Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Ông Sáu Cửu - Tiểu Lục Thần Phong


Con hẻm nhỏ trước hồ Kỳ Hòa vốn im lìm và lặng lẽ như bao con hẻm ở thành đô, mỗi buổi sáng được đánh thức bởi những tiếng rao: “Bánh mì nóng đây”, “Ai bánh tiêu, dầu cháo quẩy hôn”, “Ai bánh ướt, hủ tiếu hôn”, và những tiếng mõ lóc cóc của những xe hủ tiếu đậu đâu đó. Ông Sáu Cửu mở cửa ra mua mấy ổ bánh mì rồi quay ngay vào trong. Ông Sáu Cửu vốn cao to, râu tóc dài trông rất nghệ sĩ và sang, có lẽ hồi trẻ ông rất đẹp trai và phong độ. Ông sống với một người con trai ở trong ngôi nhà ba tầng lầu, giá cả giờ cỡ mười lăm tỷ bạc. Ông Sáu sống kín đáo và lặng lẽ, không tiếp xúc với láng giềng, có gặp mặt thì cũng chỉ chào xã giao một tiếng rồi thôi. Nhiều người tò mò tọc mạch nhưng cũng chẳng biết gì nhiều về đời tư của ông. Trong xóm, có lẽ bà Tám Quỳnh là người gần nhà và cũng là thân với ông Sáu nhất.
<!>
– Tui với ổng ở đây từ trước những năm bảy lăm, vợ con ổng ra nước ngoài từ lâu lắm rồi, họa hoằn lắm mới thấy họ về thăm ổng vài tuần rồi lại ra đi. Nghe đâu mấy con ổng vượt biên, sau đó bảo lãnh vợ chồng ổng bả nhưng ổng hổng chịu đi. Mấy chục năm nay ổng sống với thằng con hơi bị chạm dây thần kinh.
Bà Chín Hoa, nhà đối diện với ông Sáu phụ họa thêm:
– Người gì đâu mà cô độc, hổng chịu giao tiếp với ai cả, chẳng có tình nghĩa láng giềng gì hết ráo.
Ông Hai Quản thì nói:
– Tui có rủ ổng tham gia hội người già để sinh hoạt cho vui, vậy mà ổng cũng đâu có chịu, trời sanh mỗi người mỗi tánh, sống mỗi người mỗi nết chết mỗi người mỗi tật.

Cuối năm ấy, xóm giềng trong con hẻm 360/72 thấy nhà ông Sáu Cửu rộn ràng có Việt kiều về. Nhiều người xuýt xoa ghen tị khi thấy người đàn bà luống tuổi ăn mặc sang trọng bước xuống taxi cùng với mấy cái vali hiệu LV. Những sáng kế đó, họ thấy xe con vào tận cửa rước người đàn bà và hai người con đi ăn sáng. Ông Sáu vẫn cứ như thường lệ, sáng ra là mua bánh mì, hổng biết những ngày có Việt kiều về ông ấy có ăn hay không mà vẫn mua. Nhà ông Sáu những ngày có Việt kiều cũng không khác gì những ngày khác, cửa vẫn im ỉm đóng, người ra vào là mất hút và đóng cửa lại ngay. Bà Chín Hoa thỉnh thoảng có nghe tiếng cãi vã. Bà biết thằng Hải từ khi nó còn nhỏ xíu, nay nó đã là anh thanh niên, nó cũng chào bà nhưng chỉ là xã giao chứ không thân thiện. Buổi tối bà ngồi ngoài hiên hóng gió và hóng chuyện luôn, tiếng thằng Hải:
– Ba già rồi, giờ bán cái nhà này đi, mua cho anh Hoài cái nhà nho nhỏ khác. Ba thì qua Mỹ sống với má và tụi con.

Bên trong căn nhà vốn lạnh tanh lâu nay, giờ có tiếng cãi vã to đôi chút cũng chẳng đủ để có sinh khí. Lâu lắm rồi cả nhà mới ngồi quây quần trong chốc lát. Ông Sáu Cửu như pho tượng bất động, chỉ có mỗi ngón tay khẽ gõ nhẹ nhẹ trên mặt bàn đủ để biết ông là con người bằng xương thịt. Giọng ông Sáu khe khẽ nhưng rõ ràng rành mạch:
– Ba không đi đâu hết, nhà này cũng không thể bán, bán rồi thì thằng Hoài ở đâu? Ba ở đây chăm sóc nó.
Thằng Hải đã năm lần bảy lượt đòi bảo lãnh cho ông Sáu nhưng ông ấy nhất quyết không chịu, sau khi nhà đất lên giá nó đề nghị bán ngôi nhà nhưng ông Sáu cũng không đồng ý. Hải bực bội to tiếng:
– Bảo lãnh ba không đi, nhà có giá ba không chịu bán, ba sao lập dị khó tánh quá!
Ông Sáu cả đời trầm tĩnh, xưa giờ chưa từng thấy ông giận bao giờ, lúc nào cũng nhỏ nhẹ từ tốn. Ông nói:
– Ba không đi đâu cả, ngôi nhà này sau khi ba chết thì con muốn bán sao cũng được, nhưng giờ thì để ba ở và lo cho thằng Hoài.
Bà Lệ, vợ ông Sáu bảo thằng Hải:
– Ổng không đi thì thôi, con đừng có nói nữa làm gì, hồi nẳm ổng còn chưa chịu đi huống gì là bây giờ.
Bà Lệ quay qua ông Sáu:
– Ông nói thương tui mà sao không chịu đi?

Nói thì nói thế thôi chứ bà Lệ thừa biết tánh chồng mình. Tình yêu của ông dành cho bà chẳng có điều gì để nghi ngờ. Lần đầu trở về nước thăm nhà, bà đã rất xúc động khi thấy cái nón bà úp ở góc bàn ăn vẫn còn nguyên đó, quần áo và những vật dụng bà không mang theo vẫn y nguyên vị trí của nó, không một tí xê dịch hay mất mát. Ông giữ nguyên mọi thứ vật dụng của bà, cứ như thể thời gian ngừng lại ở trong ngôi nhà này kể từ lúc bà ra đi. Ông Sáu trân trọng giữ gìn từng kỷ niệm nhỏ nhất, những kỷ vật của bà ông nâng niu như nâng niu chính bà. Bà biết ông yêu bà lắm, hồi còn làm quận trưởng Tuy Viễn, những người đồng liêu với ông ai cũng có bồ nhí, vợ bé nhưng ông thì không. Nhất định không! Sáng vào quận làm việc, hết giờ thì về nhà ăn cơm với bà. Ông chưa từng ăn chơi hay làm điều gì khiến cho bà phải buồn lòng. Ngày Đà Nẵng thất thủ, quân dân hoảng loạn rần rần chạy vào nam. Bình Định tuy chưa loạn nhưng ông Sáu đoán biết cũng chẳng bao lâu nữa nên đốt hết giấy tờ hồ sơ và những gì có liên can đến thân phận ông, sau đó ông dùng xe vespa chở bà Lệ, ba đứa con và những món vật dụng cần thiết với tiền bạc chạy vào Sài Gòn. Sài Gòn cũng như bầy ong vỡ tổ, dân và quân đều sợ xanh mặt, ai cũng ngược xuôi tất tả nhưng chẳng biết chạy về đâu. Với một người rành rẽ chuyện hành chánh quan trường nên ông làm lại giấy tờ tùy thân khác với một danh tính mới hoàn toàn. Ngôi nhà ở hẻm 360/72 ông mua từ hai năm trước, nay trở thành nơi ở chính thức của vợ chồng ông, láng giềng người cũ kẻ mới nhưng cũng chẳng biết gì nhiều về ông. Mấy năm sau thì thằng Hải với con Hà vượt biên trót lọt, sau tụi nó làm giấy bảo lãnh ông bà qua Mỹ nhưng chỉ có bà chịu đi chứ ông thì nhất quyết ở lại. Thằng Hoài vốn là giáo viên dạy nhạc nhưng không hiểu sao tự dưng bị trầm cảm rồi sanh tự kỷ nặng, anh ta cứ ám ảnh vi trùng, suốt ngày rửa tay đến lột cả da tay. Nhà trường cho nghỉ việc và từ đó ở nhà với ông.

Lịch sử có những lúc vô cùng nghiệt ngã, trong dòng chảy liên lỉ bất tận của nó, đôi khi lưu đọng lại những chuyện khó tin nhưng có thật, những ẩn tích lịch sử nếu dùng lối lý luận thông thường thì thấy khó có thể tin là có thật. Năm xưa cũng ở mảnh đất ấy, nơi nhà Tây Sơn phát tích, sau khi Nguyễn Vương lên ngôi, toàn bộ những ai có liên can đến nhà Tây Sơn đều bị tru diệt, lệnh truy cùng diệt tận được duy trì vĩnh viễn ấy vậy mà đô đốc Long và đô đốc Dõng lại trốn thoát một cách kỳ lạ. Triều đình với hệ thống mật vụ, chỉ điểm khét tiếng cũng không thể tìm ra tông tích hai ông, thiên hạ danh môn chánh phái cho đến tả bang ngoại đạo cũng không biết hai ông ẩn thân nơi nào. Thế rồi hai trăm năm sau lịch sử lặp lại. Ông cựu quận trưởng biến mất không để lại một manh mối hay tông tích gì, trong khi ấy những người trên ông, dưới ông đều bị trả thù tàn bạo, bị tù đày, bị đẩy lên rừng hoang nước độc, hoặc bị giết chết.
Ông cựu quận trưởng biến mất, người dân không biết, đồng bào không biết, nhà cầm quyền cũng không biết. Có nhiều giả thuyết đặt ra như: ông chết trận, ông chết trong loạn quân khi di tản, chết mất xác khi vượt biên, hoặc là đã ra nước ngoài và mai danh ẩn tích… tuy nhiều giả thuyết như vậy nhưng chẳng ai dám khẳng định thuyết nào đúng, chuyện cũng dần mai một theo thời gian, nhà cầm quyền cũng đóng hồ sơ, coi như mất tích. Đời vẫn thường bảo “Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi ẩn trốn an toàn nhất”, có mấy ai ngờ… chẳng có ai ngờ…

Tuần tới bà Lệ và thằng Hải trở lại Mỹ, cả nhà làm tiệc chia tay. Họ hàng có vài người thân ở Bình Thạnh đến dự tiệc. Bà Kim Hoàng, chị ông Sáu Cửu nói:
– Chú Sáu không muốn đi, thím với cháu Hải cũng đừng ép uổng, chú ấy giờ cũng già rồi, sống ở đây cũng an ổn chứ chẳng có gì đáng lo đâu. Chú ấy có sự lựa chọn của chú. Ở đời đôi khi sự lựa chọn của người này lại rất khó hiểu với người kia, cũng không biết chắc được cái sự lựa chọn nào hay hơn. Ngày xưa chị cũng từng mấy bận góp vàng để đóng tàu mua bãi vượt biên, rốt cuộc xôi hỏng bỏng không, mất cả chì lẫn chài mà còn ở tù nữa chứ. Xem ra số phận mỗi người không ai giống ai, có người muốn thì chẳng được có người được thì lại chẳng muốn.
Bà Lệ nói:
– Chị nghĩ thử xem, vợ chồng bảo yêu thương nhau nhưng sống mỗi người mỗi nơi, nào có phải là không thể sống chung mà do cái tánh ngang bướng của ảnh.
Bà Kim Hoàng cười nhẹ:
– Thím thử đặt ngược vấn đề lại xem, sao thím hổng chịu ở đây với chú ấy? Ở thành đô này cuộc sống cũng dễ dàng, nhà cao cửa rộng, xóm giềng đông vui, sao thím không theo chồng mà đòi chồng phải theo thím? Quá khứ chú ấy đã vùi sâu chôn chặt, thành đô này có ai biết thân phận chú ấy đâu.
Bà Lệ không đồng ý:
– Ở đây sao bằng bên kia được, ở bển cuộc sống sung túc, vật chất phủ phê, tự do lắm.

Bà Kim Hoàng vẫn cười nhẹ:
– Với chừng tuổi này rồi thì thím nói những điều ấy có nghĩa lý gì nữa, nếu mấy mươi năm trước thì đấy là vấn đề lớn, là cả một trời ước mơ. Cái tuổi già gần đất xa trời này không chừng sống ở đây lại yên ấm và vui hơn. Chị cũng từng nghe nhiều người than, qua bên ấy cày như trâu chứ chẳng phải thong thả nhàn nhã như ở đây.
Anh Hải nãy giờ lắng nghe má và bác Kim Hoàng nói chuyện, giờ anh nhảy vào:
– Đâu phải bây giờ con mới làm giấy bảo lãnh, con đã làm từ hai mươi mấy năm trước kia mà, nhưng ba không chịu đi.
– Tánh ba con là thế, chịu thôi! Con đừng quên ba con đã từng là ông quận trưởng có tiếng tăm, thời thế nó thế nên phải thế! Mà con cũng đừng quên, còn thằng Hoài nữa, nếu ba con cũng ra đi thì ai chăm sóc nó?

Ông Sáu Cửu từ đầu đến cuối không nói lời nào, ăn uống nhỏ nhẻ từng tí, gương măt không vui cũng chẳng buồn. Ông lặng lẽ như một cái bóng, một cái bóng cứ lần lữa lọ mọ suốt bao nhiêu năm nay. Chợt ông Sáu lên tiếng:
– Đi hay ở với ba không có ý nghĩa gì cả, đời ba coi như hết kể từ khi trốn khỏi quê nhà. Mấy mươi năm nay dưới thân phận một ông già lú lẫn ở con hẻm này cũng an ổn. Ba không còn mong gì cả. Giờ thì vật chất hay những chuyện dân tộc, tự do cũng chẳng có tác dụng gì, chẳng khác nào gió thoảng mây bay, như hơi rượu cay. Một ông già gần đất xa trời còn nói mấy chuyện ấy làm gì? Ba chỉ có một nỗi bận tâm là mai đây nằm xuống ai sẽ lo cho thằng Hoài? Con dù ở bên ấy cũng nên chiếu cố anh con một tí, dù gì cũng là anh em máu mủ với nhau.
Ông Sáu không một lời đá động đến bà Lệ, ông thương bà hết mực, gần như tôn thờ bà nhưng bà xuất cảnh mà không chịu ở lại với ông, trong lòng ông hụt hẫng, vừa thương vừa giận như một chú bé con. Bằng chứng là những bài trí trong nhà do bà Lệ làm, ông giữ nguyên như viện bảo tàng trong suốt mấy chục năm qua, từ cái nón góc bàn, ly nước uống dở ở đầu giường, cái áo treo bên cánh tủ. Nếu những ai đã từng ghé chơi nhà ông mấy mươi năm trước, giờ quay lại chắc không khỏi ngạc nhiên. Tất cả như hóa thạch kể từ ngày bà ra nước ngoài.
Bà Lệ cảm thấy nhột lòng khi ông chẳng nói gì đến bà:
– Ông làm như chỉ có ông thương thằng Hoài, tui vẫn gởi tiền cấp dưỡng cho nó hằng tháng đấy chứ!

Bà nói đúng, tuy bà không gần ông và thằng Hoài nhưng hàng tháng bà đều gởi tiền về cho hai cha con ông, chu cấp đủ để hai cha con ông sống dư dả so với đời sống của người dân ở đây.
Mẹ con bà Lệ trở lại Mỹ, ông Sáu vẫn lặng lẽ như bao tháng năm qua, mỗi sáng hé mở cửa mua bánh mì và quay vào khép lại thật nhanh. Cho đến một ngày kia láng giềng không thấy ông Sáu mở cửa mua bánh mì như thường lệ mỗi sáng, một ngày rồi hai ngày, ba ngày… Cuối tuần, cô Hà, cháu gái ông Sáu từ Bình Thạnh lên thăm ông thì hàng xóm mới biết ông chết ở trong nhà mấy ngày rồi. Thằng Hoài vẫn cứ rửa tay mải miết, nước đã ăn đôi tay lở loét trông phát khiếp.

Tiểu Lục Thần Phong
(Ất Lăng thành, 07/22)

Không có nhận xét nào: