NATO chính thức khởi động tiến trình kết nạp Thụy Điển và Phần Lan
(Hàng trên, từ trái qua): Tổng thư ký NATO, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển, tại thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 28/06/2022. © REUTERS - VIOLETA SANTOS MOURA - Thu Hằng Ngày 05/07/2022 đánh dấu một cột mốc lịch sử cho Thụy Điển và Phần Lan, hai nước giữ thế trung lập trong nhiều thập niên. Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO và hai nước Bắc Âu ký nghị định thư, chính thức khởi động quá trình kết nạp hai thành viên mới. Thông tín viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Bruxelles :
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào giữa tháng Năm. Chỉ sau một tháng rưỡi, với tốc độ chưa từng có, 30 nước thành viên NATO ký các nghị định thư kết nạp hai nước vào sáng 05/07 tại trụ sở của liên minh quân sự tại Bruxelles.
Việc hai nước từ bỏ thế trung lập truyền thống là một dấu hiệu cho thấy những biến động đang diễn ra ở châu Âu sau khi Nga xâm lược Ukraina. Hôm qua (04/07), tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh hai nước Bắc Âu tham gia liên minh.
Ông phát biểu : « Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị cho chiến tranh. Chiến lược răn đe và phòng thủ mới của NATO đã cho phép chúng ta củng cố lực lượng ở sườn đông của liên minh chỉ vài giờ sau khi Nga xâm lược Ukraina. Chúng ta chuẩn bị đón Phần Lan và Thụy Điển trong liên minh, hai đồng minh mới có lực lượng và khả năng quân sự tuyệt vời ».
Sau lễ ký ngày hôm nay, việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan còn phải được phê chuẩn ở cấp quốc gia tại Nghị Viện của mỗi nước trong số 30 thành viên. Rất khó để biết được là cần bao nhiêu thời gian nhưng dường như tất cả đều đồng ý dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gieo rắc nghi ngờ. Khi chấp nhận bỏ phiếu thuận, chính quyền của tổng thống Erdogan muốn Thụy Điển dẫn độ 73 người mà Ankara coi là khủng bố .
Trọng tâm hội nghị Lugano: tái thiết và chống tham nhũng tại Ukraina
Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal (T) và phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis tại Lugano, Thụy Sĩ ngày 05/07/2022. REUTERS - POOL
Thụy My
Sự kiện Luhansk thất thủ không ngăn trở chính phủ Ukraina chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, đó là chủ đề của hội nghị quốc tế ở Lugano (Thụy Sĩ) khai mạc hôm qua 04/07/2022. Thủ tướng Ukraina ước tính cần ít nhất 750 tỉ đô la để tái thiết đất nước. Nhưng nếu việc Nga xâm lăng Ukraina đã tạo nên làn sóng tương trợ chưa từng thấy ở phương Tây, vấn đề quản lý tài chính nhanh chóng được đặt ra trong bối cảnh nạn tham nhũng vẫn hoành hành.
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :
122/180, đó là vị trí không mấy vinh dự của Ukraina trong bảng xếp hạng các quốc gia tham nhũng nhất của Minh bạch Quốc tế. Theo tổ chức phi chính phủ này, 1/4 người Ukraina phải chi hối lộ cho công chức trong 12 tháng qua.
Theo nhà nghiên cứu Juhanni Grossman của Viện Quản trị Bâle, dù có những nỗ lực thực sự của Kiev để dẹp tan hiện tượng này, vẫn không thể tránh được hoàn toàn nguy cơ viện trợ quốc tế bị biển thủ một phần. Ông nói : « Cần khẩn cấp củng cố các tổ chức chống tham nhũng để có thể tiếp nhận những món tiền lớn như vậy. Các định chế Ukraina hiện nay chưa chuẩn bị cho việc nhận những khoản viện trợ quan trọng ».
Tuy bị xếp hạng thấp, nhưng Ukraina vẫn là một trong những nước tiến bộ nhiều nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là từ sau cuộc cách mạng năm 2014. Một cuộc chiến đấu cũng mang tính sống còn như việc chống lại quân Nga. Ông Grossman khẳng định : «Nạn tham nhũng đang tác hại tại Ukraina và các nước trong khu vực phần lớn là di sản của Liên Xô. Tham nhũng, biển thủ được Nga dùng để chống lại Ukraina. Như vậy nếu không chống tham nhũng thì cũng không thể chống lại điện Kremlin ».
Về phía các nhà tài phiệt Ukraina mà tổng thống Volodymyr Zelensky cố gắng chống lại sau khi đắc cử, có một nghịch lý là họ lại được ưu ái kể từ khi Nga xâm lăng. Một số lớn tài phiệt đã quyết định dùng tài sản của mình để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh của bộ máy Nhà nước.
Reuters cho biết Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ thành lập một cơ chế phụ trách phối hợp các nỗ lực tái thiết thời hậu chiến, gồm các Nhà nước, định chế, lãnh vực tư nhân, xã hội dân sự, cùng với Ngân hàng Tái thiết Phát triển Châu Âu (BERD), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI). Cơ quan này sẽ xác định các nhu cầu đầu tư, phối hợp hành động và tập hợp các món tài trợ cần thiết.
Thủ tướng Ukraina Denys Chmyhal có mặt tại hội nghị và tổng thống Volodymyr Zelensky tham gia qua video đều nhấn mạnh cần ít nhất 750 tỉ đô la để xây dựng lại đất nước Ukraina bị nhấn chìm trong lửa máu sau khi quân Nga tràn sang từ bốn tháng qua. Theo ông Chmyhal, cần tịchbiên những tài sản của Nga đang bị đóng băng, ước tính từ 300 đến 500 tỉ đô la.
Thủ tướng Ukraina cũng giới thiệu kế hoạch tái thiết gồm ba giai đoạn. Trước hết là khẩn cấp hỗ trợ cư dân bị ảnh hưởng, sau đó tài trợ hàng ngàn dự án tái thiết, và về lâu về dài, là chuẩn bị cho một Ukraina hòa nhập với châu Âu, sinh thái và kỹ thuật số.
Mỹ và Trung Quốc đối thoại ‘‘thắng thắn’’ về những trở ngại trong quan hệ kinh tế song phương
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong một cuộc họp ở Washington, Hoa Kỳ ngày 13/04/2022. REUTERS - LEAH MILLIS
Trọng Thành
Một bước tiến nhỏ trong quan hệ Mỹ - Trung. Giới chức cấp cao phụ trách kinh tế hai bên đã có cuộc đối thoại hôm nay, 05/07/2022. Hai bên xác nhận đây là một cuộc trao đổi ‘‘thắng thắn’’.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc, theo đó, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đã có cuộc đối thoại trực tuyến ‘‘mang tính thực tiễn và thẳng thắn’’ với bộ trưởng Thương Mại Mỹ Janet Yellen. Theo hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, hai bên thống nhất ‘‘bảo vệ sự ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu…, vì lợi ích của hai quốc gia và toàn thế giới’’. Cuộc đối thoại nói trên diễn ra theo yêu cầu từ phía Mỹ, theo Tân Hoa Xã. Bắc Kinh cũng đề cập với Washington về các lo ngại liên quan đến các khoản thuế nhập khẩu bổ sung hàng hóa Trung Quốc, do chính quyền tiền nhiệm Donald Trump áp đặt.
Về phần mình, bộ Thương Mại Mỹ cũng ghi nhận một cuộc đối thoại ‘‘thẳng thắn và thực chất’’, nhưng không dẫn ra vấn đề thuế nhập khẩu nói trên. Theo bộ Thương Mại Mỹ, trong cuộc đối thoại với phó thủ tướng Lưu Hạc, bộ trưởng Janet Yellen đã nêu ra hàng loạt vấn đề như tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraina với nền kinh tế toàn cầu, và các ‘‘hoạt động kinh tế bất chính’’ của Trung Quốc.
Chính quyền Joe Biden đang đứng trước áp lực xóa bỏ các sắc thuế bổ sung đánh vào khoảng 350 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong bối cảnh lạm phát chưa từng có tại Mỹ từ 40 năm nay. Chính quyền Mỹ đã dự kiến sẽ giảm nhiều loại thuế bổ sung với hàng Trung Quốc. Bộ trưởng Thương Mại Janet Yellen đã từng tuyên bố nhiều loại thuế do chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump áp đặt ‘‘không hề có ý nghĩa chiến lược nào’’.
Cuộc đối thoại trực tuyến giữa phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và bộ trưởng Thương Mại Mỹ Janet Yellen diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc hội kiến thượng đỉnh Joe Biden – Tập Cận Bình, ‘‘trong những tuần tới’’, theo Nhà Trắng.
Công dân Ukraina Maryna Viazovska, phụ nữ thứ hai đoạt giải Fields toán học
Maryna Viazovska tại Helsinki, Phần Lan ngày 05/07/2022. via REUTERS - LEHTIKUVA
Trọng Thành
Giải thưởng Fields về toán học – thường được gọi là ‘‘Nobel Toán học’’ – bốn năm một lần được công bố hôm nay, 05/07/2022 tại Helsinki, Phần Lan. Đây là lần thứ hai có một phụ nữ được trao giải này.
Bà Maryna Viazovska, 37 tuổi, sinh tại Ukraina, thời Liên Xô, dạy học tại Đại học Bách Khoa Lausanne Thụy Sĩ từ năm 2017, là người phụ nữ thứ hai đoạt giải thưởng khoa học này trong vòng 80 năm giải tồn tại.
Giải thưởng được trao cho nữ khoa học gia Ukraina để vinh danh việc bà đã giải quyết được bài toán gọi là ‘‘vấn đề xếp chồng nhỏ gọn’’ trong không gian 8 chiều. Bài toán thường được gọi là ‘‘bài toán người buôn cam’’, đã là vấn đề thách thức nhiều thế hệ các nhà toán học kể từ thế kỷ 16. Bài toán ‘‘xếp chồng nhỏ gọn’’ trở nên phức tạp bội phần khi đi vào các không gian toán học nhiều chiều hơn không gian ba chiều thông thường. Sắp xếp được tối đa trong một không gian hẹp là thách thức của bài toán.
Cùng với bà Viazovska, nhà toán học Pháp Hugo Duminil-Copin, 36 tuổi, được trao giải vì công trình nghiên cứu trong lĩnh vực ‘‘vật lý thống kê’’. Ông Hugo Duminil-Copin được bổ nhiệm giáo sư trong lĩnh vực toán xác suất vào năm 29 tuổi. Nhà toán học Pháp làm việc tại Institut des Hautes Etudes Scientifiques, gần Paris, và Đại học Genève, Thụy Sĩ.
Hai người đoạt giải khác là nhà toán học June Huh, 39 tuổi, công dân Mỹ gốc Hàn Quốc, và nhà toán học Anh James Maynard, 35 tuổi. Giải thưởng Fields của Liên minh Toán học quốc tế được trao tặng cho các nhà toán học dưới 40 tuổi, có các phát hiện được đánh giá là ‘‘phi thường’’.
Miền đông Ukraina: TT Nga lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch sau khi chiếm Lysychansk
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại Matxcơva, Nga ngày 04/07/2022. via REUTERS - SPUTNIK
Trọng Thành
Một ngày sau khi chiếm được thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Luhansk, hôm qua, 04/07/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiếp tục chiến dịch tấn công tại miền đông Ukraina.
Trong buổi làm việc với bộ trưởng Quốc Phòng Sergueï Choïgou, được AFP trích dẫn, tổng thống Nga đã ra lệnh cho quân đội tiếp tục ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’, với việc thực thi ‘‘các kế hoạch đã định’’. Cũng về tuyên bố của tổng thống Nga hôm qua, theo hãng tin Mỹ AP, tuy ông Putin ra lệnh tiếp tục chiến dịch, nhưng cũng thừa nhận sau chiến thắng tại Severodonetsk và Lysychansk, các lực lượng tại Donbass ‘‘cần nghỉ ngơi, và tăng cường khả năng chiến đấu’’.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institut of War), có trụ sở tại Washington, quân Nga ‘‘cần một khoảng thời gian quan trọng để nghỉ ngơi và tái trang bị trước khi tiếp tục các hoạt động tấn công quy mô lớn’’, nhưng hiện tại ‘‘không rõ là quân đội Nga có chấp nhận rủi ro khi tạm dừng hoạt động đủ lâu để cho phép các lực lượng bị kiệt quệ này lấy lại sức chiến đấu hay không’’. Theo nhà phân tích quân sự Ukraina, ông Oleh Zhdanov, được AP trích dẫn, nhiều đơn vị Nga đã thiệt hại đến một nửa quân số sau chiến dịch vừa qua.
Đa số các đợt tấn công tại Donetsk bị đẩy lui
Trên thực địa, trong buổi tối hôm qua 04/07, quân đội Ukraina ghi nhận quân Nga đã tiến hành nhiều đợt tấn công tại vùng Kharkiv (đông bắc) và ở tỉnh Donetsk ở miền đông, nhưng đều bị đẩy lui. Tuy nhiên, ‘‘quân thù đã thành công một phần trong cuộc tấn công nhắm vào ngôi làng Mazanivka (gần thành phố Sloviansk)’’.
Hai thành phố Sloviansk, cách Lysychansk hơn 70 km, cùng với Kramatorsk, thuộc tỉnh Donetsk, là đích ngắm tiếp theo của quân đội Nga. Sloviansk là mục tiêu pháo kích của quân Nga. Theo AFP, sáng hôm qua, phố phường thành phố này gần như không có người đi lại. Thống đốc tỉnh Donetsk, Pavlo Kirilenko, cho biết các cuộc oanh kích của Nga hôm Chủ nhật khiến 10 người, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng tại thành phố Sloviansk và một số khu vực lân cận.
Bổ nhiệm một cựu sĩ quan an ninh FSB đứng đầu vùng Kherson Nga chiếm đóng
Nhân vật số hai của vùng Kaliningrad (tây bắc nước Nga) được bổ nhiệm làm ‘‘người đứng đầu chính phủ vùng Kherson’’, theo cơ quan quân quản Nga tại tỉnh miền nam Ukraina. Việc bổ nhiệm có hiệu lực hôm nay, 05/07. Ông Sergueï Elisseïev, 51 tuổi, tốt nghiệp Học viện An ninh Nga FSB, đã từng phục vụ trong ngành an ninh, theo trang mạng của chính quyền tỉnh Kaliningrad.
Kể từ khi chiếm được Kherson, chính quyền Matxcơva đã theo đuổi chính sách Nga hóa khu vực này, với việc đưa vào sử dụng đồng rúp, cấp hộ chiếu Nga, một ngân hàng đầu tiên của Nga được mở vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các lực lượng Ukraina phản công trở lại tỉnh Kherson, và đã giành lại được nhiều đất từ tay quân Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét