Hội nghị tái thiết Ukraina mở ra vào lúc chiến sự tiếp diễn ác liệt ở miền đông
Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis (T) tiếp đón chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen nhân Hội Nghị Tái Thiết Ukraina tại Lugano (Thụy Sĩ) ngày 04/07/2022. REUTERS - POOL - Anh Vũ - Giữa lúc chiến sự ở miền đông Ukraina vẫn đang khốc liệt, hôm nay 04/07/2022, tại Lugano, Thụy Sĩ, hội nghị về tái thiết Ukraina, mở ra trong 2 ngày. Hội nghị vẫn diễn ra nhiều năm gần đây giữa Kiev và các nước đồng minh để bàn về việc giúp Ukraina cải cách và chống tham nhũng. Lần này cuộc chiến tranh do Nga phát động đã làm thay đổi trọng tâm cuộc họp, tập trung vào việc tìm hướng vực dậy đất nước và nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá từ bốn tháng qua.
<!>
Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève tường trình :
Bàn đến việc tái thiết Ukraina ngay trong khi giao tranh đang còn khốc liệt là chuyện không hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên hội nghị này phải cho phép vạch ra một tiến trình vực dậy đất nước Ukraina.
Dù người ta không biết đến khi nào thì công việc tái thiết có thể thực hiện, việc khẩn cấp đã thấy, đó là những tòa nhà của 3,5 triệu người Ukraina đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Gần một nửa đất nước bị nhiễm các loại chất nổ.
Cuộc gặp lần này tuy nhiên không nên biến thành một hội nghị các nhà tài trợ : Vấn đề là ở chỗ thể hiện sự hào phóng bằng hành động cụ thể hơn là thu tiền cho Ukraina. Bởi vì đất nước và nền kinh tế Ukraina đến giờ vẫn bị suy yếu vì tham nhũng.
Trong những quan chức có mặt tại Lugano, dự kiến không có nguyên thủ quốc gia nào, nhưng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ hiện diện. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cuối cũng đã cử thủ tướng của ông tới hội nghị. Ông Denys Schmygal sẽ dẫn đầu một phái đoàn quan chức Ukraina đông đảo nhất ra nước ngoài kể từ đầu cuộc chiến tranh với Nga.
Tàu Nga chở ngũ cốc bị giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Reuters, đại sứ Ukraina tại Ankara ngày 03/07/2022 cho hay hải quan Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ một tàu vận tải Nga chở ngũ cốc bị nghi là đánh cắp của Ukraina. Trước đó hôm thứ Sáu (01/07), phía Ukraina đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chặn giữ tàu vận tải Zhibek Zholy, mang cờ hiệu Nga. Con tàu trên hôm 03/07 đã neo đậu cách cảng Karasu của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1km, theo ghi nhận tại chỗ của phòngviên Reuters.
Đại sứ Ukraina tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vasyl Bodnar xác nhận trên truyền hình Ukraina rằng : « Con tàu hiện đang ở cửa vào cảng, nó đã bị hải quan Thổ Nhĩ Kỳ giữ ». Ông Bodnar cho biết thêm là số phận của con tàu sẽ được quyết định vào hôm nay (04/07) sau khi có điều tra.
Kiev vẫn liên tục tố cáo Nga cướp ngũ cốc của Ukraina trong vùng bị quân đội Nga chiến đóng. Trong khi đó, Kremlin phủ nhận cáo buộc.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga áp sát vùng biển khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Tàu hải cảnh Trung Quốc (P) chạy song song với tàu tuần duyên Nhật Bản gần khu vực Senkaku/Điếu Ngư, trên biển Đông Bắc Á. Ảnh do tuần duyên Nhật công bố ngày 04/02/2013. AFP - JAPAN COAST GUARD Thanh Hà
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật hôm 04/07/2022 cho biết một tàu khu trục của Trung Quốc đã « áp sát » quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cùng lúc truyền thông Tokyo đưa tin tàu của Nga cũng đang lai vãng gần cụm đảo nơi Trung Quốc và Nhật Bản cùng khẳng định chủ quyền.
Hãng tin AFP trích dẫn thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật cho biết vào lúc 7 giờ44 phút sáng nay, giờ địa phương, một tàu khu trục của Trung Quốc đã vào đến tận « vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản », ở phía tây nam của một trong những hòn đảo thuộc cụm Senkaku do Tokyo quản lý.
Tàu Trung Quốc thường xuyên lai vãng gần Senkaku/Điếu Ngư nơi có tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Tokyo với Bắc Kinh. Nhưng từ 2018 đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho tàu vào vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý của Nhật.
Qua kênh ngoại giao, Tokyo đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc với Bắc Kinh » và đòi Trung Quốc « không để xảy ra những sự cố tương tự ».
Cùng ngày, truyền thông Nhật trích dẫn nhiều nguồn tin của bộ Quốc Phòng cho biết đã phát hiện tàu của Nga cũng lai vãng trong khu vực liên quan.
Cuối tháng 5/2022 máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã phối hợp thực hiện một phi vụ gần không phận Nhật Bản. Tokyo đã mạnh mẽ lên án Matxcơva và Bắc Kinh đã có hành động « khiêu kích ».Vụ việc đã xảy ra sau khi Nhật Bản tổ chức hội nghị của Bộ Tức gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.
Tranh chấp chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư là một trong những cái gai trong quan hệ Nhật-Trung. Với Nga, bang giao giữa Tokyo và Matxcơva đã xấu đi đáng kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina. Nhật Bản đứng về phía phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt Nga.
Hội nghị Mekong-LanThương khai mạc
Ảnh minh họa: Ngư dân Cam Bốt thuộc làng Preah Romkel, tỉnh Stung Treng (Cam Bốt), bên bờ sông Mekong, khúc gần đập Don Sahong, gần biên giới Lào-Cam Bốt. Ảnh chụp năm 2016. AP - Heng Sinith
Phan Minh
Hội nghị hợp tác Mekong-Lan Thương (Lancang) quy tụ ngoại trưởng của 6 nước - Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam - đã khai mạc hôm nay, 04/07/2022, tại Miến Điện. Mục đích của hội nghị là thảo luận về tương lai của con sông quan trọng nhất khu vực. Trung Quốc nhân cơ hội này muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :
Sáu bộ trưởng gặp nhau tại thành phố lịch sử Bagan, miền trung của Miến Điện để thảo luận về tương lai của sông Mekong-Lan Thương, Lan Thương là tên tiếng Trung của con sông, nơi đa dạng sinh học đã bị việc xây dựng nhiều đập thủy điện hủy hoại. Hợp tác khu vực này - dưới sự bảo trợ của Trung Quốc - cạnh tranh trực tiếp với Ủy ban sông Mê Kông (MRC), một cơ quan chịu ảnh hưởng của Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặc biệt tích cực trong hồ sơ này khi ông hứa sẽ tài trợ cho các dự án trị giá ba mươi triệu đô la của Cam Bốt, hứa tăng cường hợp tác với Lào về các chủ đề như bảo vệ môi trường, giám sát biên giới hoặc nền kinh tế kỹ thuật số.
Cuộc họp - trùng thời điểm với chuyến thăm ngoại giao của đặc phái viên ASEAN tại Miến Điện (đồng thời là ngoại trưởng Cam Bốt) - chắc chắn sẽ cho phép nhiều cuộc gặp mang tính chính trị hơn.
Như vậy, Trung Quốc đang khẳng định ảnh hưởng của mình trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên ở khu vực sông Mekong và củng cố hình ảnh của mình như một trọng tài trong khu vực.
Trong ngày hôm qua 03/07, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã kêu gọi quân đội Miến Điện đàm phán với đối lập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương tới Miến Điện kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm 2021 khiến nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Pháp cải tổ chính phủ sau cuộc bầu cử lập pháp
Ảnh minh họa: Nữ thủ tướng Elisabeth Borne tại ĐIện Matignon, tức phủ thủ tướng Pháp, ở Paris (Pháp) ngày 21/06/2022. REUTERS - POOL
Thanh Hà
Trưa ngày 04/07/2022, phủ tổng thống Pháp công bố danh sách thành phần nội các cải tổ, vẫn do bà Elisabeth Borne làm thủ tướng. Chính phủ cải tổ bao gồm 32 bộ trưởng, 10 quốc vụ khanh, trong đó có 21 nam và 21 nữ. Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập cuộc họp chính phủ vào lúc 4 giờ chiều nay.
Sau cuộc bầu cử lập pháp vòng hai ngày 19/06, liên minh của tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giành được đa số tuyệt đối, một số thành viên chính phủ thất cử phải ra đi và chính phủ của thủ tướng Borne phải cải tổ. Tuy nhiên, trong nội các mới, các vị trí then chốt như bộ Kinh Tế, Ngoại Giao, Quân Lực hay Nội Vụ, Giáo Dục, Tư Pháp hay Văn Hóa không đổi chủ.
Ba thay đổi được chú ý nhiều liên quan đến bộ Y Tế, bộ Môi Trường và bộ đặc trách về các vấn đề Hải Ngoại : Hai cựu bộ trưởng Y Tế và Môi Trường, Brigitte Bourguignon và Amélie de Montchalindo thất cử nên phải rời khỏi nội các. Các bộ Môi Trường và Y Tế sẽ các ông Christophe Béchu và François Braun điều hành.
Về phần bà Yael Braun Pivet do vừa được bầu làm chủ tịch Quốc Hội nên đã nhường lại hồ sơ Hải Ngoại cho ông Jean François Carenco.
Ông Olivier Véran, cựu bộ trưởng Y Tế, cựu bộ trưởng phụ trách quan hệ với nghị viện, nay được bổ nhiệm làm phát ngôn viên của chính phủ.
Phe đối lập cho rằng đây không phải là cải tổ mà là chính phủ Elisabeth 2 và chỉ trích thành phần tân chính phủ. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN phê phán tổng thống Macron không biết lắng nghe ý nguyện của dân sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Bên cánh cực tả, đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI cho rằng phủ tổng thống và thủ tướng « khó tuyển nhân sự » nên phải giữ lại nhiều gương mặt cũ.
Về phần thủ tướng Borne, hai ngày nữa bà sẽ trình bày cương lĩnh hành động trước Quốc Hội. Một trong hai dự luật đầu tiên liên quan đến sức mua, mối quan tâm hàng đầu của dân Pháp, sẽ bắt đầu được thảo luận kể từ ngày 18 tháng 7/2022.
Gruzia: Hàng chục nghìn người biểu tình đòi gia nhập Liên Âu
Người biểu tình mang theo cờ Gruzia và cờ Liên Hiệp Châu Âu nhân cuộc tập hợp trước Nghị VIện Gruzia tại Tbilisi (Gruzia) ngày 03/07/2022. AP - Shakh Aivazov
Phan Minh
Tại Gruzia, lần thứ ba một cuộc biểu tình lớn ủng hộ việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã được tổ chức vào hôm qua 03/07/2022 tại Tbilisi. Hơn 25.000 người đã tập hợp biểu tình trước trụ sở Quốc Hội gây áp lực đòi chính phủ phải đáp ứng các điều kiện do Bruxelles đề ra để Gruzia được cấp quy chế ứng viên EU.
Từ Tbilisi, thông tín viên Régis Genté tường trình :
Lần thứ ba trong vòng hai tuần, người dân Gruzia đã tập trung đông đảo trước tòa nhà Quốc Hội ở Tbilisi. Đám đông đã đến yêu cầu chính phủ làm mọi cách để đáp ứng 12 điều kiện do Hội Đồng Châu Âu đề ra để Gruzia được cấp quy chế ứng viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Trong cuộc biểu tình thứ ba này của phong trào “Nhà chúng ta ở châu Âu”, các diễn giả đã yêu cầu thủ tướng Irakli Garibashvili từ chức. Ông bị coi là tay sai của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili. Và chính ông Ivanishvili bị cáo buộc là tay sai của Nga.
Họ cũng kêu gọi thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Không giống như các cuộc biểu tình trước đây, một phần của đám đông sau đó đã đến trụ sở của đảng cầm quyền, sau đó là trụ sở của chính phủ để tổ chức biểu tình ngồi cho đến sáng.
Đây có lẽ là một dấu hiệu cho thấy số người Gruzia ngày càng thân châu Âu đang buộc chính phủ rơi vào thế giằng co. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn, ngay cả khi 3/4 trong số 3,7 triệu người Gruzia nói ủng hộ việc gia nhập EU.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét