Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Kính Chuyển Ít Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải

Tin Quốc Tế Đó Đây
Mỹ: Giải Thể Ngay Đơn Vị Có 5 Cảnh Sát Hành Hung Đến Chết Tyre Nichols!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trong thông cáo ngày 28/1/2023, cảnh sát thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee, cho biết giải thể đơn vị có 5 nhân viên cảnh sát bị cáo buộc hành hung đến chết một thanh niên Mỹ gốc Phi Châu 29 tuổi. Quyết định đưa ra trước áp lực ngày càng có nhiều lời kêu gọi giải tán đơn vị Bọ Cạp (Scorpion), một nhóm chống tội phạm mới được thành lập ở thành phố Memphis.
<!>
Thông cáo của cảnh sát thành phố Memphis khẳng định quyết định giải thể này là nằm trong “lợi ích chung của mọi người”, và đã được các nhân viên cảnh sát tán đồng “không chút do dự”. Gia đình nạn nhân, qua thông cáo của Luật sư đã hoan nghênh quyết định trên của thành phố Memphis, khi đánh giá là “tương xứng và phù hợp với cái chết bi thảm của Tyre Nichols”, nhưng “đúng đắn và công bằng cho tất cả mọi người”.

Hình ảnh 5 nhân viên cảnh sát da đen đánh đập thô bạo Tyre Nichols đến chết hôm 7/1 đã gây sốc nước Mỹ và làm dấy lên nhiều câu hỏi. Thảm kịch này đã được một số nhân vật trong giới bảo thủ Mỹ nhanh chóng khai thác, với việc cho rằng nếu như cảnh sát và nạn nhân đều là người da đen, thì như vậy chẳng hề có chuyện phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Trả lời câu hỏi đài RFI, nhà nghiên cứu Charlotte Recoquillon, chuyên gia địa chính trị và nhà báo chuyên về nước Mỹ đã phản bác quan điểm này, và khẳng định cách nghĩ này là một cạm bẫy trong nhận thức cần tránh:

“Hiển nhiên là việc này sẽ bị phe hữu và những người bảo thủ lợi dụng để nói rằng: “Quý vị hãy nhìn xem ở đây chẳng có gì là vấn đề phân biệt chủng tộc cả, bởi vì ngay cả những người da đen cũng có hành vi bạo lực. Vấn đề ở đây tuy nhiên chính là phải hiểu cho rõ nguyên tắc và cơ chế của tình trạng phân biệt chủng tộc, và việc nhập tâm các định kiến về kỳ thị sắc tộc.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong trường hợp điển hình này, cần phải tránh chiếc bẫy đó, và không phải vì một người da đen là cảnh sát hay Dân biểu, mà người đó nhất thiết phải tiến hành một chính sách không kỳ thị chủng tộc. Từ quan điểm này, các nhân viên cảnh sát người da đen đó đã gia nhập vào một định chế, nơi mà ngoài tinh thần tập thể, còn có tình đồng đội, và là nơi mà vai trò của các nghiệp đoàn, các chương trình đào tạo và huấn luyện… Đây là những cơ chế sản sinh ra tâm lý phân biệt chủng tộc rất mạnh mẽ. Vì vậy, điều quan trọng là phải đa dạng hóa việc tuyển dụng để có được tính đại diện đồng đều hơn, nhưng điều đó hoàn toàn chưa phải là mục đích tự thân”.

Mike Pence Nói Ông Chịu Trách Nhiệm Về Các Tài Liệu Mật Được Tìm Thấy ở Nhà


(Hình: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.)
- Ngày thứ Sáu (27/1/2023), cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng ông không biết là có tài liệu mật ở nhà của ông ở tiểu bang Indiana và nói rằng ông “chịu hoàn toàn trách nhiệm” về vụ vi phạm an ninh.

Ông Pence, phát biểu tại Đại học Quốc tế Florida ở Miami, cho biết hồ sơ cá nhân của ông đã được xem lại sau khi các tài liệu mật được tìm thấy tại nhà của Tổng thống Joe Biden ở tiểu bang Delaware.
“Trong quá trình đó, chúng tôi xác định rằng có một số lượng nhỏ tài liệu được đánh dấu bảo mật hoặc nhạy cảm nằm lẫn trong các giấy tờ cá nhân của tôi”, ông nói. Ông Pence nói ông không biết các tài liệu này nằm trong đó.

“Để tôi nói rõ: những tài liệu mật đó lẽ ra không nên ở nhà riêng của tôi”, ông Pence nói. “Có những sơ suất và tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn”, ông nói.

Những tài liệu mật cũng đã được tìm thấy tại tư gia ở tiểu bang Florida của sếp cũ của ông Pence, cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã tham gia cuộc đua tranh đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 2024 và ông Pence vẫn để ngỏ khả năng ra tranh cử.

Luật sư của ông Pence, Greg Jacob, gửi một lá thư đến Cơ quan Lưu trữ Quốc gia vào ngày 18 tháng 1 thông báo cho họ biết về các tài liệu và trong một lá thư riêng rẽ vào ngày 22 tháng 1 thông báo cho cơ quan này biết rằng các nhân viên của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đến nhà của cựu Phó Tổng thống để thu thập tài liệu.

“An ninh quốc gia của chúng ta phụ thuộc vào việc giải quyết đúng cách các tài liệu mật và nhạy cảm, và tôi biết rằng khi có sai sót, điều quan trọng là chúng phải được giải quyết nhanh chóng và được tiết lộ”, ông Pence nói.

Ông Biden có tài liệu từ thời còn là Phó Tổng thống, và ông Trump thì từ chối giao nộp các tài liệu và vật phẩm, dẫn đến cuộc đột kích của FBI. Cả hai người đều đang đối mặt với các cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp về việc giải quyết không đúng cách tài liệu mật.

Trong giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống, hồ sơ từ mỗi chính quyền được chuyển giao cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Biết hoặc cố ý đem đi hoặc giữ lại tài liệu bảo mật là hành động phạm pháp.


Văn Minh Thời Tiền Sử! Nữ Sinh A Phú Hãn Không Được Dự Thi Đại Học!


(Hình: Các sinh viên nữ A Phú Hãn đi bộ gần Đại học Kabul ở Kabul, thủ đô của A Phú Hãn, ngày 21 tháng 12 năm 2022.)

- Ngày 29/1/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Bộ Giáo dục Đại học do Taliban điều hành đã ra lệnh cho các trường Đại học tư nhân ở A Phú Hãn không cho phép học sinh nữ tham gia các kỳ thi tuyển sinh Đại học vào tháng sau, nhấn mạnh chính sách hạn chế phụ nữ học Đại học.
Một bức thư từ bộ được gửi tới các cơ sở giáo dục ở các tỉnh phía Bắc của A Phú Hãn, bao gồm cả thủ đô Kabul, nơi các kì thi sẽ diễn ra từ cuối tháng 2. Bức thư cho biết những tổ chức không tuân thủ các quy định sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý.

Bộ Giáo dục Đại học vào tháng 12 đã nói với các trường Đại học không cho phép sinh viên nữ đến học “cho đến khi có thông báo mới”. Vài ngày sau, chính quyền ngăn hầu hết các nữ nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đi làm. Hầu hết các trường trung học dành cho nữ sinh cũng đã bị nhà chức trách đóng cửa.
Những hạn chế đối với việc làm và giáo dục của phụ nữ đã bị quốc tế lên án. Các nhà ngoại giao Phương Tây đã báo hiệu rằng Taliban cần phải thay đổi chính sách đối với phụ nữ để có cơ hội được quốc tế công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập về kinh tế.

Nước này đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, một phần do các chế tài ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và việc cắt giảm tài trợ phát triển, với các cơ quan viện trợ cảnh báo hàng chục triệu người đang cần viện trợ khẩn cấp.

Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này cũng cho biết chính quyền Taliban, vốn tuyên bố tập trung vào khả năng tự cung tự cấp về kinh tế nhiều hơn, đã duy trì thu ngân sách mạnh mẽ vào năm 2022 và xuất cảng đã được cải thiện.


Do Thái Tức Giận, Đưa Ra Loạt Biện Pháp Trả Đũa Sau Vụ Tấn Công Nhà Thờ Do Thái

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay sau một ngày cuối tuần chết chóc, sáng sớm Chủ Nhật (29/1/2023), chính phủ Do Thái công bố một loạt biện pháp trả đũa, trong đó có việc tước bỏ một số quyền của “các gia đình khủng bố”.
Thông tấn xã AFP cho biết, kết thúc 3 tiếng rưỡi họp khẩn Nội các về an ninh tối 28/1, Thủ tướng Do Thái Netanyahu tuyên bố chính phủ sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ, nhanh chóng và chính xác nhắm vào các phần tử khủng bố. Thủ tướng Do Thái nhấn mạnh không tìm kiếm leo thang căng thẳng, nhưng sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ tình huống nào.

Ngoài việc thông báo phá dỡ nhà thủ phạm vụ tấn công, chính quyền Tel Aviv còn cho biết sẽ tăng cường kế hoạch chiếm đóng vùng Cisjordani, thúc đẩy quy trình cho phép sở hữu vũ khí cho những công dân Do Thái nào đáp ứng đủ các tiêu chí. Đặc biệt, thông cáo của Nội các an ninh còn đề cập đến việc rút quốc tịch hay giấy phép cư ngụ của những nghi can tiến hành vụ khủng bố và thân nhân, một biện pháp cho phép trục xuất khỏi lãnh thổ Do Thái.

Trong khi đó, theo phóng sự của phóng viên đài RFI trong khu vực, tình hình ở các khu vực Jerusalem và Cisjordani bị chiếm đóng là hết sức căng thẳng. Người dân Palestin lo ngại điều tệ hại nhất sẽ xảy ra sau việc Thủ tướng Benyamin Netanyahu hứa hẹn “một sự đáp trả mạnh mẽ từ Do Thái”.
“Hôm thứ Sáu, tiếng còi xe và pháo hoa vang lên ở khắp nơi tại Cisjordani và trên dải Gaza. Nhiều người Palestine ăn mừng vụ tấn công. Ngược lại, số khác chẳng có chút tâm trạng nào để vui mừng. Họ nói đến một xã hội bị tổn thương, bị đổ vỡ, khi nhiều người có thể chào mừng sự chết chóc theo cách này. Mohammad Hassouneh, 35 tuổi, sống tại Ramallah, lo sợ một cuộc trấn áp sắp xảy ra, hậu quả trực tiếp của cuộc tấn công này.

Anh nói: “Chúng tôi là những người sẽ phải trả giá: Do Thái sẽ còn làm đổ máu nhiều hơn nữa sau cuộc tấn công này. Cách duy nhất để ngăn chặn tất cả những điều đó, chính là chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc mà chúng tôi đang sống. Quý vị trông đợi điều gì từ một đứa trẻ đã sống cả đời dưới sự chiếm đóng? Quý vị nghĩ rằng nó sẽ mang hoa đến cho quý vị à? Đâu có! Nó thậm chí còn chẳng biết được những bông hoa đó trông như thế nào nữa”.

Mohammad Hassouneh còn nhắc đến tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của giới truyền thông hay cộng đồng quốc tế, mà theo anh, chỉ quan tâm đến tình hình khi người Do Thái bị sát hại. Anh nói đến khoảng 30 người dân Palestine – trong đó có thường dân – đã bị thiệt mạng từ đầu năm nay.

Hassouneh nói tiếp: “Chỉ cần quý vị so sánh và nhìn vào các con số là đã đủ để quý vị hiểu được thực tế. Chính phủ Do Thái có thể giết chết ngần ấy người Palestine mà họ muốn. Kết quả là gì? Một sự im lặng và hoàn toàn không bị trừng phạt. Chẳng ai ngăn cản Do Thái cả, chẳng ai sẽ trừng phạt nước này và chẳng ai sẽ làm một cử chỉ gì chống Do Thái. Đây thực sự là một thảm họa. Tôi nghĩ rằng mạng người lẽ ra phải bình đẳng, nhưng tôi chẳng thấy như vậy!”

Anh nói rõ rằng hy vọng của anh không nằm cả trong cộng đồng quốc tế lẫn các chính phủ, mà là trong xã hội dân sự: “chính chúng tôi, những người dân Palestine, giúp chúng tôi tồn tại”.“


Ukraine Khẳng Định Đang Ráo Riết Đàm Phán Để Được Cung Cấp Phi Đạn Tầm Xa

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 28/1/2023, Cố vấn cao cấp của Tổng thống Ukraine khẳng định: Kyiv đang tích cực đàm phán với các đồng minh để được cung cấp loại phi đạn tầm xa, mà nước này đang cần để ngăn không cho Nga “phá hủy các thành phố Ukraine”.
Trên kênh truyền hình Freedom của Ukraine, ông Mikhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Volodymir Zelensky tuyên bố: “Để giảm được đáng kể lượng vũ khí chủ lực của quân đội Nga – các loại đạn pháo mà họ hiện đang sử dụng ở tiền tuyến – chúng ta cần phi đạn để phá hủy các kho chứa của họ”. Theo nhân vật này, hơn 100 kho pháo hiện nằm ở vùng Crimea bị Nga chiếm đóng.

Ông Poldolyak tiết lô rằng các cuộc đàm phán với đồng minh Phương Tây đã được tiến hành và “đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng”, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Về phần mình, trong một video được công bố vào buổi tối, chính Tổng thống Ukraine Zelensky đã xác định một lần nữa nhu cầu cấp thiết về phi đạn tầm xa, để ngăn chặn các cuộc tấn công tới đây của Nga vào thường dân Ukraine.

Theo hãng tin Anh Reuters, Kyiv muốn được cung cấp loại phi đạn Atacms do Mỹ sản xuất với tầm bắn 297 cây số. Cho đến nay, Hoa Thịnh Ðốn vẫn từ chối viện trợ cho Ukraine loại vũ khí này.

Kyiv đã thành công trong việc yêu cầu các đồng minh cung cấp cho mình hơn 300 chiến xa hạng nặng, và hiện đang tìm cách có được máy bay chiến đấu để đẩy lùi các cuộc tấn công của Quân Đội Nga và các lực lượng thân Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Theo thông tấn xã Reuters, vào hôm 28/1, Không quân Ukraine đã phủ nhận thông tin từ tờ El Pais (Tây Ban Nha) theo đó Kyiv có ý định mua 24 chiến đấu cơ, chủ yếu là loại F-16 do Mỹ chế tạo – từ các đồng minh. Trên kênh truyền thông trên mạng Babel của Ukraine, phát ngôn viên Không quân Ukraine cho biết là Kyiv chỉ mới ở giai đoạn đàm phán về chiến đấu cơ, còn số lượng và loại máy bay nào chưa được xác định.

Trong bối cảnh các nước trong Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ồ ạt cam kết cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine, chủ yếu là loại chiến xa Leopard 2 của Đức, tập đoàn chế tạo vũ khí Rheinmetall sản xuất loại đại bác 120 mm dùng trên chiếc Leopard 2 cho biết sẽ tăng cường đáng kể sản lượng.
Trả lời hãng tin Reuters ngày 28/1, ông Armin Papperger, lãnh đạo tập đoàn vũ khí Đức cho biết đã sẵn sàng tăng mạnh mức sản xuất thiết bị dùng cho xe tăng, và đạn pháo để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở Ukraine và cũng như tại các nước Phương Tây.

Ngoài ra, Rheinmetall cũng đang đàm phán với tập đoàn Mỹ Lockheed Martin về việc sản xuất hệ thống pháo phản lực Himars, tầm bắn dưới 70 cây số, vốn đang được lực lượng Ukraine sử dụng rất nhiều.


Ukraine Áp Đặt Lệnh Trừng Phạt Đối Với 182 Công Ty Nga và Belarus



(Hình: Bảng hiệu công ty Belaruskali.)
- Ngày 29/1/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 182 công ty Nga và Belarus, cùng 3 cá nhân, trong một loạt các bước đi mới nhất của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhằm ngăn chặn các liên hệ của Mạc Tư Khoa và Minsk với đất nước của ông.

“Tài sản của họ ở Ukraine bị phong tỏa, tài sản của họ sẽ được sử dụng để bảo vệ chúng tôi”, ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video.
Theo danh sách do Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine công bố, các công ty bị trừng phạt chủ yếu tham gia vận chuyển hàng hóa, cho thuê phương tiện và sản xuất hóa chất.

Danh sách này bao gồm nhà sản xuất và xuất cảng phân kali của Nga Uralkali, nhà sản xuất kali thuộc sở hữu nhà nước của Belarus là Belaruskali, công ty Đường sắt Belarus, cũng như VTB-Leasing và Gazprombank Leasing của Nga, vốn đều kinh doanh cho thuê vận tải.

Ukraine đã trừng phạt hàng trăm cá nhân và công ty Nga và Belarus kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Tổng Thống Ukraine Chỉ Trích Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (IOC) “Đạo Đức Giả”, Mời Lãnh Đạo Tổ Chức Này Đến Bakhmut

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 27/1/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky lên án thái độ “đạo đức giả” của Ủy ban Thế vận Quốc tế (IOC), đồng thời mời Chủ tịch IOC đến thăm Bakhmut, một trong những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh với Nga.

Mặc dù Kyiv đã nhiều lần kêu gọi cấm các vận động viên Nga và Belarus tham dự Thế vận hội Paris 2024, hôm 25/1 vừa qua, IOC cho biết đang “xem xét” khả năng cho phép các vận động viên của hai nước này tham dự Thế Vận Hội với quy chế trung lập.

Đề nghị của IOC đã khiến Ukraine giận dữ. Ngay từ thứ Năm (26/1), trên mạng Facebook, Bộ trưởng Thể thao Ukraine, ông Vadym Goutzaït dọa sẽ tẩy chay Thế Vận hội Paris 2024. Hôm qua, đến lượt Tổng thống Zelensky khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm tất cả để thế giới bảo vệ thể thao khỏi ảnh hưởng của “Nhà nước khủng bố” (Nga). Ảnh hưởng này sẽ không thể tránh được nếu các vận động viên Nga được tham dự Thế Vận hội Paris”.

Nguyên thủ Ukraine còn mời Chủ tịch IOC Thomas Bach đến thăm thành phố Bakhmut để “tận mắt nhìn thấy là sự trung lập không hề tồn tại”. Ông Zelensky hứa sẽ “dọn sạch thói đạo đức giả khỏi ban lãnh đạo các cơ chế Olympic quốc tế”.

Trong lúc chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, đặc biệt là tại thành phố Vugledar ở miền Đông Ukraine, chính phủ Bỉ ngày 27/1, thông báo, sẽ cấp cho chính quyền Kyiv những khoản tài trợ mới cho dân sự và sẽ giao cho quân đội Ukraine các phi đạn, súng máy, đạn dược và xe thiết giáp. Ba Lan thì cho biết, ngoài 14 xe tăng Leopard 2 đã hứa, Vacxava sẽ gởi thêm 60 xe tăng cho Kyiv để chống trả quân Nga. Trong số này có 30 chiếc PT-91, được cải tiến từ loại xe tăng T-72 của Liên Xô.

Theo thống kê của Ðại sứ Ukraine tại Paris Vadim Omelchenko, tổng cộng có 321 xe tăng đã được các đồng minh hứa cấp cho Kyiv.


Các Nước EU Áp Mức Giá Trần Mới Đối Với Các Sản Phẩm Dầu của Nga


(Hình: Một tàu dầu khổng lồ của Nga neo đậu tại bến tàu Neka cách Tehran 300 cây số về phía Đông-Bắc.)
- Ngày 29/1/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) sẽ áp dụng 2 mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga bắt đầu từ ngày 5/2, nhằm hạn chế doanh thu của Nga từ xuất cảng dầu mỏ và thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của EU, đề xuất áp đặt mức giá trần 100 Mỹ kim mỗi thùng đối với các sản phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel và giới hạn giá hàng hóa chiết khấu bao gồm dầu nhiên liệu ở mức 45 Mỹ kim.

Mặt khác, Nhóm G7 chủ trương áp mức giá trần sản phẩm dầu diesel của Nga ở mức 100-110 Mỹ kim/thùng để tránh thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu diesel quốc tế.
Hai mức giá trần sẽ được áp dụng từ ngày 5 tháng 2, nhưng thời gian ân hạn sẽ được áp dụng cho các tàu chở sản phẩm được mua và chất hàng trước ngày đó và dỡ hàng trước ngày 1 tháng 4, theo Bloomberg News.

Các nước Âu Châu đang tăng cường mua dầu diesel của Nga, với dữ liệu cho thấy hơn 600.000 thùng dầu diesel của Nga đang được các quốc gia Âu Châu mua mỗi ngày trong năm nay, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.


Cựu Chỉ Huy NATO Đắc Cử Tổng Thống Cộng Hòa Czech

- Ngày 29/1/2023, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Tướng về hưu Petr Pavel, cựu Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) – chức vụ cao cấp nhất về mặt quân sự của Liên minh NATO, đã đắc cử Tổng thống Cộng hòa Czech.

Theo kết quả kiểm phiếu hôm 28/1, ông Petr Pavel đã chiến thắng áp đảo đối thủ Andrej Babis, với tỉ lệ hơn 58% phiếu bầu. Andrej Babis là cựu Thủ tướng và là người giầu thứ 5 Cộng hòa Czech, thường được mệnh danh là “Donald Trump của Cộng hòa Czech”. Hơn 70% cử tri Cộng hòa Czech đã tham gia bỏ phiếu.

Cựu tướng Petr Pavel kế nhiệm Tổng thống Milos Zeman, được coi là một người thân Mạc Tư Khoa. Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống tân cử Petr Pavel đã được ghi nhận là một người vận động quyết liệt cho việc Cộng hòa Czech gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và khối NATO. Ứng cử viên Petr Pavel cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukrain, với khẳng định quốc gia Âu Châu này cũng cần được hưởng các cơ hội như Cộng hòa Czech trước đây. Về chiến thắng của ông Petr Pavel, thông tín viên Alexis Rosenzweig từ Praha cho biết thêm:
“Ông Petr Pavel đã mừng chiến thắng với thái độ khiêm tốn hôm thứ Bảy, 28/1, sau một chiến dịch tranh cử gay go trong những ngày gần đây. Chiến dịch tranh cử đầu tiên của Petr Pavel đã bắt đầu cách đây vài năm, với một chuyến đi vận động dài ngày tại quốc gia Trung Âu 10,5 triệu dân này, để thu thập hàng chục ngàn chữ ký cần thiết để được phép ứng cử.

Tổng thống tân cử Petr Pavel phát biểu: “Trong cuộc bầu cử này, các giá trị đã chiến thắng, các giá trị như sự thật, nhân phẩm, sự tôn trọng và tinh thần khiêm tốn”. Petr Pavel đã thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với Ukraine, phù hợp với chính sách viện trợ quân sự và tài chánh của chính phủ Cộng hòa Czech, kể từ cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu từ gần một năm trước.

Cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine chắc chắn đã mang lại thêm uy tín cho viên sĩ quan cao cấp này, nhưng cử tri Cộng hòa Czech cũng muốn bằng cuộc bỏ phiếu này gạt ra ngoài tỉ phú dân túy Andrej Babis, sau nhiều năm cầm quyền. Tỉ phú dân túy Andrej Babis, đang đối mặt với nhiều vụ kiện, có mặt khắp nơi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, đến kinh tế và truyền thông”.

Việc cựu tướng Petr Pavel đắc cử Tổng thống Cộng hòa Czech ngay lập tức được chào đón tại Âu Châu. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, ca ngợi “sự gắn bó kiên định (của ông) đối với các giá trị Âu Châu”. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh: “chiến tranh xâm lược của Nga chống Ukraine cho thấy tầm quan trọng hơn bao giờ hết của sự đoàn kết trong nội bộ Liên Hiệp Âu Châu và NATO”. Thông tấn xã AFP cũng ghi nhận những lời chúc mừng từ các nước Baltic và quốc gia láng giềng Slovakia, đã nhanh chóng được gửi đến Tổng thống tân cử Cộng hòa Czech.
Tổng thống tân cử Cộng hòa Czech tuyên bố Ukraine là một trong những nước ông sẽ công du đầu tiên sau khi nhậm chức.


Thủ Tướng Đức Công Du Nam Mỹ: Kinh Tế, Thương Mại Là Trọng Tâm

- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), cùng với một phái đoàn gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/1/2023, đã đến Á Căn Ðình, chặng đầu tiên trong vòng công du Mỹ Châu Latinh, trước khi đến Chí Lợi hôm 29/1, và Ba Tây ngày 30/1.
Trọng tâm chuyến thăm là củng cố quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Đức với từng nước, cũng như giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur.

Trong cuộc tiếp xúc với Tổng thống Á Căn Ðình Alberto Fernandez tại Buenos Aires, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của việc ký kết Hiệp định Thương mại giữa EU và khối Mercosur bao gồm các nước Á Căn Ðình, Ba Tây, Paraguay và Uruguay. Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý tăng cường quan hệ thương mại song phương và trong chiều hướng đó, Hiệp định Thương mại EU-Mercosur có tầm quan trọng đặc biệt…. Mục tiêu của hai nước là đạt được một kết luận nhanh chóng”.

Về phần mình, Tổng thống Á Căn Ðình nhấn mạnh rằng, với việc ông Lula nhậm chức Tổng thống Ba Tây, khả năng đạt được một thỏa thuận có nhiều triển vọng hơn.
Chuyến thăm Nam Mỹ của Thủ tướng Đức diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm các cơ hội mới ở ngoại quốc, sau cú sốc kinh tế do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra và trong lúc các mối lo ngại gia tăng về sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.

Theo hãng tin Pháp AFP, một nguồn tin chính phủ ở Bá Linh không ngần ngại xác định rằng cả ba quốc gia - Á Căn Ðình, Chí Lợi và Ba Tây - đều giàu tài nguyên thiên nhiên và là “những đối tác rất hấp dẫn” của nền kinh tế hàng đầu Âu Châu.
Tuy nhiên, chặng Ba Tây của chuyến đi sẽ được theo dõi chặt chẽ nhất. Đức, và rộng hơn là Liên Hiệp Âu Châu, đang tìm cách thiết lập lại các mối quan hệ khi Lula trở lại nắm quyền, sau thời kỳ chính phủ gây chia rẽ của nhà lãnh đạo cực hữu Jair Bolsonaro. Ngày mai, Scholz sẽ trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Lula kể từ khi ông nhậm chức.


Kế Hoạch Chuyển Sang Kinh Tế Xanh: Tổng Thống Pháp Nhận Lỗi Đã Chậm Trễ

- Tổng thống Pháp thừa nhận nước Pháp cho đến nay đã hành động chậm trong nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và cần phải tăng gấp bội nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra cho cái mốc 2030. 27 hiệp hội môi trường Pháp đã hoan nghênh thái độ của Tổng thống Pháp, nhưng đòi hỏi chính quyền phải có lộ trình hành động cụ thể.

Theo thông tấn xã AFP, 2 ngày sau một cuộc họp kín đáo của “Hội đồng kế hoạch hóa sinh thái” tại điện Elysée không có sự tham dự của truyền thông, hôm 28/1/2023, chính quyền Pháp đã đưa lên mạng xã hội một đoạn video, trong đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận tiến độ chậm trễ của việc thực thi các mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2030.

Tổng thống Macron nhấn mạnh: “nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu vào năm 2030, chúng ta phải cắt giảm khí thải xuống còn 270 triệu tấn”, thay vì 410 triệu tấn của năm 2022. Điều có nghĩa là nước Pháp phải tăng gấp đôi nỗ lực so với 5 năm vừa qua. Tổng thống Pháp cũng vạch ra một số mốc thời gian cho cắt thảm khí thải từ đây đến tháng 6/2023 tới, mà các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp,… cần tôn trọng.
Bà Anne Bringault, người điều phối Mạng lưới Hành động Khí hậu (Reseau Action Climat), bao gồm 27 tổ chức phi chính phủ của Pháp, trong đó có Green Peace, đã hoan nghênh thái độ ghi nhận thực tế và nhận lãnh trách nhiệm của nguyên thủ Pháp, nhưng cũng chỉ trích là chính quyền “thiếu các biện pháp cụ thể” để khai triển các quyết định đã lên kế hoạch.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 29/1 trên Journal du Dimanche, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh là để thành công trong kế hoạch chuyển sang nền kinh tế Xanh, Pháp cần thêm từ 60 đến 70 tỉ Mỹ kim đầu tư hàng năm.

Thông tấn xã AFP dẫn lời chuyên gia môi trường Anne Bringault, Mạng lưới Hành động Khí hậu Pháp, cho biết là “cuộc họp (hôm 26/1 vừa qua của chính phủ) là rất quan trọng, bởi nước Pháp đang duyệt xét lại lộ trình hành động về khí hậu và năng lượng”. Cho đến nay, chiến lược khí hậu của Pháp vẫn dựa trên mục tiêu cắt giảm 30% khí thải vào ngưỡng 2030, nhưng Paris sẽ phải hướng đến mục tiêu cắt giảm 55%, để phù hợp với mục tiêu chung mà Liên Hiệp Âu Châu đã xác định cho toàn khối.
Kế hoạch chuyển sang nền kinh tế xanh (với tên gọi chính thức là “kế hoạch hóa sinh thái”) là trọng tâm trong cương lĩnh hành động của ứng cử viên Tổng thống Macron. Ngay sau khi tái đắc cử cách nay 8 tháng, ông Macron đã cử Thủ tướng Elisabeth Borne trực tiếp phụ trách thực thi kế hoạch. Chuyên gia môi trường Anne Bringault tỏ ra hoài nghi về quyết tâm của chính quyền Macron trong việc thoát ra khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Trả lời thông tấn xã AFP, vị chuyên gia nổi tiếng này nhấn mạnh, kể từ khi ông Macron đắc cử lần đầu năm 2017, đã “chưa có những thay đổi về cấu trúc”, “thay đổi thực sự” trong lĩnh vực này chưa diễn ra.


Vụ Đốt Kinh Coran: Các Nước Phương Tây Cảnh Báo Công Dân Về Nguy Cơ Khủng Bố ở Thổ Nhĩ Kỳ!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 27/1/2023, nhiều nước phương Tây, trong đó có Pháp, Đức và Mỹ, đã kêu gọi công dân nước họ hết sức “cảnh giác” trước nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa các vụ đốt kinh Coran của Hồi giáo trong các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển và Đan Mạch.

Theo hãng tin AFP, Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Ankara cảnh báo các công dân Mỹ là để trả đũa các vụ đốt kinh Coran, quân khủng bố có thể tấn công vào những nơi thờ tự có nhiều người phương Tây lui tới. Dựa trên báo động của Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ, Tòa Ðại sứ Pháp tại Ankara cũng gởi một email với nội dung cảnh báo tương tự cho các công dân Pháp hiện đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi họ tránh những nơi mà nhiều người phương Tây lui tới. Hai nước Âu Châu khác là Đức và Ý Ðại Lợi cũng cảnh báo công dân nước họ về nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra vào tuần trước ở Stockholm (thủ đô của Thụy Điển) và hôm 27/1 ở Copenhagen (thủ đô của Ðan Mạch), mà trong đó các thành phần cực đoan đã đốt những bản kinh Coran để gọi là phản đối Thổ Nhĩ Kỳ “phủ quyết việc thâu nhận Thụy Điển vào khối NATO”.

Các chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch cũng như các nước phương Tây khác đã lên án hành động nói trên, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, rất phẫn nộ, đã tuyên bố là Thụy Điển “đừng trông chờ vào sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ” cho việc xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Cuộc họp ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO, dự kiến vào đầu tháng 2/2023, đã bị đình hoãn vô thời hạn.

Hôm qua, Ðại sứ Đan Mạch tại Ankara đã bị triệu mời lên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc biểu tình tại Copenhagen trước Tòa Ðại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và trước một nhà thờ Hồi giáo, trong đó một người cực đoan chống Hồi giáo đã đốt các bản kinh Coran.

Lãnh Đạo NATO Công Du Nam Hàn và Nhật Bản

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay vào hôm 29/1/2023, Tổng Thư ký Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg đã đến Hán Thành chặng đầu tiên trong chuyến công du cũng sẽ đưa ông đến Tokyo. Chuyến đi nhằm củng cố mối quan hệ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với hai đồng minh Á Châu của Mỹ là Nam Hàn và Nhật Bản, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, và sự cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc.

Theo chương trình, tại Hán Thành, Tổng Thư ký Stoltenberg có những cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Park Jin, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-Sup cùng nhiều viên chức cấp cao khác, đồng thời có cuộc hội kiến với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol. Sau Hán Thành, Tổng Thư ký NATO sẽ đến Tokyo vào ngày 30/1. Ông Stoltenberg có kế hoạch gặp Thủ tướng Fumio Kishida.

Trả lời hãng tin Nam Hàn Yonhap vào hôm 29/1, ông Stoltenberg khẳng định rằng việc tăng cường quan hệ đối tác giữa Nam Hàn và NATO cần phải được thúc đẩy vì “các vấn đề an ninh ngày càng gắn kết với nhau nhiều hơn”. Theo Tổng Thư ký NATO: “Những gì xảy ra ở Á Châu, ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đều quan trọng đối với Âu Châu và NATO, và ngược lại”.

Đối với ông Stoltenberg, dù ưu tiên chính của NATO vẫn là Âu Châu và Bắc Mỹ, nhưng mọi thành viên NATO đều bị tác động từ các khu vực khác trên thế giới, vì vậy NATO “cần phải giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm cả những thách thức đến từ Trung Quốc, và hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực là một trong những điều tất nhiên”.
Vào năm 2022, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã trở thành các lãnh đạo Á Châu đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách quan sát viên. Sau thượng đỉnh, Nam Hàn đã mở phái Bộ Ngoại giao đầu tiên của mình bên cạnh NATO, cam kết tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí nguyên tử, an ninh mạng, chống khủng bố, và nhiều lĩnh vực an ninh khác.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về việc Nam Hàn và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, đồng thời đả kích quan hệ đối tác ngày càng mở rộng của liên minh này ở Á Châu.


Bắc Hàn Phủ Nhận Cung Cấp Vũ Khí Cho Nga

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay chế độ Bình Nhưỡng đã phủ nhận cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa sau những cáo buộc từ Hoa Thịnh Ðốn cho rằng Bắc Hàn giao đạn rốc-kết và phi đạn cho tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga đang chiến đấu tại Ukraine.

Được hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA trích dẫn, ông Kwon Jong Gun, vụ trưởng Vụ Mỹ Châu của Bắc Hàn, Chủ Nhật, 29/1/2023, đã bác bỏ “tin đồn được dàn dựng này”, đồng thời, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ hứng lấy “một kết quả thật sự không mong muốn”, nếu cứ tiếp tục tung tin đồn. Viên chức Bắc Hàn mạnh mẽ chỉ trích: “việc cố gắng bôi nhọ hình ảnh của Bắc Hàn bằng cách tạo dựng tin giả là một hành động khiêu khích nghiêm trọng không thể chấp nhận được, và chỉ có thể dẫn đến hành động đáp trả”.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, hồi tuần rồi, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh của Tòa Bạch Ốc, ông John Kirby đã trưng bày hình ảnh tình báo Mỹ thu thập, cho thấy nhiều toa tàu của Nga được cho là đến từ Bắc Hàn, chở đầy trang thiết bị quân sự, trong đó có đạn rốc-kết cung cấp cho Wagner. Cùng lúc, Hoa Kỳ xếp tập đoàn bán quân sự này của Nga vào danh sách “tổ chức tội phạm” và tuyên bố chuyển giao những thông tin này cho Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ các trừng phạt quốc tế nhắm vào Bình Nhưỡng.

Theo viên chức cao cấp của Bắc Hàn nói trên, Hoa Kỳ đã dùng cáo buộc nói trên “để biện minh” cho việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, trong đó có 31 chiến xa hạng nặng Abrams, và đây là một hành động “một ý đồ xuẩn ngốc”. Hôm 27/1, Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, đã mạnh mẽ chỉ trích những cam kết gởi xe tăng chiến đấu đến Ukraine từ Mỹ và các nước đồng minh, cáo buộc những nước này là “đã vượt quá xa lằn ranh đỏ”.

Hãng tin Pháp lưu ý, Nga cùng với Trung Quốc là một trong số hiếm hoi các đồng minh quốc tế của Bắc Hàn, và đã có một sự hậu thuẫn trực tiếp cho chế độ Bình Nhưỡng.


Trung Quốc Nối Lại Việc Cấp Thị Thực Thông Thường Cho Công Dân Nhật


(Hình: Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng kiểm tra an ninh để vào cổng khởi hành quốc tế tại Phi trường Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ở Bắc Kinh, vào ngày 29/12/2022.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (29/1/2023), Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã nối lại việc cấp thị thực thông thường cho công dân Nhật Bản đến nước này.
Thông tấn xã Reuters nhận định rằng động thái này có thể xoa dịu căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Kể từ ngày Chủ Nhật, Tòa Ðại sứ và Tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Nhật Bản sẽ tiếp tục xem xét và cấp thị thực thông thường cho công dân Nhật Bản đến Trung Quốc, Tòa Ðại sứ cho biết trong một tuyên bố.

Trung Quốc trong tháng này đã ngừng cấp thị thực cho công dân Nhật Bản sau khi Nhật Bản thắt chặt các quy định kiểm soát biên giới về COVID-19 đối với du khách đến trực tiếp từ Trung Quốc.

Nhật Bản sau đó gửi công hàm phản đối Trung Quốc về việc tạm dừng cấp thị thực cho công dân Nhật Bản, yêu cầu Bắc Kinh hủy bỏ hành động này.

Trung Quốc đã từ bỏ chính sách nghiêm ngặt “không COVID” vào đầu tháng 12 năm 2022 sau các cuộc biểu tình phản đối các hạn chế, cho phép người dân đi lại và virus đồng thời cũng lây lan nhanh chóng khắp cả nước.


Giới Chức Liên Hiệp Quốc Lên Án Đàn Áp Nhân Quyền Quy Mô Lớn ở Miến Ðiện


(Hình: Kỳ họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 22/12/2022 bỏ phiếu thông qua một Nghị quyết về Miến Ðiện.)
- Ngày 29/1/2023, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ đưa tin cho hay Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk lên án sự tàn bạo ngày càng gia tăng và sự đàn áp quy mô lớn của các lãnh đạo quân sự Miến Ðiện nhằm duy trì và củng cố quyền lực.

Ông Türk nói rằng Miến Ðiện ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kể từ khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của đất nước gần hai năm trước, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Phát ngôn viên của ông Türk, Jeremy Laurence, nói rằng đất nước này đã trải qua một sự đàn áp quy mô lớn về nhân quyền.
Ông nói rằng bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát, hoàn toàn bất chấp nghĩa vụ pháp lý của quân đội để bảo vệ thường dân theo luật pháp quốc tế.

Ít nhất 2.890 người được cho là đã chết dưới tay quân đội. Tuy nhiên, văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tin rằng con số đó quá thấp. Cơ quan này báo cáo rằng hành động quân sự chống lại dân thường đã khiến 1,2 triệu người bị thất tán, trong khi bạo lực và đàn áp đã buộc khoảng 70.000 người khác phải rời bỏ đất nước.

Ông Türk nói rằng không có cách nào dễ dàng thoát khỏi tình hình thảm khốc. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, ông nói rằng các tướng lĩnh của Miến Ðiện đã coi thường sự đồng thuận năm điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Miến Ðiện.

Ông Laurence nói rằng cao ủy đã xác định các biện pháp khác là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chúng bao gồm việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.
Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một Nghị quyết hiếm hoi về Miến Ðiện, Nghị quyết đầu tiên trong hơn 7 thập kỷ, yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực trên khắp đất nước”.


Hoa Kỳ và Trung Quốc Khẩu Chiến tại Cuộc Họp của WTO


(Hình: Một phiên họp của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO.)
- Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ trích nhau gay gắt tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 27/1/2023. Bắc Kinh gọi Hoa Thịnh Ðốn là ‘kẻ bắt nạt đơn phương’ và Hoa Kỳ cáo buộc đối thủ của họ về các biện pháp trả đũa bất hợp pháp.

Đại sứ Trung Quốc tại WTO Li Chenggang đã phát biểu tại một cuộc họp về tranh chấp thương mại ngay sau khi Hoa Kỳ đệ đơn kháng cáo một loạt phán quyết của WTO liên quan đến Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Thụy Sĩ cho rằng thuế quan kim loại của Hoa Kỳ vi phạm các quy tắc toàn cầu
“Những hành vi đáng lo ngại này của Hoa Kỳ đã mô tả rõ ràng hình ảnh Hoa Kỳ là kẻ bắt nạt đơn phương, kẻ phá vỡ quy tắc và kẻ phá vỡ chuỗi cung ứng”, ông nói, theo bài phát biểu của ông mà Reuters có được.

WTO đã đưa ra các phán quyết quan trọng chống lại Hoa Kỳ trong những tuần gần đây, bao gồm phán quyết về kim loại liên quan đến Trung Quốc và một tranh chấp riêng với Hồng Kông mà Hoa Thịnh Ðốn cũng đã kháng cáo. Hoa Thịnh Ðốn, từ lâu đã chỉ trích hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và đang dẫn đầu các cuộc thảo luận về việc cải cách hệ thống này, đã chỉ trích cả hai phán quyết.

Hoa Kỳ cho biết lấy làm tiếc khi tranh chấp thuế quan kim loại với Trung Quốc có trong chương trình nghị sự tại cuộc họp và cáo buộc Bắc Kinh áp đặt ‘các biện pháp trả đũa đơn phương bất hợp pháp’ đối với hàng xuất cảng của Hoa Kỳ.
Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Maria Pagan, nói: “Một WTO phục vụ để bảo vệ các chính sách và thông lệ phi thị trường của Trung Quốc không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.

WTO sẽ không thể duyệt xét lại đơn kháng cáo của Hoa Thịnh Ðốn về vụ kiện kim loại vì ban Phúc thẩm hàng đầu của tổ chức này bị tê liệt sau khi Hoa Kỳ chặn các Thẩm phán mới.
“Trung Quốc đã hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ thể hiện sự kiềm chế hợp lý để không kháng cáo mọi phúc trình bất lợi của ban hội thẩm vào khoảng trống mà chính Hoa Kỳ đã tạo ra”, ông Li nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters hôm 26/1, bà Pagan đã hạ thấp tầm quan trọng của việc Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ hơn Hoa Thịnh Ðốn tại các cuộc họp của WTO. “Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận với Trung Quốc”, bà nói.


Tin Nóng Việt Nam

Chiết Khấu Quá Thấp, Nhiều Cây Xăng Nghỉ Bán, Xăng Dầu Đã Khan Hiếm Trong Dịp Tết, Giờ Lại Càng Khó Khăn Thêm!


(Hình: Tổ công tác của Cục Quản lý thị trường Hà Nam thực hiện giám sát tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh vào ngày Mùng 5 Tết.)
- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 29/1/2023 cho hay thị trường xăng dầu đã xuất hiện nhiều bất ổn trước kỳ điều chỉnh giá xăng 1/2/2023, khi nhiều cây xăng tiếp tục giăng bảng nghỉ bán.

Trong đợt Tết (từ 20 đến 26/1), Quản lý thị trường Tp. HCM đã kiểm tra 4 cửa hàng xăng dầu treo bảng nghỉ bán. Chủ cửa hàng cho biết đang làm thủ tục giải thể, thanh lý hợp đồng và tháo dỡ các trụ bơm do không chịu nổi chi phí khi chiết khấu bằng 0.

Tin từ tờ Lao động cho biết hiện tượng bán nhỏ giọt, với 300 đến 500 ngàn/lượt đổ xăng dầu đã xuất hiện khắp nơi, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công thương liên tục yêu cầu không để thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết trên tờ Lao động rằng, với chiết khấu bằng 0 đồng, trong khi chi phí không giảm một xu nào, nghĩa là cứ mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp đang lỗ tới 1.300 đồng.

Người này kết luận: “Một mức lỗ đến không thể chịu nổi, cả ở khía cạnh nguồn lực lẫn sự kiên nhẫn”.

Năm nay, do ký điều hành xăng dầu trùng dịp Tết nên đã được lùi lại đến 1/2/2023. Vị Giám đốc trên nói tiếp: “Các nhà điều hành “nghỉ Tết”, trong khi doanh nghiệp thì cấm, thì không được phép nghỉ bán, dù đang lỗ chổng vó. Đúng là vô lý đến không chấp nhận nổi”.
Tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán cũng xuất hiện tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và nhiều tỉnh miền Tây.

Hôm 27/1, cửa hàng xăng dầu ở Hải Phòng đã bị xử phạt vì tự ý ngừng bán hàng.

Tại Hà Nam, Cục Quản lý Thị trường tỉnh này trong ngày 25/1 (tức ngày Mùng 4 Tết), cũng đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 15.000.000 đồng đối với Cửa hàng xăng dầu số 1 Vực Vòng (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chiến Dưỡng) tại tổ dân phố Vực Vòng (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.


Nhiều Thắc Mắc, Vì Đảng Không Còn Giữ Truyền Thống: Quyền Chủ Tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân Không Dự Lễ Hội Tịch Điền


(Hình: Lễ hội Tịch điền diễn ra hôm 28/1/2023 ở Hà Nam.)

- Vào sáng 28/1/2023, Lễ hội Tịch Điền ở Đọi Sơn, Hà Nam, đã diễn ra mà không có mặt của quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Chỉ có một cụ ông 70 tuổi, đeo mặt nạ, mặc áo long bào vào vai vua Lê Đại Hành để kéo cày cùng trâu.
Trước đó, ngày 25/1, lãnh đạo thị xã Duy Tiên nói với báo Dân Việt rằng: “năm nay Hà Nam chủ trương Lễ hội Tịch điền làm ở mức độ cấp địa phương nên quy mô không lớn.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị chu đáo để đón nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương được chúng tôi làm bài bản”.
Lễ hội Tịch Điền cầu cho mùa màng bội thu trong năm mới được tái phục hoạt từ năm 2009, và một năm sau lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ.

Các đời Chủ tịch nước sau đó cũng tham dự lễ hội này như: Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên, chỉ trước Tết Quý mão vài ngày, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã đột ngột từ chức với lý do là người chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng và 3 Bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Sau đó, Quốc hội Việt Nam thông báo bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước - sẽ đảm nhận quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch mới
Việc ông Phúc thôi chức Chủ tịch nước ngay trước Tết làm dấy lên những đồn đoán về ai sẽ người đọc chúc Tết và dự Lễ hội Tịch điền mà theo thông lệ hàng năm là do Chủ tịch nước đảm nhận. Liệu bà quyền Chủ tịch nước sẽ thực hiện các nghĩa vụ này theo quy định hay không?

Tuy nhiên, bài chúc Tết Nguyên Đán ngày đầu năm Quý Mão năm nay đã do Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thực hiện.


Gần Hàng Trăm Công Chức, Viên Chức Tại Văn Phòng Chính Phủ Thôi Việc Trong Năm 2022


(Hình: Các công chức, viên chức làm việc tại Tp. Sài Gòn.)
- Văn phòng Chính phủ đề nghị cần có chính sách lương phù hợp khi đã có 87 viên chức và hai công chức có năng lực trình độ tại Văn phòng đã bỏ việc trong năm qua.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 27/1/2023 dựa theo nội dung báo cáo của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Nội vụ đánh giá việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Báo cáo cũng ghi rõ số viên chức xin nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong đó có nhiều viên chức trẻ xin thôi việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân, đã làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đội ngũ viên chức.

Qua đó, Văn phòng Chính phủ kiến nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tinh giản biên chế. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143, với các nội dung sát với các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý biên chế và phù hợp với tình hình thực tiễn của các cơ quan đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, cần nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức tận tâm cống hiến.

Ngoài 89 công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng cá nhân trong năm 2022, theo báo cáo, từ năm 2015 đến giữa năm 2022, Văn phòng Chính phủ cũng đã thực hiện tinh giản biên chế 19 trường hợp, trong đó công chức là hai người, viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 17 người.
Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo từ năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, có 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử phạt kỷ luật, trong đó có trường hợp phải xử phạt hình sự.

Hôm cuối tháng 11/2022, nhìn nhận về vấn đề thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước còn quá ít, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định trên tớ Pháp Luật rằng: “Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án quốc gia về chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, theo đó sẽ có một cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn. Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng đang đôn đốc để năm tới có được một Nghị định tổng thể, bao quát, trong đó có cả tinh thần của Nghị định 140. Để từ đó chúng ta có bộ chính sách nhằm thu hút để thu hút, trọng dụng nhân tài”


Phi Trường Tân Sơn Nhất Đón Lượng Khách Kỷ Lục Chưa Từng Có Trong 1 Ngày, Lo Hạ Tầng Vỡ Trận!


(Hình: Hành khách ngồi chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, hồi năm 2014.)

- Trong ngày mùng 6 Tết (tức 27/1/2023) phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn đã đón gần 150.000 khách, phục vụ 916 lượt cất và hạ cánh. Con số này được báo chí Nhà nước ghi nhận là mức cao kỷ lục so với nhiều năm trước đại dịch COVID-19.
Vào năm 2019 tức là năm trước khi đại dịch xuất hiện, lúc cao điểm Tết Nguyên đán, phi trường tiếp nhận 128.000 lượt khách.

Báo Nhà nước dẫn lời đại diện phi trường cho biết, trong tổng lượng khách đến phi trường ngày mùng 6 Tết, phần lớn theo chiều đến, với gần 91.000 người. Trong đó, ga quốc nội chiếm đa số khi đón hơn 71.000 khách, còn lại ở ga quốc tế. Chiều đi từ phi trường trong hôm nay ước tính khoảng 58.000 khách (ga quốc nội hơn 39.000 và gần 19.000 khách ở ga quốc tế).

Ước tính trong cả dịp Tết Quý Mão, phi trường Tân Sơn Nhất đón hơn 3,8 triệu hành khách với gần 27.000 lượt chuyến bay, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 khi dịch chưa bùng phát.

Báo Tuổi Trẻ có bài viết viết về nỗi lo hạ tầng phi trường Tân Sơn Nhất vỡ trận khi lượng khách đông kỷ lục.
Theo bài báo, ““Chắp vá” là từ có thể hình dung được khi phi trường đã nhiều lần tìm cách cơi nới hạ tầng nhưng quá tải vẫn không tránh khỏi. Điều này được lãnh đạo Tân Sơn Nhất thẳng thắn nhìn nhận”.

Theo Tuổi Trẻ, sau nhiều lần sửa chữa, cố gắng cơi nới phi trường này cũng chỉ đạt năng lực khai thác 15 triệu hành khách, hiện phục vụ lượng khách gấp đôi thì không có một nhà ga nào trên thế giới có thể đạt được hiệu quả khai thác như mong đợi.


Vụ Em Bé Chết Chỉ Vì Do Hóc Hạt Bí, Bệnh Viện Nói Không Sai Sót, Bộ Y Tế Yêu Cầu Làm Rõ


(Hình: Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi.)
- Truyền thông nhà nước loan tin cho hay ngày 28/1/2023, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi có báo cáo với Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định không có sai sót trong vụ cấp cứu em nhỏ bị chết do hóc hạt bí, đổ lỗi cho gia đình đã tự ý mang bệnh nhân về.

Trước đó, trên mạng xã hội và báo chí đã có video, hình ảnh và thông tin về trường hợp một em nhỏ được cha mẹ đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi vào đêm mùng 5 Tết (tức ngày 26/1) nhưng đã chết vào sáng sớm ngày mùng 6 Tết (tức 27/1).

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một người đàn ông xưng là cha em bé kêu gào rằng bệnh viện đã tắc trách không cấp cứu kịp thời cho con ông mà đòi ông phải về nhà lấy sổ bảo hiểm, đồng thời nói rằng con ông không sao, tối không ai làm việc, hẹn sáng hôm sau.
Báo cáo của Bệnh viện cho Sở Y tế tỉnh được báo Nhà nước trích đăng viết rằng: “Bệnh nhi L được Bác sĩ thăm khám đầy đủ, hội chẩn giữa Bác sĩ hô hấp và Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng cho khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh; thực hiện cận lâm sàng đầy đủ: X-Quang phổi, xét nghiệm công thức máu, soi tai mũi họng; hội chẩn các Bác sĩ Tai-Mũi-Họng, Bác sĩ khoa Cấp cứu và Bác sĩ Khoa nhi hô hấp thống nhất chẩn đoán bệnh nhi bị viêm thanh khí phế quản cấp, chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở”.

Bệnh viện cũng khẳng định trong báo cáo là “bệnh nhi được chăm sóc, theo dõi toàn trạng theo đúng y lệnh của Bác sĩ: mạch, nhiệt độ, nhịp thở liên tục theo dõi trên monitor SPO2 97%-98% và hướng dẫn ủ ẩm tích cực”.
Theo báo cáo của Bệnh viện, “lúc 11 giờ 15 phút khuya 26/1, điều dưỡng Khoa Nhi hô hấp đến chăm sóc nhưng không có bệnh nhi tại buồng bệnh (người nhà tự ý đưa bệnh nhân về nhà) và báo cáo Bác sĩ trực”.

Theo Bệnh viện, người nhà bệnh nhi chỉ đưa em vào viện vào khoảng 4 giờ sáng hôm sau và dù được cấp cứu tích cực nhưng em đã không qua khỏi.
Trong khi đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng vừa có văn bản gửi Sở Y tế Quảng Ngãi yêu cầu làm rõ thông tin về trường hợp em bé chết do hóc hạt bí.

Công văn của Bộ Y tế được báo chí Nhà nước trích đăng viết: “Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ nội dung phản ánh trên.
Đồng thời, đề nghị khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm thảo tử vong, xác minh nguyên nhân tử vong của cháu T.Đ.L.. Xử nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có vi phạm (nếu có)”.

Bộ yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi phải công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, có văn bản trả lời trực tiếp người nhà bệnh nhân và báo cáo kết quả về Cục Quản lý hám, chữa bệnh trước ngày 31/1.


Xe Khách Chở Công Nhân Lật Trên Đèo Cón, 10 Người Bị Thương


(Hình: Hiện trường vụ tai nạn giao thông.)
- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 29/1/2023 cho hay chiếc xe khách loại 47 chỗ ngồi, biển số Hà Nội, chở hàng chục công nhân đã bị lật khi đang đổ đèo Cón ở Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, khiến nhiều người bị thương.

Một lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nói trên tờ Tuổi Trẻ rằng công an đang vào cuộc điều tra vụ lật xe nói trên. Hiện, nhiều công nhân bị thương đã được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Sơn.
Người này cũng cho biết vào thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe mang BKS 29F-00791 do Nguyễn Văn Nhật ngụ Hà Nội điều khiển, di chuyển trên quốc lộ 32B theo hướng Sơn La-Tân Sơn (Phú Thọ). Khi đến km2+100 tại đèo Cón thì bất ngờ bị lật, nhiều công nhân (không nói rõ công nhân công ty nào) bị mắc kẹt trong xe. Người dân và lực lượng chức năng phải phá cửa kính để đưa họ ra ngoài và chuyển đến Bệnh viện.

Tờ Công an Nhân dân cho biết tại cơ quan công an, lái xe Nguyễn Văn Nhật khai nguyên nhân xảy ra lật xe là do bị mất phanh. Vụ tại nạn khiến 10 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương nặng.

Hôm 26/1, Cục Cảnh sát Giao thông cho truyền thông hay trong bảy ngày nghỉ Tết 2023 (tức từ 20 đến 26/1), Việt Nam ghi nhận 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người, bị thương 111 người; giải quyết 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.


Dư Luận Ốn Ào, Nên Tạm Đình Chỉ Công Tác Công An Đánh Dân Trong Clip Lan Truyền Trên Mạng Xã Hội


(Ảnh: Cắt từ clip cho thấy người mặc sắc phục công an đang đá người đàn ông bị 2 dân quân khống chế.)
- Đại uý công an trong clip đánh người vào chiều tối 20/1/2023 (tức 29 Tết) đang lan truyền trên mạng xã hội đã bị tạm đình chỉ công tác.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 29/1 đồng thời cho biết, người mặc sắc phục công an trong clip đánh một người đàn ông được nói đang say rượu là đại uý T.V.T, thuộc Công an xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip có hiện rõ ngày, tháng ghi hình là 20/1/2023, cho thấy nhiều dân quân đang khống chế một người đàn ông say rượu thì một công an đến đá liên tục vào người đàn ông này. Sự việc được cho biết xảy ra tại nhà của một phụ nữ 46 tuổi ở xã Thành Triệu.

Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành động đánh người dân của công an kia. Một nick tên Tư Bốn để lại bình luận: “Ở ngoài đường bọn nó không tha khi đem vào đồn không chết mới là lạ”.
Hôm 29/1, công an huyện Châu Thành xác nhận với truyền thông người đàn ông bị công an đánh, đá liên tục là ông D. (SN 1979). Nguyên nhân là chiều cùng ngày, Công an xã Thành Triệu nhận được tin báo về việc ông D. sau khi nhậu say đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, cự cãi và dùng dao gây thương tích cho người vợ hờ của mình.

Công an đến hiện trường lập biên bản giải quyết tin thì ông D. đã dùng nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ nên bị khống chế, đưa về trụ sở Công an xã Thành Triệu để giải quyết. Lúc này, ông D. đã bỏ chạy nên lực lượng chức năng phải truy đuổi mới khống chế bắt lại được.
Tuy nhiên, công an huyện Châu Thành cũng cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với đại uý T.V.T để lực lượng chức năng xác minh làm rõ hành động của người này trong clip trên.


Thanh Hoá: Cách Chức Một Trưởng Phòng Tài Nguyên-Môi Trường Vì Quan Hệ Bất Chính



(Hình: Trụ sở Uỷ ban nhân dân huyện Bá Thước.)
- Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Văn Ấn, đã bị kỷ luật cách chức vì có 2 con riêng với người khác.

Uỷ ban nhân dân huyện Bá Thước cho truyền thông hay tin trên trong ngày 29/1/2023, ngay sau khi Chủ tịch huyện ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức trưởng phòng với ông Ấn.
Quyết định kỷ luật trên được thực hiện sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước kỷ luật ông này bằng hình thức cảnh cáo về Đảng, cũng với lý do nêu trên.

Hồi cuối năm 2022, Uỷ ban nhân dân huyện Bá Thước nhận được thông tin phản ánh ông Ấn dù đã có gia đình nhưng vẫn quan hệ bất chính với một phụ nữ khác và có 2 con riêng.
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bá Thước sau đó đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên và xác định thông tin phản ánh về ông Ấn là có thật.


Bộ Giao Thông-Vận Tải Kỷ Luật Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Công Nghiệp Tàu Thuỷ


(Hình: Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.)
- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) Vũ Anh Tuấn vừa nhận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm trong quản lý làm thất thoát, lãng phí lớn tiền và tài sản của Nhà nước.

Quyết định kỷ luật được Bộ Giao thông-Vận tải ban hành và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 27/1/2023.
Cùng với ông Tuấn, Bộ Giao thông-Vận tải cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Thành Đồng – Thành viên Hội đồng thành viên SBIC.

Cả hai ông Tuấn và Đồng trước đó đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách.
Hồi cuối tháng 12/2022, Uỷ ban Kiểm tra trung ương cũng đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC.

Uỷ ban Kiểm tra trung ương cho rằng ban thường vụ đảng uỷ SBIC các nhiệm kỳ từ 2010 đến 2020 đã buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để một số đơn vị trực thuộc và một số cá nhân vi phạm trong việc sử dụng kinh phí tái cơ cấu doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Tiền thân của SBIC là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tuy nhiên, công ty này liên tục thua lỗ và không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng.


Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Nói Sẽ Xử Phạt Xuân Bắc Nếu Có Vi Phạm


(Hình: Nghệ sĩ hài Xuân Bắc.)
- Hôm 27/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho báo chí Nhà nước biết Bộ đang tiến hành xác minh, xem xét sự việc nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc có bài viết xúc phạm khán giả, và nếu có vi phạm sẽ xử phạt.

Nghệ sĩ hài kiêm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Xuân Bắc đã gây ra một làn sóng phẫn nộ từ khán giả trong những ngày qua sau khi đăng một status trên Facebook cá nhân vào ngày mùng 2 Tết kể câu chuyện ngụ ngôn về một người con không gói bánh chưng nhưng lúc nào cũng chê bánh mẹ mình nấu. Kết quả là người con bị nhận một cái tát từ mẹ vì tội “ăn cháo đá bát”. Ý của Xuân Bắc được hiểu là các khán giả đã “ăn cháo đá bát” khi chê kịch hài Táo quân được chiếu vào ngày 30 Tết vừa qua trên truyền hình trung ương.

Báo Nhà nước trích lời ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nói rằng “Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Cục Nghệ thuật Biểu diễn tham mưu để giải quyết sự việc. Bộ sẽ làm việc trên tinh thần khách quan, thận trọng. Nếu Xuân Bắc có vi phạm thì sẽ xử phạt. Hiện tại, sự việc đang trong quá trình khai triển, xem xét. Nếu có thông tin, Bộ sẽ thông báo sau”.

Bà Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn - được báo chí trích lời nói: “Với trường hợp đang gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Cục sẽ có buổi làm việc cụ thể với Xuân Bắc về câu chuyện anh viết trên trang cá nhân, gây tranh cãi trái chiều từ dư luận để có thể rõ ràng mọi việc”.

Trước đó, một lãnh đạo khác của Cục là ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn - nói với báo chí rằng: “Khen chê với nghệ sĩ là điều bình thường và nên lắng nghe một cách văn minh. Xuân Bắc không nên phản ứng với khán giả. Nếu có chia sẻ nên chia sẻ một cách chân thành. Xuân Bắc nên rút kinh nghiệm”.

tin nong hom nay da lay out xong.docx

Không có nhận xét nào: