TT Mỹ Joe Biden đến Israel thúc đẩy đà xích lại gần nhau giữa Tel Aviv và Riyad
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên chuyên Air Force One bắt đầu chuyến công du Israel, tại căn cứ không quân Andrews, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 12/07/2022. AFP - MANDEL NGAN -Trọng Nghĩa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bắt đầu vòng công du Cận Đông hôm nay 13/07/2022 tại Israel, chặng đầu tiên trong một chuyến thăm sẽ đưa ông qua vùng lãnh thổ Palestine và đặc biệt là Ả Rập Xê Út, được xem chặng quan trọng nhất.
<!>
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Israel, chính quyền Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào đồng minh Mỹ để khởi động một quan hệ hợp tác với Ả Rập Xê Út, phù hợp với các thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Ả Rập.
Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Sami Boukhelifa phân tích:
“Việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel là điều “sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều”. Một quan chức cấp cao của Israel đã nhận xét một cách thực tế như trên, trước khi nhanh chóng bổ sung: “Tuy nhiên vẫn có những cơ hội mới trong khu vực”.
Trong số này có việc Ả Rập Xê Út và Israel cùng có chung một kẻ thù: Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Nhân vật này giải thích: “Trước đây là tình trạng người Ả Rập chống lại người Do Thái. Ngày nay là những người ôn hòa chống lại những kẻ cực đoan”. Điều đó có nghĩa là: Đã đến lúc hình thành ra một liên minh chiến lược khu vực, một loại hiệp ước quân sự để chống lại Tehran.
Do đó, Nhà nước Do Thái đang trông cậy vào tổng thống Mỹ Joe Biden để thúc đẩy sự hội tụ lợi ích này, với các đồng minh khác của Washington ở Trung Đông.
Cũng theo quan chức Israel kể trên, sau giai đoạn đầu tiên, cần tiến tới việc “mở rộng các pham vi bình thường hóa, bởi vì cơ hội là vô tận… Ý tưởng là tạo ra các mối liên hệ giữa người dân Israel và Ả Rập Xê Út, cùng nhau làm việc, cùng nhau học tập, cùng nhau viết nên một câu chuyện chung”.
Như một biểu tượng của sự xích lại gần nhau đó, ngày thứ Sáu, 15 tháng 7 tới đây, tổng thống Mỹ sẽ bay thẳng từ Israel qua Ả Rập Xê Út. Chuyến bay Tel Aviv-Djddasẽ là chuyến bay trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của hai nước.”
Phương Tây tiếp tục gia tăng viện trợ cho Ukraina chống Nga
Một quân nhân Ukraina sử dụng hỏa tiễn chống tăng NLAW trong một cuộc tập trận tại Donetsk, ngày 25/02/2022. AP - Vadim Ghirda
Thu Hằng
Cùng ngày với việc Liên Hiệp Châu Âu thông qua khoản viện trợ kinh tế mới 1 tỉ euro cho Ukraina, Mỹ cũng thông báo giải ngân 1,7 tỉ đô la trợ giúp kinh tế cho chính quyền Kiev. Ngày 12/07/2022, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen cho biết số tiền này được chuyển qua Ngân Hàng Thế Giới và nằm trong gói hỗ trợ 7,5 tỉ mà chính quyền Mỹ hứa với Kiev vào tháng 5
Theo AFP, với đợt giải ngân này, Mỹ đã chuyển 4 tỉ đô la hỗ trợ kinh tế cho Ukraina kể từ đầu cuộc xung đột, trong đó có hai lần chuyển 500 triệu đô la vào tháng 4 và 5, cũng thông qua Ngân Hàng Thế Giới để giúp “Ukraina đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất”, nhưng không nằm trong gói viện trợ 7,5 tỉ đô la. Đợt giải ngân đầu tiên của gọi viện trợ này được tiến hành vào đầu tháng 6. Như vậy Mỹ sẽ còn chuyển thêm cho Ukraina 4 tỉ đô la.
Về hỗ trợ quân sự, Tây Ban Nha dự tính giao cho Ukraina khoảng 10 xe tăng Leopard 2A4 (thay vì 40 như dự kiến do nhiều xe cần được bảo trì) và hệ thống tên lửa phòng không Aspide. Theo trang InfoDefensa chuyên về các vấn đề quân sự của Tây Ban Nha, quyết định được chính phủ thông qua vào đầu tháng 6, hiện tại, Madrid phải chờ được Berlin cho phép để giao số xe bọc thép do Đức sản xuất.
Vũ khí của phương Tây giúp quân Ukraina kháng cự được hỏa lực Nga và tấn công vào một số địa điểm ở miền nam Ukraina, trong đó có thành phố Kherson hiện bị Nga chiếm đóng. Trong đêm 12-13/07, quân Nga đã oanh kích dữ dội thành phố Bakhmout, ở tỉnh Donetsk, để đáp trả vụ tấn công của Ukraina vào các kho vũ khí của Nga và quân ly khai ở tỉnh Luhansklân cận.
Trong khi đó, thành phố Severodonetsk, vừa bị Nga chiếm đóng, bị tàn phá tan hoang, người dân không có điện và thiếu lương thực. Phóng viên của AFP tham gia chuyến thăm do lực lượng ly khai tổ chức, cho biết tên của thành phố Severodonetsk đã được sơn lại theo mầu cờ của Nga.
Chiến sự hiện tập trung ở hai tỉnh Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraina. Kể từ đầu cuộc chiến, không quân Ukraina đã tiến hành khoảng 1.700 đợt không kích, nhắm vào các kho vũ khí và thiết bị của quân Nga, theo trang Ukrainska Pravda, được người phát ngôn bộ chỉ huy Không Quân Ukraina trích dẫn. 140 ngày chiến tranh đã khiến ít nhất 5.024 thường dân bị thiệt mạng, 6.520 người bị thương ở Ukraina, theo thống kê ngày 12/07 của văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Tầu khu trục Mỹ USS Benfold áp sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tức giận
Ảnh do hải quân Mỹ, US Navy, cung cấp: Tàu khu trục USS Benfold, đang hoạt động tuần tra thường lệ ngoài khơi Philippines, ngày 24/06/2022. AP - Petty Officer 2nd Class Arthur R
Thu Hằng
Hoa Kỳ tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do lưu thông ở Biển Đông. Ngày 13/07/2022, tầu khu trục USS Benfold đã áp sát quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974 khiến Bắc Kinh tức giận và điều lực lượng “đuổi” tầu Mỹ khỏi lãnh hải.
Theo Reuters, Hải Quân Mỹ cho biết tầu USS Benfold “khẳng định các quyền và tự do được lưu thông ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngược lại, bộ chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của quân đội Trung Quốc cáo buộc “hoạt động của tầu Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc với việc thâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Do đó, “ bộ chỉ huy Chiến khu Miền Nam của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Hoa đã phải tổ chức lực lượng hải quân, không quân để theo dõi, cảnh báo và đuổi” tầu Mỹ. Phía Trung Quốc cũng cáo buộc “thêm một lần nữa Mỹ không khác gì là một kẻ quấy rối đối với an ninh ở Biển Đông” và là một “kẻ phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Hải Quân Mỹ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng cáo buộc của Trung Quốc về hoạt động của tầu Benfold là “sai sự thật” nhằm “bóp méo những chuyến tuần tra hợp pháp của Mỹ và để nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền quá đáng và bất hợp pháp đối với những nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Chuyến tuần tra của tầu Benfold diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 6 năm Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Phát biểu hôm 12/07, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Úc chuẩn bị chiến lược quốc phòng mới đối phó với Trung Quốc
Ảnh do bộ Quốc Phòng Úc công bố : Tàu trinh sát của hải quân Trung Quốc đang hoạt động ngoài khơi phía tây-bắc Úc, ngày 11/05/2022. AP - Unknown
Thu Hằng
Chính phủ mới của Úc đang nghiên cứu bối cảnh quốc phòng và cấu trúc lực lượng quân đội để thích ứng với việc Trung Quốc “đang tìm cách kiến tạo lại thế giới xung quanh chúng ta”.
Trong buổi nói chuyện ngày 11/07/2022 tại Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (ISIS), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles cho biết vào đầu năm 2023, sẽ công bố tài liệu giúp giải đáp một số câu hỏi quan trọng : “Chúng ta đang ở đâu ? ” và “Chúng ta sẽ phải đi đâu ? ”.
Trong chiến lược mới này, “Úc phát triển vũ khí tầm xa, kiên định với việc xây dựng lực lượng tầu ngầm hạt nhân” và kết hợp với Hoa Kỳ để tăng khả năng ngăn chặn tiếp cận trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tìm cách thao túng các quốc đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra, Úc cũng “lo ngại việc Trung Quốc sử dụng vũ lực” ở Biển Đông, tương tự như Nga đang làm với cuộc xâm lược Ukraina, có nghĩa là sẵn sàng tấn công trực diện trật tự thế giới, dùng vũ lực thay vì ưu tiên đối thoại.
Theo trang USNI News ngày 12/07, phó thủ tướng Úc cho biết “chiến lược mới là cách đáp trả thận trọng” đặc biệt trong bối cảnh quân đội Trung Quốc không ngừng đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây. “Điều này làm thay đổi hoàn toàn môi trường an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Do đó, các đồng minh, như Úc và Mỹ, “không thể đứng yên” trước những mối đe dọa ngày càng lớn.
Canberra muốn Mỹ can thiệp nhiều hơn vào khu vực, đặc biệt là gia tăng hiện diện quân lính, tầu chiến, chiến đấu cơ. Chính phủ mới dường như muốn đóng vai trò rõ ràng hơn khi cho rằng Úc có nhiệm vụ “chia sẻ gánh nặng về lực lượng chiến lược” với Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bác bỏ những nhận định cho rằng các liên minh quân sự (ANZUS, NATO) là tàn dư của Chiến trạnh Lạnh, bộ trưởng Quốc Phòng Úc nhấn mạnh những thỏa thuận đó cho phép các nước huy động “kết hợp các nguồn lực” để phối hợp lực lượng và mở rộng khả năng quốc phòng.
Về vấn đề Đài Loan, ông Richard Marles cho biết Úc không ủng hộ thay đổi nguyên trạng và luôn tôn trọng nguyên tắc “Một nước Trung Hoa duy nhất”.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksachạy trốn sang Maldives
Người biểu tình vui mừng khi nghe tin tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy ra nước ngoài, Colombia, Sri Lanka, ngày 13/07/2022. AP - Eranga Jayawardena
Phan Minh
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời Sri Lanka vào sáng nay 13/07/2022 trên một chiếc máy bay quân sự để đến Maldives.
Đối với một số người, điều này không thực sự bất ngờ bởi tổng thống đã tìm cách bỏ trốn vào hôm qua 12/07. Có người cho đây là một tin vui vì ông ta sẽ thực sự từ chức. Nhưng cũng có người bất bình và cho rằng Gotabaya và gia đình ông ta phải bị xét xử về tội tham nhũng.
Vài giờ sau khi tổng thống chạy trốn, Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình huống ngoại lệ này. Theo cảnh sát, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng ở Colombo để chấm dứt các cuộc biểu tình.
Từ thủ đô Sri Lanka, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết phản ứng của người dân :
« Tình hình ở đây rất bất ổn, bởi tổng thống nói sẽ từ chức, nhưng ông ấy vẫn chưa chính thức làm điều đó. Vì vậy, chúng tôi không còn biết ai điều hành đất nước. Tổng thống Rajapaksa chưa bao giờ đáp ứng các yêu cầu của đoàn người biểu tình chúng tôi, và giờ thì ông chạy trốn. Rõ ràng là ông ấy đang sợ hãi. Đây là lần đầu tiên một tổng thống chạy trốn khỏi Sri Lanka như thế. »
Một phụ nữ cho biết : « Tôi biết được thông tin tổng thống chạy trốn trên Facebook lúc tôi thức dậy. Tôi rất hài lòng, vì ông ta đã hủy hoại đất nước và tước đi tương lai của chúng tôi. Tôi năm nay 26 tuổi, tôi đã có những ước mơ cho tương lai mình, nhưng mọi thứ sụp đổ vì cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Bây giờ ông ấy phải từ chức vì chúng tôi không có quốc gia nào khác để chạy đến. »
Theo tin mới nhất, chủ tịch Quốc hội Sri Lanka thông báo là thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã được bổ nhiệm làm quyền tổng thống cho đến khi có quyết định mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét