Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Tưởng Giới Thạch: Lễ nghĩa liêm sỉ là nền tảng để phục hưng dân tộc - An Hòa


Trong “Quản Tử. Mục dân” viết: “Lễ nghĩa liêm sỉ, quốc chi tứ duy, tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vong”, nghĩa là lễ nghĩa liêm sỉ là bốn loại kỷ cương để duy trì quốc gia, nếu bốn loại kỷ cương này không được phát huy thì quốc gia sẽ diệt vong. Rất nhiều người là Hoàng đế, đại thần hay nhân vật nổi tiếng của các triều đại trong lịch sử đều có cùng quan điểm này, trong đó bao gồm cả Tưởng Giới Thạch.
<!>
Cố Viêm Vũ thời Minh viết: “Lễ nghĩa là nguyên tắc trọng yếu để trị vì, còn liêm sỉ là ứng xử quan trọng để lập thân xử thế”. Ông cho rằng một người không biết “liêm” thì không thứ gì là không lấy, không biết “sỉ” thì không từ một việc xấu nào. Nếu nhiều người đều như vậy thì thảm họa và hỗn loạn sẽ xảy ra. Quan đại thần mà không thứ gì không lấy, không việc xấu nào không làm, thì thiên hạ không chỉ đại loạn mà quốc gia còn diệt vong.

Trong các bài diễn thuyết, Tưởng Giới Thạch cũng nhiều lần nhắc lại câu nói của Quản Trọng: “Lễ nghĩa liêm sỉ, quốc chi tứ duy, tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vong”. Ông cho rằng việc trị quốc cần bắt đầu từ đề cao đức hạnh tốt đẹp, nâng cao diện mạo tinh thần của dân chúng.

Vào ngày 12 tháng 2 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 23 (1934), Tưởng Giới Thạch đọc diễn văn tại Tuần lễ kỷ niệm ở Nam Xương. Trong bài diễn văn này, ông đã nhắc tới nguyên nhân suy bại của quốc gia. Theo Tưởng Giới Thạch, nguyên nhân chính khiến quốc gia suy bại là ở chỗ đã hoàn toàn đánh mất tinh thần và đạo đức tốt đẹp truyền thống, chứ không phải vì thiếu vũ khí tinh nhuệ. Chính vì thế, ông đặc biệt nhấn mạnh rằng muốn chấn hưng dân tộc thì phải bắt đầu từ giáo dục, lấy giáo dục thay thế vũ lực, mà nội dung quan trọng cơ bản nhất của giáo dục chính là bắt đầu phổ biến “lễ nghĩa liêm sỉ”.

Trong cuốn 12 “Lễ nghĩa liêm sỉ đích tinh nghĩa” có chép lời bình của Tưởng Giới Thạch rằng:

Không chỉ là một chút kiến thức từ sách vở trên giảng đường, làm cho những người được dạy có thể đọc sách, viết chữ, hiểu được toán học, vật lý, hóa học, chính trị, kinh tế và các ngành khoa học khác. Cũng không chỉ ở trên sân thể dục rèn luyện một chút kỹ thuật bình thường như bắn tên, cưỡi ngựa, chạy nhảy… Bởi vì những thứ này chỉ là những kỹ năng học thuật thông thường, và chỉ dạy những môn học này thôi thì không đủ để kiến thiết đất nước và phục hưng dân tộc. Loại hình giáo dục này không thể được coi là một nền giáo dục thực sự hoàn thiện. Một nền giáo dục thực sự hoàn thiện thì nhất định cần hơn những môn học này, và trước khi dạy tất cả các môn học này phải có thể dạy học sinh trở thành ‘người’! Hiểu được đạo lý làm người – lễ nghĩa liêm sỉ. Người sở dĩ khác với cầm thú và là anh linh của vạn vật là bởi vì người hiểu đạo lý làm người, hiểu được lễ nghĩa liêm sỉ.

Tưởng Giới Thạch cũng ghi chép lại quan điểm của mình về “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ” và sự tương thông với các đức hạnh tốt đẹp là “tín, trí, nhân, dũng”.

Lễ là tín

Lễ là thái độ chuẩn mực, quy củ. Tưởng Giới Thạch cho rằng lễ cũng là một quy luật phổ quát, là “lý”. Lý trong tự nhiên chính là định luật, lý trong xã hội chính là quy luật, lý trong một đất nước chính là kỷ luật. Hành vi của một người có thể dựa trên ba luật này làm thước đo và được gọi là tuân thủ quy tắc, bất kỳ hành vi nào tuân theo các quy tắc thì đều thể hiện thái độ chuẩn mực, quy củ.

Tưởng Giới Thạch cũng cho rằng lễ tương thông với tín, cái gọi là lễ kỳ thực chính là tín. Tín bao gồm có thành thật, chuẩn xác, tín nghĩa. Một người muốn làm được điều này phải thường xuyên soi xét thân tâm của bản thân, giữ sự cung kính. Mà công phu của cung kính chính là bắt đầu ở hành vi cử chỉ và dung mạo của cá nhân trong cuộc sống. Bất luận là khi ở một mình hay ở nơi đông người thì hết thảy những điều ấy đều phù hợp với lễ, nòng cốt của lễ chính là kính, từ kính mà dẫn đến thành. Người thủ lễ thì nhất cử nhất động đều không hổ thẹn, thật thà không lừa dối.

Nghĩa là nhân

Nghĩa là hành vi chính đáng, thích hợp. Tưởng Giới Thạch cho rằng chính đáng thích hợp tức là phù hợp với định luật tự nhiên, quy luật của xã hội và kỷ luật của đất nước. Hành vi mà không chính đáng hoặc biết là chính đáng mà không làm thì đều được coi là bất nghĩa.

Ông còn cho rằng, nghĩa là tương thông với nhân. Nghĩa trong “lễ nghĩa liêm sỉ” chính là “nhân” trong “tín trí nhân dũng”. Hàm nghĩa của chữ nhân rất rộng lớn, nhưng giải thích tối giản chính là bác ái, chính là vì người. “Nhân” cũng có ý nghĩa là phù hợp với đạo làm người. Phàm là những người tự tư tự lợi, trái với đạo làm người thì đều được gọi là bất nhân.

Liêm là trí

Liêm chính là sự minh bạch, trong sạch. Theo Tưởng Giới Thạch, “liêm” là “minh”, có thể phân rõ đúng sai. Biết điều gì đúng và làm theo, biết điều gì sai và từ bỏ, đây được gọi là “minh”, là sự phân biệt rõ ràng.

Tưởng Giới Thạch cho rằng “liêm”tương thông với “trí”. Chữ “liêm” chính là chỉ sự phân minh rõ ràng, giới hạn rõ ràng, công và tư, chính và tà. Một người cần phải có tri thức phong phú, am hiểu thông suốt mới có thể biết được giới hạn của công và tư, đúng và sai, từ đó mà chọn lựa giữa lấy hay bỏ. Cho nên người bất trí thì không thể liêm và người không liêm thì chính là người không có trí tuệ.

Người thực sự có đại trí đại tuệ sẽ có thể phân biệt giữa đúng và sai, giữa thiện và ác, giữa công và tư, chính nghĩa và lợi ích, nhìn thấy rõ được danh dự và ô nhục nên mới có thể làm được “công chính liêm minh”, gặp tài vật mà không tùy tiện lấy. Mọi lựa chọn giữa lấy hay bỏ của họ đều phù hợp với đạo làm người, đây chính là liêm.

Sỉ là dũng

Sỉ là biết xấu hổ, người có lương tri khi thấy hành vi của bản thân không phù hợp lễ nghĩa và liêm thì sẽ cảm thấy hổ thẹn. Tưởng Giới Thạch cho rằng “sỉ” là tương thông với “dũng”. Cổ nhân giảng: “Tri sỉ cận hồ dũng”, chỉ người biết xấu hổ mới có dũng khí, có quyết tâm khắc khổ cố gắng. Người như vậy nhất định sẽ biết điều không nên làm, cũng có thể kích phát được thiện lương, dũng cảm rảo bước tiến lên.

Con người một khi có tâm xấu hổ thì cho dù đó là người nhu nhược cũng có thể lập chí, là kẻ yếu cũng có thể chống lại bạo lực, dũng khí vô hình mà sinh ra. Sức mạnh của dũng khí sinh ra vì biết xấu hổ là vô cùng lớn mạnh, khiến họ không còn bị vật ngoại thân nơi thế tục khống chế, nhiều người nhờ đó mà thành tựu, lưu danh thiên cổ
.
An Hòa biên tập

Không có nhận xét nào: