồn buồn ngắt ý nghĩ của Tâm:
– Tôi khát quá! Mai xuống Cầu Đá, tôi muốn một ly cối nước dừa xiêm thật lạnh, ông Thầy! Ông chắc cũng khát” Mà ông Thầy biết không, thằng con trai tôi thích uống nước dừa vô kể!

Tâm nhìn Bá gật đầu, chép miệng, siết chặt tay người thuộc hạ, hai bàn tay lạnh giá nhưng nhiệt tâm sôi sục trong lòng.

Tiếng sóng biển miên man, bóng đêm gần sáng vẫn say ngủ… Bá bò dần đến chiếc tăng T 54 đang nằm im lìm trong Cư Xá Sĩ Quan, cạnh lùm cây, trong khi đó, Tâm cũng lom khom băng ngang đường Duy Tân lẻn đến chiếc tăng T 54 khác đậu bên Nhà Máy Điện cạnh hàng rào ngăn cách với Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Chàng vừa rón rén bước tới vừa đảo mắt quan sát chung quanh, cạnh gốc cây gần đó, Tâm nhìn thấy một bóng đen ngồi dựa vào gốc cây đầu cúi gầm trên tấm chăn quấn quanh thân mình, mũi súng hướng lên trời và dựa vào một bên vai. Tâm cúi xuống, khẽ tháo giây giầy saute, cuốn hai tay vào hai đầu giây, bước đến gần sau lưng tên địch đang ngủ, rồi nhanh như cắt, chàng choàng sợi giây giầy quanh cổ tên địch xiết mạnh.

Tên địch choàng tỉnh mà không phản ứng gì được vì lúng túng trong tấm mền quấn kín tới cổ thì mắt đã trợn trừng tắt thở. Tâm xiết thêm lần nữa rồi mở chốt lựu đạn, leo lên pháo tháp, thẩy vào nắp thông hơi mà bọn địch khi ngủ mở ra cho thoáng, xong xuôi, chàng nhảy xuống chạy nhanh về hướng tượng đài Thánh Tổ. Chạy chừng mươi bước, chàng nghe tiếng nổ tắc nghẽn vang lên từ phía Cư Xá Sĩ Quan. Vừa qua bên kia đường Duy Tân thì một tiếng nổ xé tan màn đêm tĩnh mịch tiếp theo nhiều tiếng nổ lớn nhỏ khác và chiếc tăng T 54 cạnh Nhà Máy Điện Chụtt cháy bùng như ngọn đuốc.

Tâm vừa tới bãi cát trước tượng Thánh Tổ thì thấy Bá đang chạy xuống, rồi tiếng người la hét, tiếng súng nổ vang từ hướng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Cả hai người chạy bất kể sống chết, mong sao càng xa khu Công Viên Trần Hưng Đạo càng tốt. Lợi dụng bóng đêm và sự thông thạo địa hình, Tâm dẫn đường chạy xa dần vùng đất nguy hiểm, nhưng rồi một loạt AK chợt đuổi đến, trong cơn mệt ngất hụt hơi, Tâm cảm thấy đầu óc quay cuồng, nhẹ tênh, hụt hẫng, thân chàng bổ nhào về phía trước theo trớn đang chạy, giòng nước biển mặt chát môi khiến chàng biết mình vừa rơi xuống biển.

Tâm thấy Bá trôi dật dờ gần đó, chàng vội vàng bơi theo nắm thân Bá đẩy theo giòng thủy triều đang lên dần xuôi về hướng Cầu Đá. Giòng thủy triều lên đẩy hai chàng trôi thật nhanh, chẳng mấy chốc, tiếng súng đã im bặt. Xa xa, ánh đèn điện vẫn nhạt nhòa trong bóng đêm đen. Tâm đoán khoảng chừng 5 giờ sáng, chàng xốc nách Bá kéo vào một góc tối, thân thể Bá nhơn nhớt, Tâm hoảng hốt hỏi gặng:
– Anh Bá có sao không”

Không nghe Bá trả lời. Tâm vội đặt Bá nằm xuống sờ khắp người Bá, bàn tay Tâm ướt đẫm chất lỏng nóng đặc sệt ứa ra từ khung ngực rộng của Bá. Tâm tự dưng cảm thấy đôi mắt mình cay sè, cổ họng khô quánh nghèn nghẹn như có gì đang dâng lên. Tâm nói như người mê:
– Tôi đang khát! Mai chúng mình gọi hai ly nước dừa … thật lạnh, anh Bá ơi! Chúng mình uống trọn vị đắng cay, khốn khổ của giòng “nước mắt quê hương” nhá Bá!

Bá không còn nói được lời nào, cả băng AK đã phá nát lồng ngực anh, buồng phổi chỉ còn chút hơi giữ anh thoi thóp.

Gió biển đêm đã hong mắt Tâm ráo hoảnh, lòng chàng trống vắng và đầu óc mênh mang. Chẳng một chiến hạm hay một chiếc ghe nào cập bến Cầu Đá, nhưng điều đó không còn nghĩa gì nữa. Tâm vác xốc Bá lên vai bước lên Cầu Đá, lần ra khơi như người mất hồn. Một khung cảnh kinh hoàng hiện ra mờ mờ trước mắt chàng khiến Tâm muốn quay ngược trở vào: Trên mặt cầu đá: hàng trăm xác chết nằm chồng chất lên nhau như sắp cá hộp, mùi xú uế bốc lên khiến chàng muốn nôn thốc nôn tháo. Từ ngày ra trường đến giờ, chàng đã từng dự nhiều trận đánh trong sông rạch, chàng đã từng chứng kiến cả cái chết không toàn thây của bạn bè khi chiến đỉnh của nó bị nổ tung như xác pháo vì đụng thủy lôi gài trong đám lục bình… mà chưa khi nào chàng rợn tóc gáy như đêm nay.

Tâm quay người nhìn lại, trên đường Duy Tân, vài ánh đèn xe đang chạy về hướng Cầu Đá và dọc theo bờ cát, mấy bóng đen đang sục sạo lùng kiếm, ánh đèn pin quét qua quét lại. Tâm đặt Bá ngồi dựa vào sau một đống xác chết. Ngực áo Bá đẫm máu, quần áo Bá và chàng đều sũng nước biển, cơn gió biển thổi lồng lộng trên Cầu Đá cao khiến chàng lạnh run. Mắt Bá đã thất thần, đôi môi mấp máy, trối trăn, giọt nước mắt nóng ứa trên khóe mắt, lăn xuống đôi gò má sạm nắng gió. Tâm cố nén xúc động, khuyến khích:
– Anh Bá ơi! Chúng ta sắp thoát rồi. Gần sáng thế nào cũng có ghe đánh cá về ngang qua đây, hay chiến hạm vào đón mình đi! Gắng lên … Bá ơi!

Chưa dứt lời, bàn tay Bá đã quều quào với cánh tay Tâm, hơi thở đứt quãng, yếu dần, muốn nói điều gì nhưng rồi đầu Bá ngoẹo sang một bên, mắt vẫn mở nhìn Tâm không chớp.

Mắt Tâm mờ đi, nhạt nhòa bóng tối chung quanh, giọng nghẹn ngào, ướt sũng:
– Sắp thoát rồi thằng em! Sao mày lại bỏ đi”

Thánh Tổ ơi! Chúng con đã hứa với Thánh Tổ chúng con nhất định trở về! Sao Thánh Tổ nỡ bỏ con, bỏ thằng em của con” Sao Chúa nỡ bỏ một người chất phác, ngoan đạo như nó, Chúa ơi!

Tâm ôm Bá vào lòng, nhìn xác người thuộc hạ thân tín nằm bất động, chàng giơ tay vuốt mắt Bá, làm dấu thánh giá trong khi những giọt nước mắt nóng ràn rụa trên má. Đời người ai cũng chỉ chết một lần! Chết xứng đáng là một chiến sĩ, chứ không như những xác người vô tội nằm đây.

Nhiều bóng người đang tiến lên Cầu Đá, Tâm giơ khẩu Colt nhắm mấy bóng địch nhả đạn, hạ hai tên đi đầu khiến bọn còn lại vội nhảy trở xuống chân cầu. Cứ mỗi lần bọn địch định đuổi theo thì khẩu Colt trên tay chàng lại nhả đạn cho đến lúc bắn hết cả băng đạn. Thấy vậy, bọn chúng hò hét xông lên cầu, chiếu ánh đèn pin đến chỗ Tâm đang nấp sau mấy thây ma. Một thoáng ngập ngừng, rồi bọn địch từ từ tiến ra chỗ chàng. Tâm ngần ngừ một giây rồi mím môi, nắm chặt tượng ảnh Chúa đang đeo trên cổ chàng chung với tấm thẻ bài, giựt mạnh đứt sợi giây đeo, chàng đặt tượng thánh giá Chúa trên ngực Bá rồi bám hai tay đu người xuống gầm cầu. Tiếng AK khô khan nổi lên từng loạt, đạn ghim vào những thây ma phát ra âm thanh lụp bụp, Tâm nhắm mắt, đạp chân vào thành cầu, buông tay, thân xác chàng rơi xuống nước trong bóng tối mịt mù, tai còn nghe tiếng người lẫn tiếng súng AK lóc chóc, líu chíu trong giòng thủy triều đang lên …

Phạm Văn Thanh

Trước Khi Thất Trận


Mỗi đứa bé lớn lên đều khám phá xã hội vây quanh cùng thế giới bao la qua nhiều cách: tiếp xúc với thực tế, lắng nghe người lớn nói chuyện và học hỏi ở trường lớp. Sau nữa là đọc sách. Cách sau cùng cho tôi nhiều hiểu biết hon những cách kia.

Lúc nhỏ trong nhà gọi đùa tôi là mọt sách. Tôi trở nên mọt sách trước tiên qua truyện tranh. Những năm tiểu học tôi say mê TinTin, Astérix & Obélix, Lucky Luke, Fantasio & Spirou với chú vượn marsupilami… Đi học về là tôi chúi mũi vào 12 Thành Công Lực của cậu bé tí hon Benoît, Liều Thuốc Hóa Chó với Lữ Hân & Phi Lục, Chú Tí Làm Phù Thủy trong làng Schtroumpf, Điếu Xì Gà Pharaon, Đền Thờ Mặt Trời với Tintin và thuyền trưởng Haddock, hoặc Anh em nhà Dalton hay Gaston LaGaffe… Lớn thêm chút, tôi mê mẩn truyện tranh Bob Morane, Django Blueberry nhưng mê nhất vẫn là Tanguy & Laverdure, rồi Buck Danny với các trận không chiến và những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Blake & Mortimer.

Cuối thập niên 60 sách dịch phồn thịnh, truyện tranh dịch nhiều sang tiếng Việt. Mỗi trưa thứ tư sau tan trường Lasan Taberd, cha tôi giắt qua nhà sách Liên Châu bên hông nhà thờ Đức Bà cho tôi mua truyện tranh của các nhà Dupuis, Dargaud, Casterman… Nhưng vì là tiếng Pháp nên tôi không hiểu chi hết. Về đến nhà là tôi chạy bay ra hiệu sách Tân Định mua ấn bản Việt ngữ của Nhà Sách Vàng hay Nxb Phong Phú dịch Tanguy & Laverdure là Trần Vũ & Lê Dũng, Fantasio & Spirou là Phan Tân & Sĩ Phú, con vượn marsupilami là chú vượn đốm; Johan & Pirlouit là Lữ Hân & Phi Lục, Luky Luke là Lục Kỳ, Schtroumpf là “Xì-Trum”… Tôi xem hình màu trong bản Pháp văn rồi đọc đối thoại trên ấn bản đen trắng tiếng Việt. Tôi đọc lén thêm sách hình bị bố mẹ cấm, cho là nhảm nhí, là Con Quỷ Truyền Kiếp với Con Quỷ Một Giò… Kỷ niệm ấu thơ là mặt nệm la liệt sách.

Truyện dài đầu tiên tôi đọc trong đời, năm lên 7 tuổi, là cuốn Thằng Vũ của Duyên Anh do anh cả tôi mua làm quà sinh nhật cho em út. Tôi rất ngạc nhiên vì tựa sách mang tên mình nên tò mò mở ra xem và bị cuốn hút vào câu chuyện của thằng Vũ với con Thúy, thằng Vọng… Tôi say sưa với cảnh thằng Vũ tu luyện phi tiêu phóng nát cánh cửa cầu tiêu, kinh hoảng khi thằng Vọng chết đói và ngạc nhiên không hiểu vì sao con Thúy sai khiến thằng Vũ dễ dàng… Tôi đọc tiếp Bồn Lừa, Chương Còm, Hưng Mập, Dzũng ĐaKao, Mơ Thành Người Quang Trung rồi Duyên Anh dẫn tôi vào Ngựa Chứng Trong Sân Trường lúc nào không hay. Đến câu chuyện tình học sinh giữa Chu Chỉ Nhược kẹp tóc với húi cua Đoàn Dự trong Cám Ơn Em Đã Yêu Anh cũng của Duyên Anh, thì tôi đã lên trung học.

Giống “mọi” con nít, những năm tiểu học tôi đọc hàng tuần các tạp chí Thằng Bờm của Nguyễn Vỹ, Thiếu Nhi của Nhật Tiến, sau đó lên trung học đọc tiếp Ngàn Thông, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc rồi Tủ sách Trăng Mười Sáu của Nhã Ca. Nhưng phải nói là những truyện Thỏ Đế, Chiếc Xe Thổ Mộ, Mưa Nguồn của Bích Thủy, Chiếc Lá Thuộc Bài, Cánh Hoa Tầm Gởi, Xóm Nhỏ của Nguyễn Thái Hải, Vượt Đêm Dài, Ngục Thất Giữa Rừng Già của Minh Quân hơi chán đối với tôi. Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển của Nguyễn Trường Sơn, Pho Tượng Rồng Vàng, Mật Lệnh U Đỏ của Hoàng Đẳng Cấp trinh thám hơn chút nhưng vẫn rất nhẹ nhàng, luôn kết có hậu.

Lui xa hơn, Vỡ Đê của Vũ Trọng Phụng, Ông Đồ Bể của Khái Hưng mang không khí rất xưa. Cô Giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, Lê Phong Phóng Viên của Thế Lữ cũng xưa. Bước Khẽ Đến Người Thương, Cổng Trường Vôi Tím của Nhã Ca thì dành cho nữ sinh. Trong Mưa Trên Cây Sầu Đông của Nhã Ca, cô bé Đông Nghi khóc sướt mướt từ trang đầu đến trang cuối vì bị ông Bồ Đào “để ý”, trang tiểu thuyết ướt nhèm nhẹp nước mắt! Tất nhiên là tôi cũng đọc Ví Dụ Ta Yêu Nhau của Nguyễn Thanh Trịnh, Anh Chi Yêu Dấu của Từ Kế Tường, Chủ Nhật Uyên Ương của Đinh Tiến Luyện, Cô Hippy Lạc Loài của Nhã Ca… nhưng tôi thấy phải kiếm một thứ khác, hấp dẫn hơn.

Tôi bắt đầu mê loạt sách 15 Truyện Phiêu Lưu, 15 Truyện Đường Rừng, 15 Truyện Đường Biển, 15 Truyện Mùa Hè… chúng mở rộng chân trời. Chúng là những sách dịch đầu tiên tôi đọc. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của hai bố con sinh sống trong một điền trang bị “mọi” da đỏ tấn công, cô bé nạp đạn liên tay cho bố dùng súng trường Winchester bắn nhau với bộ lạc Apaches, rồi trang trại bị bên da đỏ phóng hỏa bằng tên lửa, hai bố con phải leo lên nóc bám vào những tàng cây cổ thụ tụt xuống đất trốn vào rừng giữa khói lửa mù mịt… đọc hồi hộp kinh khủng. Tim thắt lại khi hai cha con ngộp khói phải lấy khăn nhúng nước buộc quanh mặt, rồi cha trúng tên vào cánh tay, cô bé hốt hoảng cầm lấy súng lục bắn vào đầu một tên da đỏ vừa chồm qua cửa để cứu cha… rất giống trong phim The Unforgiven có Audrey Hepburn đóng với Burt Lancaster.

Tôi khám phá hiệu ứng của vũ khí, súng ống và action trong truyện.


Hết năm 1972 tôi lên trung học. Lúc này là thời kỳ của Hạ Lào 1971, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tống Lê Chân 1973, chiến sự ác liệt, ngưng bắn da beo nhưng vẫn đánh nhau ở Cửa Việt, lữ đoàn thủy quân lục chiến của trung úy Cao Xuân Huy đang giành giật từng thước đất. Anh Cao Xuân Huy sẽ in cho tôi tập truyện ngắn đầu tay Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu 17 năm sau… Nhưng khi ấy tôi chưa biết, còn đang ngụp lặn trong phim Lý Tiểu Long đấm liên tu vào mặt Chuck Norris, khoái chí khi Trần Tinh, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long với La Liệt huơ đao chém loạn xà ngầu… Khi ấy, phim Tây cũng bắt đầu nhiều tình dục. Richard Burton thủ vai quỷ râu xanh trong Barbe Bleue với Nathalie Delon khỏa thân trắng muốt, Jane Fonda cởi hết áo quần trong phim Barbarella, Jill Ireland bốc lửa đóng cặp với Charles Bronson trong Người Tình Của Tên Sát Nhân…

Cũng là những năm các rạp Rex, Eden, Mini Rex, Casino, Lê Lợi, Nguyễn Văn Hảo, Đại Nam, Văn Hoa chiếu Dr. Jivago, Love Story, Romeo et Juliette, La Guerre de Murphy, Mourrir d’Aimer, Thập Tứ Nữ Anh Hào, Bố Già, Độc Thủ Đại Hiệp, Hiệp Sĩ Mù… Thời đại đổi khác. Nhạc kích động dồn dập. Phim ảnh mạnh bạo nên những truyện Người Áo Trắng, Chim Hót Trong Lồng, Chuyện Bé Phượng, Thềm Hoang của Nhật Tiến, Bầy Phượng Vỹ Khác Thường của Nhã Ca, Khung Rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ trở nên lạt đối với thế hệ lớn lên dưới Đệ Nhị Cộng Hòa.

Chúng tôi khoái Kinh Nước Đen của Nguyễn Thụy Long, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng hơn Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thị Vinh, Doãn Quốc Sỹ. Chúng tôi chưa biết đến Bạch Hóa của Cung Tích Biền. Chưa biết cái hay trong Tàu Ngựa Cũ của Linh Bảo. Chưa thấm Buồn Vàng của Dương Nghiễm Mậu. Chưa biết Mặc Đỗ. Kho tàng đã mở nắp nhưng lũ thiếu niên chưa kịp vươn tay vì cánh tay còn ngắn.

Truyện dài nào ghi dấu ấn lên tuổi hoa niên nhiều nhất?

Về Miền Đất Hứa của Léon Uris. Bản dịch Thế Uyên. Exodus giúp tôi nhận thức có một cuộc chiến khổng lồ với trại tập trung, với ghetto Varsovie và không chỉ có một cuộc chiến mà nhiều cuộc chiến. Tôi bước từ Người Anh Cả của Lê Văn Trương, từ bàn đèn thuốc phiện sang Ba Lan, Palestine với những chi tiết khủng khiếp. Dov Landau, con chuột của ghetto, chui dưới ống cống về nhà nhìn thấy xác anh chị mình cháy đen vì bị Waffen-SS phun lửa. Karen Hansen, cô bé tóc vàng ném cho cha con búp bê trên sân ga khi tàu chuyển bánh, vì vụt ý thức cha cần ôm con búp bê thay thế mình vào lòng. Sẽ vĩnh viễn chia cách. Nhận thức của mỗi đứa bé khi trí não bị giáng đập bằng búa tạ luôn là những thảm kịch.

Bên cạnh, Để Tưởng Nhớ Mùi Hương của Mai Thảo là một sàn nhảy tỉnh lẻ ở Mỹ Tho ít bi kịch. Rồi Jordana Ben Canaan, tuổi trẻ Yom Kippur, rực rỡ hân hoan và sống động. Jordana yêu say đắm cuồng nhiệt David Ben Ami, bị Ả-rập hãm hiếp cắt vú tưới xăng lên mặt đốt. Một xử giảo ngay trên Đất Hứa. David Ben Ami vướng rào kẽm gai, ruột đổ lòng thòng, cố gắng cho nổ hai trái lựu đạn cuối cùng… Tôi chưa đoán ra là mình sẽ lên một chuyến tàu chứa đầy tỵ nạn cũng đi tìm đất hứa ít lâu sau. Đất Hứa? Lính Phi cầm gậy đánh đập thuyền nhân không ra chào cờ Phi trong trại Palawan, Vietnamese Refugees Camp. Tôi vẫn bất an mỗi khi nghe lại bản nhạc Exodus làm nền cho Mậu Thân 68. Chừng như hai thứ ấy đã nhập một.

oOo

Thành tựu lớn nhất của Văn học Miền Nam với riêng cá nhân tôi, là ở bộ môn dịch thuật. Các dịch giả trong Nam am tường Anh-Pháp-Hoa, cẩn trọng và tài hoa, đã đem đến cho tuổi trẻ miền Nam cả một vũ trụ Tây phương và Á đông, với biết bao kiến thức và hoài bão. Ba năm 73, 74, 75 là ba năm tôi đọc ngốn ngấu sách dịch. Lứa tuổi 11, 12, 13 là lứa tuổi của khám phá. Sách dịch đem đến những gì không có, không trông thấy ở Sàigòn và giúp trí tưởng thăng hoa cao vút. Tôi nuốt hết Kiều Giang, Cuốn Theo Chiều Gió, Trong Gia Đình, Vô Gia Đình, Chùm Nho Phẫn Nộ, Đường Về Trùng Khánh, Gió Đông Gió Tây, Trong Một Tháng Trong Một Năm, Đỉnh Gió Hú, Chuông Gọi Hồn Ai, Quần Đảo Ngục Tù, Giã Từ Vũ Khí, Tầng Đầu Địa Ngục, Đất Tiền Đất Bạc, Anna Kha Lệ Ninh, Một Thời Để Yêu… giống uống sinh tố. Riêng Hoàng Tử Bé, Bay Đêm, Cõi Người Ta của Saint Exupéry phẳng lặng rì rầm như liều thuốc ngủ. Nhá vài trang là thiếp vào cõi mộng mị thần tiên.

Một thể loại kỳ vĩ khác ập đến khi ấy là sách chiến tranh.

Đến giờ tôi vẫn không biết Lê Thị Duyên là ai nhưng bà khai sáng trí óc tôi qua Tủ sách Adolf Hitler của Nhà Sông Kiên. Bà ập vào tôi như cuồng phong. Bên cạnh Otto Skorzeny và Những Sứ Mạng Bí Mật, Hitler và Những Tướng Lĩnh Đức Quốc Xã, Hitler và Những Tên Ác Quỷ Y Khoa, Hitler và Trận Đánh Normandie, Mười Ngày Cuối Cùng của Hitler, Hitler và Cuộc Mưu Sát các Lãnh Tụ Đồng Minh, Hitler và Lò Thiêu Sống Dân Do Thái, Bộ Mặt Thật của Nhà Độc Tài Phát-Xít Mussolini… Lê Thị Duyên dịch Sấm Sét Thái Bình Dương của Albert Vulliez, 41 chương, dầy 800 trang, mê hoặc từ đầu chí cuối. Trận đổ bộ lên Betio, Tarawa, Lê Thị Duyên dịch hết sức mạnh của ngôn ngữ.

Tủ sách Khoa học Nhân văn của Nxb Lê Thanh Hoàng Dân với dịch giả Nguyễn Nhược Nghiễm cũng cống hiến những bản dịch phi thường mà đến hôm nay đọc lại, so sánh với bản Pháp văn, tôi vẫn thấy bản tiếng Việt vượt trội ở sức gây mê, trên giọng văn và ở cảm xúc. Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thống tướng Douglas McArthur, danh tướng Patton, Thần Phong Kamikaze, Tiềm Thủy Đĩnh Tự Sát, Mật Vụ Gestapo, Cánh Hoa Rực Lửa, Yamamoto và Những Trận Đánh Lịch Sử nhưng thành công nhất vẫn là Samourai của Saburo Sakai. Hằng đêm tôi thiếp ngủ với sách gối đầu giường rơi vung vãi trên đất. Trên sàn nhà là Con Cáo Già Sa Mạc Rommel của Desmond Young qua bản dịch Lê Thị Duyên, Hitler và Mặt Trận Miền Đông của Paul Carell bản dịch Mai Trường. Mê sách chiến tranh nên tôi thoát khỏi tay Bà Tùng Long, cũng thoát khỏi ánh mắt Quỳnh Dao vì bố mẹ cho là ủy mị.

Một thể loại khác, gia đình cũng cấm, nhưng tôi đọc lén. Có lẽ với hầu hết nam sinh miền Nam, khám phá tình dục trên trang sách bắt đầu với Kim Dung hoặc Người Thứ Tám. Với tôi là Z-28. Đám nam sinh tuy mỗi sáng thứ hai cất tiếng hát

Lòng ta nhất quyết nên người
theo gương sáng bao bậc đàn anh
trường Lasan chỉ lối soi đường

chết điếng với Đoàn Vũ Khỏa Thân, Mèo Xiêm Cọp Thái, Nữ Thần Ám Sát, Vệ Nữ Đa Tình, Người Đẹp Qui-tô, Bí Mật Hồng Kông, Mây Mưa Thụy Sĩ… Chúng tôi run rẩy trước cảnh Tống Văn Bình khuỳnh chân xuống tấn, dồn khí công xuống đan điền, thét tiếng thét “Kiai” kinh hồn của võ sĩ nhu đạo và chém atémi vô yết hầu đối phương… Lâm ly không thể tả! Cũng lâm ly như làn da mịn mát ngực trần của các nữ phản gián vòng eo nhỏ bằng chét tay, vòng ngực 90, vòng mông 90, nói chuyện ngọt ngào và khỏa thân dưới áo lông thú như Z-33 Trên Công Trường Đỏ. OSS 117 hay James Bond 007 của Ian Fleming thua Người Thứ Tám xa, trên cả hai mặt võ thuật và khêu gợi.

Ngay cả khi đám nam sinh Lasan chưa ước lượng được vòng ngực 90 với vòng mông 90 là như thế nào và dùng làm gì, thì vẫn thấy OSS 117 với 007 không bằng.

oOo

“– Ông bán cho em quyển “Một thời để yêu và một thời để chết”.

Tôi ngước nhìn cô bé đứng trước quầy. Em mặc chiếc áo mưa mầu xanh nhạt và tay cầm chiếc mũ sũng nước. Mặt em cũng đẫm nước, những sợi tóc ướt dính sát vào trán và hình như đôi mắt em cũng có những giọt mưa long lanh. Tôi đứng dậy, mở tủ kính lấy quyển truyện đưa cho em và hỏi:
– Chị em sai em đi mua truyện hả?
– Ông nghĩ em không biết đọc à?
– Quyển truyện này viết về “một thời để yêu”. Tôi nghĩ em chưa đến thời kỳ đó.
– Em rất yêu thương con Miu Miu của em, vậy em đọc được chưa? Còn ông mới tập sự bán sách phải không?”

Nguyễn Thanh Trịnh mở đầu ví dụ thứ 5 trong tập Ví Dụ Ta Yêu nhau bằng mẩu đối thoại dễ thương. Cùng lúc ghi lại cảnh những sạp báo giăng bạt ny-lông che mưa ở đầu ngõ dưới ánh điện néon hay dưới một cây đèn măng-xông… Sạp báo, quán sách, quầy sách, kiosque sách, cửa hàng cho thuê sách là đời sống tinh thần khi ấy ở trong Nam. Chưa khi nào nhiều sách báo như vậy và chưa khi nào đông đúc độc giả học sinh cho bằng. Tôi trong số những cô bé cậu bé sắp choai choai đội mưa đi mua sách thời ấy. Vòi vĩnh xin tiền ít khi bị từ chối nhưng xin mua sách là phải nộp cho cha mẹ duyệt. Giờ Thứ 25 của Gheorghiu bản dịch Mặc Đỗ và Papillon Giang Hồ Tung Cánh của Henri Charrière bản dịch Đinh Bá Kha được cho phép nhưng đến Henry Miller là bị cấm. Bố mẹ tôi xem Miller, tác giả của Ác Quỷ Trên Thiên Đàng, là hiện thân của tục tĩu. Những sách ba-xu hoặc in ít đạo đức phải đem trả.


Bị “kiểm duyệt” nhiều lần giúp khôn lên. Tôi hiểu ra thước đo sách vở của người lớn. Sách cho phép là sách chán phèo với những Ý Cao Tình Đẹp của Nguyễn Hiến Lê, hoặc vươn tới thuật trí dũng như Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh dịch thuật. Tôi đã không hiểu vì sao một đơn vị bộ binh tác chiến lại phải nhờ một cậu bé leo lên cây quan sát kẻ thù để rồi cậu bé bị bắn chết, rồi xem là chết cao thượng? Vì sao không bung rộng các toán viễn thám ra xa, án ngữ trên những giao lộ rồi chọn những mô đất cao thiết lập vọng kính loại dùng trong giao thông hào có chân nâng lên cao hai thước? Cái chết của cậu bé phải xem là điều đáng khiển trách viên sĩ quan thay vì ca ngợi gương hy sinh vô ích. Không thể lấy quyết định chiến thuật nguyên ngày chỉ trông cậy vào chút quan sát tức thời của một đứa trẻ. Cậu Bé Thành Lombardi là câu chuyện tuyên truyền về lòng ái quốc. Lê Văn Tám là “phiên bản hỏa hoạn” tiếp theo.

Sách cấm, ngược lại, chứa những gì bị che dấu.

Thập niên 70 đoàn Dạ Lý Hương về hát ở rạp Kinh Thành. Đông vui và sầm uất. Tôi “âm mưu” với u già xin phép bố mẹ giắt tôi đi ăn bò viên trước cửa rạp. San sát trên lề đường là những xe mì hủ tiếu, bánh cay, chuối nướng bọc nếp trong lá chuối chan nước dừa quạt than… Tôi “thông đồng” với u già đi thuê truyện ở quán sách cạnh hiệu kem Mai Lan gần tiệm đóng giày Gia. Rồi u giấu sách vào cạp quần u khi về nhà. Tới tối lúc khuấy sữa đem cho tôi uống cho có thêm calcium, u mới lôi sách ra dúi vào tay.

Sách thuê cho độc giả thiếu niên muôn vàn cơ hội. Chấm dứt Khổng Mạnh! Tha hồ Z-28! Tha hồ cho Tiểu Long Nữ thoát y đâu lưng với Dương Quá luyện công! Tha hồ cho Doãn Chí Bình hiếp dâm Tiểu Long Nữ không ai cấm.

Sách thuê không chỉ có vậy. Nhật ký Tùy Viên Của Một Tổng Thống Bị Giết của đại úy Đỗ Thọ là tập ký đầu tiên làm tôi choáng váng. Vì sao dưới chính thể Cộng Hòa người ta lại ám sát Tổng thống của Cộng Hòa Nam Việt? Các sư huynh vẫn dạy trong giờ Công Dân Giáo Dục là phải tuân thủ pháp luật và kính trọng tổng thống. Tại sao? Sách của người lớn đầy rắm rối.
Xong Đỗ Thọ, tôi ngã sấp vào Phan Nhật Nam. Cho đến khi đó tôi không thật biết chiến tranh ra làm sao. Đọc báo Sóng Thần biết có đánh nhau nhưng không biết cuộc chiến trên quê hương mình diễn ra như thế nào. Các chú bác về nhà trong quân phục với cây M-16 gác dựa tường là đời sống thường nhật. Thế hệ tôi khi chào đời, đường phố đã đầy lính tráng. Chúng tôi không biết phân biệt hòa bình với chiến tranh. Việc phố phường ngập quân xa với binh lính là điều bình thường. Vì chưa từng khác. Sàigòn đầy những “party”, “bal”, “boum”… không một dấu hiệu chết chóc. Phải đến Phan Nhật Nam tôi mới hốt hoảng nhận ra chiến tranh đã đến cửa thủ đô. Khốc liệt và tàn bạo. Tôi khám phá trung tá Nguyễn Đình Bảo chết trên đồi Charlie trong một quán sách cho thuê truyện.

Nhìn lui, có thể trách tôi ham mê đánh nhau nhưng chính tủ sách chiến tranh trong Nam đã cho tuổi trẻ miền Nam nhiều cách nhìn về thế chiến mà không duy nhất một version chính thức của Hồng quân Nga hay Trung Cộng mà tuổi trẻ miền Bắc phải chấp nhận. Chính tủ sách chiến tranh đó, là tự do.

Những năm chưa đầu hàng là một hạnh phúc êm ấm. Mỗi sáng thứ bảy cha mẹ đưa đến hiệu sách Khai Trí mua sách tiếng Việt và mỗi trưa thứ tư vào hiệu sách Liên Châu mua sách Pháp văn. Hình màu trên trang tiếng Pháp, đối thoại tiếng mẹ trên ấn bản đen trắng tiếng Việt. Đời sống như có hai mặt, những sắc cầu vồng và ám tối. Dân thủ đô không một chút hoài nghi thất trận đã kề cận.

Trần Vũ

Không có nhận xét nào: