Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Thằng khùng - Tiểu Tử


Không biết hồi thời trước thằng cha đó làm nghề gì, chớ bây giờ – nghĩa là đôi ba năm sau cơn lốc tháng tư năm 1975 – hắn đã trở thành một “sản phẩm rất ấn tượng” của cuộc đổi đời vĩ đại! Sáng nào cũng thấy thằng cha đó đứng ở góc đường Chợ Cũ chỉ đông chỉ tây, mắt lim dim miệng lầm bầm những gì không rõ. Lâu lâu hắn vỗ hai tay vào nhau nghe cái “chát” rồi xuống tấn đi một dọc đường quyền. Hắn làm như hè phố không có ai hết. Cứ thản nhiên tiến thoái, tung chưởng bên tả, đá cước bên hữu, ai tránh thì tránh ! Những lúc đó, mặt hắn thật là “an nhiên tự tại”, mắt nhìn theo hai tay đẩy ra thâu vào nhịp nhàng… giống như chẳng có chuyện gì xảy ra hết ! Vậy mà một lát sau lại đứng thẳng, lầm bầm chỉ đông chỉ tây !
<!>
Sau vài “tua” như vậy, hắn khoan thai bước vào tiệm nước gần đó ăn điểm tâm. Lúc nào cũng vào tiệm đó, không thay đổi. Và lúc nào cũng ăn một tô hủ tiếu uống một tách cà phê đen. Thành ra trong tiệm, khi thấy hắn ngồi vào bàn là nấu ngay tô hủ tiếu và pha ngay tách cà phê mà không cần hỏi ! Hắn ăn, giống như người bình thường. Nhìn hắn, không ai nghĩ rằng trước đó năm mười phút hắn đã là “một người khác” ở ngoài kia. Chỉ có điều là khi thấy ai nhìn mình, hắn trừng mắt nhìn lại, mặt gân gân, hàm hất hất, giống như muốn nói:
“Mầy không biết tao là ai sao mà nhìn? Hử?”

Ăn xong, hắn trả tiền đàng hoàng rồi thả bộ đi loanh quanh. Tôi lén đi theo một lần thì thấy hắn như người bình thường, khi dừng xem cửa hàng này lúc dừng xem cửa hàng nọ. Rất thư thả, tự nhiên. Giáp cái vòng Chợ Cũ là hắn lại vào tiệm nước hồi nãy để nhâm nhi một ly chanh đường. Chẳng thấy hắn bắt chuyện với ai, mà cũng chẳng nghe hắn nói một tiếng nào với nhân viên trong tiệm ! Lúc nào hắn cũng làm thinh. Người trong tiệm chắc đã quen quá rồi với cái “trình tự lớp lang” của hắn nên cũng chẳng thấy chào đón hỏi han gì hết.

Sau ly chanh đường, hắn bước ra rồi đi thẳng qua vỉa hè phía đối diện. Đường phố đã đông ken. Tiếng máy xe, tiếng kèn xe… inh ỏi. Vậy mà hắn đi qua đường giống như đi giữa đồng trống, cứ đi xăm xăm, mặc cho xe cộ thắng, lách, mặc cho thiên hạ chửi thề, văng tục. Đến bên kia, hắn đứng thẳng nhìn xa xăm, bất động như một pho tượng. Một lúc sau, hắn bỗng soạt chân ra, rùn rùn người, sàng qua sàng lại, đầu gật gù, hai tay thay nhau xỉa xói về phía trước, miệng nói lớn từng câu ba chữ bắt vần có ca có kệ … vừa giống thầy pháp đọc thần chú lại vừa giống người đang lên đồng ! Tất cả các động tác của hắn đều ăn khớp với nhau và nhịp nhàng linh động theo từng câu hắn nói chớ không thấy một chút rối loạn nào hết. Nhứt là hai tay, một xỉa ra thì một thâu về, chậm rãi giống như người ta tập Thái cực quyền, và mỗi cái xỉa ra là chấm dứt đúng một câu. Cứ như vậy đều đặn, hắn nói dài dài có dây có nhợ, mắt trừng trừng, mặt gân gân… Hết đoạn này, hắn bắt qua đoạn khác, lòng vòng lòng vòng ! Nói… đã một hồi rồi hắn bỏ đi về phía bờ sông, đi mất. Để sáng sớm hôm sau lại có mặt gần như đúng giờ ở góc đường Chợ Cũ, diễn lại trò hôm qua, tuần tự lớp lang…

Thiên hạ gọi hắn là “thằng khùng”. Quen quá rồi nên chẳng thấy ai để ý tới, ngoại trừ vài người không thuộc dân khu phố bất chợt đi qua.
Thật ra, nhìn thằng cha đó, không thấy có vẻ gì khùng hết, nghĩa là hắn không giống mấy người khùng loại… “cổ điển”. Râu tóc cạo gọt chải gỡ sạch sẽ, mặt mũi đều đặn phương phi, sơ-mi trắng ngắn tay bỏ trong quần đàng hoàng, quần tây thẳng nếp và nhứt là đôi giày bát-két còn mới tinh cột dây tề chỉnh.
…Một hôm, vì tò mò, tôi lắng nghe bài “kệ” của hắn. Mặc dù tiếng ồn ào hỗn tạp của xe cộ, giọng sang sảng của hắn nghe rõ mồn một. Tôi có dịp ghi lại một đoạn:
“Nói có sách
Mách có chứng
Đứng có chỗ
Đổ có nơi
Ngồi có kiểu
Tiểu có xô
Hô có nhịp
Bịp có tiếng
Diện rất quê
Chê rất giỏi
Nói rất dai
Khai rất kỹ
Lý luận xằng
Loại kỳ nhông
Ông kỳ đà
Cha cắc ké
Trẻ không tha
Già không chê
Quê đứng trước
Dốt đứng trên
Đen nói trắng
Đắng nói ngọt
Lột thằng dân
Trần như nhộng
Giọng Tào Tháo
Đạo đức giả
Dạ sài lang
Nói một đàng
Làm một nẻo.”
Đọc đi đọc lại bài “kệ”, tôi thấy lời lẽ mạch lạc rõ ràng, và những điều “thằng khùng” đó nói, thiên hạ ai cũng thấy, cũng biết hết nhưng không ai dám “đứng ra giữa đường mà nói”. Như vậy, hắn đâu phải khùng ! Có lẽ tại vì thiên hạ thấy hắn là không giống ai hết nên cho là hắn khùng đó thôi !
Rồi tôi tiếp tục lý luận theo lề lối đã được học tập sau cuộc đổi đời vĩ đại:
– Thiên hạ tỉnh mình anh khùng, hay thiên hạ khùng mình anh tỉnh, cũng vậy thôi. Đó là hai mặt của tấm gương. Đứng phía trước hay đứng phía sau gì tấm gương vẫn là tấm gương (“biện chứng” chắc nịch như vậy, không chối cãi !).
– Cũng giống như thiên hạ đều trắng chỉ có một mình anh đen. Anh không giống ai, đành rồi, nhưng anh là cái chấm đen trong cái tổng thể trắng, làm cho cái trắng đó không hoàn toàn trắng được. Có hại !
– Nói một cách khác: trong luồng người cùng đi tới, mình anh đứng lại, dù cố ý hay không cố ý gì đi nữa, anh vẫn là biểu tượng của sự “phản động”. Bởi vì anh làm “rối” – chưa nói đến “loạn”, còn nặng hơn nữa – cái trật tự đang được di động về một chiều.
– Vậy, để có sự thuần nhứt trong toàn bộ – nghĩa là khùng hết hay trắng hết hay đi tới hết – phải thủ tiêu anh hay cải tạo anh (nghĩa là làm cho anh phải giống như mọi người).
Đến đây, tôi bỗng thấy lo cho thằng khùng Chợ Cũ. Nhưng rồi tôi nghĩ lại: Xưa nay ai không biết rằng thằng khùng nào cũng làm bậy nói bậy hết, đếm xỉa làm chi.
Có lẽ đúng. Bởi vì tôi thấy “thằng khùng Chợ Cũ” cứ phây phây “phát biểu” dài dài…
Kể ra, ở thời buổi này và trong cái xã hội này, được thiên hạ dán cho nhãn hiệu “thằng khùng” cũng sướng chớ !
Trích "Tiểu Tử toàn tập"

Những chuyện nho nhỏ...

Trong đời tôi, tôi đã nghe kể lại hay chính tôi đã mục kích rất nhiều chuyện nho nhỏ, những chuyện tầm thường không có gì “éo le gút mắt” hết, những chuyện mà tôi cho là có nghe qua hay thấy qua rồi bỏ cũng không sao. Vì vậy, tôi coi thường những chuyện nho nhỏ.
Gần đây, một chuyện nho nhỏ xảy đến cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Thì ra chuyện nho nhỏ có khi chứa đựng một bài học lớn mà con người không để ý, vì chỉ quen nhìn những chuyện lớn, những chuyện “đập vào mắt”, xưa nay…
Rồi tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con người suy gẫm. Vậy là tôi lần mò viết lại, không cần thứ tự lớp lang, không cần chọn lựa loại chuyện này hay loại chuyện nọ.
Mời các bạn cùng tôi đi lần vào những chuyện nho nhỏ này để cảm nhận thi vị của cuộc sống đang nằm đầy ở trong đó, và nó thật là gần gũi với mình như hơi thở như nhịp tim…

Bà đầm già và anh Việt Nam:

Chuyện xảy ra ở ngoại ô Paris (Pháp).
Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi:
- Xin lỗi ! Ông là người Tàu hay người Việt Nam?
Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời:
- Tôi là người Việt Nam.
Ông ta mừng rỡ:
- Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không ?
Tôi càng ngạc nhiên thêm:
- Không ! Tôi không có đỡ ai hết !
Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy đồ v.v…
Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tồn nói:
- Ông yên tâm ! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông.
- Vậy à! Nhưng mà tôi nói thật: hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không?
- Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết.
Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe… Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té. Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi bỏ đi luôn. Một người đàn ông Á đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao không? Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được, chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó. Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại cập tay bà nói để dìu bà về. Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả lời rằng mình là người Việt Nam. Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ thương…
Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn ông, ông ở đâu? Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng đi và về bằng ngã này. Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà cụ có thật sự đi một mình được không! Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói: “Chúa ơi! Tao quên nói cám ơn ông ta!” Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”, tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua!
Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện cảm, nói: “Cám ơn!”
Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam”…

* * *
Chuyện trước cổng chùa Bà:

Năm 2006, vợ tôi về Việt Nam lo ma chay cho má tôi. Sau đó, bả được mấy đứa cháu chở đi Châu Đốc viếng Chùa Bà.
Cúng vái xong, ra đến cổng chùa thì có một đám bé gái độ mười hai mười ba tuổi bu lại chen lấn nhau xin tiền. Một đứa đứng gần vợ tôi, có vẻ lanh lợi nhứt, xoè tay nói một hơi có ca có kệ: “Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con cầu nguyện Bà cho con gái ngoại lấy được chồng Đài Loan! Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con... ”
Trên đường về, vợ tôi miên man suy nghĩ về mấy đứa nhỏ đó: không có tiền để đi học, còn quá nhỏ để có một cái nghề, và chắc nhiều đứa - rất nhiều đứa - chỉ ước ao lấy được chồng Đài Loan khi mình lớn lên một chút! Rồi vợ tôi thở dài...
Nghe kể mà tôi thấy thương quê hương tôi vô cùng. Trước đây, dù có nghèo đi mấy cũng chưa bao giờ tệ đến như vậy! Viết lại chuyện này mà tôi nghe rát từ đáy lòng rát lên khóe mắt...

* * *
Đạp xích lô:

Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn:
“Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì xúc xích - phô mai như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”
Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây...
... Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày. Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài. Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ. Bác biết không ? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp. Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không? Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “trúng mối lớn”. Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói: “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây!”
Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào. Con hỏi:
“Bác không đếm sao?”
Ổng cười, nhìn con:
“Khỏi ! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”
Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời:
“Cậu lên ngồi, đi!”
Con lắc đầu:
“Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!” Nụ cười của ổng tắt mất:
“Ủa! Gì kỳ vậy?”
Con giải thích:
“Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”
Ổng vỗ vỗ lên yên xe:
“Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”
Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói:
“Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”. Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng:
“Cậu liệu được không cậu?”
Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm: “Được mà ... Dễ ợt hà!”
Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết. Một lúc sau bỗng ổng la lớn:
“Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”
Từ đó, ổng chỉ cho con chạy:
“Từ từ ... Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít...”
Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên:
“Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!”...
Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì... làm gì... Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói:
“Mình vô ăn cái gì đi”.
Ổng nói:
“Cậu vô ăn đi, tôi không đói”.
Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại:
“Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”
Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra. Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên:
“Ăn gì mau vậy cậu?”
Con nói trớ:
“Thấy không ngon nên không ăn”.
Rồi con nói tiếp:
“Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”.
Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng!
Kể xong, Trung hỏi:
“Nhà nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”
Tôi nói:
“Ờ...”
Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời!

* * *

Nói: Hết rồi !

Một ông bạn ở Paris cho tôi uống một thứ trà Tàu đặc biệt ổng đem từ bên Mỹ về. Ổng cầm cái hộp vuông màu xanh ve chai đưa lên khoe:
“Trà này bên nây chưa có. Nó tên là Trà Vương. Hộp 150 gr này tôi mua bên Mỹ giá là 15 đô đó!”
Trà ngon thiệt ! Vị ngọt phớt chớ không đắng hay chát như loại trà Tàu khác và nhứt là mùi thơm rất “vương giả” chớ không phải mùi lài hay sói hay sen như thường thấy. Uống cạn chén trà, hương trà còn đọng lại trong đáy chén phất lên mũi gợi thèm mùi vị đặc biệt này! Ông bạn tôi nói Trà Vương có nhiều số, nhưng số 103 là ngon nhứt !
Tôi đã đi lùng sục ở Paris nhưng không thấy bán loại Trà Vương này. Một hôm, đi với vợ tôi ở khu 13 chợ Tàu, tôi chợt thấy một bà Á đông cầm một hộp vuông màu ve chai vừa quơ quơ ra dấu vừa nói chuyện với hai bà khác cùng ngồi trên băng gỗ vỉa hè. Tôi bước lại nhìn: thì ra đúng là hộp Trà Vương ! Mừng quá ! Nghe mấy bà đó nói tiếng Việt Nam nên tôi hỏi ngay:
“Phải Trà Vương không bà?”
Bả quay qua tôi, trả lời cụt ngủn:
“Ờ! Mà hết rồi!”
Rồi quay về tiếp tục nói chuyện với hai bà kia. Tôi chen vào:
“Xin lỗi! Bà mua ở đâu vậy?”
Lần này, không quay lại nhìn tôi nhưng bả vẫn trả lời:
“Mà tôi nói hết rồi !”
Tôi không dám cười, sợ bả bị chạm tự ái. Tôi vẫn ôn tồn hỏi:
“Dạ! Nhưng xin bà làm ơn cho tôi biết bà mua ở đâu vậy?”
Bả nhìn tôi, chắc coi tôi có... khùng không mà cứ lải nhải hỏi hoài. Rồi bả cầm cái hộp lia lia về hướng phía dưới con đường một chiều:
“Dưới kia kìa”.
Tiếp theo là bả gằn từng tiếng:
“Tôi-nói-hết-rồi!”
Tôi cám ơn rồi kéo vợ tôi đi “mò” dài dài xuống “dưới kia kìa”, tiệm nào cũng vô kiếm Trà Vương! Khi đi gần... rã chân thì vào một siêu thị lớn. Họ nói:
“Có ! Nhưng mà hết rồi !”
Hỏi chừng nào có nữa, họ trả lời không biết ! Thì ra bà già hồi nãy nói đúng. Bả đã tốt bụng “nói cho thằng chả biết là hết rồi để thằng chả khỏi phải lội xuống tuốt dưới kia xa thấy mồ chớ bộ !”
Các bạn có thấy chuyện nhỏ này dễ thương không? Bà già đó, cho dầu có lưu vong ở chân trời góc biển nào đi nữa, bà vẫn giữ nguyên phong cách Việt Nam. Trân quí lắm, các bạn à!

* * *
Chuyện ở quê tôi:

Má tôi mất vào ngày đưa Ông Táo. Thằng con lớn của tôi đi với má nó về Việt Nam lo ma chay. Ông thầy làm đám (phái Cổ Sơn Môn thường gọi là thầy cúng) là ông thầy Non. Cái tên này do má tôi đặt ra để tránh gọi “Thầy Con” vì ổng là con ông thầy Cả, ông này là bà con kêu má tôi bằng cô và là bạn học của tôi từ thời tiểu học ở trong làng. Kể như vậy để thấy thầy Non đối với gia đình tôi không phải là người xa lạ.
Sau đám ma, thầy Non lấy Honda chở con tôi đi đầu trên xóm dưới thăm bà con và cũng để xem vùng quê ăn Tết. Đang chạy trên đường xóm Nhà Máy, thấy một ông lái mô tô đi cùng chiều chở phía sau một chậu mai. Thầy Non nói với con tôi:
“Coi kìa! Cây mai đẹp quá kìa !”
Rồi thầy chạy kè theo để con tôi thấy rõ hơn. Ông chở mai quay qua nhìn, con tôi nói lớn cho ổng nghe:
“Cây mai đẹp quá !”
Ông đó nói:
“Ờ ! Mà không có bán !”
Vì tiếng máy mô tô ồn quá nên con tôi phải nói lớn hơn cho ổng nghe: “Không! Tôi chỉ muốn nói là cây mai của ông đẹp quá hà !”
Ổng có vẻ bực mình:
“Ờ ! Người ta nói không có bán là không có bán !”
Rồi ổng vọt ga chạy thẳng, làm thầy Non phải ngừng xe lại để cả hai cùng ôm bụng cười ! Sau đó, lại tiếp tục đi. Một lúc, thấy một ông chạy Honda chở thằng nhỏ ngồi phía sau đâu lưng với ổng, ôm trong lòng một quày dừa tươi. Con tôi, nhớ lại vụ cây mai, muốn phá chơi nên hỏi chọc:
“Dừa có bán không vậy?”
Thằng nhỏ thúc cùi chỏ vào lưng người lái xe:
“Ba ! Ba ! Thằng chả hỏi có bán dừa không kìa !”
Người đàn ông làm thinh nhưng có vẻ suy nghĩ. Bỗng, ông ta la lên:
“Ừa ! Bán !”
Rồi tấp xe vào lề ngừng lại. Thầy Non nói:
“Ở chùa thiếu gì dừa ! Mua chi vậy?” Hỏi chơi mà đâu có dè ổng bán nên con tôi đành mua một trái. Ông đó nói:
“Dừa tôi mua cho vợ tôi kho thịt ăn Tết. Thấy cậu hỏi mua, tôi nhường một trái cho cậu uống chơi !”
Con tôi nói cám ơn mà không dám cười !...
Sau hơn ba mươi năm “đổi đời”, cái thật thà chân chất của quê tôi, may quá, vẫn còn nguyên như cũ!

* * *
Bán vé số

Trên chiếc bắc Mỹ Thuận. Chiếc bắc chở đầy nhóc xe và người, ùng ục qua sông. Mấy người bán dạo rao hàng inh ỏi. Vợ chồng tôi đứng ở khoảng trống phía đầu chiếc bắc, nhìn sông nước minh mông với những dề lục bình xanh biếc nhấp nhô trên sóng nước. Mùa này, lục bình bắt đầu nở bông nên thấy có màu tim tím e ấp lấp ló giữa những bựng lá to láng mướt. Đẹp quá! Sau hăm mấy năm xa xứ, bây giờ có dịp về thăm, chúng tôi thấy cái gì cũng đẹp ! Nước sông đục ngầu phù sa... cũng đẹp! Chiếc ghe bầu phình bụng chở lúa khẳm lừ tưởng chừng như sắp chìm...cũng đẹp ! Chiếc đò ngang hay đò dọc gì đó dài thòng có cái mui bằng phẳng thấp lè tè, hai bên hông trống trơn không có gì che chắn, lướt sóng chạy bắn nước như giành sông với những ghe thuyền khác... cũng đẹp !
Bỗng, một bé gái cỡ 10 tuổi đến gần vợ tôi, tay chìa một tấm vé số, năn nỉ bằng một giọng trong trẻo nhưng nói khá to để át tiếng những người bán dạo chung quanh:
“Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương. Vợ tôi lấy tiền mua vé số rồi vuốt đầu nó, hỏi:
“Nhà con ở đâu lận?”
Chắc bả thấy tội cho con nhỏ, mới có bây lớn tuổi đầu mà bán xong còn phải lội bộ về nhà giúp mẹ ! Nó nhìn vợ tôi, mỉm cười rồi mới trả lời:
“Dạ ! Ở xóm rạch Ngo gần đây hà !” Cái cười của nó có duyên vô cùng. Trước khi đi, nó còn biết nói:
“Cám ơn nghe ngoại !”
Tôi nhìn theo mà thấy mến cái dáng nho nhỏ thon thon của nó trong bộ đồ bà ba vải trắng đã ngả màu bùn non lờn lợt...
Một lúc sau, tôi nghe ở hành lang phía bên kia vang lên tiếng lảnh lót của con bé:
“Ngoại ơi ngoại ! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Tôi nhón gót nhìn sang: đúng là nó! Vợ tôi hỏi:
“Nó hả?”
Tôi gật đầu mà không nén được tiếng thở dài...
Tôi nhìn ra sông nước với vài chiếc ghe thuyền đi lại, nghĩ mà thương cho thân phận người dân bây giờ... Tôi buột miệng nói:
“Bây giờ... sao thấy nhiều lục bình quá hổng biết”...
Chiếc bắc vẫn ùng ục nhả khói qua sông... ráng nhả khói mà qua sông...
Trích: "Tiểu Tử toàn tập"

Lại những chuyện nho nhỏ:

Trong thuở giao thời có rất nhiều chuyện nho nhỏ thiên hạ kể cho nhau nghe rồi bỏ ! Tôi thấy uổng quá ! Bởi vì mỗi chuyện nho nhỏ là một nét chấm phá góp phần xây dựng một bức tranh ghi lại hình ảnh của một thời. Nó cũng mang nét lịch sử đó chớ! Vì nghĩ như vậy nên tôi cố gắng lượm lặt vài chuyện nho nhỏ sau đây…

Chuyện cái tên:

Chuyện 1

Hồi thời đó (thời 1975, bây giờ chắc khác !) muốn đi đâu ra khỏi vùng mình cư ngụ, người dân phải xin giấy giới thiệu của chánh quyền nơi cư ngụ, lận lưng đi đường mới an toàn bởi vì từ điểm A (nơi mình ở) đến điểm B (nơi mình muốn đến) mình có thể bị xét hỏi bởi chánh quyền nơi mình đi qua ! Chưa hết ! Đến nơi (điểm B) mình phải trình giấy giới thiệu để chánh quyền đóng dấu chứng nhận "có đến", sau đó khi trở về nơi cư ngụ mình phải trả giấy giới thiệu lại cho chánh quyền điểm A để chứng minh rằng mình đã trở về! So với thời "Ngụy" – cái thời mà muốn đi đâu cứ… xách đít đi rồi có trở về hay không trở về chẳng có… con ma nào thắc mắc ! – thì nói "Miền Nam được giải phóng" thiệt tình quá ư là vô lý và hài hước !
Một chị bạn tên Trần Ngọc Nữ xin giấy giới thiệu để đi từ Gia Định về Tây Ninh thăm gia đình. Đến hẹn, chị lại văn phòng Ủy Ban Nhân Dân quận lấy giấy giới thiệu. Thấy trên giấy đề "Trần Thị Nữ", chị không chịu nên phản đối:
"Tôi tên Trần Ngọc Nữ, anh phải đề Trần Ngọc Nữ cho hạp với các giấy tờ khác, chớ anh sửa Trần Thị Nữ đâu có được!"
Anh chàng cán bộ đội nón cối nghiêng nghiêng (Lạ lắm: làm việc trong văn phòng mà vẫn đội nón và nón cối của họ không bao giờ vừa với cái đầu nên lúc nào cũng thấy… xiêng xiêng xéo xéo!) ngồi sau bàn viết đầy hồ sơ giấy tờ - người đã trao văn bản cho chị Nữ - hất hàm hỏi: "Chị là đàn ông hay đàn bà, hả?" Thấy chị Nữ làm thinh, anh ta nói tiếp: "Chị là đàn bà phải lót chữ THỊ chớ!" Chị Nữ bực mình nói lớn:
"Tôi không biết! Tôi tên Ngọc Nữ anh phải để Ngọc Nữ chớ anh sửa ngang xương vậy đâu có được!"
Nghe to tiếng, một người từ phòng bên trong bước ra hỏi:
"Gì thế?"
Thấy cha nầy có vẻ… xếp nên chị Nữ phân trần. Nghe xong, anh ta nói: "Chị nầy có lý ! Đồng chí làm như thế là sai ! Làm lại văn bản khác với đúng tên trong giấy tờ của chị nầy rồi mang vào tôi ký tên !"
Một lúc sau, "đồng chí đội nón cối" trao giấy giới thiệu cho chị Nữ mà nói một cách hằn học:
"Nè! Tôi sửa theo ý của chị rồi đó ! Đi ra đường, người ta tưởng chị là đàn ông, thây kệ chị à !"
Chuyện nầy do chị Nữ kể lại rồi chấm câu: "Khùng quá !"

Chuyện 2:

Hồi trước 1975, đi lính gọi là đi "quân dịch". Sau 1975, cũng là đi lính nhưng được gọi bằng một mỹ từ "đi làm nghĩa vụ quân sự". Gì chớ hai từ "nghĩa vụ" nó… gài con người ta vào công việc gì đó với một sự hãnh diện cao cả chớ không phải bó buộc hạ cấp như "dịch" trong quân dịch. Ở đây, phải công nhận mấy thằng cha cách mạng… xào nấu từ ngữ rất "đỉnh cao trí tuệ"!
Sau 1975, một hôm có ba tên bộ đội nhận chuông nhà tôi. Con gái tôi chạy ra. Họ nói:
"Chúng tôi là phường đội đến gọi anh Võ Hoài Thanh đi họp để chuẩn bị làm nghĩa vụ quân sự".
Con gái tôi nói:
"Tôi là Võ Hoài Thanh đây!"
Họ ngạc nhiên:
"Thế… chị không phải là đàn ông à? Lạ nhỉ!"
Chuyện nầy tôi nhớ tới bây giờ có lẽ tại vì nó tếu không chịu được !

Chuyện 3:

Chị Odile là người Việt nhưng nhờ có dân Tây nên vào cuối 1975 chị lo giấy tờ để "hồi hương" nghĩa là trở về cái xứ Pháp của chỉ. Khi chỉ góp hồ sơ ở Nguyễn Du, người cán bộ nói:
"Ngày mai chị đến đây, tôi sẽ gọi tên từng người để trả lại hồ sơ đã cứu xét".
Hôm sau, chị Odile trở lại ngồi đợi gọi tên mình. Đợi cả ngày không nghe gọi. Rồi hôm sau nữa, chị lại đến ngồi đợi. Chị thấy những người góp hồ sơ sau chị được gọi lại lãnh nên chị "làm gan" chen vào gặp cán bộ để khiếu nại. Cán bộ hỏi:
"Chị tên gì?"
Trả lời:
"Odile".
Cán bộ dò trong cuốn sổ rồi trả lời: "Không có".
Anh ta thấy chị Odile nhăn mặt muốn khóc bèn đẩy cho chị tờ giấy và cây viết:
"Chị viết tên chị vào đây. Viết cho rõ tôi xem nào!"
Chị viết bằng chữ hoa loại chữ in. Cán bộ nghiêng đầu đọc rồi la lên:
"O đi le mà chị cứ nói chị tên Ô gì gì nên tìm không ra!"
Rồi hắn đưa cuốn sổ cho chị xem, ngón tay chỉ chỉ:
"Đây nầy: O ĐI LE đây nầy ! Cả ngày nay tôi gọi rát cả họng mà có thấy ai đâu?"
Hắn tìm trong chồng hồ sơ lấy ra một cái trao cho chị Odile, mỉm cười:
"Nhớ nhé: O ĐI LE chớ không phải Ô gì gì đâu !"
Chị Odile ôm hồ sơ đi ra, bực mình đến độ quên nói tiếng Cám ơn !

Chuyện chú chệt bán nước đá:

Vào mấy ngày cuối tháng tư 1975 thiên hạ rần rần chạy di tản. Sân bay, bến tàu… đầy người. Trực thăng bốc người từ nóc nhà các dinh thự ngoại quốc, tiếng máy rền trời Sài Gòn nghe như loạn !
Trước cổng Phi Long (thuộc sân bay Tân Sơn Nhứt) có một khu đất trống và vài cây to che nắng cho xe nước đá của một chú chệt đứng tuổi. Một nhóm người được mấy chiếc xe hơi đổ xuống đó. Họ có vẻ là người đi di tản vì thấy "tay xách nách mang" và nhiều người hay nhìn đồng hồ tay rồi nhìn lên trời. Một số đông vây quanh xe chú chệt, uống nước đá nhưng ít nói chuyện với nhau hay có nói thì chỉ nói nho nhỏ làm như sợ bị lộ !
Bỗng có tiếng trực thăng phành phạch trên trời rồi một chiếc trực thăng đáp xuống vội vã làm bốc bụi mù chung quanh. Không gọi nhau nhưng mọi người đồng loạt chạy về phía trực thăng đỡ nhau leo lên. Bên trong đã có nhiều người lố nhố. Một anh lính Mỹ đứng ở cạnh cửa nghiêng người xuống phụ.
Chú chệt chạy theo đòi tiền nước uống, đưa hai tay lên la lớn:
"Ê! Trả tiền nước chớ ! Mẹ ! Bộ muốn tao đi thưa hả?"
Anh lính Mỹ lại nghiêng người xuống nắm tay chú chệt kéo lên đẩy vào trong, trong lúc trực thăng bốc lên vội vã ! Chú chệt nhìn xuống đất la bài hãi:
"Chết cha tao rồi !"
Ông ta định nhào xuống thì anh lính Mỹ tưởng ổng mất thăng bằng bèn xô ổng vào trong rồi đóng cửa lại. Chú chệt vừa rống lên khóc vừa quì xuống ôm chân anh lính Mỹ:
"Tao không có đi ! Không có đi ! Thả tao xuống !"
Anh Mỹ nhìn xuống chú chệt, nói to bằng tiếng Mỹ dĩ nhiên:
"Mừng quá phải không? Được bốc đi di tản như vầy mừng là phải ! Chúc anh nhiều may mắn ! OK?"
Chuyện nhỏ nầy chấm dứt bằng tiếng máy bay trực thăng, nghe sao vô tư kỳ lạ !

Chuyện bộ đội đi xích-lô:

Trong thời "đổi đời" năm 1975 người ta thấy thầy giáo tháo giày đi làm thợ hồ, anh thợ bạc ra ngồi góc đường bán chuối chiên, chị y tá bỏ ống chích ra ngồi ở đầu ngõ bán thuốc hút và rất nhiều người đi đạp xích lô, trong đó có khá đông lính cộng hòa.
Một hôm, một anh bộ đội hỏi anh xích lô:
"Nầy ! Từ đây về chợ Tân Định lấy bao nhiêu?"
Anh xích lô cười khinh khỉnh, chỉ vào chỗ ngồi bình thường:
"Ngồi đây là năm ngàn".
Rồi chỉ vào chỗ để chân phía dưới: "Còn ngồi đây là ba ngàn!"
Anh bộ đội bước lên ngồi chồm hổm chỗ để chân, nói:
"Ta đi thôi!"
Anh xích lô, thay vì đạp về hướng Tân Định, lại đạp đi loanh quanh giống như đi "diễu hành" cho thiên hạ xem ! Mà thiệt ! Người ta chỉ chỏ rồi đấm nhau cười như đang xem trò hề ! Anh bộ đội tỉnh bơ! Đúng là "đổi đời" !

Trích "Tiểu Tử toàn tập"
Đăng ngày 29 tháng 11.2017

Không có nhận xét nào: