Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Cha mẹ già - KD


Một bà già Việt Nam đầu đội khăn mỏ quạ, áo quần màu sậm đen, khoác áo dạ sờn, mang bao tay bằng vải, đang đẩy chiếc xe đi chợ có bốn bánh chất đầy bao nilông. Bên trong bao là vỏ lon bia, lon nước ngọt. Bà dừng lại trước một căn chúng cư có những thanh niên người Nam Mỹ, nhập cảnh bất hợp pháp cư ngụ. Mấy anh thanh niên Nam Mỹ, buổi chiều đi làm về, ngồi nhàn rỗi trước thềm nhà, thấy bà cụ dừng lại, thì lên tiếng chào: “Bu-e-nax ta-rờ-đex” (Buenas tardes): (Chào bà buổi chiều). Bà già không hiểu họ nói gì, chỉ nghe kịp chữ Bu, và mấy tiếng sau, họ nói mau quá, nghe không rõ. Bà cứ nghĩ là mấy anh thanh niên nầy thân mật kêu bà bằng Bu. 
<!>
Bà toét miệng cười, để lộ hai hàng răng đen đã phai màu, bạc thếch, cái còn, cái mất. Một anh trẻ chạy vụt vào trong nhà, lôi ra cho bà một bao nilông, đựng năm bảy cái lon không đã bóp dẹp. Bà già nhận và âu yếm mắng mỏ:
“Mồ cha mầy. Ngày nào cũng có.”
Anh Mễ nghe loáng thoáng, tưởng bà bảo là “mucho” có nghĩa là nhiều quá thế. Anh lắc đầu nói:
“Nô xon mu-chox” (No son muchos: Không nhiều đâu).
Rồi bà cụ cùng mấy anh Mễ nói chuyện, bên nầy nói một câu, thì bên kia nói lại một câu. Bà nói tiếng Việt, mấy anh nói tiếng Mễ. Ai nói nấy hiểu, nhưng cũng vang dậy tiếng cười vui vẻ. Bà cụ thì thương mấy anh nhỏ xa nhà, đi kiếm ăn vất vả. Có lẽ mấy anh Mễ thì thương bà cụ nhọc nhằn và nghĩ đếm mẹgià của họ cũng khổ cực nơi quê hương. Không hiểu nhau, mà ngày nào cũng trao nói chuyện năm ba phút. Những mảnh đời trôi nỗi nơi quê người dễdàng cảm thương nhau. Bà già đẩy xe đến một thùng rác ở góc đường, thò cây sắt, thọc vào sâu vào đáy thùng, thọc hai ba lần và lắng nghe tiếng kim khí chạm nhau. Khi biết bên trong có cái lon, bà nghiêng người thò tay vào tìm kiếm. Nhiều người tưởng bà là kẻ lang thang không nhà, động lòng thương, móc tiền cho bà mấy chục xu, bà giận, và lắc đầu không nhận. Bà đâu phải là kẻ đi ăn xin. Bà tự ái lắm. Nghèo, đi nhặt lon bán cho nơi mua hàng phế thải, bà phải giữ cái tư cách của bà. Mấy tháng trước, một chị chủ tiệm sơn móng tay trên vùng bà đi qua, ngày nào cũng để dành lon không cho bà. Có khi chị gom được cả chục cái. Bà biết ơn lắm. Nhưng từ hôm chị kêu bà bằng cách ngữa bàn tay ra mà ngoắt, thì bà tránh mặt luôn, không đi qua khu phố đó nữa. Bà than với người quen là chị kia khinh người, thiếu lịch sự. Kêu bà mà dùng cái lối ngoắt tay kêu chó, ngữa bàn tay ra mà ngoắt. Bà thà chết, chứ không chịu ơn của kẻ khinh người.

Mỗi buổi sáng, khi trời còn lờ mờ trên đường phố nước Mỹ, sương đông giá làm vỉa hè phố lờ nhờ trắng như có ai rắc cát mỏng. Những cơn gió lạnh luồn từ cao xuống cắt da tái thịt. Trên đường xe chạy rộn rịp, ánh sáng đèn xe quét ngang dọc. Mọi người đang đuổi bắt thời gian của một ngày mới chớm. Khách bộ hành chỉ lác đác một vài, họ đi lom khom như những người gù, hai tay ôm ngực che lạnh. Bà cụ đã thức dậy đẩy xe ra đi.Phải thu nhặt lon trong các thùng rác trước khi xe rác đến.Những tiếng ho dài sù sụ của bà kéo lê trong gió vẵng, tiếng ho mệt nhọc của tuổi già. Không gấp gáp, bà cụ còng lưng đẩy xe đi, mắt hom hem nhìn quanh kiếm tìm những lon nhôm bia và nước ngọt, nhặt nhạnh từng cái một.
Bà cụ Tư, nguyên người miền Bắc Việt Nam, di cư vào Nam năm 1954, ngụ tại Cam Ranh, 79 tuổi, đến Mỹ đã 5 năm, đi theo diện con lai. Trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, bà có nuôi 1 đứa bé mồcôi da đen tuyền, bị cha mẹ bỏ rơi. Nhờ đó mà sau nầy 2 vợ chồng bà được hưỡng lộc, theo đứa con nuôi qua Mỹ. Hai người con ruột của ông bà đã có gia đình, lớn tuổi, không được đi theo, còn ở lại bên quê nhà. Được đi theo đứa con nuôi lai qua Mỹ, hai ông bà như nhận được sự đền đáp ân nghĩa của nước nầy, vì đã cưu mang giọt máu rơi của người công dân vô trách nhiệm nào đó, bỏ rơi lại một phần ruột thịt, không chăm sóc, không đỡ đần. Thế là làm phước thì gặp lành. Sau năm 1975, hai ông bà cũng chịu nhiều thị phi, nhiều khó khăn, kỳ thị của chính quyền mới, vì trong nhà chứa chấp một tàn tích của nước Mỹ để lại. Ông bà chỉ cắn răng chịu đựng, và trong hoàn cảnh khó khăn của từng miếng cơm manh áo thời đó, cũng ráng chia xẻ cho đứa con nuôi tội nghiệp đó. Nó không được đi học phần vì gia đình ông nghèo, phần vì xã hội, chính quyền ruồng rẫy, miệt thị và làm khó khăn trăm điều. Ông bà chia xẻ phần cay đắng với đứa con nuôi da màu đen đậm, chia xẻ những lời cay đắng mĩa mai của những kẻ cầm quyền. Họ tưởng khi chiến thắng thì mọi lẽ phải đều về phần họ, mọi sai lầm, mọi tỗi lỗi thì có quyền đổ lên đầu phe chiến bại. Thằng bé cũng hiểu được phần nào thân phận, và chấp nhận câm lặng, nhẫn nhục mà sống còn. Khi được nước Mỹ cho đi định cư, ông bà mừng hơn trúng số độc đắc. Tuổi tác gần 80, không biết một tiếng Mỹ lận lưng, nhung hai ông bà chấp nhận ra đi với lòng hoan hỉ. Không phải hai ông bà lãng mạn, ưa phiêu lưu, cũng không phải thiếu suy nghĩ, không đặt câu hỏi rằng, già rồi, sức lực không có, nghề nghiệp cũng không, ăn nói cũng không, thì qua Mỹ làm chi mà sống được. 

Ông bà chỉ nghe người ta nói, ở Mỹ không có ai chết đói cả, thì hai ông bà không thể đói khát khi đến xứ nầy. Chỉ nghĩ đơn sơ như thế, và cũng vì quá chán ngán cái chế độ lạ lùng mà hai ông bà hăng hái ra đi. Ông bà còn tin thêm một điều nữa, mà ông chỉ nói riêng với người quen thân, là: “người ta cho mình đi qua đó, thì người ta phải có trách nhiệm nuôi mình, người ta cũng biết mình già rồi, không làm ăn chi được, mà cho đi, thì người ta phải có kế hoạch lâu dài cho mình chứ.” Lý luận ngang phè và đơn sơ như thế mà lại đúng. Nước Mỹ không có chính sách, kế hoạch dài hạn để nuôi nấng con dân các xứ khác thật, nhưng có những chính sách ngắn hạn, không để cho những người mà họ đã lỡ cho vào rồi, phải chết đói. Khi quốc hội ra đạo luật chỉ cho những người đã có quốc tịch, hoặc những người đã đi làm trên 10 năm mà có đóng tiền an sinh xã hội, mới được hưởng tiền trợ cấp, thì ông bà Tư cũng chẵng lo lắng gì cả. Trong khi đó, nhiều người khác hốt hoảng, chạy lo vào quốc tịch hoặc tính kế hoạch ra khỏi nước Mỹ, về lại cố hương, thì ông bà vẫn bình thân như vại. Có người lo lắng hỏi han, thì ông chỉ cười và nói rằng, đã cho tôi tiền trợ cấp rồi, thì không có lý do gì mà cắt được, họ không cho tiền nầy, thì sẽ cho tiền khác bù vào, không mất mát đi đâu mà lo. Người hỏi cũng sợ mất lòng ông bà, mà biết không giải quyết chi được, thôi thì im lặng cho khỏe. Đúng là đến khi gần đến hạn cắt trợ cấp những người chưa là công dân Mỹ, thì Tổng Thống ký một luật mới, nới rộng cho họ hưởng tiếp. Có người cho ông Tư nói đúng như Trạng Trình. Những người tự cho là khôn ngoan, hiểu biết luật lệ cũng phải chịu thua ông Tư.

Đứa con lai đến Mỹ thì đi làm tự nuôi thân, trôi nỗi từ cơ xưởng nầy qua cơ xưởng khác tại các tiểubang giá buốt, có tuyết đổ mùa đông, tiền làm ra thì chỉ vừa đủ tiện tặn nuôi thân nó, còn thiếu trước hụt sau. Cái xứ nầy cũng lạ, làm lương ít bao nhiêu cũng đủ sống, mà lương nhiều bao nhiêu thì cũng vẫn túng thiếu, chi tiêu phải suy tính từng cắc từng đồng. Hai ông bà không đi theo thằng con nuôi được, thuê một căn phòng nhỏ tại tiểu bang Claifornia. Căn phòng nguyên là nhà xe cũ sửa lại, được cho thuê với giá rẻ. Căn phòng cũ kỹ, rách nát xộc xệch như căn nhà ván khu bàn cờ, nhưng hai ông bà bằng lòng lắm, vì giá rẻ và lại yên tĩnh. Chỉ có ăn và ở thôi,sáng thì cháo trắng với dưa muối, trưa chiều cơm với gà kho hoặc heo kho mặn, rau ráng đắt nên lâu mới ăn một lần. Chi phí hàng tháng chưa tiêu hết nữa phần tiền trợ cấp, thế mà mỗi sáng sớm khi trời còn tăm tối và lạnh lẽo, bà đẩy xe đi chừng gần 4 tiếng, lang thang qua các phố, tìm kiếm, lục lọi nhặt lon nhôm về để đem bán kiếm thêm tiền. Buổi chiều khi mặt trời sắp gác bóng, bà lại đẩy xe đi một vòng nữa,cũng chừng gần 4 tiếng đồng hồ, để thu vén nhũng cái lon phế thải trong ngày. Đều đặn đi nhặt, trời nắng cũng như mưa, không bỏ sót ngày nào. Tấm thân già âm thầm lặn lội thời tiết, kiên trì đi qua phố.
Ông cụ ngày ngày dùng cây đập dẹp lon nhôm, chứa vào bao. Khi nào đầy khoảng năm sáu bao rác lớn, thì chất lên xe chợ đẩy đến nơi mua hàng phế thải. Như hai con kiến gom mồi, làm việc bền bỉ, không ngơi nghỉ.
Hàng tháng, ông bà gởi tiền về nuôi gia đình 2 người con còn ở Cam Ranh. 2 con và dâu rễ, cùng 1 bầy cháu nội, cháu ngoại đều trông cậy vào ông bà, họ sống nhờ tiền viện trợ từ Mỹ gởi về.

Ông bà còn trợ giúp cho những người em, những đứa cháu đang còn sống tại miền thượng du Bắc Việt, vùng Yên Thế, quê hương của ông bà. Những người nầy cần viện trợ để có đủ khoai sắn ăn khỏi đói, họ rất biết ơn lòng tốt của một ông anh phiêu bạt từ gần 50 năm qua. Người con trai của ông bà cũng gần 50 tuổi, xưa nay chưa hề có nghề nghiệp chi rõ ràng, khi ông bà còn ở bên nhà, thì anh đi làm công, ngày có ngày không, về ở nhà cha mẹ, ăn cơm cha mẹ. Ông bà buôn bán lặt vặt từng chai dầu gió, từng bao thuốc lá vấn tay, từng lon gạo, lon bắp, lây lất sống qua ngày. Bà con gái thì lấy chồng trong vùng, cũng làm ăn khó khăn, bữa đói bữa no. Từ khi 2 ông bà qua Mỹ, thì 2 người con và đàn cháu sống thong thả. Họ được dân chúng trong vùng xem như là thành phần giàu có, dư ăn dư mặc. Chính quyền địa phương cũng nể nang họ, vì có thân nhân ở nước ngoài, và hay kêu gọi đóng góp tiền bạc cho chương trình nầy, chương trình kia. Những người con ông, cũng rộng rãi đóng góp, vì thứ tiền không cần làm, không đổ mồ hôi mà có. Người con trai ông bà Tư đã thôi làm việc từ nhiều năm trước, vì thấy dù có dãi nắng dầm mưa cực nhọc, cả năm dài cũng không bằng một phần tiền nhỏ do cha mẹ gởi về cho hàng tháng.Tội chi đi làm cho khổ thân mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, nghĩ cũng hợp lý. Không đi làm và sẵn có tiền, bạn bè rủ nhau tụ họp ăn uống, tán chuyện trên trời dưới biển, rồi bày bài ra chơi. Được bạn bè tâng bốc, khi chi tiền,anh rộng rải hầu bao. Thì cũng một sách lý luận của ông Tư, tháng tháng có chi viện, thì lo chi, hết thì có lại. Nhưng khi dính vào cờ bạc, thì ông con đâm ra nợ nần, vay mượn. Cứ viết thơ xin bố mẹ, nay bày đặt chuyện con đau, mai bày đặt chuyện tai nạn, yêu cầu gởi tiền về giúp, cứu bịnh như cứu lửa. Ông bà Tư mỗi lần nhận thơ điện như thế, thì vội vã gởi tiền về, và lo âu mất an mất ngủ vì sợ con cháu có mệnh hệ nào. 2 vợ chồng người con gái của ông bà Tư cũng thôi làm việc, ông rễ thì tự xem như mình đã lớn tuổi, không còn lao động được, về hưu, ngày ngày uống trà, chơi hoa và chăm sóc cây cối trong mảnh vườn nhỏ, xem các trậnđấu banh trên truyền hình và xem xem phim bộ. Bà con gái, thì sau khi lo xong cơm nước hai buổi, có thú vui là xòe bài tứ sắc. Chơi bài tứ sắc thì ăn thua không bao nhiêu so với tiền viện trợ từ nước ngoài gởi về, nhưng nếu đem so với tiền kiếm được bằng mồ hôi lao động tại quê nhà, thì cũng không phải là con số nhỏ. Các cháu thì sung sướng, ăn học, đầy đủ. Từ ăn uống, áo quần, cho đến các thứ đồ chơi, thiên hạ ai có, thì các cháu cũng có. Gia đình 2 người con ông bà Tư sống nhàn nhả, thong dong, chỉ có lo không có thì giờ chơi, không lo thiếu thì giờ làm ăn.
Bà con, họ hàng ông Tư ở Yên Thế liên lạc thư từ đều đặn và tình cảm chan hòa với vợ chồng ông.
Niềm an ủi trong tuổi già, có chút gì giúp đở cho họ hàng nghèo đói nơi quê hương. Ông giúp cho 1 đứa cháu tiền để theo đuổi việc học ngành kinh tế tài chánh. Ông thường hãnh diện đem khoe đứa cháu nầy với những người quen biết tại Mỹ. Cứ mỗi năm 4 quý, gởi tiền cho cháu, với hy vọng tương lai thằng cháu nầy sẽ làm ăn khá, giúp đở lại cho bà con trong làng. Món tiền đầu tư vào thằng cháu, ông cho là việc làm có ý nghĩa nhất trong đời ông. Vì cho tiền con cháu ăn, thì cũng hết, cho tiền xây dựng học vấn, xây dựng tương lai, thì còn đó mãi. Đứa cháu rất biết điều, viết thơ ngọt ngào tỏ lòng biết ơn và thăm hỏi ân cần tha thiết, không như 2 người con của ông, nhiều khi nhận được tiền, mà chúng cũng không thèm viết thơ thông báo, làm ông bà lo, sợ tiền thất lạc.

Sau khi đến Mỹ được 4 năm, lòng ông bà thương nhớ quê hương, nhớ con, nhớ cháu, muốn về thăm một chuyến cho thỏa lòng. Nhờ ăn uống tiện tặn, không chi tiêu gì khác ngoài 3 bữa ăn thanh đạm, và nhờ thuê nhà rẻ, chỉ có tiền viện trợ cho bà con bên nhà là khoản chi tiêu lớn nhất mà thôi. Tuy vậy, ông bà cũng dành dụm được một số tiền khá, định nhân tiện đem về cho các con làm vốn buôn bán, kiếm lời mà sống lâu dài. Phần ông bà thì đã như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Phải có kế hoạch sinh sống cho con cháu sau nầy. Ông bà Tư nhờ người đưa đến hãng du lịch làm thủ tục mua vé máy bay về thăm Việt Nam. Thủ tục cũng dễ dàng, không có gì khó khăn.
Nửa năm trước khi về, ông bà đã đóng thùng các loại áo quần, vải vóc, và quà cáp cho các con cháu, cho người quen biết láng giềng. Thu vén quà cáp, mỗi ngày mỗi ít, nửa năm cũng chất đầy 2 thùng giấy to tướng. Ngày lên máy bay, ông mang bộ áo vét màu đen xạm trông đường bệ như các nhân vật trong các phim trinh thám xưa. Ông thắng luôn chiếc cà vạt lụa màu xanh sọc đỏ, cái mũ dạ vành cong, chống cây gậy nhôm. Bà thì đầu vẫn không rời được cái khăn mỏ quạ, nếu ngày nào có ai bắt bà bỏ cái khăn nầy đi, thì có lẽ bà sẽ thấy trống trải và xấu hổ như phải ở truồng mà đi ra phố vậy. Bà mang áo quần Tàu, khoác bành tô dạ màu đen, loại áo mà các người vô gia cư ở Mỹ thường ưa mặc. Nhưng dưới mắt bà, thế nầy là sang trọng lắm.

Lòng ngỗn ngang vì những bồi hồi xúc động khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, quê hương yêu dấu, ông già 83 tuổi co tay áo chậm chút nước mắt muộn màng hiếm hoi của tuổi về chiều. Môi ông run lập cập, phải cố gắng nén lòng cho khỏi bật thành tiếng khóc. Bà cũng xúc động nắm chặt lấy tay ông. Quê hương, quê hương là gì, không rõ lắm, nhưng như có cái gì bí mật, thiêng liêng rộn lên trong lòng hai ông bà già. Theo lời dặn của những người đã đi về nhiều lần, ông kẹp tờ giấy dollars vào tờ thông hành, và được đi qua cỗng hãi quan dễ dàng. Con trai, con gái, dâu và rễ đón ông bà ngay tại cỗng ra. Họ đã thuê bao sẵn một chiếc xe tải loại nhỏ, chạy từ Cam Ranh về Tân Sơn Nhứt đón rước. Người rễ đề nghị đưa ông bà đi ăn trước khi về lại Quy Nhơn. Ông bà không đói, vì đã ăn qua quýt trên máy bay. Dù rất mệt và muốn về ngay nhà, nhưng theo ông rễ, thì đường còn xa, phải ăn uống gì đó trước khi xe khởi hành. Xe vào thành phố, ông bà cứ giật thót người từng cơn, vì thấy xe cứ như sắp đâm sầm vào nhau, sắp gây ra tai nạn. Vào tiệm, người con trai ông kêu món ăn, thấy nhà hàng dọn lên nhiều món đầy bàn như đi ăn cỗ, ông bà đều cảm thấy lo lắng và bất bình. Bà hỏi nhỏ rằng, kêu chi nhiều món đến thế, và kéo trong xách tay ra miếng bánh mì kẹp thịt mà bà chưa ăn hết trên máy bay. Bà định ăn tiếp, thì cô con gái đón lấy và đòi ăn thử xem món ăn ngoại quốc có gì ngon không. Cô ngoạm một miếng lớn, nhai vài cái, thì nhè ra và che:
“A, dở như nhai giấy báo”.
Thức ăn trên bàn ê hề, 2 ông bà vừa mệt, vừa đầy bụng nên không đụng đến, 2 người con và dâu rễ thì ăn mạnh bạo tận tình như đói khát lắm, và uống rất nhiều bia. Chai bia mở cho ông Tư, ông không hề đụng tới. Bên Mỹ bia rẻ, mà 4 năm nay, ông chỉ mới uống có vài chai, trong các buổi kỵ giổ của người quen mời. Sau khi ăn xong, cô con gái nhắc bà cụ Tư trả tiền, bà không có sẵn tiền Việt Nam, thế là 2 người con của ông bà to tiếng với nhau.Người nầy nài người kia trả, người kia bảo đem theo khôngđủ tiền. Ông cụ Tư bảo đứa nào có thì đưa cụ mượn, cụ sẽ trả lại sau. Bà cụ Tư thì tiếc mãi bữa tiền ăn quá đắt và thức ăn còn thừa không chịu mang đi. Bà đòi xin hộp giấy để đem thức ăn thừa về. Ông con trai nạt mẹ, bảo rằng ở đây không ai làm cái trò ti tiện xấu hổ đó cả, ăn không hết thì đổ đi, chứ không mang về nhà.
Con đường quốc lộ số 1 quen thuộc thân yêu, những đoạn đường qua đồi núi, những đoạn qua vùng biển trăng khuya loang loáng, ông cụ Tư xúc động dạt dào. Quê hương, ôi quê hương thân yêu. Rồi niềm đau trong ông nhói lên, khi nhớ ra rằng,mai đây, khi chết sẽ vĩnh viễn nằm nơi quê người, không được nằm trong lòng đất thân yêu nầy.

Buổi sáng đầu tiên thức dậy tại Việt Nam, cảm giác của ông bà là vắng lặng lạ lùng, hình như con và dâu ông bà đã ra đi đâu từ sáng sớm lắm. Hai ông bà nhóm lửa pha trà. Nhưng khoảng gần 9, 10 giờ, ông bà mới biết rằng con và dâu ông bà ngủ dậy muộn. Ban đầu, ông tưởng họ đi đường xa mệt, nên ngủ muộn, nhưng nhiều ngày sau, thấy ngày nào họ cũng dậy lúc trời gần trưa mới biết đó là giờ giấc bình thường của các con. Bà Tư thì ngồi nhà tại Việt Nam, mà tiếc mấy cái lon bên Mỹ hôm nay không ai nhặt, bỏ phí. Mỗi sáng sau khi thức dậy thì 2 vợ chồng người con kêu một gánh hàng rong vào nhà, khi thì bún mộc, khi bún riêu, khi thì cháo lòng, bún bò. Trong các buổi ăn sáng đó, 2 vợ chồng cũng không quên kèm thêm 1 lon bia, hoặc chén rượu thuốc ngâm rắn. Ông bà nhìn cách ăn tiêu của con và dâu mà trong lòng bừng lên cái giận, nhưng chỉ nhìn và thở dài thôi, không nói năng được gì. Ông bà từ chối không ăn những bữa điểm tâm tốn kém đó.
Ông bà ăn cơm nguội với dưa muối còn lại từ hôm qua, hoặc ăn cháo trắng. Ông con cười, và bảo rằng ông bà không bỏ được cái thóiquen nghèo đói ngày xưa. Điều làm ông bà Tư bất bình nhất, là khi biết cả 4 người con ruột, dâu, rễ, không ai làm ăn chi cả, chỉ ở nhà đi chơi, uống rượu, xem phim bộ, thức khuya đánh bài. Bà con gái nói thẳng rằng đi làm cực nhọc tấm thân, mà tiền kiếm ra không đủ để uống bia rượu, thì tội chi mà đi làm cho khổ. Nghe mà ông Tư chán nãn trong lòng. Ông hỏi lại rằng, mai đây ông bà không còn nữa, thì lấy ai cho tiền mà sống, không chịu dành dụm, làm ăn, sau nầy quen tật đi, sống sao được. 2 người con đều cười và nói: “Khi đó rồi hãy hay, trời sinh voi, trời sinh cỏ mà, bố đừng lo xa làm chi”. Ông cụ Tư tức nghẹn họng, nhưng nghĩ rằng chúng nó cũng lớn cả rồi, không còn bé bỏng nhỏ chi để la rầy. Ông kể về những tằn tiện, chắt bóp và nỗi khó khăn mệt nhọc mà 2 ông bà sống tại ngoại quốc cho nghe, chúng chỉ cười và không thèm chú ý đến, xem như ông kể chuyện cười mà chơi.
Cái tin ông Tư về thăm lan truyền ra khắp khu phố, rồi khắp tỉnh, lan ra các làng kế cận. Mỗi ngày ông bà tiếp khách quen từ sáng đến chiều, nghe họ kể lể về những khó khăn, mà họ và gia đình đang chịu, và người nào cũng ngụ ý xin giúp đở. Kẻ thì nói xa nói gần, người thì xin thẳng.

Dù không giàu có, nhưng ông bà Tư cũng phải đưa biếu mỗi gia đình 1 ít tiền. Người có quen biết thì cho nhiều hơn, người không quen biết thì cũng phải có đến một mức nào đó cho họ khỏi chê ít. Cả những người không hề biết, ở những làng xa, cũng đến thăm ông và nhờ giúp đở, ông bà cũng khó chối từ, vì thấy họ quá khổ, và quá nghèo nên mới đến than vản cậy nhờ. Chính quyền địa phương cũng ghé thăm ông bà, mời ông đi tham quan trụ sở hành chánh và trường học, ông lấy cớ già không đi được, họ đem xe gắn máy đến chở ông. Nể lòng, thì đi, ông chẵng quan tâm gì, và không biết tại sao họ mời ông đi thăm viếng những nơi nầy. Ngày xưa ông còn ở đây, có ai xem ông ra gì đâu, và còn làm khó khăn đủ điều, còn không cho thằng con nuôi lai Mỹ đi học nữa. Các viên chức công quyền nầy kể lể những khó khăn về ngân sách, về thuế khóa, và xin 2 ông bà phát tâm đóng góp để xây dựng trụ sở ủy ban hành chánh cho khang trang hơn, và xin ông phát tâm xuất tiền xây lại cái trường học, vì cái trường đã quá cũ kỹ, để vậy khách ngoại quốc họ thấy, họ cười đất nước mình. Ông bà lúng túng không biết trả lời ra sao cho họ hiểu. Những yêu cầu về chỉnh trang trụ sở, xây cất trường học, nghe có vẽ hợp lý lắm, nhưng ông không hiểu tại sao ông phải có bổn phận chi tiền để xây dựng lại những thứ nầy. Hình như có cái gì không ổn, không xuôi, nhưng cái trí óc đơn sơ của ông không giải thích được. Ông chỉ ậm ừ, và nói rằng ông ở ngoại quốc không có nghề nghiệp, không đi làm, chỉ nhờ vào trợ cấp xã hội mà sống, không có đủ tiền để giúp họ xây cất những công tác lớn và tốn kém như vậy. Nhưng không ai tin và không ai chịu nghe lời trần tình của ông. Họ nài nỉ, yêu cầu ủng hộ, không nhiều thì ít. Ông cũng sợ mất lòng, họ có thể giữ ông lại không cho về Mỹ. Cuối cùng ông cũng phải đóng 500 đô la. Ông bà tiếc lắm, than thở mãi, và mất ngủ cả mấy hôm sau. Bà cằn nhằn ông:
“Việc gì mà phải đóng tiền cho chúng nó?”
Ông gằn:
“Không đóng mà được với chúng sao? Bà cũng đã biết rồi mà.”

Khách khứa liên miên không nghỉ được, người quen biết đã đành, người không quen biết cũng viếng thăm. Mỗi đêm phải đến 9,10 giờ mới hết khách.
Cho tiền người nầy, mà không cho người kia, thì cũng không được, không đành lòng, mà ai cũng cho tiền cả, thì đào đâu ra tiền, phải chi ông giàu có tỉ phú bên Mỹ thì không sao, vợ chồng ông thuộc loại nghèo khó nhất, đời sống xã hội thấp nhất, và những món tiền làm thêm được là nhặt lon, chai phế thải đem bán kiếm tiền cắc mà thôi. Mỗi cái lon 1 xu, phải nhặt được 100 cái lon mới được một đồng Mỹ.
Ông bà thấy tình cảnh của 2 người con không làm ăn chi cả thì lo lắm. Vì ông bà rồi phải chết, mà ngày đó thì không có xa xôi gì. Tuổi ông đã 85. Với cái lười biếng và ham chơi của 2 người con, thì khó mà xuất vốn cho chúng bán buôn thương mãi được. Ông bà cũng có kinhnghiệm buôn bán chút chút,biết rằng phải cực nhọc chịu khó lắm mới theo nỗi ngành kinh doanh. Có người bàn rằng, nếu đặt bàn bi da, bàn bóng bàn và các máy trò chơi điện tử, máy chiếu các băng nhựa phim bộ, thì các con ông có thể ngồi không mà thu tiền dư sống. Ông bà thấy có lý qúa, cho sửa lại căn nhà, nới thêm chái hai bên, mua máy chiếu băng nhựa, máy truyền hình, bàn bi da, bàn bóng bàn và tủ nước đá, máy pha cà phê để bán dặm thêm thức ăn uống nhẹ.
Ôngbà giao cho 2 con và dâu rễ trông coi, quản trị, chia đều tiền kiếm được để làm sinh kế lâu dài.
Ông bà trở lại Mỹ sau khi tiêu hết tiền dành dụm, ăn mắm mút dòi trong 4 năm dài và công khó mỗi ngày 2 lần bà lội sương, giá, nắng đi nhặt đồ phế thải. Gần 20 ngàn tiền Mỹ, chỉ còn mấy chục dằn túi, trở về với đời sống ẩn dật tiện tặn tại Mỹ. Ông bà Tư không tiếc tiền, mà yên chí vì từ nay các con đã có nguồn lợi tức, có thể tự nuôi sống, không cần đến sự trợ giúp của bên ngoài.

Trở về Mỹ, bà tiếp tục cuộc góp nhặt lon phế thải mỗi ngày 2 lần. Hôm mới về, khi đi ngang qua phố cũ, có mấy anh chàng người Mễ nhập cảnh lậu thường uống bia và cho bà lon không, họ kêu bà lại, mừng rối rít trao cho bà một mớ lon, hỏi có phải bà đã đi nằm bệnh viện mấy lâu nay không? Bà đâu có hiểu họ nói gì, chỉ nhăn 2 hàm răng đen ra cười. Đứa cháu mà ông bà giúp đở cho ăn học, là niềm hy vọng và tự hào của toàn giòng họ, vì xưa nay, trong giòng họ chưa có ai đỗ đạt học hành đến nơi đến chốn. Ông cụ Tư bóp bụng, hy sinh gởi tiền cho cháu ăn học tại Hà Nội. Nghe đâu nó học chăm lắm, bởi vậy, nó thường hay xin tiền để đi học thêm những môn học mới như vi tính, ngoại ngữ, và những môn khác mà ôngTư không biết là thứ gì, nhưng chi tiêu cho việc học thì ông không tiếc. Cứ vài tháng, ông bà nhận được thơ của người cháu, khi thì xin tiền mua sách, khi thì đóng tiền trường, khi thì mua sắm dụng cụ, học cụ. Nó còn xin tiền ông bà để mua máy vi tính, vì không có máy vi tính thì không làm quen được với các kỹ thuật mới. Cái món tiền lớn nầy làm ông suy tính và mất ngủ, nhiều đêm trăn trở, ông nghĩ rằng nếu thằng cháu thất bại trong việc học thì ông mang một phần lớn trách nhiệm. Rồi ông quyết định gởi tiền cho nó mua máy. Bà Tư tiếc tiền, phát cáu và gây gổ,2 vợ chồng giận nhau cả tuần. Bà không nói, mặt nặng, dằn chén, dằn bát. Ông Tư thì tiếc tiền đứt ruột, lại còn bị vợ giận, ra đứng nhìn trời nhìn đất. Ông nghĩ là bà Tư cũng đúng phần nào, bà lặn lội dầm sương dãi giá mỗi ngày, để gom từng xu, từng cắc, hòng có thêm tiền gởi về cho các con, cho cháu bên nhà cứu đói, chứ không phải để đầu tư vào cái danh vọng cho dòng họ nhà ông. Nhưng ông tiếc rằng, đã nuôi thằng cháu họ, đã giúp đở nó chừng đó năm, sắp đi đến đích rồi, mà vì tiếc tiền, lỡ làm hư sự nghiệp của nó, ông không nỡ. Bởi vậy, phải tiếp tục hy sinh. Sau khi có được máy vi tính một thời gian, đứa cháu xin ông được phép nối máy vào mạng lưới vi tính, để cập nhật tin tức, cập nhật hiểu biết. Ông cũng không hiểu nó muốn nói gì, nó muốn nối máy vào mạng lưới thì cứ nối đi, chứ việc gì mà xin phép ông? Thật là cái thằng cháu lể phép một cách lẩm cẩm. Ông viết thơ khuyến khích nó nối máy vào mạng lưới, nếu cái đó có lợi cho việc học. Đến khi thằng cháu yêu cầu ông gởi tiền để nó nối máy vào mạng lưới, và xin thêm tiền tiền chi phí hàng tháng, thì ông mới hiểu, và trong lòng giận lắm. Ông không trả lời thư nó, và cứ cảm thấy bứt rứt hoài.Ông thầm nghĩ, học nối cái mạng lưới chi mà đắt tiền thế? Mạng lưới nối một lần rồi thôi, không lẽ nó rách mãi cho nên hàng tháng phải đóng thêm nhiều tiền nữa. Nhưng làm sao ông có đủ tiền để thỏa mãn yêu cầu của thằng cháu? Ông không tiếc khoản tiền gởi giúp đỡ hàng năm cho người em ruột ông đang sóng tại Yên Thế, vì gia đình 6 người mà sống nhờ trên 3 sào ruộng, không có lợi tức gì khác, phải giúp cho đở đói. Bà cũng đồng quan điểm với ông trong vấn đề cứu đói nầy, cho nên không có tranh cãi, gây gổ nhau. Khi đứa cháu tốt nghiệp đại học, ông sung sướng lắm, lòng già vui phơi phới, ông nghĩ rằng, ít ra đời ông cũng góp được phần xây dựng 1 cái danh giá cho dòng họ, cho làng nước, và những hy sinh của ông bao năm nay quả thật là xứng đáng. Tốt nghiệp đại học rồi, thì phải đi kiếm việc, vấn đề xin việc cũng không phải đơn giản và không tốn kém. Phải có tiền mới xin được việc, ông cũng quá hiểu cái xã hội nhiều tệ đoan bây giờ. Người tài giỏi mà không có tiền, thì cũng chỉ nằm nhà. Theo yêu cầu của người cháu, ông Tư đi vay mượn, giấu không cho bà biết, gởi cho người cháu 7 lạng vàng, để xoay xở, kiếm việc làm ăn tốt. Chính ông cũng không biết làm sao mà hoàn trả được cái món tiền vay mượn nầy trong tương lai. Cùng lắm thì thú thật với bà, dù sao, việc cũng đã rồi, bà sẽ hờn giận một thời gian, rồi cũng sẽ qua. Một thời gian chờ đợi tin mừng từ người cháu họ, ông được thơ cho biết là “7 lạng cũng chưa thấm vào đâu”, và có thể cần thêm nhiều tiền nữa. Người cháu cho biết, nếu không xin được việc, thì sẽ xin đi du học bên Nhật, vì bây giờ phải có bằng cấp cao hơn, may ra có việc, chứ tốt nghiệp đại học 4 năm, thì đã đông quá. Nếu được đi du học bên Nhật, thì sau nầy tương lai chắc chắn sáng lạng. Nghe đứa cháu có thể di du học bên Nhật, ông mừng lắm, và viết thơ khuyến khích nó tiến hành việc xin đi du học. Ông thường khoe với các người quen rằng, người cháu họ mà ông thường giúp đở, sắp di du học về kinh tế tài chánh bên Nhật. Người cháu bên nhà cũng mừng vàcho biết đang tiến hành thủ tục đi du học, hy vọng mọi sự đều song suốt, không có chi trở ngại. Cho đến khi ông nhận được điện thơ của người cháu yêu cầu ông gởi về gấp 23 ngàn đô la, để làm thủ tục đi và đóng tiền học, tiền ăn ở. Nó còn cho biết mỗi năm sẽ xin ông chu cấp thêm cho khoảng 20 ngàn đô la Mỹ nữa, học trong 3 năm thì có thể hoàn tất chương trình. Đọc thơ mà ông tưởng như đang nằm mơ, sau một hồi bàng hoàng, vừa giận, vừa tức, vừa ngạc nhiên, ông bỗng ré lê cười khanh khách đến phát ho. Ông đem thơ đọc cho bà nghe, ban đầu bà không hiểu thơ nói gì, yêu cầu ông đọc lại. Sau khi hiểu xong, bà nỗi cơn tam bành, chửi mắng ông thậm tệ, gán cho ông đủ các tính xấu xa trên đời, chửi cả giòng họ nhà ông, cả làng nước ông, không từ một ai. Ông giận thằng cháu thiếu hiểu biết, giận bà hạ nhục giòng họ ông. Nhưng rồi ông thấy câu chuyện xin tiền của người cháu chỉ là một thứ khôi hài, và bà nỗi điên lên cũng đúng. Thế mà liền sau đó, ông nhận thêm 2 cái thơ điện của nó, yêu cầu “khẩn trương” gởi tiền ngay cho kịp, kẻo trể.Ông xé mấy cái thơ quăng vào thùng rác, và viết cho nó mấy dòng, gởi đi: “Tiên sư nhà mầy, ông không phải làm nghề ăn cướp ngân hàng ở Mỹ”. Bỏ thơ xong, ông hả dạ lắm. Từ đó ông không liên lạc với người cháu nữa, và sau đó mấy lần nhận thêm thơ nó, ông không đọc, xé nhỏ ném đi.

Sau khi xây dựng cơ sở làm ăn thương mãi cho 2 người con, ông bà vẫn tiếp tục gởi tiền cho họ ăn tiêu hàng tháng. Vì thời gian đầu phải gây dựng khách hàng.Nhưng chỉ 18 tháng sau, thì cơ sở làm ăn đóng cửa, 2 người con ông bà kiện nhau và đưa nhau ra tòa. Người con trai bán hết máy móc dụng cụ, và thua hết trong sòng bài. Nó viết thơ cho ông bà rằng, cái lối làm ăn đó, chỉ thu được tiền vụn, nếu chịu khó làm, thì cũng có được chút đỉnh, nhưng không bỏ công. Ông bà giận lắm, vì bà ở Mỹ đi thu lượm từng cái lon, mỗi lon được 1 xu, gom góp ngày đêm, mà chúng nó ở bên nhà, thì thu bạc vụn không bỏ công. Ông đòi từ nay không gởi về xu nào nữa, ban đầu bà cũng thấy ông có lý, cần phải trừng phạt cái lũ biếng nhác, ỷ lại và vô trách nhiệm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, người con bên nhà gởi điện thơ, xin ông gởi tiền gấp cứu thằng cháu nội đang đau nặng, sợ nó không qua khỏi kỳ nầy. Thương cháu quá, bà khóc ròng, và dục ông đi gởi tiền về gấp.
Hết thằng cháu đau, đến chuyện rắc rối với chính quyền, cần tiền mua chuộc cho khỏi tù tội. Ông bà bấm bụng gởi cho. Dù cho những đứa con lười biếng ỷ lại, không đáng giúp đở, nhưng những đứa cháu bé vô tội, ông bà không thể để cho chúng đói khát khổ cực. Ông bà đã kinh nghiệm lần đói năm 1945, và kinh nghiệm thêm lần đói sau 1975, lòng nào mà nỡ để cho cháu đói. Và tuy giận con nói cứng thế thôi, dù con có hư hỏng, lười biếng đến thế nào đi nữa, trong lòng ông bà vẫn cứ thương, vẫn nhớ và cứ gởi tiền về đều đặn.

Mỗi buổi sáng đẩy chiếc xe cọc cạch kêu vang vì tiếng kim loại rung, bà vừa đi vừa ngững mặt lên trời mà cười một mình, để hở 2 hàm răng đen màu bạc vì lâu không nhuộm lại, khi bà nghĩ đến lời đồn đãi bên quê nhà, vùng Yên Thế, rằng ông bà có nuôi tài xế riêng lái xe, và xe thì lớn và rộng, có nuôi người cắt cỏ, tưới nước làm vườn mỗi ngày. Nghĩ thì tức cười, nhưng không phải là không có, vì đi đâu 2 ông bà cũng dùng xe buýt, phương tiện chuyên chở công cọng, thì có tài xế lái là phải, và ông bà chủ nhà sáng nào cũng quét sân, tưới cây, dọn vườn.

Tuổi đời còn không được bao ngày nữa, ráng thêm cho con cháu đở khổ ngày nào hay ngày đó, bà tự nhủ, và hăng hái đẩy xe đi, dù cái đầu có khi nhức như búa bổ ./.
 KD                                                                             

Không có nhận xét nào: